Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2012

NHỮNG BUỔI TRƯA CÂM - NGUYỄN ĐỨC SƠN

NHỮNG BUỔI TRƯA CÂM

từ hôm lính trói anh về
chuông tù réo gọi não nề thân tâm
bịt bùng những buổi trưa câm
anh thường náo nức được đâm mặt trời


(kỷ niệm Tổng nha,trại B phòng 17
Ngày 28.5.1968)

CHÚT LỜI THỞ THAN

mỗi ngày cúi xuống hạt cơm
anh nghe thấu một mùi thơm lạ lùng
cắn đôi hạt muối thường dùng
biết ơn trời đất vô cùng em ơi
trăm năm ta sống một đời
ngàn năm gửi lại chút lời thơ than


(kỷ niệm Tổng nha,trại c,phòng 36,5.6.1968)

Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

TRƯỚC - LÊ NGỌC THUẬN

Huế thiếu T, hoang vu một nửa
Huế vắng em, trơ trụi hoàn toàn
Biết thế, ta đâu ra khỏi cửa
Ngồi trong nhà ngó thằn lằn chơi

Say một mình gần như giác ngộ
Tỉnh dậy rồi gan ruột hư vô
Ăn tô bún thấy đời còn mặn
Chút ớt cay lại nhớ em thôi

Quy y Phật, Phật trong tự tánh
Quy y em, em ở Sài Gòn
Kinh Duy Ma đọc ta không hiểu
Đành hỏi thầm em đang nhớ ai?

Ta sẽ sống đến một trăm tuổi
Bởi nợ em còn bốn mươi năm
Một mai em phụ, ta vẫn cứ
Đeo cứng tình, không thể buông tha.



Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

NẰM BỆNH VỚI THƠ - HOÀNG LỘC

huyết áp anh không ổn
và trời mưa thất thường
mùa ngâu vào tháng sáu
có chạnh lòng em không ?

anh vừa ăn chén cháo
ăn nửa chén đã nhàm
cái miệng nghe đắng chát
nuốt vội cùng tiếng than

trái tim anh không ổn
đã đập nhiều nhịp hơn

trang thơ anh cũng bệnh
nằm bên cạnh đời anh
cả hai cùng thiếu vắng
cả hai đang rất buồn...

24-6-2012

Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

HẸN EM VỀ - NGUYỄN MIÊN THẢO

Anh hẹn em về nắng tháng tư
đỗ quyên còn thắm ủ sương mềm
dấu xuân còn đọng bên thềm cũ
còn có chút gì của tháng Giêng

Anh đưa em ra ngồi bến sông
để nghe con nước chảy xanh lòng
để nghe em hát bài thương nhớ
để thấy trăng mềm giữa sáng xuân

Ta về Cầu Ngói thăm ngày cũ
lên khuất Trường An gọi núi rừng
ghé qua An Cựu thăm mùa lúa
chắc bữa nay đồng gặt sắp xong

Anh cùng em thăm lại trường xưa
bao năm lặn lội một thân cò
hỏi thăm có kẻ nào thương nhớ
mỗi sáng mỗi chiều say ngẩn ngơ

Anh sẽ về thăm đêm nguyệt tận
dắt tay em dạo khắp cổ thành
lắng nghe chìm khuất từ thiên cổ
khúc tuyệt tình ca của tháng năm

Anh hẹn em về nắng tháng tư
anh đã về thăm Huế trong mơ
nghe tiếng cười em,cơn gió thoảng
thổi tạt hồn anh đến dại khờ

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

NGUYỄN ĐỨC SƠN, CHÂN DUNG VÀ HUYỀN THOẠI - NGUYỄN MẠNH TRINH

Nguyễn Đức Sơn - Tranh Đinh Cường

Nguyễn Ðức Sơn là một khuôn mặt thi sĩ lớn của văn chương Việt Nam. Một phong cách văn chương riêng, một mình một chiếu, thơ và văn bộc lộ một tâm thái suy tư khác thường đi ngược lại dòng sống thay vì xuôi chảy.
Ông là người làm thơ mà cuộc sống văn chương và đời thường đã tạo thành nhiều huyền thoại. Những chuyện kể về, những giai thoại nói đến, một chân dung tác giả khác thường được tạo dựng và người đọc, không phải chỉ ở những lớp sau mà ngay ở lớp cùng thời, đã có những nhận định sai lạc về chân dung thực con người thực. Ðó là không kể, như ở trong nước, vì lý do lợi nhuận đã có những cuốn sách khai thác quá độ đời tư để đến thành những khoảng cách thật xa với thực tế.

