Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

LẦM LỠ - PHAN LỆ DUNG


Một sáng ra vườn
Vô tình
tôi bẻ gảy cành hoa
để con bướm trắng không nơi đậu.

Một chiều ra đồng
Trời nắng thấp rọi trên mặt lúa lóng lánh
Lũ dế mèn ríu rít chạy giữa bầy châu chấu xanh
Đàn vịt níu mặt trời xuống cỏ
nhai nắng hanh vàng.
Vô tình
tôi để quên chiếc nón
Nắng chiếu xiên một bên đầu
làm hoe mái tóc.

Một chiều trời có mây
Trên con đường ngoằn ngoèo nhiều cỏ may và hoa lan dại
Vô tình
Tôi để quên nụ hôn nồng cháy
quên bờ ruộng nhỏ
quên tiếng sẻ nâu lưu vong xao xác cánh đồng
quên gửi thư cho anh
lá thư cuối cùng viết trong đêm mưa bão
Gió chạy lào rào để rớt mấy giọt mưa trong bụi cây lác
Đàn bò bỏ cỏ chạy theo chiều
Vô tình
tôi để mất anh
Lại một lần lầm lỡ
Chiều buồn.

Nắng phai trên cành cây lá đỏ
Tôi ngẫn ngơ tìm.

Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

CÁO BIỆT NĂM CŨ - NGUYỄN TỊNH ĐÔNG

Ngày đã hết, năm cùng, tháng tận
Vui gì đâu ngồi mỏi vỉa hè
Này quí vị hê nhau một cái
Chào minh niên hí hố đây tê

Xin tuyên bố sang năm đổi mới
Tôi về kia hè phố trước nhà
Cây bàng nhỏ đã bung tàn lá
Che sau lưng nắng quái chiều tà

Các quí vị cứ tùy nghi di tản
Nhìn nhau hoài cũng chán chê thôi
Tôi sẽ chọn vài tay sang sáng
Ngồi đâu lưng tán gẫu mà chơi

Còn nhớ nhau lâu lâu ới lại
Làm vài temps bát ngát mây trời
Rượu vô rồi nói lời khí khái
Thì hè nhau vỗ búa thiên lôi.

Sài gòn 25h 31.12.2011
Nguyễn Tịnh Đông

Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

ANH MUỐN XÉ CẢ MÀN ĐÊM TỈNH LẶNG - LÊ CẢNH NHẠC

Xuân mơ màng thao thức nửa chừng đêm
Trời lạnh giá hút em vào sâu thẳm
Anh muốn xé cả màn đêm tĩnh lặng
Để gặp em, dẫu một ánh mắt cười
Em giấu mình trong bí ẩn xa xôi
Vừa rất thực, lại như là ảo ảnh
Ùa đến nồng say, hững hờ lẩn tránh
Để mình anh thảng thốt tê lòng
Phút giao mùa hiện hữu, hư không
Nửa đông giấu chồi nửa xuân chớm lộc
Mây cứ ngang trời để cầu vồng bảy sắc
Gió ngang cây lay nắng dưới vòm xanh.

Lê Cảnh Nhạc

Thứ Năm, 26 tháng 1, 2012

THƯA - HOA THI

THƯA

Thưa người rằng đã sang năm
Bảo quên! Vẫn nhớ ,chuyện gần chuyện xa.
Rằng đây ,nơi gọi là nhà.
Rằng kia là bóng chiều tà cố hương

Cố huơng là chốn quê hương
Mùa Xuân hoa nở trong vườn.Nhớ ơi!

MÙA XUÂN QUA MAU

Biết đến bao giờ
Về bến sông xưa
Biết đến bao giờ
Được nghe em nói

Con tim mòn mỏi
Đợi khúc giao mùa
Bàn tay với mỏi
Đợi gió ngày mưa

Hoa nở giậu thưa
Một mùa Xuân đến
Chim hót ban trưa
Gọi Xuân trên bến

Bến xưa đã chết
Tự thưở ngày nào
Tình tôi đan kết
Một mảnh hanh hao

Tình theo cơm áo
Đi bốn phương trời
Cuối năm ngồi nhớ
Đã lắm chiêm bao

Trong khe.ngoài rú
Chiêm bao thấy mình
Đời toàn là mộng
Mộng mị lặng thinh

Biết đến bao giờ
Được nghe em nói
Con tim mòn mỏi
Mùa Xuân qua nhanh

HOA TRẦN

Thứ Tư, 25 tháng 1, 2012

CHIA TAY MÙA ĐÔNG - ĐỨC PHỔ



Chỉ còn vài hôm là hết năm rồi
sao em về chi quá vội?
Hãy nấn ná cho tròn với tuổi
cho tròn vòng con giáp cho vui!

Chỉ còn vài hôm những chuyện ở đời
sẽ chấm hết như mùa đông giẫy chết!
Hãy đừng vội nói lời từ biệt
khi hương Xuân ngấp nghé chụm môi cười.

Hãy ở lại đừng đi thêm bước nữa
(một bước thôi cũng đủ xé lòng!)
Anh vẫn sợ giọt Xuân tình còn đọng
giữa đôi bờ lá nõn sẽ òa mưa!

Sao mà em vẫn muốn chia tay
khi còn vài hôm là hết năm rồi.
Anh làm thơ chỉ cốt vui đời
cho ngày Tết thêm vào câu đối đỏ!

(Cho má thắm sẽ hồng thêm chút nắng
ngày mai vui con giáp lại vui vầy.)
Chỉ còn vài hôm là hết năm này
đừng chia tay giữa mùa đông sắp cạn!

Sẽ hối tiếc khi tàn cơn giá lạnh
Lửa ngày Xuân ấm áp đắp chung tình.
Em có về nên lựa buổi bình minh
cho cuộc tiễn dài thêm lời bịn rịn!...

ĐỨC PHỔ

Thứ Ba, 24 tháng 1, 2012

GỬI ĐÓA MAI VÀNG - NGÔ CANG




Ngày giáp tết
Ta về miền thơ ấu
Đi qua đình, ngào ngạt khói hương quê
Tiếng trống ếch, trẻ con đùa ngõ xóm
Chợt nhớ bạn bè một thuở ở mô tê…

Nhớ một người
Tuổi mười lăm mười sáu
Ta cùng em kỷ niệm "đóa mai vàng"
Em áo trắng, lung linh màu nắng đọng
Một nụ hôn… ta giấu gốc đa làng.

Ngồi nhấm rượu
Ngắm hoa vàng vỡ nắng
Nhớ tuổi mười lăm chạm phải ước mơ gì
Dưới cội mai già, nhớ người xa vắng
Có bao nhiêu ngọn gió buổi xuân thì.

Ngày giáp tết
Quê nhà em biệt xứ
Kỷ niệm xanh chẳng kịp để quay về
"Đóa mai vàng" xưa
Vẫn còn đâu đó
Trong tiếng cười rúc rích phía làng quê.

Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2012

BÀI TẠ TỘI THỨ NHẤT - NGUYỄN MIÊN THẢO



Nụ hồng ươm lại làm chi
Nghìn năm còn có chút gì cho nhau
Anh chừ tóc trắng bông lau
Em còn xanh mướt nỗi đau dậy thì

NMT

Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2012

NGƯỜI ĐÀN ÔNG GIỮA CHỢ - HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

Vợ đi công tác dài ngày, gần hai năm tròn anh lo việc chợ búa cho gia đình.