Bao nhiêu quyển sách, bao nhiêu bài báo đã nói về Bùi Giáng, về Trịnh Công Sơn, về Nguyễn Ðức Sơn…. Và đã có bao nhiêu ngộ nhận xảy ra vì những chi tiết trái ngược nhau từ bài viết này với cuốn sách khác của một chân dung tác giả. Ðộc giả, có lẽ phải có sự cẩn thận khi tiếp cận với những vấn đề đó.
Thí dụ, như trường hợp nhà thơ Nguyễn Ðức Sơn. Có rất nhiều bài viết về ông, của những người quen thân có, quen sơ có và nhiều khi không quen cũng tự nhận là quen có. Trong đời thường, Nguyễn Ðức Sơn có nhiều bi kịch. Và nhiều bài viết khai thác những bi kịch ấy. Thí dụ như “Người đàn bà trên đồi cỏ” của Ðào Hiếu đăng trên báo Xuân Doanh Nhân Sài Gòn cuối năm 2008.
Ðào Hiếu viết về mối tình của Nguyễn Ðức Sơn và Phượng đầy thiên kiến và hình như bày tỏ một nhận xét nào không thiện cảm. Và lạ lùng cũng đều nhắc đến Trịnh Công Sơn:
“Nhưng tôi biết nàng rất đẹp.
Trịnh Công Sơn cũng biết nàng rất đẹp.
Nguyễn Ðức Sơn thì chửi bới nguyền rủa mọi thứ. Tôi nói:” Tôi đến đây để tìm một Nguyễn Ðức Sơn vĩ đại nhưng tôi chỉ gặp một Phượng vĩ đại. Nếu không có người đàn bà này, ông đã chết rồi Sơn ạ!…
…Năm 1972, Nguyễn Ðức Sơn trốn lính về tá túc ở Bình Dương dạy Anh văn tại một tư thục. Nếu không gặp Phượng hắn sẽ chẳng có tác phẩm nào ra hồn. Phượng rọi hào quang của nàng vào cái đầu mê gái tơi bời của hắn và hắn được cô “độ” cho thành… thi sĩ. Tác phẩm “Ðêm nguyệt Ðộng” ra đời từ dòng nước cam lồ róc rách tuôn ra từ nhục thể của “thánh cô Annie Phượng”
…Nhưng những vần thơ mê gái thượng thừa ấy cũng không lay động được Annie Phượng. Chàng khóc lóc rên xiết quỳ lạy… cũng chẳng ăn thua bèn dùng khổ nhục kế. Nếu như ngày nay thì chàng thi sĩ sẽ quấn chất nổ quanh mình rồi lao vào “đánh bom tự sát” nhưng Nguyễn Ðức Sơn thời đó đã trèo lên thành giếng và kêu lên “Bớ Chúc Anh Ðài! Ta chết đây” làm Phượng hoảng hốt. Cuộc hôn nhân bắt đầu như vậy…”Cuộc sống của gia đình Nguyễn Ðức Sơn ở Phương Bối Am cũ là một thảm kịch. Sống như những sơn nhân, thiếu thốn tiện nghi đời sống và luôn luôn bị cái đói đe dọa. Một bữa cả gia đình gồm hai vợ chồng và 3 đứa con bị trúng độc vì ăn rau rừng và một đứa con bị chết. Bà mẹ phải lấy áo rách của mình ra vá để khâm liệm cho con.
Một lần khác khi chữa cháy rừng Phượng bị phỏng nặng. Nguyễn Ðức Sơn và người con trai lớn Nguyễn Ðức Vân phải băng rừng cáng ra nhà thương tỉnh cứu cấp với bệnh tình rất trầm trọng.
Ðào Hiếu kể:
“Ba hôm sau Trịnh Công Sơn từ Sài Gòn lên ghé bệnh viện Bảo Lộc.
“Sơn Núi” hỏi “mày lên đây làm gì?”
Sơn Nhạc Sĩ đáp:”Thăm Phượng. Sao nỡ hành hạ người ta đến vậy?”.
“Sơn Núi” bỏ đi. Trịnh Công Sơn ở lại với các con của Phượng. Có lẽ hôm đó là một ngày của năm 1982. Tôi không biết và các con của Phượng cũng không biết chính xác là ngày nào và tháng nào. Trịnh Công Sơn đã tặng cho gia đình Nguyễn Ðức Sơn 60 triệu đồng. Thời điểm đó số tiền ấy rất lớn. Nó đã cứu Phượng và giành giật Phượng khỏi tay tử thần.”
Một nhà văn cũng quen thân với Nguyễn Ðức Sơn là Nguyễn Ðạt nhận xét về bài viết của Ðào Hiếu:
“Và bài báo của Hà Danh (tức Ðào Hiếu) lúc tôi đọc ở Sài Gòn thấy có nhiều sự kiện về Sơn Núi, về Phượng quá lạ lùng quá không đúng sự thật như tôi biết. Nói chung đọc xong cả bài “Người đàn bà trên đồi cỏ” tôi muốn đề nghị tác giả nên chuyển thể thành một vở tuồng cải lương và Hà Danh rất có khả năng trở thành một soạn giả cải lương ăn khách nhưng khác hẳn với những sọan giả tuồng cải lương như Viễn Châu. Tôi chưa thấy Viễn Châu dựng khống một sự kiện liên quan trực tiếp tới nhân vật vụ việc nào có thật ở ngoài đời. Nên khi tôi vừa lấy tờ báo ra Sơn Núi liền nói: “đ.m. cái lão đào hang càng đào sâu càng tối đặc!”. Tôi không hiểu gì hết. Hóa ra, Sơn Núi gọi nhà văn Ðào Hiếu là đào hang và Sơn Núi nói Hà Danh là bút hiệu khác của Ðào Hiếu. Tôi rất ngạc nhiên khi biết vậy và khá buồn bởi tôi quen biết nhà văn Ðào Hiếu và mến ông. Tôi thấy Ðào Hiếu là một người rất văn nhã lần gặp gần nhất tại một quán cà phê trên đường Trần Quốc Thảo tôi nhận lời viết về Nguyễn Ðức Sơn cho trang web của ông, hình như tên là ” Lề bên trái”. Sau đó tôi được nhiều người bạn cho biết những gì Ðào Hiếu viết không bảo đảm trung thực nên tôi không thể viết bài về Nguyễn Ðức Sơn cho báo mạng của nhà văn Ðào Hiếu được dù đã nhân lời.
Sơn Núi nói: “không thể hiểu lão đào hang ở chỗ nào ra cái vụ việc “nhạc sĩ hàng đầu về đầu hàng” họ Trịnh cho tôi sáu chục triệu đồng nhờ đó Phượng thoát chết.” Phượng, Nguyễn Ðức Lão con trai út anh của hai cô em sinh ra sau chót năm nay 27 tuổi, và Tiểu Khê con gái út của Sơn núi cũng không hiểu người viết bài về họ lấy ở đâu ra vụ việc Trịnh Công Sơn tặng Nguyễn Ðức Sơn sáu chục triệu đồng vào cái năm một chín tám mấy đó số tiền ấy rất lớn. Phượng nói: “Trịnh Công Sơn ghé lên đây hai lần trong một chuyến đi chơi ở Ðà Lạt. Lúc lên tặng một thùng mì chay ăn liền lúc về tặng một thùng “légume”Ðà Lạt, vậy thôi, chớ làm gì co vụ việc sáu chục triệu đồng.” Sơn Núi xác định thêm: “Ông không tin cứ hỏi Bửu Ý, người rất sùng mộ Trịnh Công Sơn và rất không ưa tôi, coi Bửu Ý nói sao về vụ việc Trịnh Công Sơn cứu tử hoàn sanh bà xã tôi với số tiền sáu chục triệu đồng”. Ngay sau khi đọc bài báo tôi hỏi họa sĩ Trịnh Cung bạn thân của Trịnh Công Sơn có biết vụ việc nhạc sĩ họ Trịnh tặng Sơn Núi 60 triệu? Trịnh Cung bảo không biết vụ đó. Thế thì tôi cực kỳ ngạc nhiên không thể hiểu nhà văn Ðào Hiếu lấy ở đâu ra cái tin động trời đất đó. Trong bài ký tên Hà Danh ông viết đại ý rằng ông không nhớ rõ, những người con của Phượng cũng không nhớ rõ ngày tháng nào nhưng là những năm của thập niên 1980 và 60 triệu đồng cũa Trịnh Công Sơn tặng thời gian đó là lớn lắm. Tôi hỏi Sơn Núi – Ðào Hiếu ‘phịa” chuyện ấy thì quá sức bậy, người trong vụ việc có thể thưa kiện ở tòa án không hiểu sao Ðào Hiếu lại phịa như vậy nhỉ? Sơn Núi nói ngay” Thì lão muốn gia nhập “fan club” của Trịnh Công Sơn mà ông không thấy một loạt bài đánh bóng Trịnh Công Sơn trong tờ báo này hả? Này lão đào hang viết” Tôi thấy Phượng đẹp / Trịnh Công Sơn cũng thấy Phượng đẹp. Phải lôi lão “nhạc sĩ hàng đầu về đầu hàng” cùng khen Phượng đẹp thì Phượng mới đúng là đẹp”.
Tôi không biết nhà văn Ðào Hiếu gặp Phượng từ năm nào, chứ từ vài chục năm nay, Phượng quá hom hem gầy guộc. Tôi xót xa khi thấy Phượng “lai”, là lai người dân tộc Tây nguyên ở vùng sâu vùng xa chứ không được như người dân tộc ở thị xã B’lao này. Bài báo “Người đàn bà trên cỏ”, câu chuyện tào lao trá ngụy, Sơn Núi và tôi thà nói chuyện bậy bạ thô tục còn hay hơn sáu chục triệu lần..”
Một thực tế văn học là nhiều khi những huyền thoại văn chương lại phát nguồn từ những bài viết khơi khơi như thế. Ở trong nước với người đọc của dân số hơn 80 triệu một thị trường béo bở thì việc để câu khách lôi kéo độc giả cho mục đích bán sách bán báo, đã có bao nhiêu bài viết về Trịnh Công Sơn, về Bùi Giáng, về Phạm Công Thiện, về Nguyễn Ðức Sơn.. tràn lan như một mốt thời thượng. Thành ra, con người nghệ sĩ của văn chương nhiều khi bị nhòa nhạt đi vì những bài viết kiểu của ông “lạc đường” Ðào Hiếu này.
Nguyễn Ðức Sơn, một nghệ sĩ quái dị. Một trong những nhà thơ tiêu biểu của hai mươi năm văn học miền nam. Một trong những nhà văn luôn đi tìm trong cuộc sống những câu trả lời không thể trả lời. Một trong những người không thể thỏa hiệp với cuộc đời và đi ngược dòng sống với thái độ hung hăng gây gổ. Một trong những người sống trong những bi kịch của loài người. Một trong những người sống phân hai giữa đời thơ và đời thường, giữa tu tập và buông thả, giữa dục tính và lãng mạn. Thế giới của Nguyễn Ðức Sơn là một thế giới kỳ quặc mà con người phân chia thành nửa này nửa kia luôn luôn chống đối nhau và không bao giờ thỏa hiệp với nhau. Nguyễn Miên Thảo đã viết về mẫu người thi sĩ đặc biệt này:
“Nguyễn Ðức Sơn là một người đầy cá tính mà nếu không hiểu thì tưởng là khó tính. Tính cách của ông khác người luôn luôn mâu thuẫn với chính mình. Tôi nghĩ sự “va chạm” nội tại đã đưa ông tới đỉnh điểm của sáng tạo trong tác phẩm của ông. Tâm địa của ông thì rộng bao la nhưng hay… thù vặt, rất mê chủ nghĩa Cộng sản nhưng không ưa “cách mạng” sẵn sàng chửi cả những người khen ngợi ông dù người khen rất thật tình và có nhân cách nhưng trong bụng nguyễn Ðức Sơn thì sướng rơn. Tôi ví dụ một câu chuyện nhỏ. Sau khi tập thơ Những Bài Tình Ðầu ra đời, nhà văn Tam Ích, một nhà văn đứng đắn và nổi tiếng thời đó viết một bài phê bình khen thơ Nguyễn Ðức Sơn hết lời. Nguyễn Ðức Sơn viết một bức thư ngắn nhờ tôi đem về Sài Gòn trao tận tay nhà văn Tam Ích. Nội dung lá thư không phải là lời cám ơn mà vỏn vẹn một dòng chữ như sau: “Bởi vì ông là nhà văn đứng đắn nên tôi không biết chửi ông như thế nào.” Nhà văn Tam Ích nhận thư không giận lại viết thêm một bài ca ngợi Nguyễn Ðức Sơn là thiên tài mặc dầu không nói ra nhưng tôi biết Nguyễn Ðức Sơn sướng trong bụng lắm. Sướng không phải được khen mà vì có cơ hội để chửi người khác…”

Và chuyện kể về mối tình của chàng thi sĩ dị thường kỳ quặc :
“Cuộc tình của Nguyễn Ðức Sơn và cô học trò Nguyễn Thị Phượng chín mùi khi nào thì quả tình tôi không hay biết. Một hôm vào khoảng giữa năm 1967-1968 gì đó tôi không nhớ đích xác Nguyễn Ðức Sơn nhờ tôi lên báo với thầy Thanh Tuệ in gấp tập thơ Ðêm Nguyệt Ðộng để kịp ngày đám cưới. Và khoảng mười ngày sau đám cưới Nguyễn Ðức Sơn- Nguyễn Thị Phượng dược tổ chức tại chùa Tây Tạng Thủ Dầu Một Bình Dương.
Từ sáng sớm một chiếc xe con 4 chỗ ngồi đỗ trước nhà Nguyễn Ðức Sơn, Sơn trong bộ com-lê màu sẫm sang trọng đầu húi cua đã chờ sẵn đón những người trên xe bước xuống đó là Ðại Ðức Thích Thanh Tuệ, chủ nhà xuất bản An Tiêm, giáo sư nhà văn Bửu Ý và Ðại Ðức Thích Nguyên Tánh tức nhà thơ Phạm Công Thiện, Khoa trưởng Văn Khoa Ðại Học Vạn Hạnh. Khi biết tập thơ Ðêm Nguyệt Ðộng không in kịp Nguyễn Ðức Sơn chào đón đoàn nhà trai một câu chửi “Ð.m. thầy thầy có biết ngày hôm nay là ngày trọng đại của tôi không?” Thầy Thanh Tuệ cười trừ còn mọi người thì đã biết Nguyễn Ðức Sơn là ai rồi.
Ðám cưới cử hành tại đại điện chùa Tây Tạng. Thượng tọa Thích Trí Bổn trụ trì chùa, cậu ruột của cô dâu Nguyễn Thị Phượng đại diện nhà gái vừa là chủ hôn (Phượng mồ côi cha mẹ về ở với cậu từ nhỏ). Ðại Ðức Thích Thanh Tuệ đại diện nhà trai, Ðại Ðức Thích Nguyên Tánh ( tức nhà thơ Phạm Công Thiện) và nhà văn Bửu Ý phụ rể. Trong khi niệm hương lễ Phật, Thượng tọa Thích Trí Bổn và Ðại đức Thích Thanh Tuệ quì phía trước, Sơn và Phượng quì phía sau. Sơn dùng miệng mum hết chân nhang khi cắm nhang vào lư ba cây nhang của Sơn lùn tịt không giống ai. Khi qua làm lễ cáo tổ tiên Sơn láy mắt với tôi, tôi nghĩ Sơn bày trò gì đây nhưng không nghĩ ra. Bàn dọn cỗ là loại bàn tròn bằng gỗ mạt bàn rời đặt trên cái giá bốn chân hình chữ X, Sơn và Phượng quì trước bàn cáo tổ tiên lậy bốn lạy Sơn lạy thêm một lạy trồi người tới trước khi đứng dậy đầu dội vào cạnh bàn cỗ bàn bị lật đổ không còn một món. Những người dự lễ cưới không ai không cười trừ Bửu Ý.
Một tuần lễ sau đám cưới tôi từ Sài Gòn về Bình Dương thăm vợ chồng Nguyễn Ðức Sơn vừa bước vào nhà tôi thấy Sơn cầm một con dao dí Phượng vào sát vách. Tôi kêu lên. Sơn làm gì vậy? Sơn vứt dao choàng vai tôi bước ra ngoài “Moa muốn đo sự sợ hãi của Phượng như thế nào!”…”
Trong bài viết của Thái Ngọc San, một nhà văn Việt Công nằm vùng trước năm 1975 khi viết về đời sống gia đình của Nguyễn Ðức Sơn trong truyện ngắn “Bầy Thú Hoang Dã” đã phác họa những người trong gia đình không khác lắm so với những thú rừng hoang dã. Gia đình đông con, vợ thì yếu dại làm sao mà không nghèo khổ cơ cực. Thái Ngọc San nhìn vào bề mặt đời sống ấy mô tả và có chút phê phán rằng nguyễn Ðức sơn có dã tâm của loài thú và tự mình tạo ra những bi kịch đời sống cho gia đình mình. Nhận xét ấy là của người không đi sâu được vào phần trong của cuộc sống ấy.
Nhưng có người viết nhìn bằng con mắt quan sát khác. Chân dung thi sĩ Nguyễn Ðức Sơn là một chân dung đặc dị , mà những chi tiết thường khi trái ngược nhau từ những quan sát nhận xét khác nhau. Nhà văn Nguyễn Ðạt một người có rất nhiều gần gũi với đời thường Nguyễn Ðức Sơn viết:
“Hiển nhiên qua cách nhìn nhận như Thái Ngọc San ở truyện ngắn này thì chỉ ghi lại cái bề mặt của cuộc sống Nguyễn Ðức Sơn và mặc nhiên với những trách cứ phê phán của người quan sát thiếu tâm tình.
Trong gần gũi Nguyễn Ðức Sơn nhiều ngày tháng chúng tôi hiểu rõ nhà thơ Nguyễn Ðức Sơn không hề có dã tâm của loài thú để tạo nên đời sống như Thái Ngọc San đã ghi nhận Ðó là cuộc sống cực chẳng đã phải như vậy mà thôi muốn khác đi cũng không được. Nguyễn Ðức Sơn không biết làm gì khác để thay đổi cuộc sống như bầy thú hoang dã, ông lại càng không thể tính toán bon chen giành giựt với nhân thế. Trên trái đồi rộng bốn năm héc-ta ông không biết và cũng không ưa trồng loại cây nào cho có lợi nhuận ngoài cây thông mà ông yêu thích. Cũng vì Nguyễn Ðức Sơn chăm chút nuôi trồng thông từ mấy chục năm nay trái đồi mang tên Phương Bối ở thôn Ðại Lão xã Lộc Châu bây giờ gần như là nơi duy nhất để ngàn thông còn tồn tại trên cao nguyên hoang sơ Bảo Lộc…
Sự thật mà chúng tôi biết Nguyễn Ðức Sơn đầy tình cảm yêu thương con người như mọi người thiện tâm khác. Lần Phượng bị bệnh thập tử nhất sinh phaỉ giải phẫu tại bệnh viện Chợ Rẫy, chúng tôi ngồi bên ông ngoài hành lang trước phòng giải phẫu. Ông rất căng thảng chờ đợi kết quả phẫu thuật. Chợt có tiếng cô y tá kêu lớn tên ông nước mắt ông tuột ra chảy dài trên khuôn mặt. Ông ngỡ cuộc phẫu thuật thất bại. Phượng đã chết! Hóa ra không phải cô y tá gọi ông để báo tin lành. Và Nguyễn Ðức Sơn cẳng nhảy lên như đứa trẻ vui mừng tột độ.
Lần một đứa con của Nguyễn Ðức Sơn bị bệnh nằm liệt giường chúng tôi cũng có mặt trên đồi Phương Bối. Ông cuống cuồng chạy xuống đồi hỏi người này người kia để chữa chạy kịp thời cho con. Có người bày cách cho người bệnh ăn thịt cóc sống. Ông hét vang như hóa điên vì gặp ngay người bán thịt cóc đi ngang qua. Mang thịt cóc về cho đứa con ăn ngay chợt ông nhớ cả gia đình vốn ăn chay trường ông vội thắp nén hương niệm Phật xin xá tội. Ðứa con vừa nuốt miếng thịt cóc lập tức nôn mửa thốc tháo. Ông lại cuống cuồng lại chạy xuống đồi kêu xe ôm, ôm con ngồi lên xe đưa vào bệnh viện. Ở bệnh viện lúc đứa con đã an toàn đã đi đứng trở lại bấy giờ mới để ý ông chỉ mặc quần cụt mà lại thủng rách cả đũng. Nhưng Nguyễn Ðức Sơn lúc đó vui rộ lên nói lắp bắp những câu hí lộng về cái quần thủng rách…”
Ðời sống của một thi sĩ như Nguyễn Ðức Sơn đầy những biến cố của bi kịch. Là người ngông cuồng kiêu ngạo không coi ai ra gì và ăn nói lỗ mãng dung tục hay chửi thề? Là một người nổi loạn vô chính phủ dùng văn chương để quăng quật vào đời sống những hằn học chất chứa? Là một người không thừa nhận bất cứ một trật tự nào trên thế giới nhưng lại coi thi ca như một tôn giáo linh thiêng?
Tuệ Sĩ đã hỏi về khuôn dáng Nguyễn Ðức Sơn:
“Anh là ai? Là một nhà thơ hiện sinh, nổi loạn, quậy phá? Dưới ngòi bút phê bình anh không thể khác đi được: hiện sinh, nổi loạn, quậy phá, du côn. Tôi cũng không nghĩ khác hơn những ảnh tượng và những ấn tượng mà ngòi bút có thể vẽ, có thể miêu tả. Một gã du côn, một tên phạm thánh. Và còn nhiều từ khác nữa. Nhưng làm sao có thể biết được, một người không đến với ta từ con đường trước mặt, hay bằng tiếng gọi từ sau lưng, mà là một cái gì đó, ở đâu đó.. ”

Với tôi, trong cảm quan của riêng mình, tôi thấy khi đọc thơ hoặc truyện ngắn của Nguyễn Ðức Sơn, tôi mường tượng thấy hình như thế giới của ông không phải là của mặt đất hiện hữu này. Ông sống như để muốn biểu lộ những suy nghĩ bị khép kín bị đóng băng. Thành ra ông như một con tê giác ( tượng hình mà nhà văn Bửu Ý gán cho ông) cứ húc vào hư vô như một phản ứng tự nhiên của một người hình như không còn lý đến căn cước của mình mà vẫn phải sống, vẫn phải trôi theo dòng đời trong khi muốn ngược lại để bơi vào cái khu vực thâm u của chính mình nhưng cũng chưa hề hiểu rõ điều gì là huyễn ảo và điều gì là thực tế.
• Nguyễn Mạnh Trinh

Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

NHỚ CHAY - LÊ NGỌC THUẬN

Sáng nhấp ly rượu rắn
Chiều cạn chén tửu mèo
Ta như một tỳ kheo
Miệng chay mà lòng đắng

Em nhe răng dọa ta
Suốt nửa đời còn lại
Đôi tay ta vô ngại
Đâu níu được tình ai

Đành bước theo nỗi nhớ
Ngồi tụng với chiêm bao
Họa may mây trên cao
Có một ngày sa xuống

Tháng bảy mưa Sài Gòn
Vọng tiếng buồn bát nhã
Ta vẫn sau thiên hạ
Tình hóa là bóng ma.

Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

CAO HUY KHANH - VN HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2012 ( KỲ 116 )

NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

1.161 - Chân Tín
THỜI NÀO CŨNG ĐẤU TRANH CHỐNG CHẾ ĐỘ
Linh mục Thiên Chúa giáo sinh 1919. Sống ở TPHCM (2012).
hời VNCH cùng đồng đạo Nguyễn Ngọc Lan nổi tiếng chống chế độ Thiệu - Kỳ theo Mỹ, chống chế độ lao tù bất công kiểu quân phiệt, đấu tranh cho quyền tự do dân chủ quần chúng. Chủ trương tạp chí Đối Diện tập hợp giới trí thức Thiên Chúa giáo tiến bộ và thiên tả nói lên nguyện vọng đó.

Nhưng sau 1975 khi đã có thời gian nhận chân thực tế chế độ mới Cộng sản cũng không hơn gì trong việc thực hiện quyền con người như trên nên lại tiếp tục phản đối chính quyền Cộng sản. Đòi hủy bỏ Hiến pháp 1992, tẩy chay bầu cử Quốc hội chỉ thể hiện quyền tự do dân chủ giả tạo “làm vì” mà thôi.
Vì vậy năm 1990 bị bắt quản thúc tại huyện Cần Giờ xa xôi xem như cách ly khỏi TPHCM.
Được dư luận nước ngoài lên tiếng bảo vệ, in phổ biến rộng rãi cuốn “Hồ sơ Chân Tín” phê phán chế độ Cộng sản VN bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận, đấu tranh phi bạo lực của công dân.
Cho nên năm 1993 được chính thức trả tự do về lại cư trú tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu thế ở TPHCM nơi từng là “đại bản doanh” của linh mục quá cố Nguyễn Ngọc Lan.

Từ đó xem như bị quản thúc tại gia và mặt khác có lẽ do đã lớn tuổi nên cũng ít thấy hoạt động mạnh mẽ sôi nổi như trước nữa.

1.162 - John C. Schafer
CUỘC TÌNH TÁO BẠO ĐẤT CỐ ĐÔ
Giáo sư đại học Mỹ về hưu sinh khoảng 1944. Sống ở Mỹ (2012).
Năm 1968 là sinh viên tình nguyện Mỹ từ một tổ chức xã hội phi chính phủ đến Đà Nẵng dạy tiếng Anh, sau đó ra Huế dạy tiếng Anh ở ĐH Huế.
Chính tại đây đã làm quen với nhạc Trịnh, làm bạn với Trịnh Công Sơn.
Và cũng tại đây nảy nở mối tình nên thơ với một cô sinh viên học trò chính gốc đất thần kinh con nhà gia giáo học ĐH Sư phạm Anh văn.
Cô này sau đó tốt nghiệp ra Quảng Trị dạy học đã quyết định làm đám cưới với ông thầy người Mỹ trẻ trung tài hoa bất chấp sự ngăn cản của gia đình. Thời đó ở xứ cố đô nặng phong kiến, việc con gái lấy chồng nước ngoài còn khá hiếm hoi mà lại là chồng Mỹ khi đang sôi sục phong trào chống Mỹ xâm lược VN nên đây quả là một “scandal” xã hội!
Vì thế không lâu sau đó người chồng Mỹ đành phải đưa vợ mới cưới về Mỹ sinh sống.
Dù bất đắc dĩ phải rời bỏ VN nhưng phải nói ông chồng Mỹ này là một người rất yêu mến VN thật lòng nên từ đó vẫn tiếp tục nghiên cứu viết báo in sách nhiều công trình về văn học nghệ thuật và lịch sử VN. Đặc biệt bây giờ với sự cộng tác gắn bó của người vợ VN trong công tác dịch thuật tác phẩm VN ra tiếng Anh làm tư liệu giúp chồng cũng như dịch các tác phẩm của chồng qua tiếng Việt.
Công việc đó vẫn được duy trì, tiến hành bền bĩ hơn 40 năm đến nay qua vô số đề tài văn hóa VN cả thời hiện đại lẫn cổ điển, cả VNCH lẫn Cộng sản không phân biệt. Đề tài âm nhạc có Trịnh Công Sơn, Phạm Duy; đề tài văn học gồm Lục Vân Tiên, Hoàng Ngọc Phách, Phạm Duy Tốn, Hồ Biểu Chánh, Cung Giũ Nguyên, Võ Phiến, Phan Nhật Nam, Minh Đức Hoài Trinh, Nguyên Ngọc, Lê Lựu, Nguyễn Minh Châu…
Cả 2 vợ chồng đã nhiều lần trở lại VN, về thăm Huế kỷ niệm một tình yêu không biên giới sâu sắc chung thủy.
Năm 2001 đã ra Hà Nội dự đêm nhạc kỷ niệm một năm mất Trịnh Công Sơn. Năm 2012 tác phẩm “Trịnh Công Sơn – Bob Dylan: Như trăng với nguyệt?” được in tại TPHCM qua bản chuyển ngữ của người vợ quê Huế.

1.163 - Nguyễn Văn Huyền
PHÓ TỔNG THỐNG “3 NGÀY”
Luật sư sinh 1911 tại Sóc Trăng – Mất 1995 ở TPHCM (85 tuổi).
Thời Pháp du học Pháp ngành luật.
Năm 1949 ra luật sư về hành nghề tại Sài Gòn. Từng làm luật sư biện hộ cho một số lãnh tụ Cộng sản bị Pháp bắt giữ truy tố tội chống chế độ như Hà Huy Tập, Nguyễn Hữu Thọ… Sau 1954 tiếp tục làm luật sư ở Sài Gòn. Rất có uy tín trong giới Thiên Chúa giáo đồng đạo theo khuynh hướng tiến bộ nên được khuyến khích tham gia hoạt động chính trị. Năm 1967 đứng đầu liên danh Thiên Chúa giáo đắc cử nghị sĩ vào Thượng viện VNCH, được bầu làm Chủ tịch Quốc hội.
Cuối tháng 4.1975 được tân Tổng thống Dương Văn Minh (Phật giáo) mời làm Phó Tổng thống gọi là để cân bằng với lực lượng Thiên Chúa giáo.
Nhiệm vụ đầu tiên là lên đài phát thanh đọc lời hiệu triệu trấn an dân chúng về tình hình đất nước có nguy cơ sắp rơi vào cảnh hỗn loạn sau khi cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bỏ của chạy lấy người, từ chức rồi lập tức được Mỹ hộ tống bay ra nước ngoài. Sau đó, ngày 28.4 dẫn đầu phái đoàn chính phủ VNCH vào Trại Davids (nằm trong sân bay Tân Sơn Nhất) để thương lượng với đại diện Cộng sản (thuộc 2 phái đoàn Cộng sản Miền Bắc và Mặt trận Giải phóng Miền Nam đang trong thời gian dự hòa đàm Paris lúc đó đã tạm ngưng) về việc ngưng bắn hòa giải dân tộc.

Nhưng thời điểm đó đã muộn cho việc này khi quân Cộng sản đang thắng thế chuẩn bị tiến vào Sài Gòn. Tiếp theo như mọi người đã biết, Tổng thống Dương Văn Minh đành phải ra lệnh binh sĩ VNCH “hạ vũ khí” chờ “bàn giao” chính quyền cho Cộng sản trong cảnh hòa bình tránh hai bên cùng là người Việt với nhau đổ máu thêm nữa.
Sau khi Cộng sản giành thắng lợi hoàn toàn, bản thân được ghi nhận công lao đóng góp cho hòa bình thống nhất đất nước liệt vào hàng nhân sĩ tham gia mặt Trận Tổ quốc VN vốn chỉ là một tổ chức chính trị quần chúng mang tính hình thức mà thôi, thực chất vẫn là do “Đảng lãnh đạo”! .
Đã vậy, từ trước 75 người nhiều bệnh tật gầy gò, sức khỏe đã suy yếu nên về sau cũng chẳng làm được gì nữa cho đến ngày qua đời lặng lẽ.