Trước đây, mỗi lần chở vợ đi chợ là một lần được thư giãn: anh tìm quán cà-phê gần cổng, bình thản ngồi đọc báo hay vẩn vơ nhìn kẻ qua người lại. Còn bây giờ thì anh thực sự “tham gia thị trường” rồi!
Từ khi anh đặt chân vào Sài Gòn, ngôi chợ ở cách nhà chỉ mươi phút đi bộ này đã thành thân thuộc với gia đình anh. Anh ăn gạo muối, thịt cá, rau quả của chợ đã gần 40 năm. Nhưng anh chỉ biết mùi chợ từ xa, chỉ nghe mẹ và vợ kể chuyện giá cả lên xuống ở chợ trong bữa ăn gia đình. Với chợ, anh là một người dưng không duyên nợ, thậm chí còn có phần cảnh giác. Thỉnh thoảng vợ nhờ ra chợ mua món hàng nào đó, anh cẩn thận cầm theo nhãn hiệu, ghi giá tiền và chỉ mang vừa đủ số tiền cần mua.
Hồi anh còn nhỏ, mẹ bán hàng tạp hoá ngoài chợ Đồng Cát; gần Tết anh ra chợ trông hàng cho mẹ, không lo nhìn hàng mình mà mãi nhìn người ta mua bán, để mất hàng của mẹ, suýt khóc. Mấy người bạn của mẹ có quầy hàng gần đó, thấy thương, mua bánh cho ăn. Lớn lên xa nhà, mỗi năm về quê, anh đều đi vòng quanh chợ, nhưng không dám bước vào. Cậu anh là thầy giáo ở Hà Nội đã nghỉ hưu, về thăm nhà, một hôm ra chợ Đồng Cát ngồi ghế đẩu ăn một lúc mấy cái bánh xèo nóng hổi đúc ngay tại góc chợ. Gia đình biết chuyện, cậu bị phê bình quá xá. Anh để ý, thấy gần cổng chợ này, buổi chiều cũng có quầy đúc bánh xèo thơm phức; ít lâu nữa về hưu anh cũng sẽ ra đó ngồi ăn như cậu, mặc cho người nhà, đồng nghiệp hay học trò cười chê.
Thú thật, lần đầu tiên cầm tiền đi chợ lo bữa ăn cho gia đình, anh hoang mang quá đỗi. Anh biết mình đang nhận một “sứ mạng” nặng nề liên quan đến sức khoẻ cả nhà. Chao ôi, những người nội trợ bây giờ đích thị là những người bảo vệ sự sống của cả một dân tộc. Biết bao mặt hàng đẹp đẽ bày ra đó tưởng là nguồn dinh dưỡng cho con người mà cũng có thể là nguồn chất độc. Con mắt thường của anh làm sao phân biệt được. Anh bắt đầu “tự bồi dưỡng” kiến thức cho mình bằng cách tìm đọc những bài báo viết về tiêu dùng, về an toàn vệ sinh thực phẩm mà lâu nay anh chẳng thèm ngó ngàng đến. Anh rùng mình khi lên mạng thấy cảnh người ta tái chế chân gà ung thối đem bán cho dân mình.
Nếu có giải thưởng dành cho những người sốt sắng thực hiện chủ trương “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, có lẽ anh là một trong những khách hàng đầu tiên nhận giải. Có gì đâu, thịt gà thì anh mua gà vườn, trái cây thì mua trái cây miệt đồng bằng, rau quả thì mua rau quả Đà Lạt…Anh tránh xa những món gì có xuất xứ “lạ”. Nhưng nói thật, để trở thành người đàn ông đi chợ thành thạo như hôm nay, anh đã mấy lần trả học phí. Anh từng mua trứng gà “lạ” mà tưởng trứng gà ta, nho “lạ” mà tưởng nho Ninh Thuận, đến khi về nhà mới hay mình bị lừa. Mấy quầy hàng chơi xấu đó, đừng hòng anh quay trở lại.
Sự căng thẳng trong những lần đầu đi chợ rồi cũng giảm xuống dần, thậm chí, khi đã “có nghề”, anh còn cảm thấy niềm vui mua sắm. Nhìn bốn phía chung quanh, đâu phải chỉ mình anh là đàn ông đi chợ. Còn có những ông già về hưu, những viên chức bậc trung. Chợ này dễ chịu nhờ ít nói thách, nhưng khó chịu vì lấn chiếm lề đường quá đỗi. Có lỗi của những khách hàng bận rộn như anh. Những sáng có giờ dạy sớm, anh chỉ kịp rảo một vòng qua những quầy hàng ngoài đường, thế là góp phần cho những chiếc xe máy dồn ứ lại trên con đường trước cổng chợ vốn đã chật chội.
Hai ngày cuối tuần rảnh rỗi, anh mới gửi xe vào trong bãi, thong thả dạo chợ, ngắm nghía và cân nhắc. Phía sau chợ có mấy bà mấy chị bán cá rô, cá lóc ngon và rẻ. Hai năm nay anh đã thành khách quen của họ. Có một cô nước da bánh mật, mắt sáng, ngồi bán cá cùng chồng. Vợ làm cá, đánh vẩy, chồng cân cá, thu tiền. Hình dung chiều về, vợ chồng rửa tay sạch sẽ, ngồi đếm tiền lời, nấu nồi cơm nóng ăn với cá kho từ chỗ bán còn thừa, thấy cuộc đời dung dị mà hạnh phúc biết bao nhiêu. Vậy mà vài hôm sau, ngay trước mắt anh, vợ chồng họ bị mấy anh trật tự viên rượt đuổi, giật đổ cả thúng cá, phải chạy dạt đi chỗ khác, vì tội không bán trong quầy đúng nơi quy định.
Bao nhiêu mồ hôi nước mắt đã đổ cho mình có được bữa ăn, đời mình sao không biết ơn đời chợ. Những xã hội không có chợ là những xã hội lạc hậu nhất. Chợ là văn minh, nhưng chợ cũng có thể là nơi dối gian, lừa đảo. Khi mình là nạn nhân của chợ, thì mình cũng là nạn nhân của chính con người. Nhưng anh còn tin vào chợ, nghĩa là vẫn tin vào con người. Đi chợ, chuẩn mực và thước đo để anh chọn hàng không chỉ là nhãn hiệu sản phẩm mà còn là gương mặt, giọng nói, nụ cười của người bán hàng. Anh chọn mặt người để chọn mặt hàng. Anh mua hàng và mua cả lòng tin vào con người.
Một cái Tết nữa sắp đến. Hàng hoá, thực phẩm lại bày bán ê hề giữa chợ. Năm nay anh đã biết cách chọn hàng, anh sẽ sắm sửa để nhà mình ăn một cái Tết giản dị, bình an với thịt cá, rau quả của dân mình làm ra. Mình sẽ làm mâm cỗ cúng Tổ tiên với những món ăn truyền thống, vì ông bà mình không quen với thực phẩm “lạ” đâu nghe em.
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

Thứ Tư, 18 tháng 1, 2012

TA ĐÃ BẢO TRỜI ĐỪNG LÀM TẾT !!! - ĐÔNG HÀ


Ta đã bảo trời đừng làm tết
thường dễ buồn những kẻ không quê
ba mươi ngồi nhìn xa thương nhớ
ngả đâu cũng muốn được quay về

Tết đến ta thường buồn ghê lắm
chiều ba mươi rộng đến vô cùng
nhặt đủ thứ cho vào chưa đủ
một cái gì thương nhớ mông lung

Nên ta vẫn thường hay trốn tết
bằng cơn đau vô cớ theo về
Chừ không lẽ ra đường cho hết
cái vô tình quanh quẩn sau lưng...

Thứ Ba, 17 tháng 1, 2012

NỖI NHỚ SƯƠNG ĐÊM - LÊ THỊ KIM

Anh như một kẻ lang bạt không chốn rơi
Anh như người phiêu bạt trở về không nguồn cội
Anh bất cần đời
Ngang tàng ủ rũ

Làm sao anh biết được
Đêm mưa bay gió phủ buốt đường phố
Em lang thang
Lang thang trong hành trình mộng tưởng của mình
Cùng nỗi nhớ anh
Trong căn nhà tối đen như những tiếng dương cầm bỏ quên
Đôi khi em ngồi ngây như tượng gỗ
Mặc bóng tối vây phủ
Mặc cả tiếng rả rích từ chiếc vòi nước cũ
Trầm mình trong tiếng dặn lòng
Hãy quên
Hãy quên…

Anh làm sao biết được
Em đôi khi như một đứa trẻ
Cợt đùa hờn dỗi
Tha thẩn trong những trò chơi của mình
Nói cười cùng con tem nhỏ
Cùng những bức họa xinh
Vẫn chợt ngỡ có anh
Khói thuốc vàng tay
Lặng lẽ ngồi nhìn
Hiền như sương sớm…

Ơi, mùa đông giá rét
Như tiếng hú ngoài rừng xa buốt nhức
Anh làm sao biết được
Nỗi nhớ dẫn em qua đâu
Nỗi nhớ đưa em về đâu
Nỗi nhớ có tan như ngọn bấc lụi dầu

Ơi anh – nỗi nhớ sương đêm của em
Ơi anh – đóa hoa đầu tiên trong ngày
Đóa hoa với nắng hồng, với heo may
Đóa hoa ấp ủ - Em cùng mùa xuân
Dẫu bị vây phủ bởi âm u tàn lạnh

Xin đừng…
Xin đừng tan vào hư không

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2012

BÁNH TRÁI MÙA XƯA - NGUYỄN NGỌC TƯ



Tết một lần, cùng hai lần đám giỗ, cậu lại ra nhà người anh cùng cha khác mẹ với mình. Lành như củ khoai, lành như đất, lành như một người kém trí, như cái tên Út Khờ. Đi lần nào cũng quên vài thứ, không quên mang dép thì cũng quên đội nón, nhưng có thứ cậu không bao giờ quên mang tới nhà anh chị cậu, là bánh. Giỗ này cậu đem bánh bột đậu, giỗ sau cậu góp cốm ngào đường, tết thường có bánh kẹp cuốn, bánh bông lan, bột đậu. Những thứ bánh trái quê mùa, nằm vơ vất trên bàn thờ, giữa những món đồ cúng đẹp đẽ khác. Vơ vất như thân phận của cậu: con riêng của ông nội với người đàn bà khác.

Anh chị và đám cháu không mê bánh nhà quê đó. Chỉ con nhỏ giúp việc nhà anh cậu là đón mừng nhiệt tình. Ăn một cái bánh nghe ngon nhức cả ký ức. Bánh của cậu gợi nhớ má nó đang nằm ho ở cái quê mị cà tha nào đó. Nó biết để có mớ bánh này, mợ (cũng hiền hậu thiệt thà y như cậu) đã phải nhồi bột đánh trứng từ hôm qua. Bột trứng dẻo nhẹo, cầm bàn chụp đánh mỏi nhừ tay, thì bột mới dậy, nở bung trong diệm, rồi được đem đi nướng. Than rực dưới đáy khuôn bánh, rải ủ đều trên cái nắp bằng gang nữa, cho hai mặt bánh vàng đều. Những mẻ bánh đầu hoặc khét quá hoặc chưa được vàng ươm như ý, mợ để lại nhà. Mớ bánh cậu mang đi phải là mớ bánh đẹp nhất, nuột nhất sau khi mợ trăn trở lửa trên lửa dưới. Mợ còn cắt giấy màu thành những sợi mảnh, rải vào keo bánh vừa để hút ẩm vừa trang trí cho đẹp.

Cậu mợ không biết rằng ra khỏi xóm làng rồi, vẻ đẹp ấy trở nên lạc lõng, bơ vơ. Chị dâu cậu thường càm ràm, đã nói đem bánh trái ra chi mắc công, có ai ăn đâu… Cậu hiền lắm, nói mười hiểu hai, cười cười, cúng ba má mà đi tay không, coi sao được chị.

Má con nhỏ giúp việc cũng thường nói vậy, khi lụi hụi chuẩn bị bột, nhân, lá để làm bánh này nọ đi cúng quảy ở nhà họ hàng. Cái hồi người ta chưa bán bột làm sẵn, má nó còn phải ngâm gạo nếp qua đêm, có khi ngâm với khóm cho gạo mau mềm, để xây làm bột. Làm bánh, nói gọn lỏn vậy mà có bao nhiêu chuyện lắt nhắt phải lo, đến nỗi tàu lá đem ra phơi nắng cho vừa héo để gói bánh, trẻ con cũng không phụ được, vì không biết cỡ nào mới vừa. Má nó lo toan hết. Chị em nó mười, mười hai tuổi đã được má dạy làm bánh, thành con gái rồi má nó vẫn lo “mấy đứa làm chưa khéo…”. Chị nó lấy chồng năm rồi, chuẩn bị cho đám gã, má nướng bánh bột đậu, bánh kẹp từ năm ngày trước.

Một cái đám ở quê thường được nhắc nhớ bởi những món ăn ngon. Bây giờ người ta vẫn nhắc món bánh bò bông má nó làm hôm gã chị. Mịn và xốp, và những múi bánh như cánh hoa nở đều đặn, tươi tắn. Làm ra một món ăn ngon, hay một cái bánh ngon, thì đến lửa nhỏ lửa lớn mình cũng phải chăm chút nữa. Má con nhỏ giúp việc không nói vậy, nhưng nó tự học từ cái cách bà nắn nót rút bớt cây củi ra khỏi bếp, hoặc thêm vào mấy cục than.