1.164 - Tô Thị Thủy
LÃNH TỤ SINH VIÊN TRANH ĐẤU TỪ BỎ CHÍNH TRỊ
Doanh nhân sinh 1946 tại Long An – Mất 2012 ở TPHCM (67 tuổi).
Năm 1967 là sinh viên khoa Việt – Hán ĐH Sư phạm Sài Gòn.
Nhưng không bao lâu hăng hái tham gia đi đầu trong phong trào sinh viên Sài Gòn xuống đường biểu tình liên tục chống Mỹ, chống chế độ Thiệu – Kỳ. Nhanh chóng trở thành một lãnh tụ sinh viên tranh đấu cùng thời với Huỳnh Tẫn Mẫm, Đoàn Kỉnh.
Sau đó bỏ học tiếp tục hoạt động trong phong trào sinh viên trí thức chống Mỹ, chống Thiệu - Kỳ. Trong thời gian này gặp và kết hôn với một bạn chiến đấu học lớp trên đã được kết nạp Đảng.
Tuy nhiên có điều khá lạ là sau ngày Cộng sản toàn thắng, chỉ có người chồng có ra mặt làm cán bộ ngành giáo dục song chỉ trong một thời gian ngắn rồi sau đó cả 2 vợ chồng đều âm thầm tự động… rút lui khỏi cơ quan Nhà nước! Có lẽ do đã thấy trước sự khác biệt, bất đồng quan điểm giữa lý tưởng đấu tranh chống Mỹ, chống Thiệu – Kỳ đòi quyền tự do dân chủ với chủ nghĩa độc đảng của Cộng sản.
Thay vào đó, 2 vợ chồng bắt đầu bước vào con đường làm ăn, làm hàng xuất khẩu kinh doanh thành công từ rất sớm. Hầu như không còn dính líu gì đến quá trình một thời tuổi trẻ đấu tranh chính trị hết mình!

1.165 - Trần Gia Phụng
SỬ GIA HẢI NGOẠI HIỆN ĐẠI
Nhà sử học Việt kiều Canada sinh tại Quảng Nam. Sống ở Mỹ (2012).
Tốt nghiệp ĐH Sư phạm và ĐH Văn khoa Huế ngành sử địa. Ra trường đi dạy học tại Đà Nẵng.
Sau ngày Giải phóng tiếp tục dạy học một thời gian rồi bỏ vào TPHCM sinh sống.
Năm 1995 đi Canada diện thân nhân bảo lãnh.
Bấy giờ mới chuyên tâm viết hàng loạt tác phẩm sử học về nhiều đề tài thời hiện đại mà mình từng là chứng nhân với quan điểm khác hoặc đối nghịch với cộng sản. Như về trận chiến Mậu Thân 1968, “Mùa hè đỏ lửa” 1972, lịch sử thuyền nhân VN, Miền Bắc sau hiệp định Gennève 1954, Hòa Hảo và nông dân Miền Nam, chính sách Trung Quốc đối với VN, quan hệ Mỹ – Trung Quốc, vấn đề Thái Bình Dương, trận chiến Hoàng Sa 1974…
Xen kẽ là những vấn đề lịch sử xa xưa hơn như nhà Tây Sơn, lịch sử Quảng Nam, chí sĩ Phan Châu Trinh, sự kiện Trung kỳ dân biến, những cuộc đảo chính cung đình, “Những câu chuyện Việt sử” (4 cuốn)…
Công trình lớn đáng kể có bộ “Việt sử đại cương” (từ năm 1.400-1950) gồm 5 tập in từ 2007-2009.

1.166 - Trần Hữu Dũng
QUÊ HƯƠNG VÀ TOÀN CẦU HÓA
Giáo sư đại học Việt kiều Mỹ sinh khoảng 1941 tại Mỹ Tho. Sống ở Mỹ (2012).
Con trai của cố bác sĩ Nhà giáo Nhân dân Trần Hữu Nghiệp (1911-2006), một trí thức Nam Bộ đi tập kết để lại vợ và con trai, sau 1975 trở về TPHCM dạy ngành y đại học và viết sách báo
Con trai lớn lên ở Miền Nam, sau khi tốt nghiêp đại học vào làm Trung tâm Nguyên tử lực ở Đà Lạt. Năm 1963 được học bổng du học Mỹ.
Tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế ra dạy đại học ở bang Ohio.
Nhiều năm sau ngày thống nhất đất nước mới về TPHCM gặp lại cha lúc mình đã gần 50 tuổi.
Sau đó vẫn trở lại Mỹ làm việc vì “Sống ở đâu cũng đóng góp được cho quê hương”.
Từ đó năm 2004 lập trang mạng nổi tiếng “Viet Studies” – và trang “Arts & Letters Daily” - chuyên giới thiệu tổng hợp những bài nghiên cứu kinh tế – xã hội – văn hóa quốc tế chất lượng cao viết về VN, được đánh giá là “bộ lọc trí thức” về đề tài VN.
Nhắm mục đích đưa VN hội nhập thế giới và ngược lại: “Toàn cầu hóa và yêu quê hương không trái nhau. Phải có một quê hương giúp toàn cầu hóa trọn vẹn đúng nghĩa hơn”.
Làm tất cả học theo tấm gương người cha ngày xưa, đó là “sự hòa hợp giữa tính bộc trực thẳng thắn của người Nam Bộ và sự tế nhị của một người trí thức sống nhiều, biết nhiều, thấu hiểu và quan tâm đến người khác.”

1.167 - Trần Hữu Hám
“NGU CÔNG VIỆT NAM”
Cán bộ về hưu sinh 1928 tại Thừa Thiên – Huế. Sống ở Thừa Thiên – Huế (2009).
Là cán bộ cộng sản tham gia kháng chiến cả 2 thời kỳ đánh Pháp đánh Mỹ. Về hưu sống ở làng La Chữ.
Giữa những năm 1980, thấy con đường trong làng chạy qua trước mặt nhà toàn đá tảng gập ghềnh kéo dài cả chục cây số làm trở ngại trẻ em trong làng đạp xe đi học lên Huế thật tội nghiệp bèn vác búa ra đập các tảng đá, nạy ra rồi tự tay đắp đất cho con đường bằng phẳng dễ đi hơn. Còn tận dụng các tảng đá đó làm rãnh thoát nước từ trên núi đổ xuống.
Làm cả một thời gian dài (sau rồi cũng có bà con làng xóm góp sức vào) kéo qua những năm 1990 mới tạm gọi là hoàn chỉnh dù lúc đó mình cũng đã thất tuần giống như tích cổ Trung Quốc có ông cụ Ngu Công gần 90 tuổi vẫn dẫn đầu đàn con cháu tay búa tay xẻng đục núi dời núi (đến 2 hòn núi) đứng chắn trước mặt nhà mình!
Không hề được ai trả công xá gì vẫn miệt mài làm cả chục năm như vậy, chỉ vì tâm nguyện “Mình làm việc nghĩa để đền ơn quê hương đã cưu mang gia đình trong những ngày miếng cơm còn xen lẫn củ sắn.”
Ngoài ra còn tự lập một “Bảo tàng nông cụ” gồm các mô hình những phương tiện, đồ nghề làm ruộng của nông dân như cái cày, cái bừa, cối giã gạo, máy xay gạo máy đạp nước … đặt ngay tại nhà cho bà con đến coi chơi.

1.168 - Trần Kim Hùng
TỬ TÙ HAM HỌC
Tù nhân sinh khoảng 1966 tại Huế. Bị giam ở nhà tù Chí Hòa, TPHCM (2006).
Con nhà có học, sau năm 1975 là sinh viên khoa Văn ĐH Huế năm thứ ba.
Nhưng nghe lời bạn bè rủ rê vượt biên mới bỏ nhà vào Sài Gòn cùng một người bạn âm mưu đến nhà một bà dì khá giả chờ lúc không có ai ra tay giết chết (siết cổ) rồi phá tủ cướp vàng và tiền chạy xuống Vũng Tàu tìm tàu vượt biên.
Tuy nhiên chưa đi được thì đã bị công an tóm gọn. Đưa về TPHCM ra tòa lãnh tội chủ mưu chịu án tử hình, bạn là đồng lõa tù chung thân.
May mà có cô bạn gái thời đại học thương tình cùng gia đình lục tìm hồ sơ cũ hồi trước từng có thời gian điều trị bệnh tâm thần ở bệnh viện còn lưu giữ để mang vào TPHCM nộp tòa án xin cứu xét giảm án. Kết quả được giảm xuống tù chung thân.
Người bạn gái chí tình kia trong suốt 3 năm sau đó thường xuyên đi thăm nuôi, rồi cũng đành chia tay theo gia đình đi Mỹ.
Còn lại một mình tiếp tục thụ án dài đăng đẳng từ năm này qua năm khác mà không còn ai đi thăm tiếp tế do cha mẹ già ở quê xa mà hoàn cảnh rất khó khăn. Nhiều lúc chán nản tuyệt vọng tìm cách tự tử đều không thành.
Dần dà cuối cùng bình tĩnh lại, dùng kiến thức đã học được của một sinh viên khoa Văn để tự xét bản thân tìm ra còn đường sống còn chống trầm cảm là con đường tự học. Tự học bằng cách tìm đọc bất cứ tài liệu sách báo nào có được hoặc mượn được, qua đó nghiền ngẫm bao ý nghĩa nhân sinh tự cổ chí kim để xây dựng cho mình một triết lý sống thanh thản chấp nhận cái giá phải trả cho tội lỗi của mình. Từ đó trở thành một tù nhân gương mẫu ai cũng kính trọng.

Năm 2005 người bạn tù chung thân được ân xá ra tù về quê làm rẫy. Sau đó đến lượt mình được nhà tù bắt đầu gửi văn bản lên cấp trên đề nghị cứu xét cho ân xá chưa biết kết quả ra sao.

1.169 - Trần Mạnh Cường (1)
LINH MỤC TUYÊN ÚY Ở LẠI
Tu sĩ Thiên Chúa giáo sinh 1942. Sống ở Đắc Lắc (2007).
Nguyên thiếu tá tuyên úy Thiên Chúa giáo trong quân lực VNCH từng tốt nghiệp khoa Văn ĐH Văn khoa Sài Gòn.
Bởi vậy sau ngày Giải phóng phải đi cải tạo khá dài ngày.
Trở về ưu tiên được đi H.O song đã từ khước chấp nhận ở lại, xin được quay lại phục vụ giáo xứ tại Buôn Ma Thuột thực hiện lý tưởng “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” theo tinh thần Thư chung của Hội đồng Giám mục VN năm 1980.
Chấp nhận sông như vậy phù hợp với niềm tin bản thân: “Không đâu có thể yên bình bằng VN quê mẹ”.

1.170 - Trần Mạnh Cường (2)
TRẢ ƠN RỪNG, RỪNG TRẢ ƠN
Nông dân sinh 1950 tại Quảng Nam. Sống ở Nghệ An (2008).
Vào bộ đội đánh Pháp từ năm 1947.
Năm 1954 tập kết ra Bắc, được bố trí về đơn vị ở Thanh Hóa rồi Nghệ An.
Năm 1959 xin ra quân đi làm công nhân nông trường ở Nghệ An. Ba năm sau lấy vợ dân xứ Nghệ.
Năm 1964 được gọi tái ngũ phục vụ cuộc chiến Miền Nam bắt đầu nóng bỏng. Được chuyển về đơn vị phòng không địa phương từng lập chiến công bắn rơi một máy bay Mỹ.
Chiến tranh kết thúc, trở về lại nông trường cũ xin nhận một vùng đồi núi rộng đến 20 hecta còn hoang vu để khai hoang trồng rừng. Vợ con đều ngại làm không nổi nhưng vẫn quyết tâm làm từ niềm tin “Mình là bộ đội hàng chục năm được rừng che chở, lo gì không làm được kinh tế từ rừng.”
Bắt tay vào khai hoang, xong mới tiến hành trồng rừng. Chỉ thuê nhân công làm việc dễ, còn việc khó việc quan trọng đều tự tay mình làm (không có con trai đỡ đần) như phân bố khu vực trồng rau quả và cây ngắn ngày đem bán để lấy ngắn nuôi dài, khu vực trồng cây công nghiệp lâu năm…
Kết quả sau 30 năm đã hình thành nên một khu rừng đủ các loại cây trồng lớp lang nghiêm chỉnh, có khu rừng cây ăn quả, khu rừng cây làm nguyên liệu giấy… Còn dành ra một khu định làm khu du lịch sinh thái.
Cũng nhờ đó nuôi 7 con gái học hành thành đạt, con đầu vào Quốc hội, con thứ tư lấy bằng tiến sĩ ở Úc: “Rừng đã nuôi cả nhà mình như thế, còn gì hơn nữa!”

(Còn tiếp)

Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

THƠ LÊ NGỌC THUẬN

CHƯƠNG HÔN MÊ

Cái đầu mụ mẫm hôn mê
Chiêm bao cứ tưởng người về đêm nay
Hóa ra nửa tỉnh nửa say
Cầm ly rượu ngỡ cầm tay của người.

NGUYỄN CA

Xưa anh chậm trễ cau trầu
Để em nhỡ bước qua cầu Bá Vương
Thù mưa, hận nắng vô thường
Làm cho lộn lối lạc đường xa nhau
Em bồ câu hay diều hâu
Bay đi bỏ lại bóng sầu trong anh.

LNT

Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

HẠT LÚA - NGUYỄN MIÊN THẢO

ta soi từng hạt lúa vàng
thấy trong tiền kiếp muôn ngàn sinh linh
từ ngày về chốn u minh
chỉ riêng hạt lúa chung tình với ta
và em
với bóng trăng tà. . .

Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

EM LÀ BÁU VẬT CỦA ĐỜI ANH - TRẦN DZẠ LỮ

Hơn nửa đời người
Anh mới gặp
Em là báu vật của đời anh.
Báu vật nên không thể lanh chanh
Để vào túi áo
Cũng không thể để vào hai vai tình ảo
Anh khẻ khàng cất vào phía trái tim.
Chỗ trái tim là nơi em sẽ bình yên
Không sợ thị phi,dư luận
Không sợ ngày qua tháng lại lận đận
Suốt kiếp này anh gìn giữ nghe em!
Cảm ơn em
Người con của Huế
Đẹp không chỉ bóng hình
Môi cười thơm nắng lụa đất Thần Kinh

Dịu ngọt một tâm hồn rất Huế…
Có những điều không thể
Nói ra-Như ban mai phải thấy nắng chan hòa
Như chiều hôm bần thần gió cuốn
Như đêm trăng nằm mộng mị áo hoa cà…
Mình phải cất giấu cõi-người-ta
Những điều không thể.
Có thể ngày mai em là trầm quý
Là gỗ căm xe thiên hạ truy tìm
Là bà Hoàng ngựa xe bề thế
Em là gì…Anh vẫn yêu em!
Có thể ngày mai em nghèo sát đất
Héo úa đời bên chốn cô liêu
Không thấy nổi nụ cười ,chỉ còn nước mắt
Em là gì…Anh vẫn yêu em!
Hơn nửa đời người mới thấy con tim
Rung reng điệu tình lạ lẫm
Có một niềm tin chắc mẫm
Em mãi là báu vật của đời anh
Và không thể lanh chanh rao bán cuộc tình
Anh cất kỷ vào ngăn thứ nhất
Em yêu ơi! Đó là điều rất thật
Khi trái tim này đã thuộc về em…

Trần Dzạ Lữ -SàiGòn 6.2012.

Thứ Hai, 18 tháng 6, 2012

NỘ - LÊ NGỌC THUẬN

Thời gian, đồ chết bầm chết giẫm
Không gian, đồ xỏ lá ba que
Cả hai đón đưa em về đó
Đạp ta lui tới phố chợ chiều

Đất Long Thành vô cùng dễ ghét
Rủ rê em đi đứng nói cười
Ta cầu trời tóc em khét lẹt
Bởi đằng sau đâu có ta ngồi

Ta không phải du kích bắn tỉa
Cũng chẳng là xác quỉ hồn ma
Ta là người có xương có thịt
Có tình yêu rất đỗi thật thà

Dù tim em tròn vo thăm thẳm
Ta bên ngoài tức tưởi ngó mây bay
Người đàn bà trăm năm thiếu nữ
Hãy yêu ta, mặc kệ thánh thần

Đêm trơ mắt nằm nghe muỗi chưởi
Ngó lên mùng bốn phía u mê
Em bạc ác chia trời cách đất
Ta bây giờ ngu ngu si si.



Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

THƠ VIẾT NHƯNG LÒNG KHÔNG PHỤC - HOÀNG LỘC

em thuở ấy em rất là con gái
có điều chi thì chín vẫn cho mười
em mới đó đã là em thiếu phụ
tội con thuyền phải lạnh ở xa xuôi

ôi quá chán (yêu em mà phát chán)
gió thu đông đã thổi lọt xuân hè
em đếch biết yêu thương (còn làm loạn)
để trái sầu tứ hướng rụng lia chia

ta nho nhã bỗng chửi thề khí phách
thân dật dờ nương náu cõi tình xưa
những chiu chắt cuối đời ta mất sạch
em (với chồng em) chặt cánh tay thơ

vẫn lớn lối ta trăm lần bất bại
mà phù vân vừa rã đám bên trời
em ngang bướng từ thuở còn con gái
khi trở thành thiếu phụ cũng trời ơi

em có dám đưa ta về chín suối
để cam tâm nuôi con cái nhà người ?

9-6-2012

HL

Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2012

CAO HUY KHANH - VN HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 -2012 ( KỲ 115 )

NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

1.151 - Đặng Đình Áng
“THIỀN SƯ TOÁN HỌC”
Giáo sư tiến sĩ toán sinh 1926 tại Hà Tây. Sống ở TPHCM (2012).
Vào Sài Gòn từ năm 1951.
Năm 1953 được học bổng đi du học Mỹ ngành toán. Năm 1958 tốt nghiệp tiến sĩ toán quay về Sài Gòn dạy đại học.
Năm 1960 làm Trưởng khoa Toán ĐH Khoa học Sài Gòn. Được mời đi thỉnh giảng ở nhiều đại học Mỹ, Pháp, Ý. Đã có hơn 130 bài nghiên cứu chuyên sâu toán trên báo chuyên ngành quốc tế.
Sau 30.4.75 vẫn ở lại dạy đại học như cũ dù có nhiều gợi ý ra nước ngoài làm việc thuận lợi hơn. Năm 1980 được cho phép đi nước ngoài dự hội nghị chuyên ngành quốc tế, được nhiều lời mời ở lại song vẫn từ chối để quay về
Hơn tất cả mọi điều, tình yêu quê hương sâu sắc là chất xúc tác gắn bó với đất nước như bụi tre xanh um tùm trồng trước cửa nhà nơi đô thị hiện đại đang “Tây hóa” bao trùm: “Quê hương là dải đất có núi có sông, có cây cỏ, có con người cùng chung quyền lợi vật chất và tinh thần nhưng không phải chỉ là thế, sâu xa hơn thế là những nấm mồ của những người đã khuất.”
Ngoài ra còn bắt nguồn từ tính nghệ sĩ của một người yêu nhạc, chính là chú ruột của Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Thái Sơn: “Toán và âm nhạc đều là nghệ thuật. Chơi nhạc là một cách thiền.”. Mà đã là thiền rồi thì ở đâu không được, ở đâu mà không làm việc được.
Vì vậy cũng như với toán học thu hút, chọn lọc bao nhiêu tinh hoa thế giới để về dạy lại cho học trò trong nước thì âm nhạc cũng thế từng lên sân khấu biểu diễn cùng ban nhạc bạn bè, thổi sáo trúc các giai điệu mượt mà của Mozart. Được học trò yêu mến tôn là “thiền sư toán học”.
Được phong Giáo sư ngay đợt đầu tiên cả nước năm 1980. Năm 2006 một hội nghị toán học quốc tế được tổ chức tai TPHCM mừng thọ ông 80 tuổi.