Hồi đó, mỗi lần má con nhỏ làm bánh là cả một cuộc hội hè. Ngoài những thứ bánh được gọi là sang chỉ có ở những giỗ, Chạp, hay dịp tảo mộ, còn có những tiệc tùng đơn sơ hơn, ít tốn kém hơn, mà vẫn thấm đẫm hương vị. Xay lá mơ tam thể với bột, đắp vào lá mít hấp lên chan nước cốt dừa, vậy là con nhỏ được ăn bánh rau mơ. Bột trắng cán bằng chai, xong xắt sợi thả vào xoong nước đường, bột chín nổi lên mặt nước vậy là thành bánh canh ngọt cho đám nhỏ sì sụp. Hôm nào có cá lóc thì má nó nấu bánh canh mặn. Rồi thì bánh chuối hấp, chuối chiên, bánh cam nhân đậu… Bột bánh ít thừa ra từ lần làm bánh trước, má nó đem treo giàn bếp, hôm nào mưa dầm bà đem chiên lên, chị em nó lại được gặm món bánh tổ nóng hổi.

Con nhỏ giúp việc, lần đầu tới nhà chủ, nó khoe nó biết làm nhiều loại bánh, kể cả mấy loại bánh ngon hết xảy như kẹp cuốn, tai yến, tàng ong… tất nhiên là không ngon bằng má nó làm. Nhưng bà chủ phủi đi, nhà bà không làm bánh bao giờ, muốn thì bước ra cửa, thiếu cha gì món ngon, ì ạch làm gì cực thân. Bà cũng từng nói với thằng em chồng khờ khạo của mình câu đó.

Và cậu Út hiền lắm, nói mười hiểu ba, lại nhoẻn cười bảo, nhưng vui lắm, chị.

Con nhỏ giúp việc cũng từng nghe câu nói đó từ người mẹ của mình. Cực mà vui. Chỉ là không biết giải thích làm sao với người khác niềm vui sướng khi lấy từ khuôn gang nóng rực ra những cái bánh thơm lừng, ngui ngút khói. Mẻ bánh đầu đời đó, con nhỏ vẫn còn nhớ, những hạt đậu phộng rang nó ấn vào giữa cái bánh như một nhụy hoa, nhưng bánh nướng xong thì đậu rơi mất, bánh bột đậu trở thành bánh bột. Má nó nói phải học từ chuyện nhỏ xíu vậy, mới làm được cái bánh vừa đẹp vừa ngon.

Ta chỉ cần ví cảm giác đó với cảm giác cô nghệ sỹ múa ba lê vừa hoàn thành một cú xoay khó. Kinh điển, với chỉ chừng ấy động tác, nhưng từ đời này sang đời khác, từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, người nghệ sỹ vẫn đổ mồ hôi để cố hoàn thiện nó. Nhưng cậu hiền đến ngớ ngẩn, nên chỉ có thể nói cực mà vui, để nhận được từ con nhỏ giúp việc một cái gật đầu đồng tình, đúng đó, vui. Người chợ thì nhăn mặt ngán ngẩm, nói gần nói xa mà không dẹp được vụ bánh trái quê mùa này.

Cũng phải, dẹp cả một nền văn hóa thảo thơm đồng bãi, đâu có dễ

Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2012

TIM DU KÍCH - LÊ NGỌC THUẬN


nụ hôn em hạn hán

buồn nứt má nẻ môi

tháng giêng rượu xảo quyệt

say lưu lạc chổ ngồi


lòng ta như rét hại

teo tóp ngọn sầu trông

người xưa chừ mất mặt

tình vẫn vòng tay không


tóc nội thành đã ngắn

mắt vương phi tàn canh

đâu rồi đêm chim thuý

gió phu thê đoạn đành


ta một phương ngây dại

chìm trong sóng rượu lay

em đã thôi nhả khói

điếu thuốc vàng lẻ loi


ta nhớ tách càfê

môi hồng xưa nhẹ nhấp

gốc khế già chốn cũ

thanh âm quý nguyệt cầm


tên du kích đã chết

phơi xác giữa đồng hoang

sao trái tim còn đập

bởi tình vốn thênh thang.


Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2012

CAO HUY KHANH - VN HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2011 (KỲ 99)


NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

991 - Nguyễn Hiên Dỹ “TRẠM ÔNG DỸ” Cán bộ y tế sinh tại Hải Dương. Sống ở Hải Dương (2007).
Bộ đội cụt một chân trên chiến trường miền Nam.

Sau chiến tranh, là thương binh 61% trở về quê nhà làm ruộng.

Lấy vợ một cô thôn nữ trong làng, bấy giờ thấy mình tàn tật làm nông không nuôi nổi vợ con nên xin đi học làm cán bộ y tế cơ sở. Ra trường được đưa về làm ở trạm y tế xã Tân Hưng cùng quê.

Làm việc rất tích cực vừa làm tốt công tác lại còn kiêm luôn nhiệm vụ “xe đạp ôm… một chân” chở bà con đi cấp cứu! Từ đó năm 1990 được cử làm trạm trưởng.

Ngày đêm ra sức xây dựng nơi đây thành trạm y tế xã được mọi người tin cậy, tiếng thơm “Trạm ông Dỹ” lan ra toàn huyện, lên tới tỉnh. Năm 2004 được công nhận trạm y tế chuẩn quốc gia, mỗi năm tiếp nhận săn sóc cho khoảng 16.000 bệnh nhân ở địa phương.

Giữa năm 2005 trên đường đi công tác gặp tai nạn xe máy… gãy nốt chân còn lại! May mà chưa gãy lìa nên nằm viện 3 tháng xong lại chống gậy đi tập tễnh đến “Trạm ông Dỹ”.

992 - Nguyễn Tấn Bình 2 LẦN MÙ MẮT Lao động nghèo sinh 1968 tại Đà Nẵng. Sống ở Đà Nẵng (2011).
Năm 14 tuổi cuốc đất trồng cây trúng mìn nổ làm mùa mắt phải, may mà mắt trái còn thấy được lờ mờ.

Hòa bình rồi, mắt trái ngày càng giảm thị lực nên đi bệnh viện mổ hy vọng đỡ hơn nào ngờ mổ xong… mù luôn! Hai mắt mù qua 2 thời chiến tranh và hòa bình, cái giá quá cay đắng.

Dù vậy vẫn gắng gượng đứng dậy chống gậy mà sống, xin vào học ở trung tâm hướng nghiệp của Hội Người mù tỉnh tìm nghề sinh sống tạm bợ. Tại đây gặp một cô gái đồng cảnh ngộ mù mắt bẩm sinh đem lòng yêu thương tình nguyện “dẫn đường cho cả đời” nhờ “kinh nghiệm” được nhìn thấy đường đi nước bước cuộc đời thế nào trước khi mất hết ánh sáng đôi mắt.

Vợ chồng ra nghề làm tăm tre rồi vay vốn sắm chiếc xe đẩy đi bán tăm kèm hàng gia dụng khắp nơi, vợ kéo xe phía trước còn chồng gồng mình đẩy xe phía sau.

Rồi cũng sinh được một con mắt sáng bình thường làm nguồn an ủi làm động lực để làm ăn bươn chải mà tồn tại với hy vọng vươn lên qua khỏi cảnh đời tối tăm tủi phận.

993 - Nguyễn Thị Tự GIA ĐÌNH CÁCH MẠNG BỊ TỐ NGỤY QUÂN NGỤY QUYỀN Lao động sinh 1932 tại Sài Gòn. Sống ở TPHCM (2010).
Cha mẹ hoạt động cộng sản từ rất sớm thời Nam Bộ kháng chiến, nhà ở Hóc Môn từng được dùng làm địa điểm họp đảng bí mật của cán bộ lãnh đạo cao cấp Võ Văn Tần, Lê Duẩn... Bản thân từng được Nguyễn Thị Minh Khai xem như cháu đặt tên theo tên mình là Minh Tự, có lần còn bị bắt chung với mẹ phải vào ở tù cùng mẹ luôn.

Sau đó cha bị địch bắt mất tích, mẹ cũng bị bắt chịu tra tấn sinh bệnh mất sớm. Từ đó mất liên lạc với cộng sản.

Lớn lên đi dạy học rồi lấy chồng cùng nghề. Rồi chồng bị bắt lính ra sĩ quan do xuất thân nghề giáo nên được chuyển về dạy trường Võ bị Đà Lạt chuyên đào tạo sĩ quan chuyên nghiệp cho chế độ Sài Gòn. Nhưng chỉ được một thời gian thì chồng tử nạn máy bay để lại vợ và 6 con nhỏ dại.

Sau 30.4.75 tiếp tục dạy học nhưng chưa xác minh được quá trình cha mẹ từng tham gia cách mạng nên khi dám lên tiếng đấu tranh chống tiêu cực ở trường liền bị chụp mũ đơn giản là thuộc thành phần gia đình ngụy quân ngụy quyền phản động. Thế là bị cách chức hiệu trưởng, hạ tầng công tác xuống làm nhân viên thư viện, giám thị và cuối cùng… cho nghỉ việc luôn!

Đành chấp nhận đi bán vé số, bán chè, nuôi heo để lo cho cả đàn con, không oán trách than thở bởi nhớ đến tấm gương hy sinh của cha mẹ mà chẳng nhận được đền bù gì: “Cho dù cả thế hệ tôi khi mất đi mà giấc mơ của má vẫn chưa thành hiện thực thì niềm tin hướng về một cuộc sống tốt đẹp vẫn là điều phải phấn đấu…”

994 - Nguyễn Thị Vân Toàn THƯƠNG BINH THỜI CHIẾN, TAI NẠN THỜI BÌNH Nông dân sinh tại 1954 Quảng Trị. Sống ở Quảng Trị (2008).
Mới 14 tuổi đã làm giao liên cho cộng sản. Chỉ một thời gian ngắn bị thương bị bắt phải cưa cụt cánh tay phải. Đến 1973 mới được trao trả tù binh sau 5 năm tù đày.

Được được ra Thanh Hóa nghỉ dưỡng thương. Tại đây gặp và kết hôn với một cựu tù Phú Quốc.