1.152 - Don Luce
TỪ “CHUỒNG CỌP” CÔN ĐẢO ĐẾN NẠN NHÂN BỆNH AIDS
Nhà báo Mỹ sinh khoảng 1938 tại Mỹ. Sống ở Mỹ (2012).
Năm 1958 là sinh viên tình nguyện qua Sài Gòn dạy tiếng Anh theo chương trình giúp đỡ VN của một tổ chức tôn giáo Mỹ.
Từ đó kết thân với giới sinh viên VN nên khi bùng nổ phong trào sinh viên đấu tranh chống chế độ Mỹ – Ngụy cuối những năm 1960 đã tích cực hỗ trợ họ qua nhiều bài viết đăng báo Mỹ.
Trong đó nổi cộm vụ tố cáo chính quyền VNCH vi phạm nhân quyền đối với trẻ thơ nhân chuyện bắt giam 2 đứa con trai mới 7 tuổi và 5 tuổi của đại tá Việt Cộng Tư Chu (Nguyễn Đức Hùng) chỉ huy trưởng Lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định gửi cho nhà bà con ở Sài Gòn buộc sau đó nhà cầm quyền Sài Gòn phải thả ra năm 1968. Tiếp theo là loạt bài đăng báo Tin Sáng và báo Mỹ Time tháng 7.1970 tố cáo tội ác nhà tù “Chuồng cọp” giam giữ hành hạ tù nhân cộng sản tại Côn Đảo.
Bởi vậy năm 1971 bị trục xuất khỏi Miền Nam.
Về Mỹ tiếp tục lên tiếng về tệ trạng ngược đãi tù binh từ Miền Nam VN đến Guantanamo (Cuba), Iraq, Afghanistan trong cuốn “Những con tin của chiến tranh” (Hostage of War).
Năm 1977 hiệu đính bản dịch tiếng Anh cuốn “Đại thắng mùa xuân” của Đại tướng Văn Tiến Dũng (do nhà báo Mỹ John Spragens dịch).
Năm 2005 rồi 2008 mới có dịp trở lại VN, gặp mà không thể nhận ra 2 đứa trẻ ngày nào mình giúp giải thoát khỏi nhà tù nay đều đã gần… ngũ tuần (ảnh)!
Cuối đời còn tham gia công tác giúp đỡ cộng đồng bệnh nhân AIDS bị cách ly sống nơi tận cùng nước Mỹ, bên cạnh thác Niagara sát biên giới với Canada.

1.153 - Lê Thị Mai
TÌNH YÊU “TỔ CHỨC”
Cán bộ về hưu sinh 1931 tại Huế – Mất 1983 ở Đà Nẵng (53 tuổi).
Chị ruột “Tử tù chuồng cọp” Côn Đảo” nổi tiếng Lê Quang Vịnh.
Khi em trai bị tù ở Huế mới đi thăm nuôi qua đó gặp gỡ thầy dạy của em trong tù, một cán bộ cộng sản. Sau khi người này ra tù tìm gặp lại, đôi bên nảy sinh tình cảm, từ đó được người yêu dẫn dắt vào con đường hoạt động cộng sản nằm vùng tại Huế từ năm 1960.
Năm 1965 bị bắt giam ở Huế trong lúc người yêu bị lộ cơ sở đã vượt tuyến ra Bắc.
Năm 1966 cùng một số đồng chí vượt ngục tìm vào chiến khu. Đến 1968 làm đội trưởng một đội công tác trở lại Huế tham gia cuộc chiến Mậu Thân.
Sau gần một tháng chiến đấu trong nội thành Huế, được lệnh rút lui rồi ra Bắc chữa bệnh, qua cả Trung Quốc điều trị. Một năm sau về nước đi học đại học.
Trong thời gian này cố công tìm người yêu cũ song không có tin tức. Thay vào đó, tổ chức (Đảng) gợi ý mai mối cho lấy chồng là một cán bộ tập kết người Quảng Nam.
Sau ngày chiến thắng Miền Nam, quay về cố huơng Huế làm bí thương phường. Đồng thời gặp lại người yêu cũ bây giờ làm hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm.
Nhưng hy vọng được ở lại quê nhà Huế không thành do chồng cũng trở về quê Đà Nẵng bắt phải đi theo mình.
Tuy nhiên cuộc sống gia đình sau đó không yên ấm kiểu “đồng sàng dị mộng”, hơn nữa bấy giờ mới phát hiện trước đây khi ở tù đã bị tra tấn để lại di chứng tuyệt đường sinh đẻ. Đành phải cay đắng nhận con nuôi vẫn không an ủi được bao nhiêu.
Từ đó buồn phiền sinh bệnh mất sớm trong nỗi buồn xa quê.

1.154 - Nguyễn Viết Vân
CÂU LẠC BỘ B93
Cán bộ phường sinh tại Hà Nội. Sống ở Hà Nội (2012)
Trong chiến tranh chống Mỹ là lính trinh sát đặc công, bị thương chuyển qua đơn vị công binh.
Sau 1975 xuất ngũ về làm cán bộ phường Kim Mã ở Hà Nội.
Khi thấy tình hình thanh thiếu niên trong phường bắt đầu rơi vào tệ nghiện ngập ma túy mới xin phép lập một tổ cựu chiến binh địa phương làm nhiệm vụ trấn áp bọn trùm buôn bán chất gây nghiện đồng thời đặt quan hệ với các cơ quan, hội đoàn, tổ chức y tế – xã hội hỗ trợ tìm cách giúp con nghiện cai nghiện. Dần dà công tác gặt hái thành quả bước đầu mới tiến lên đặt tên tổ này là CLB Cai nghiện tự quản B93.
Những ai cai nghiện thành công được giúp đỡ học nghề hoặc mở điểm lao động kiếm sống như sửa xe máy, buôn bán vặt… Nhiều người khi rảnh việc còn quay lại gia nhập làm thành viên CLB tiếp tục duy trì, triển khai hoạt động chống ma túy trên địa bàn.
Bản thân làm đầu tàu cho CLB không ít phen đối đầu với bọn côn đồ xã hội đen mấy lần đe dọa nguy hiểm tính mạng. Vợ con lo lắng can ngăn nhưng vẫn kiên quyết không lùi bước: “Ông trời bỏ quên tôi mấy lần chết hụt ở chiến trường thì nay có sá gì sợ chết vì việc nghĩa?”

1.155 - Tôn nữ Quỳnh Như
BI KỊCH TÌNH YÊU TRÍ THỨC THỜI CHỐNG MỸ
Cựu sinh viên tranh đấu chống Mỹ sinh tại Huế – Mất 1978 ở TPHCM.
Bác ruột (Tôn thất Dương Tiềm) và cha (Tôn thất Dương Kỵ) đều là nhà giáo nổi tiếng tham gia phong trào trí thức chống Mỹ – Thiệu nên bản thân là sinh viên ĐH Kiến trúc Sài Gòn cũng dấn thân xuống đường chống chế độ Thiệu – Kỳ.
Từ đó nẩy nở tình yêu với một lãnh tụ sinh viên tranh đấu thời đó là Lê Quang Vịnh vừa là đồng hương vừa là học trò của cha mình. Được người yêu vốn là cán bộ cộng sản đưa vào chiến khu tập huấn về công tác đấu tranh nội thành.
Nhưng sau đó trở về Sài gòn, Lê Quang Vịnh bị bắt đi tù “Chuồng cọp” Côn Đảo mất liên lạc.
Trong thời gian này xuất hiện “dệ tam nhân” Trần Quang Long cũng tham gia tranh đấu chống Mỹ, bỏ dạy học từ Cần Thơ lên Sài Gòn hoạt động, nổi tiếng là nhà thơ tranh đấu lúc đó (tác giả tập thơ “Thưa mẹ, trái tim”), làm chủ tịch Hội Sinh viên sáng tác. Anh cũng là học trò của cha mình nên qua đó quen biết rồi đem lòng yêu thương.
Trong hoàn cảnh thiếu thốn tình cảm, tưởng người yêu xưa đã bỏ mình trong ngục tù nên cuối cùng Quỳnh Như chấp nhận kết hôn với Trần Quang Long năm 1967.
Năm 1968 khi mình đang mang thai thì chồng đi theo cộng sản bỏ vào mật khu Tây Ninh sát biên giới Campuchia khiến vợ ở nhà bị bắt giam. Không bao lâu chồng bị bom B 52 đánh trúng hy sinh trên trận địa khi mới 27 tuổi (năm 2012 mới tìm thấy hài cốt truy điệu liệt sĩ) trong lúc ở Sài Gòn vợ sinh con trai trong nhà tù đặt tên Xuân Thắng với ý nghĩa chờ đợi mùa xuân đại thắng mãi đến 6 năm sau mới đến.
Năm 1969 được ra tù về nhà nuôi đứa con chưa hề biết được mặt cha đến ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam 1975.
Ngày đó người tình cũ Lê Quang Vịnh trở về làm Phó Giám đốc Sở Giáo dục TPHCM, đôi bên tái ngộ trong cảnh bẽ bàng, tình cảm vẫn còn dư âm nhưng người ấy vì lòng tự trọng bây giờ không thể nối lại đường tơ với người từng là vợ cũ của đồng chí mình đã hy sinh! Đành chia tay đi lấy vợ khác em một bạn tù cùng chí hướng.
Nỗi buồn “thân phận tình yêu” hẩm hiu chua xót kéo dài không bao lâu thì mắc bệnh xơ gan qua đời sớm năm 1978.