Sau ngày hòa bình, 2 vợ chồng về quê Quảng Trị làm ruộng sinh sống, sinh được 4con. Bản thân mỗi ngày gửi con cho bà ngoại rồi còn một cánh tay vẫn đạp xe hàng chục cây số ra chợ Đông Hà bán rau quả, tối về nhà nuôi heo chẳt bóp từng đồng nuôi con.

Năm 2003 cả 2 vợ chồng được cho theo đoàn cựu tù đi một chuyến ra Bắc tham quan đây đó không ngờ trên đường đi xe đò bị tàu hỏa đâm lăn xuống ruộng làm chết 13 người. May mà 2 vợ chồng sống sót nhưng chồng bị thương nặng 81%, phần mình may chỉ bị chấn thương mặt và vai. Chồng phải nằm viện điều trị chấn thương sọ não, phẫu thuật cắt lá lách và gan.

Ra viện chồng nằm liệt gần 2 năm, một mình vợ phải vừa lo săn sóc chồng vừa chạy vạy tứ tung kiếm tiền nuôi con tránh cảnh phải bỏ học.

Vậy mà cả 4 con đều ăn học đàng hoàng, 3 con đầu đã tốt nghiệp đại học và cao đẳng ra đi làm, con gái út sắp tốt nghiệp phổ thông: “Con chính là liều thuốc tinh thần hiệu nghiệm nhất giúp tôi vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.”

995 - Nguyễn Thu Vân NỮ VÕ SƯ SỐ 1 Cán bộ về hưu sinh 1945 tại Hà Nội. Sống ở TPHCM (2011).

Được bố dạy tập võ từ năm 13 tuổi. Năm 1959 vào học trường ca kịch dân tộc Hà Nội gặp được sư phụ Tám Danh (Nguyễn Phương Danh) dạy thêm cả nghề võ lẫn cải lương.

Ra trường về đoàn Cải lương Nam Bộ làm diễn viên, lấy chồng bộ đội đặc công.

Sau 1975 ở lại TPHCM tiếp tục hoạt động trong cả 2 lĩnh vực võ thuật và sân khấu. Thụ giáo thêm với nhiều thầy võ VN tên tuổi khác, từ đó tổng hợp tinh hoa các phái võ dân tộc 3 miền thành phái võ riêng mình gọi là “Thu Vân quốc tế võ đạo”.

Đồng thời bắt đầu nghiên cứu kết hợp đưa võ thuật vào nghệ thuật sân khấu thông qua vũ đạo gọi là “Võ nghệ thuật” dạy ở trường Nghệ thuật Sân khấu. Còn mở lớp dạy võ thuật riêng, vừa biểu diễn vừa viết sách phổ biến võ thuật, tham gia lập CLB Cascadeur (diễn viên đóng thế những pha nguy hiểm trong phim) đóng phim.

Năm 1988 được Liên đoàn Võ cổ truyền VN phong là nữ võ sư duy nhất đạt bạch đai 18/18. Từ năm 1992 được nhiều lần mời qua Pháp biểu diễn và huấn luyện võ cổ truyền VN.

Năm 2005 được phát hiện ung thư vú phải nằm viện điều trị, vừa đỡ đôi chút liền lên đường đi dạy võ trở lại thì gặp tai nạn xe máy chấn thương sọ não vào viện tiếp. Vậy nhưng vẫn không từ bỏ các hoạt động võ thuật – sân khấu, vẫn gắng gượng đi dạy võ miễn phí cho trẻ em khuyết tật, soạn sách võ học…

Bản thân bệnh tật mà chồng và con trai đầu cũng mắc bệnh kinh niên nên phải bán nhà, vay nợ để vừa lo gia đình vừa có tiền in sách, lập cả trang web về võ thuật nhằm mục đích phổ biến rộng rãi.

Tất cả nhằm “trả ơn đời” với ước nguyện xây dựng môn võ cổ truyền VN thành “quốc võ” xứng đáng được đưa vào dạy ở trường học giúp hun đúc thêm tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ.

996 - Nguyễn Tiến Văn ĐEM GIA TÀI SÁCH CHO NHÀ NƯỚC Dịch giả Việt kiều Canada sinh 1940 tại Hà Nội. Sống ở TPHCM (2011).
Người trong nuớc hiến sách cho Nhà nước cũng có nhưng nhiều nhất chỉ khoảng 10.000 cuốn, còn đây là Việt kiều từng vượt biên bây giờ lại mang sách mua từ nước ngoài về tặng cho thư viện Nhà nuớc đến 18.200 cuốn sách chất đầy trong một kho rộng 46m2.

Bản thân là dân mê sách từ hồi 15 tuổi. Lớn lên tuy không tốt nghiệp đại học song cũng từng cùng bạn bè mở một nhà xuất bản tư nhân chuyên in sách dịch ở Sài Gòn trước 1975.

Năm 1985 cùng gia đình xuất cảnh qua Canada để lại 6.000 cuốn sách cho bạn bè. Rồi đến xứ người lại tiếp tục đam mê sách, không đi làm mà chỉ ở nhà đọc sách và chăm lo tủ sách bắt đầu gầy dựng lại. Tiếp tục mua sách nhờ vợ (cô giáo dạy văn) chi tiền, nhắm mua các dịp sách giảm giá đủ loại để mua được nhiều, từ đó gầy dựng lại được cả một kho sách đồ sộ.

Không chỉ mua sách ngoại mà cả sách Việt bán ở nước ngoài nữa vì vẫn nặng lòng với nền văn hóa dân tộc. Vì vậy từng ra tờ nguyệt san “Trăm con” chuyên đề về văn hóa dân tộc VN tồn tại được 3 năm từ 1994 – 1996.

Cũng với niềm hoài hương văn hóa đó mà năm 2007 bất ngờ đóng thùng container một phần gia tài sách của mình (nặng tổng cộng 7,5 tấn) gửi tàu biển về TPHCM đem tặng cho thư viện Viện Khoa học Xã hội – Nhân văn TPHCM. Toàn bộ sách trị giá trên 500.000 USD đa số bằng tiếng Anh chủ yếu về mảng đề tài khoa học xã hội và nhân văn (thể loại từ điển hơn 1.000 cuốn trong đó có bộ từ điển bách khoa quý “Encyclopaedia Britannica” 32 tập khổ lớn tổng cộng dày 32.000 trang trị giá 2.000 USD).

Sau đó ở lại luôn TPHCM, thuê căn nhà nhỏ trong hẻm làm nơi tá túc, sống đạm bạc như một “ông đạo” râu dài tóc dài chỉ lo công việc nghiên cứu văn hóa VN và dịch thuật (đã dịch tập thơ Trang Thế Hy ra tiếng Anh).

Vợ con về yêu cầu qua lại Canada ở với gia đình nhưng từ chối tuy ở bên đó còn lưu giữ khoảng 20.000 cuốn sách ngoại cùng 15.000 cuốn sách Việt: “Tôi đã làm xong trách nhiệm của tôi với gia đình, bây giờ tôi phải được sống cho chính tôi.” Cũng còn lý do “Ở hải ngoại tôi thấy mình rất cô đơn vì không tìm được những người cùng ý hướng mà lại còn bị ngộ nhận nữa.”

997 - Nguyễn Trung KHÔNG BAO GIỜ BỎ ĐI NÊN KHÔNG BAO GIỜ TRỞ LẠI Họa sĩ sinh 1940 tại Sóc Trăng. Sống ở TPHCM (2011).
Được xem là một thiên tài vẽ tranh sơn dầu đầy tính sáng tạo tinh tế giàu chất suy tưởng song cũng rất ngang bướng kiểu “không giống ai” (nên trước đây từng bị đuổi học trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định!).

Trước 1975 là chủ tịch Hội Họa sĩ Trẻ Sài Gòn gây một không khí sáng tạo hội họa mới, đoạt nhiều giải thưởng. Đã có tác phẩm vẽ cuộc thảm sát Mỹ Lai do quân đội Mỹ gây nên năm 1968.

Đến 30.4.1975 không theo nhà vợ (gốc Bắc có người thân bị cộng sản sát hại) đi di tản, sau đó bạn bè tổ chức vượt biên cho đi ké vẫn từ chối vì: “Thời thế không ăn nhậu gì đến tao. Tao khoái cởi trần đi ra đi vô ở Sài Gòn, khổ cực mấy cũng chịu!”.

Năm 1989 được cho đi Pháp ngao du một chuyến rồi cũng về thôi.

Tiếp tục vẽ tuy làm việc âm thầm ít xuất hiện, giữ vững uy tín trở thành một trong những họa sĩ lớn thời hậu chiến cả 2 miền. Vì vậy hiếm khi có triển lãm mới được ca ngợi là một cuộc “trở lại”, lập tức đốp chát ngay “Tôi có bao giờ bỏ đi đâu mà nói rằng trở lại?”

Đúng vậy, không hề bỏ đi đâu hết cả nghiệp vẽ lẫn quê hương.

998 - Nguyễn Trường Cư THỢ HỚT TÓC 1 TAY Lao động nghèo sinh 1948 tại Nghệ An. Sống ở Nghệ An (2010).
Bố làm nghề hớt tóc nên năm 16 tuổi cũng theo nghề bố hớt tóc vỉa hè.

Năm 1965 từ giã nghề hớt tóc để nhập ngũ làm bộ đội bảo vệ TP Vinh chống máy bay Mỹ ném bom. Năm 1969 không may trúng bom Mỹ phải giải phẫu cưa mất tay trái lên sát vai. Sau một năm nằm viện được cho về.

Trở về là thương binh không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình nên mới tìm cách rèn lại tay nghề hớt tóc cũ để kiếm sống. Nhưng còn 1 tay nên hớt tóc không phải dễ, chạy tông-đơ xén tóc thì được chứ màn cạo râu cho khách thật gian nan khó khăn biết bao, thậm chí còn nguy hiểm nữa lỡ… cắt đứt da mặt người ta!

Nhờ quyết tâm cao, lại có sẵn kinh nghiệm cũ nên dần dần tập luyện bền bỉ cũng làm được. Lại đông khách nữa một phần vì mọi người tò mò rồi ủng hộ giúp đỡ thương binh, phần khác tay nghề ngày càng điêu luyện cộng thêm tính tình hài hước vui vẻ gầy chuyện thú vị với khách ngồi cắt tóc. Tới mức có lúc bị thợ hớt tóc khác ganh ghét đòi kiện tội phá giá cạnh tranh bất hợp pháp!

Chẳng những nuôi được 5 con trưởng thành mà trong đó 4 con trai cũng kế thừa… mở tiệm hớt tóc bây giờ còn ngon lành hơn cả bố!

999 - Nguyễn Tử Dương “CHIẾN SĨ BARIE” Lao động nghèo sinh tại Nghệ An. Sống ở Nghệ An (2008).
Nhập ngũ năm 1974 vào Nam chiến đấu ở Tây Nguyên, đến sau 1975 còn được điều lên bảo vệ biên giới Tây Nam chống quân Pol Pot.

Năm 1981 xuất ngũ thương binh về quê. Lập gia đình, chồng làm nông vợ buôn bán nhỏ, dựng căn nhà nhỏ gần Quốc lộ 1 nằm cạnh tuyến đường sắt Bắc – Nam chạy qua.

Vì nhà nằm sát tuyến đường sắt ở điểm không có trạm gác tàu nên tận mắt chứng kiến nhiều tai nạn thương tâm xảy ra cho bà con trong vùng do bất cẩn băng ngang đường tàu bị tàu đâm chết thê thảm. Rất bứt xúc song không biết làm cách nào giúp ngăn ngừa tai nạn trong khi cả địa phương lẫn ngành đường sắt hầu như không quan tâm.

Cuối cùng sau nhiều đêm trăn trở mất ngủ mới nghĩ ra một ý táo bạo: Chính mình tình nguyện đứng ra làm người “gác cổng” đường sắt – trong ngành gọi là gác “barie” tức gác rào chắn theo tiếng Pháp – để báo hiệu mỗi khi tàu sắp chạy qua đoạn này.

Thế là thuyết phục vợ bằng lòng cho mình làm chuyện “vác tù và” không lương như vậy bằng cách ra ngay điểm hay xảy ra tai nạn dựng một căn lều tạm bợ cách đường ray 20m để ứng trực tại đó suốt ngày đêm chờ hễ tàu sắp tới là cầm cờ hiệu chạy ra đứng bên cạnh đường ray làm dấu báo cho khách qua đường biết mà tránh.

Hiệu quả thấy rõ tức thì không còn tai nạn tàu lửa xảy ra nơi đây nữa.

Cứ thế làm việc không công không quản nắng mưa vất vả đối với một thương binh bởi “So với gian khổ thời chiến tranh ngày trước có đáng gì?”.

1000 - Nguyễn Văn Bé ÔNG “BA ĐẤT PHÈN” Dược sĩ sinh 1949 tại Bến Tre. Sống ở Long An (2011).
Gốc nông dân nghèo rớt mồng tơi phải đi chăn trâu và ở đợ. Năm 16 tuổi vào mật khu Đồng Tháp Mười theo cộng sản đánh Mỹ, nhiều năm lăn lộn ở vùng Mộc Hóa – Long An. Trong thời gian này học được nghề thuốc Nam chữa bệnh cho đồng đội, dân chiến khu.

Sau 1975 được cho đi học ngành dược ĐH Y TPHCM. Tốt nghiệp ra dạy ĐH Dược TPHCM, lấy vợ sinh con sống thoải mái.

Bỗng nhiên vào khoảng năm 1982 bỏ tất cả sự nghiệp, gia đình một thân một mình quay về vùng chiến khu Mộc Hóa ngày xưa tổ chức… khai hoang, lập cơ sở làm thuốc Nam! Tất cả một phần vì lòng hoài niệm “hổ nhớ rừng” đối với vùng đất chiến đấu gắn bó ngày xưa, phần khác do kinh nghiệm, kiến thức về ngành dược thấy nơi vùng đất phèn chua ngập mặn này có vô số thảo dược quý có thể lấy làm nguyên liệu sản xuất dược phẩm vừa rẻ tiền mà lại hiệu nghiệm.

Từ đó ngày đêm huy động nguồn lực - nhân công nghèo thất ngiệp ở địa phương có công ăn việc làm, vốn liếng vay mượn thân nhân, bạn bè, đồng đội cũ… - để tiến hành khai khẩn cả ngàn hecta, chiều dài cả trăm cây số đất bỏ hoang lâu nay ngay trung tâm Đồng Tháp Mười. Biến nơi đây thành Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn – phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười.

Tại đây vừa khai thác các loại dược liệu phong phú như cây tràm, cây tỏi, cây nhàu, củ gừng, hà thủ ô, các loại rau (vườn rau vào hàng lớn nhất nước)… chiết xuất thành sản phẩm thuốc chữa bá bệnh. Trồng thêm cả các loại thảo dược nước ngoài đem về để nghiên cứu rồi đưa vào dây chuyền sản xuất. Có cả phòng thí nghiệm, mạng Internet hiện đại.

Bên cạnh đó còn xây dựng trường học, trạm y tế, nhà ở cho cả hơn 400 hộ gia đình làm việc cho trung tâm. Dự định còn xây cả khách sạn để mời khách quốc tế đến “du lịch sinh thái chữa bệnh” tại chỗ.

Dù đã trở thành “đại gia” (doanh thu công ty đã lên tới trên 6 tỉ đồng/năm) song vẫn sống đời bình dị ham đi chân đất đội mũ vải bèo nhèo, tính tình phóng khoáng bộc trực chêm tật hài hước nên được bà con phong tặng cho biệt danh ông “Ba đất phèn” (từ tên gọi Nam Bộ dành cho con trai thứ hai trong gia đình).

Vợ con vẫn ở TPHCM lâu lâu mới lên thăm, có khi còn đem đứa con trai ham chơi bỏ học xuống bắt “cải tạo lao động” 2 năm biết hối lỗi rồi mới trả về cho vợ nuôi đi học! Còn bản thân mình thì đã thề “Về hưu hay chết thì cũng ở vùng này thôi”!

(Còn tiếp)

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2012

NGƯỜI ĐÀN ÔNG VÀ BUỔI CHIỀU - PHAN LỆ DUNG


Góc phố
Ông ngồi bệt dưới đất nhìn theo chiều
Bóng ông không che hết chiếc bị cói sau lưng
Tay nắm hờ điếu thuốc cháy dở.

Chiều sà lại gần
Lòng ông co lại
Như sợ cơn gió mong manh
làm rách nắng chiều
Khuôn mặt ông méo xệch theo làn khói thuốc
tiếng gió thổi vội trên cành cây
Ông giật mình
Bên đường những tàn lá xanh lay động
Số phận trêu ngươi
Thu vén tháng ngày,
Gom từng sợi tóc ông
Bảy mươi năm một cuộc đời
Những bữa cơm
Những mảnh đời cháu con
xói lòng ông đau nhói
Xung quanh ông
những mái nhà, những góc phố, những bóng hồng đi qua
lạnh buốt
Đời dạy ông cúi đầu làm trọng
Bảy mươi năm
giọng nói khô còn quanh quẩn trong chiếc nón rộng vành.

Con đường cong
Tiếng vĩ cầm đơn độc, vò nát phố phường
Chiếc quan tài sơn màu mùa đông
quạnh quẽ
Ông đi...

Chiều
Mây trắng vút bồng lai.

PHAN LỆ DUNG

KHÔNG KHOANH - LÊ NGỌC THUẬN



Ta làm thơ như tay công tử cuốc đất

Nhát được nhát mất

Ta yêu em như lão già mộ đạo

thầm thì trong miệng lời kinh

cái miệng bao năm lầy lội thị phi

của một đời người ngắn ngủi


đi thẳng vào trọng tâm

tâm không!

vậy đâu là vấn đề?

rượu lại uống

và em người đàn bà hỗn láo

yêu ta như một nhát dao đâm

rồi bỏ ta đi

nhẹ nhàng như ánh trăng về sáng


vẫn là sông Hương

với em ta chưa bao giờ chung chén

những bông mai nở không đúng thời

dẫu tháng giêng chưa hết

cũng như ta

trong cơn say nhớ lẫn lộn

những nhan sắc chay mặn thất thường

mắt ngó một nơi

môi cười một nẻo

trong bàn bạn bè ta

toàn là đại ca

mỗi đại ca đều có vùng tạm chiếm

riêng ta không nơi chốn

với trái tim

đập lẻ loi những hơi thở cũ

bởi em - bóng chim tăm cá

bởi ta – cô quạnh lỗi thời


căn nhà - khu vườn – cây khế

còn đó

nhưng ta đã thành quá khứ

phải không vương phi?


2009

LÊ NGỌC THUẬN


Thứ Ba, 10 tháng 1, 2012

HẢO HẢO CHUA CAY - LÊ NGỌC THUẬN


Lộc lãng tử say- đùa ly giỡn chén
Thảo Đạo Sư say - nạo vét tim gan
Đính tiên sinh say - trong mơ còn uống
Ngọc Công Tử say - ngậm ngải tìm trầm

Có những kẻ say thì như tin lá cải
Gà cắn chó - rồi chó cắn xe
Chẳng thấy đâu bờ eo xưa Đồng khánh
Chỉ nghe điệu chầu văn giữa dòng sông Hương

Chử nghĩa chừ cũng tham ô hối lộ
Văn nghệ chừ cũng có sát thù ma cô
Học giả! học thật chừ nam mô bốn phía
Rượu linh tinh chừ bia linh tinh

Huế có đò – Sinh ra nhà Đò học
Đem quá khứ làm bức bình phong
Gã lận gian từng trang lịch sử
Còn chờ ăn như con kên kên

Buồn thay cho rượu Huế mơ màng
Chịu đựng những miệng lưỡi hở hang
Buồn thay cho kinh thành cổ kính
Gặp những cơn say dơ bẩn cung vàng

Rượu vốn là một thứ linh thiêng
Nên phải dùng tâm mà cạn chén
Say là cõi chân như thanh thoát
Sao lấy điêu ngoa xảo trá mà ngất ngây

Ta tắm gội trang nghiêm, áo quần tề chỉnh
Thắp hương tiên tổ rót rượu ngồi đây
Mỹ chánh buổi chiều cô quạnh bủa vây
Một mình ta say đông tây nam bắc

Thứ Hai, 9 tháng 1, 2012

PHẢI GIÓ - LÊ NGỌC THUẬN


buồn cũng bị rình mò theo dõi
vui cũng bị xét hỏi điều tra
ngán ngẩm thay tháng tư ở Huế
trời cứ mưa như mưa tháng mười

tội sông Hương ngây thơ trong trắng
đâu biết ma quỷ ở đôi bờ
nước vẫn cứ vô ưu dòng chảy
trời với trăng vẫn cứ tà tà

trái tim người dụng công nghệ cao
nên nhịp đập lẫn lộn chiêm bao
mộng với thực như mây với gió
mây tan rồi gió lại về đâu?

Ta một mình tự do hơi thở
ngắn hay dài em mãi xa xôi
đâu đó giữa phố xưa đường cũ
tay em còn giỡn với mưa không?

rượu ta uống như kẻ tu hành
nhớ em theo chuông mỏ từng canh
mơ hồ thấy kiếp xưa mình đã
cỡi áo nâu sòng theo bóng ai

Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2012

NGUYỆT NHẬT - LÊ NGỌC THUẬN


một cuộc tình túng quẩn thiếu tháng hụt ngày
mà thời gian không chịu cho vay - cho mượn
hắn đi - hắn nhảy - hắn chạy
vẫn trong vòng bát quái
hắn đành giở cái cảnh bể hụi - mất trâu
nhịp rượu trong lòng phố chợ

có những chiếc lá vàng không phải tại mùa thu
có những kẻ yêu nhau không nhập đề - thân bài - kết luận
hắn vương bờ vai trượng phu
ngựa không có để cầm gươm rong ruổi
dao không còn để ra chiêu dọc ngang
ngồi với ngọn lửa đời cơm áo
ngó khói bay trắng toả phù vân
tội cho đôi môi mõi mòn hảo hán
tội cho nụ hôn thất trận hàn binh
tội cho bàn tay trần truồng sự nghiệp

ôi! người đời của tạm
nhưng tình thì không thể ăn gian
chợt nhớ câu thơ chữ hán Đặng tiêu sinh gửi
nguyệt dã vô thương như nguyệt mộng
nhật lai nguyệt khứ - nguyệt phiêu bồng
là trăng? là hằng? là nga? Là nguyệt
đã là duyên thiện ác đâu cần
hắn nạp rượu và đợi tới trăm năm
chờ tóc vương phi xưa dài trở lại

Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2012

CAO HUY KHANH - VN HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2011 ( KỲ 98)



NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

981 - Lưu Thị Tính
“NHÀ NGƯỜI ĐIÊN”
Lao động nghèo sinh 1948 tại Thanh Hóa. Sống ở Hà Nội (2011).

Năm 18 tuổi tình nguyện đi thanh niên xung phong vào Quảng Trị phục vụ tiền tuyến.

Năm 1969 trúng đạn bị thương nên sau khi điều trị được chuyển về vào đội bảo vệ nhà máy trong tỉnh.

Năm 1972 nhà máy bị bom Mỹ đánh trúng, bản thân lại dính bom bị chấn thương đầu làm tổn thương não. Vì vậy qua năm 1973 được cho về trong tình trạng đau ốm kéo dài, thần kinh không ổn định hay bị rối loạn tâm thần gây hoang tưởng.

Dù thế vẫn lấy chồng làm công nhân cơ khí ở Hà Nội, vợ làm thuê làm mướn kiếm sống qua ngày.

Đã vậy còn sinh đến 7 con (6 gái). Và không biết có phải do ảnh hưởng bệnh của mẹ hay không mà các con hễ đến tuổi học lớp 2 – lớp 3 là bắt đầu có dấu hiệu khùng khùng khiến hàng xóm phải gọi cả gia đình là “nhà người điên”. Con cái bệnh triền miên song không có tiền chữa trị thuốc thang đàng hoàng nên cứ để mặc chịu đựng được tới đâu hay đó.

Trong đó trầm trọng hơn cả là con gái thứ hai năm lên 15 tuổi phát bệnh điên dại nặng cứ đi phá phách hàng xóm láng giềng ai cũng kêu trời. Năm 1993 khi chồng bị tai biết qua đời, người mẹ chịu không nổi đành phải nhốt con vào phòng riêng như giam tù luôn!

Mấy đứa con còn lại dẫn dần cũng tìm đường đi kiếm kếù sinh nhai nơi khác, để lại một mình người mẹ lo cho đứa con điên loạn nhốt trong nhà dù mẹ mắt đã mờ, mổ giác mạc rồi cũng như không.

982 - Hà Thanh Hải
“HẢI ĐIÊN”
Doanh nhân sinh 1955 tại Tây Ninh. Sống ở Bình Dương (2007).

Gia đình làm nghề đốn củi nên từ nhỏ đã sống trong rừng, lớn lên trong rừng nhờ đó rất giỏi nghề nuôi heo rừng (heo “mọi”).

Môi trường rừng là địa bàn hoạt động chủ lực của cộng sản nên tự nhiên đi theo tiếng gọi cách mạng chống Mỹ từ năm 1968, lớn lên làm lính thông tin ở trong chiến khu nằm giữa rừng Tây Ninh. Đặc biệt phát triển kinh nghiệm cũ trở thành nổi tiếng là có tay nuôi heo rừng giúp cải thiện bữa ăn cho du kích, bộ đội.

Sau chiến tranh được cho đi học ngành bưu chính viễn thông ra làm nhân viên bưu điện TPHCM. Đến năm 1985 chuyển ra ngoài lập công ty ngành này làm ăn phát đạt.

Thế mà bỗng nhiên năm 1992 bỏ hết toàn bộ cơ đồ sự nghiệp đang lên chỉ vì vì nỗi “nhớ rừng”, nhớ rừng ngày xưa và heo rừng một thời đã gắn bó để quay về với rừng: Chọn rừng Lai Uyên ở Bình Dương để vào đó mở trang trại… nuôi heo rừng! Người thân, bạn bè hết biết can không nổi phải gọi là “Hải điên”!

Nhưng nuôi heo rừng bây giờ không đơn giản như thời trước bởi nay chúng bị săn bắt giết thịt khá nhiều, còn lại ít thì phân tán đi khắp nơi. Cho nên phải khổ công lên tận Tây Nguyên mua giống về gầy dựng lại bầy đàn.

Quả là không hổ danh nuôi heo mọi là nghề ruột từ thời thơ ấu nên kết quả dần dà nuôi thành công bắt đầu lập được một đàn heo rừng trên 800 con. Còn dự định tiếp tục triển khai mô hình thêm một trang trại tương tự ở Bình Phước.
Xứng danh là “Vua heo rừng” nhất nước.

983 - Nguyễn Thanh Tùng
NGHỆ SĨ MÙ ĐÀN BẦU VANG DANH
Nghệ sĩ nhạc dân tộc sinh 1979 tại Hà Nội. Sống ở Hà Nội (2011).

Bố từng là lính trinh sát pháo binh trên chiến trường Quảng Trị bảo vệ thành cổ trong mùa hè đỏ lửa 1972.

Sau ngày hòa bình, bố trở về Hà Nội làm công nhân, lấy vợ cũng công nhân ngành may.

Sinh được con gái đầu thì ngay mới lọt lòng mẹ đã mắc bệnh trầm kha liệt toàn thân, động kinh, vừa mùa vừa câm vừa điếc. Chạy chữa đủ cách vẫn vô ích mà lúc đó chưa biết do hậu quả CĐDC bố bị nhiễm thời chiến tranh.

Đến mình là con trai thứ hai có đỡ hơn song vẫn bị mù một mắt, mắt còn lại rất yếu đến năm lên lớp 5 thì mù luôn. Bấy giờ mới biết là di chứng CĐDC.

Dù vậy cả 2 vợ chồng vẫn cố gắng lo cho 2 con, mẹ ở nhà săn sóc con gái đầu vẫn nằm liệt một chỗ vừa làm thêm kiếm chút tiền cơm cháo, bố về hưu xoay qua làm nghề chụp ảnh dạo ở công viên.

Bản thân vào học trường mù Nguyễn Đình Chiểu và ngay từ nhỏ đã tỏ ra có năng khiếu âm nhạc, nhất là mê âm nhạc dân tộc nghe qua đài. Thấy vậy ông nội mới tự “chế” cho một cây đàn bầu bằng đoạn cây nứa chẻ đôi ghép vào với ống bơ, dây đàn lấy từ dây phanh xe đạp. Rồi đưa cháu đi học nhạc, sợ một mình cháu học cô không biết cách chỉ vẽ nên ông nội cũng xin… học ké để kèm cặp cháu!

Năm lên 7 tuổi lần đầu tiên biểu diễn đàn bầu trên sân khấu. Sau đó thi đậu vào nhạc viện Hà Nội, lần lượt học lên cấp đại học. Quá trình học tất nhiên hết sức gian nan, vất vả, phải nhờ bạn đọc, xướng âm hoặc hát các bản nhạc nhiều lần nghe qua rồi mới viết lại ký âm trên chữ nổi… Vậy nhưng cuối cùng trở thành học viên khuyết tật duy nhất tốt nghiệp thủ khoa cả 3 cấp và tốt nghiệp 2 ngành âm nhạc dân tộc lẫn sáng tác – chỉ huy dàn nhạc (còn học thêm đàn dương cầm nữa).

Từ đó biểu diễn thành công ở trong nước lẫn nước ngoài, vừa dạy nhạc vừa tiếp tục sáng tác, nghiên cứu. Không chỉ nhạc dân tộc mà còn chuyển thể - và trình diễn – cả nhạc cổ điển từ Beethoven, Mozart đến Brahms, Schubert… Với nước ngoài, được xem là một “Đại sứ âm nhạc VN”.

Cuộc đời và sự nghiệp đã được làm thành phim tài liệu “Vượt qua định mệnh” năm 2008.

Vượt qua được một phần nhờ thấu hiểu, ghi nhớ tấm gương của người cha luôn nhắc nhở con: “Chúng tôi là những người lính đã dành cả thời trai trẻ để chiến đấu cho hòa bình, thống nhất đất nước. Vì thế khi trở về đời thường, tôi vẫn gắng giữ phẩm chất, không phẫn uất, không chán chường để vợ con tôi và những người quanh tôi tin vẫn còn nhiều lý do đáng để sống.”

984 - Nguyễn Thị Để
NUÔI VỢ CON CỦA CHỒNG
Cán bộ về hưu sinh tại Tiền Giang. Sống ở TPHCM (2011).


Thời trẻ hoạt động cộng sản ở Mỹ Tho làm công tác phụ nữ.

Năm 1954 lấy chồng cán bộ quân báo mới được 17 ngày thì chồng lên đường tập kết miền Bắc, mình nhận nhiệm vụ ở lại nằm vùng.

Hẹn 2 năm nữa vợ chồng sum họp không ngờ đất nước chia cắt kéo dài rồi chiến tranh tái diễn, chỉ nhận được 4 lá thư của chồng đến năm 1964 thì đôi bên mất liên lạc luôn.

Năm 1968 bị bắt, từ đó có tin đã bị địch thủ tiêu. Tin này đến với người chồng ở Hà Nội đưa đẩy đến cảnh cô đơn buồn rầu cần an ủi nên chấp nhận lấy một người vợ sau dân Bắc.

Trong lúc đó thực tế người vợ đầu vẫn còn sống, bị đày ra Côn Đảo. Đến năm 1973 được trao trả tù binh 2 bên chiến tuyến.

Sau ngày thống nhất, vợ tiếp tục làm công tác Hội Phụ nữ ở TPHCM vui mừng được gặp lại chồng sau 21 năm biền biệt tin tức. Nào ngờ người chồng bấy giờ mới thú nhận mình đã… có vợ mới và 3 con rồi! Cả hai chỉ còn biết cay đắng ngậm ngùi rằng “Hậu quả chiến tranh rơi đúng vào 3 chúng ta”.

Dù vậy người vợ cũ vẫn rộng lòng tha thứ, an ủi: “Em rất thông cảm với nỗi khổ đau của anh… Nếu chúng ta không còn nghĩa vợ chồng thì coi như tình đồng chí chiến đấu với nhau vậy. Anh đừng cho chị ấy biết em còn sống. Em biết chị ấy cũng như em đã đau khổ 20 năm nay rồi nên em không muốn cho ai đau khổ nữa…”

Từ đó vẫn thường xuyên gửi thư, quà ra miền Bắc cho vợ con chồng cũ.

Nhưng người chồng vẫn rơi vào cảnh lúng túng không biết giải quyết thế nào, nửa không muốn về Bắc lại sợ làm buồn lòng vợ cũ mà nửa cũng không thể bỏ rơi vợ con ngoài kia. Thấy vậy, cuối cùng người vợ cũ có một quyết định quá táo bạo là thuyết phục chồng cho cả 4 mẹ con đời vợ sau cùng vào TPHCM sống chung với mình!

Thế rồi tuy phải sống trong cảnh 1 ông 2 bà oái oăm “tình già” mà vẫn cố giữ được không khí gia đình hòa thuận. Tận tình lo cho cả 4 mẹ con “đời sau” thực sự như người thân không có chút gì phân biệt.

Sau khi chồng mất, đã làm sẵn kim tĩnh bên cạnh mộ chồng dành cho mình tưởng là sẽ theo chân chồng ra đi trước, nào ngờ khi thấy chính người vợ sau lại sắp mất trước nên đã “nhường” chỗ kim tĩnh chờ sẵn đó bên cạnh chồng. Tuy nhiên bà sau tự trọng không dám nhận, chỉ xin được “nằm dưới chân anh chị” để trên bia mộ đề dòng chữ tình nghĩa ít thấy “Chị và các con đồng lập mộ”.

Còn lại một mẹ nuôi lo cho 3 con đời sau không khác gì con ruột ăn học trưởng thành đàng hoàng.

985 - Nguyễn Thị Niêm
BÁN NƯỚC CHÈ NUÔI 4 CON GHẺ
Lao động nghèo sinh 1947 tại Quảng Trị. Sống ở Quảng Trị (2007).


Năm 16 tuổi làm du kích xã chống Mỹ.

Năm 1968 bị địch phục kích, đồng đội chết hết còn mình bị bắt giam từ Quảng Trị chuyển vào Quy Nhơn. Đến 1973 được trao trả tù binh sau hơn 5 năm rưỡi ở tù.

Sau ngày chấm dứt chiến tranh đi học bổ túc văn hóa gặp thầy là một bộ đội từ miền Nam trở về xuất ngũ dạy học trong làng đã có vợ và 4 con nhưng vợ không may cuốc đất làm vườn trúng bom bi phát nổ chết sớm. Thương cảm thầy nên năm 1985 tình nguyện làm vợ sau và là bà mẹ kế nuôi 4 con chồng đời trước.

Tuy là con ghẻ song thương như con ruột, một mình nuôi 6 con nhỏ (sau có thêm 2 con ruột nữa) mà mình không có trình độ, nghề nghiệp nên chọn nghề bán nước chè xanh kiếm tiền lo cho cuộc sống cả nhà. Sáng gánh nước chè xanh đi bán ở chợ và ga tàu lửa, chiều thì vào rừng chặt củi đưa ra chợ bán.

Cứ thế đều đặn kéo dài 22 năm, có những lúc còn phải lo nuôi chồng bệnh tai biến năm 1997.

Vậy mà một tay o du kích miền cát trắng gió Lào khô hạn ngày nào đã nuôi 6 con đều vào đại học tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ. Dù vậy ngày ngày o vẫn tiếp tục quảy gánh “Ai nước chè xanh đây…”

986 - Nguyễn Thị Phong
HAI CHÂN THAY HAI TAY
Thương binh sinh 1945 tại Nghệ An. Sống ở Nghệ An (2010).
Năm 1963 tình nguyện đi thanh niên xung phong chống Mỹ.

Nhưng chẳng bao lâu đã gặp một trận bom Mỹ vùi giập bị thương nặng buộc bác sĩ phải cắt bỏ cả hai tay lúc mới tròn 20 tuổi. Với thương tật xác địch mức 1/4 được đưa về Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng Bắc Ninh.

Từ đó để sống còn phải tập làm mọi việc bằng đôi chân từ ăn uống, tắm giặt, sinh hoạt… Được một anh thương binh khác quê Hải Dương ở cùng trung tâm giúp đỡ rồi nảy sinh tình yêu đôi lứa quyết định làm lễ cưới tại trung tâm.

Đôi vợ chồng thương binh đưa nhau về quê sống nương tựa vào nhau, sinh được 3 con.

Nhưng 13 năm sau thì chồng tái phát vết thương cũ qua đời để lại một mình nuôi con nhỏ dại.

Bấy giờ không còn chồng phụ giúp đỡ đần, công việc của đôi chân làm thay tay càng vất vả hơn với nhiệm vụ vừa thay chồng kiếm sống nuôi gia đình vừa làm mẹ chăm sóc con cái. Làm việc kiếm sống thì đôi chân phải… bán rau, băm bèo nấu cám nuôi heo; nuôi còn thì đôi chân phải… vá quần đơm cúc áo cho con…

Tất cả đều làm được hết với đôi chân đa năng làm đủ mọi việc tất tần tật giống như làm xiếc vậy.

987 - Nguyễn Thị Sơn
TRẢ NGHĨA ĐỜI MỒ CÔI
Lương y sinh 1958 tại Phú Yên. Sống ở Buôn Ma Thuột (2007).

Cả cha mẹ đều hoạt động cộng sản, mình chưa đầy 1 tuổi thì cha bộ đội chiến đấu miền Nam bị địch bắt tra tấn đến chết. Lên 3 tuổi đến lượt mẹ hoạt động binh vận cũng bị bắt rồi hy sinh trong nhà tù chế độ cũ.

Từ đó được nuôi trong trại thương binh chiến khu. Năm 10 tuổi được đưa ra Bắc để có điều kiện học hành theo chế độ con em miền Nam. Học tốt nghiệp phổ thông rồi học làm y tá ra chăm sóc thương bệnh binh ở Hà Nội.

Năm 1984 lấy chồng bộ đội thương binh trở về từ chiến trường Lào.

Sống ở Hà Nội thời hậu chiến cuộc sống quá khó khăn lại mới sinh con nên vợ chồng quyết định vào Tây Nguyên tìm đường sống thoát khỏi cảnh đói nghèo dai dẳng.

Trên vùng đất mới cao nguyên, bên cạnh việc làm vườn khai khẩn đất hoang còn tận dụng kiến thức y khoa có sẵn thời làm y tá để khám chữa bệnh, bốc thuốc cho đồng bào dân tộc. Hiệu quả công việc được địa phương ghi nhận mới tạo điều kiện cho về TPHCM năm 1990 đi học ĐH Y khoa chuyên ngành y học cổ truyền.

Sau 6 năm theo học, tốt nghiệp quay về Đắc Lắc mở phòng chẩn trị y học cổ truyền ngay tại nhà để tiếp tục theo đuổi sự nghiệp lương y như từ mẫu.

Dù đã có 4 con song vẫn nhận về cưu mang 10 đứa con nuôi mồ côi gặp cảnh đời bất hạnh khốn khó trong đó có cả con liệt sĩ mất cả cha lẫn mẹ như mình ngày xưa. Có cháu lớn lên cũng xin học theo nghề mẹ nuôi đi đến tận những vùng sâu vùng xa thăm bệnh phát thuốc cho trẻ em nghèo, khuyết tật…

988 - Nguyễn Thị Tâm
TỰ HỌC VỀ CHẤT ĐỘC DA CAM
Giáo viên sinh khoảng 1953 tại thái Bình. Sống ở Thái Bình (2006).

Năm 17 tuổi vào bộ đội đi chiến trường B trong đó có 3 năm bám trụ đường Trường Sơn.

Hòa bình lập lại xin xuất ngũ về quê thương binh hạng 4/4, đi học ra làm giáo viên trường mầm non ở tỉnh. Lấy chồng sinh con, vừa dạy học vừa chăn nuôi thêm để nuôi con.

Đời sống gia đình tương đối ổn định nhưng gặp gỡ thăm viếng đồng đội cũ mới thấy có nhiều chị em mắc di chứng CĐDC trầm trọng đưa tới bao cảnh đời bi thương. Có người bệnh tật không dám lập gia đình, có người lập gia đình rồi không sinh con được, mà nếu sinh được cũng thành con dị dạng quái thai, cả mẹ lẫn con đều mắc bệnh nan y. Tất cả không ít thì nhiều đều do hậu quả CĐDC họ gánh chịu từ thời chiến tranh.

Từ đó thôi thúc bản thân tìm tài liệu, sách báo tìm hiểu về CĐDC – lúc đó thông tin còn ít phổ biến -- để tìm cách hướng dẫn đồng đội cũ cách thức chạy chữa. Rồi tự tìm lập danh sách các nạn nhân CĐDC trong tỉnh để tìm cách xin chế độ, giúp đỡ mọi mặt.

Sau đó tiến tới lập Ban Liên lạc nữ bộ đội Trường Sơn tỉnh Thái Bình làm nơi tập trung đóng góp, hoạt động chăm lo cho bạn chiến đấu một thời tuổi trẻ nay là nạn nhân CĐDC đồng thời kêu gọi các nơi – cả phía Mỹ -- có hành động hỗ trợ.

Tất cả là để trả lời cho câu hỏi ray rứt nhiều đêm làm mất ngủ đặt ra cho mọi người trước thảm trạng CĐDC: “Như thế làm sao tôi có thể sống yên vui được?”

989 - Nguyễn Thị Thu
BÀ “HAI NHÓT”
Nông dân sinh tại Bến Tre. Sống ở Bến Tre (2009).

Trong chiến tranh bị một mảnh pháo – không biết của bên nào – trúng vào chân song ở quê nghèo trong cảnh bom đạn tứ phía thiếu thốn đủ thứ nên chỉ được chữa trị đại khái bên ngoài chứ không lấy mảnh bom ra. Vì thế đi đứng khó khăn bên chân đau chỉ đi được nhón gót đầu 5 ngón chân để khỏi bị thốn, từ đó chết tên bà “Hai Nhót”.

Cũng do vậy không lấy chồng được. Mãi đến năm 36 tuổi tha thiết muốn có một đứa con an ủi lúc xế chiều nên “xin” một người đàn ông đã có gia đình trong làng “cho” một mụn con gái, sinh ra thì thôi 2 bên xem như không quen biết gì nhau!

Từ đó làm quần quật để nuôi con, từ xuống sông giăng lưới mò tôm bắt cá đến nuôi heo gà, chăm sóc vườn dừa nhỏ trên mảnh đất được mẹ chia cho. Đầu tắt mặt tối tới mức ngườøi đen đúa gầy quắt cân nặng chỉ 35kg.

Đã vậy, mảnh bom cũ còn nằm trong chân phát tác vết thương chỉ chạy chữa quanh quẩn ở quê không kết quả, phải đưa lên bệnh viện tỉnh nhưng không cho con đi theo bắt ở nhà lo học chuẩn bị thi cuối cấp lớp 12. Lên tỉnh lúc đó mới biết chân đã bị hoại tử buộc phải cắt cụt đến tận đầu gối! Đã “Hai Nhót” rồi bây giờ còn thêm chống nạng, đi chân giả!

Tuy nhiên đau đớn mấy cũng cắn răng chịu đựng, chỉ dặn người thân đừng cho con biết lo con phân tâm không học được vì “đời mình đã khổ quen rồi” không có gì phải buồn mà chỉ sợ con tủi thân bỏ học bỏ thi.

990 - Nguyễn Thị Tròn
“KỶ VẬT” CHIẾN TRANH
Thợ may sinh 1956 tại Tây Ninh. Sống ở Tây Ninh (2010).


Năm 1968 lúc 12 tuổi đi hái rau ở quê thì bị máy bay trực thăng Mỹ bắn trúng chân đưa vào bệnh viện phải cưa cụt chân đó.

Phóng viên ảnh người Anh Larry Burrows lúc đó làm cho tạp chí Life bám trụ săn tin cuộc chiến VN biết được chuyện này mới đi tìm chụp ảnh em đang tập đi chân giả lên bìa báo với tựa đề “Cô gái tên Tron” kèm bài phóng sự “Bên rìa hòa bình” thêm nhiều hình của em minh họa. Bài và ảnh đã gây xúc động cho công chúng Mỹ, nhiều người gửi quà và thư đến an ủi em.

Phần nhà báo Anh, ông đã nhiều lần chịu khó đưa em từ Tây Ninh lên Sài Gòn đến bệnh viện khám làm chân giả rồi tập đi ở đây. Sau đó khi em đã đi được bình thường về quê lại, ông còn mua tặng em một chiếc máy may (trị giá hồi đó là cả một gia tài) và cho tiền đi học nghề may đàng hoàng để sau này làm nghề sinh sống.

Đến năm 1972 cô gái có dịp lên Sài Gòn tìm thăm ân nhân thì mới hay ông vừa tử nạn máy bay trực thăng trong một chuyến bay qua Lào tiếp tục làm phóng sự chiến tranh VN lúc mới 44 tuổi (năm 2008 thân nhân mới tìm thấy hài cốt trong vùng rừng núi Lào). Từ đó cô chỉ còn nhớ đến ông qua món quà chiếc máy may bù cho mất một chân vì chiến tranh vẫn gìn giữ đến tận ngày nay: “Nó là nghề mưu sinh mà ông tặng cho đời tôi. Tôi không bao giờ từ bỏ nó.”

Nhưng con trai của L. Burrows không quên vì trước kia cha vẫn thường kể chuyện về em bé VN mà ông giúp đỡ cho cả gia đình nghe, xem như đó là một đứa con nuôi. Bởi vậy năm 2000 anh đã cùng con gái đến VN đi tìm cô với trong tay những hình ảnh bé gái tập đi chân giả trên báo Life nhưng vẫn được những người bạn VN giúp đỡ đưa lên Tây Ninh tìm được.

Rồi năm 2010 cả 2 vợ chồng cùng 2 con một lần nữa hội ngộ cùng cô “Tron” theo họ phát âm trọ trẹ, dưới mái lá căn nhà tranh mà cách đây hơn 40 năm người cha người ông của họ từng ghé chân ở lại ngồi nhìn cô bé tập tễnh đi chân giả.

Cả 2 lần đó họ đều thấy cô – nay đã là bà -- vẫn cắm cúi gò lưng trên chiếc máy may năm nào, chiếc máy may và người phụ nữ một đời gắn bó với nó mà như cháu gái nhà báo Anh kể lại “Khi tôi ôm bà và nhìn chiếc máy may, tôi thấy như mình được kết nối với ông nội. Khi tôi chụp hình, tôi cảm thấy mình gần gũi ông biết bao nhiêu.”

(Còn tiếp)

Thứ Năm, 5 tháng 1, 2012

ĐẦU NĂM NÓI CHUYỆN VỚI VỢ - TRẦN DZẠ LỮ

Bốn mươi năm cứ bịn rịn bên người
Ôi Bồ Tát của lòng anh lúc đến
Bốn mươi năm có lúc tình nín nhịn
Khi lìa đời, đâu biết trước ai đây?

Bốn mươi năm, hạnh phúc mình không hay
Nhưng vẫn cứ đeo nhau như đĩa đói
Chuyện chúng mình ,thật tình rất đáng nói
Hôn phối này là giọt sương mai…

Nhiều khi anh bay theo núi thẳm sông dài
Em ở lại, vẫn đợi chờ chung thủy
Ôi Bồ Tát của lòng anh đó hỉ?
Thêm xuân này đã rụng bớt tóc mai!

Có bão giông mới biết đêm dài
Mưa lâu ngày mới dần dà thấm đất
Sống với một người có trái tim chân thật
Hóa ra mình lỡ vận, vẫn còn may…

Hóa ra em vẫn có những ngày
Khi nằm bệnh, anh âm thầm giặt áo
Có gì đâu-mà trách con Tạo?
Hãy vuông tròn cùng cuối giữa trần ai!

Đã từ lâu anh cứ làm việc miệt mài
Sáng tinh mơ, chiều đỏ-đèn-đen- đất
Em cắc cũm từng đồng bạc cắc
Lo toan cùng, chờ hé lộ ngày mai…

Đã từ lâu, mình mới có một ngày
Rất thanh thản-anh chồng ,em vợ
Bồ Tát ơi! Xin em hãy nhớ
Bài thơ này, anh viết tặng cưng đây!

( SàiGòn tháng giêng năm 2012)
Trần Dzạ Lữ

Thứ Tư, 4 tháng 1, 2012

MỘT MÌNH - NGUYỄN MIÊN THẢO




một mình em một mình tôi
một mình-hai đứa sóng đôi-một mình
ngày em giáng xuống chữ tình
tôi điên đảo cũng một mình đấy thôi
ước chi chừ được chung đôi
mai sau mình có mồ côi cũng đành

NMT

Thứ Hai, 2 tháng 1, 2012

THẤT THIỆT - LÊ NGỌC THUẬN



Tình cũng phân chia cách mạng và chánh trị

Nụ hôn cũng cho vay nặng lãi và khuyến mãi ba xu

Thuở nhỏ ta đã có máu ngu

Nên lớn lên yêu đương thất thiệt


Đã lỡ thấy đôi mắt sớm tần tối sở

Ôm nhầm cái eo ngày tố đêm giông

Nắm phải bàn tay lẳng lơ phản chúa

Đành quay về nấu rượu nuôi heo


Heo chưa cân – lại lỡ mồm long móng

Rầu tê da – đem rượu uống phay

Người đương thời – có khi nhờ trúng số

Người qúa thời chắc gặp đúng lang băm


Tóc ni cô đâu cần gương lược

Kẻ thất tình khuy nút làm chi

Ngày đoan ngọ không chung dòng máu

Vịt kêu trời, trời chẳng biết nghe


Chưa qua cầu đã mưu toan rút ván

Chưa khởi đầu đã manh nha phụ nhau

Thôi mẹ kiếp! cứ đề theo giấc mộng

Số 35 bao cả 18 lô


Không địch thủ bởi biết ai mà chém

Ta cầm đao chẻ củi nấu cơm

Rồi tự cho mình tu hành đạt đạo

Nốc rượu không mồi - chay tịnh say


LÊ NGỌC THUẬN


Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2012

BÀI THƠ MỚI ĐẦU NĂM 2012 - LÊ NGỌC THUẬN



NGÀY MỘT TÂY TA CŨNG ĂN CHAY
VỚI ĐÔI MÔI BÁT NHÃ NƠI NÀY
HÔN KIM TA THẤY MÌNH RẤT PHẬT
ĐÓN XUÂN CÙNG MƯA TA LẠI SAY

LÊ NGOC THUẬN