1.156 - Tôn Thất Cảnh
DẠY DƯỠNG SINH CHỮA BỆNH MIỄN PHÍ
Kiến trúc sư Việt kiều Mỹ về hưu sinh 1927 tại Thừa Thiên – Huế. Sống ở Mỹ (2007).
Nguyên hướng đạo sinh bị bướu trong não nhưng đã tự học và tập môn Thái cực dưỡng sinh (Taichi) mà chữa khỏi bệnh.
Vì thế sau khi qua Mỹ năm 1986 dù tuổi đã khá cao song với tinh thần một hướng đạo sinh đã lập ra Hội Dưỡng sinh và mở lớp dạy môn này cho hàng ngàn người giúp họ chữa bệnh, giữ gìn sức khoẻ. Theo đúng 2 tôn chỉ mà Hướng đạo đã nêu là “Hạnh phúc thật sự chỉ tìm được khi ta giúp người khác” và “Muốn có hạnh phúc phải chia xẻ hạnh phúc của mình cho người khác”.
Hoàn toàn dạy không lấy tiền, chỉ mong có đóng góp tự nguyện để lấy tiền gửi về nước tham gia hoạt động từ thiện.

1.157 - Trầm Tử Thiêng
HƯỚNG VỀ TRẺ TỊ NẠN MỒ CÔI
Nhạc sĩ Việt kiều Mỹ tên thật Nguyễn Văn Lợi sinh 1947 tại Quảng Nam - Mất 2000 ở Mỹ (64 tuổi).
Bắt đầu sáng tác ca khúc từ năm 1958.
Đến khi bị gọi nhập ngũ năm 1966 làm sĩ quan tâm lý chiến tiếp tục viết nhạc, nhiều bài về đề tài lính VNCH, nổi tiếng có “Bài hương ca vô tận” và “Chuyện một chiếc cầu đã gãy” viết về cầu Trường Tiền ở Huế bị Cộng sản đặt bom nổ gãy cầu trong chiến cuộc Mậu Thân 1968.
Năm 1970 được biệt phái về Đài Phát thanh Sài Gòn tham gia thực hiện chương trình Phát thanh học đường.
Sau 1975 trốn trình diện rồi tìm cách vượt biên bị bắt ở tù.
Ra tù đến năm 1985 được xuất cảnh qua Mỹ.
Trên xứ người trở lại với âm nhạc, viết nhạc nói lên nỗi niềm người lưu vong mất quê hương như “Kinh khổ”, “Chợt nghĩ về hai nơi”, “Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng”… Qua đó vẫn mong mỏi một đất nước VN hòa bình, thống nhất, hạnh phúc thật sự như thể hiện qua bài “Hòa bình ơi, Việt Nam ơi”. Cộng tác mật thiết với nhạc sĩ đàn em Trúc Hồ cùng chí hướng, đặt lời cho nhiều ca khúc của Trúc Hồ.
Đặc biệt quan tâm nhiều đến giới trẻ em vượt biên mất người thân thành ra mồ côi, tìm cách giúp đỡ. Làm nhạc thiếu nhi về đề tài này với bài được biết đến nhiều nhất “Bên em đang có ta”. Cùng bạn bè lập Thư viện VN ở khu Sài Gòn Nhỏ, bang California.
Trước khi mất có di nguyện lập quỹ hỗ trợ trẻ em tị nạn mồ côi mang tên “Bên em đang có ta” nhan đề ca khúc dành cho các em kể trên.

1.158 - Trần Châu
TRẠI NUÔI NGƯỜI ĐIÊN TƯ NHÂN
Luơng y sinh tại Quảng Trị. Sống ở Ninh Thuận (2011).
Năm 1972 theo gia đình trong khu Công giáo sống ở thánh địa La Vang chạy nạn chiến tranh – thời điểm bùng nổ “Mùa hè đỏ lửa” – vào vùng rừng núi Ninh Thuận khai hoang lập thôn mới đặt tên La Vang ghi nhớ quê hương cũ. Cha tiếp tục hành nghề lương y.
Sau 1975 làm giáo viên xóa nạn mù chữ. Được một thời gian thì cha gọi về truyền nghề lương y, dặn con tuyệt đối chữa bệnh không được lấy tiền vì xem đây là việc thiện mình được giao phó phải làm.
Từ đó trị bệnh miễn phí cho tất cả mọi người trong vùng và cả từ nơi khác nghe tiếng tìm đến. Nhờ ở vùng rừng núi nên có điều kiện tìm được nhiều loại dược liệu Đông y trị bệnh hiệu quả.
Chữa bệnh miễn phí song người bệnh cám ơn vẫn gửi lại tiền trong phong bì đành phải cất giữ không hề đụng chạm tới. Mãi đến năm 1995 mở các phong bì ra tổng kết sơ sơ cũng được 30 triệu đồng không biết làm gì mới nảy ý dùng tiền đó xây một căn nhà cho những người nghèo không nơi nương tựa đến ở.
Nhưng do nơi này nằm chỗ xa xôi hoang vắng nên không có người nghèo nào chịu đến ở. Thế là phải cất công đi ra thành phố tìm… người đem về cho tá túc nuôi nấng. Và rốt cuộc chỉ có những người… điên, mắc bệnh tâm thần không người thân thích lang thang đầu đường xó chợ mình mới có thể đem về nuôi ăn nuôi ở!
Dần dà nơi đây trở thành một trại tâm thần “tư” do một cá nhân dựng nên, hoàn toàn “tự túc”. Nghĩa là bây giờ ngoài thì giờ khám chữa bệnh, mình còn phải nai lưng làm lụng đủ thứ công việc để kiếm tiền kiếm cơm gạo mắm muối nuôi đến hơn 70 bệnh nhân tâm thần “tại gia”!
Vừa chăm lo vườn xoài vừa đào ao nuôi cá, mua hàng về bán lẻ cho bà con quanh vùng, làm nước rửa chén đem bán dạo… Tối ngày tất bật đủ thứ việc ngoài đường, về nhà còn lo tổ chức cơm nước, tập cho tập thể người điên sống sao cho yên ổn hòa thuận. Tập cho họ tự lo nấu nướng, tắm giặt, tập cầu kinh, tham gia đàn ca sinh hoạt văn nghệ giải sầu...
May mà rồi công việc từ thiện đó cũng được nhiều người biết tới tìm cách hỗ trợ không ít thì nhiều, có người mua hàng giúp có người cho nợ tiền cơm gạo củi lửa…
Và trên tất cả đại gia đình người điên ngày càng trở nên hiền hòa hẳn, có lẽ một phần nhờ sống chung ở môi trường trong lành thoáng đạt tránh xa đô thị ồn ào náo động dễ đau đầu nhức óc. Từ đó người điên lại đem đến cho người tỉnh một niềm hạnh phúc đơn giản mà lạ lùng: “Sống với những con người như thế, mình cảm thấy thanh thản vô cùng”

1.159 - Trần Đình Trọng
NHỚ ƠN CỨU MẠNG
Nhà giáo về hưu sinh 1953 tại Quảng Ngãi. Sống ở Quảng Ngãi (2012).
Năm 1972 lúc 19 tuổi làm du kích xã ở địa phương bị trúng mìn hai chân nát hết được đưa về bệnh xá cứu chữa.
Chuẩn bị mổ thì bị địch bắn pháo vào bệnh xá buộc tất cả phải di tản, được 2 đồng đội bỏ lên cáng rút chạy. Nhưng bị địch truy kích ráo riết nên cuối cùng tự mình yêu cầu đồng đội giấu mình trong rừng để họ có thể thoát thân trước.
Trong tình cảnh hôn mê nửa thức nửa tỉnh cái chết đến gần kề thì mơ màng nghe thấy có mấy người lính phía bên kia tìm ra mình, có người định bắn chết luôn song bị một người khác tìm cách ngăn lại nói là trước sau gì tên Việt Cộng này cũng chết thôi. Thế nên cả bọn rút đi.
Không ngờ sau đó tỉnh dậy thấy có người – có lẽ người lính tốt bụng kia – lén để lại cho mình một bi đông nước và 2 bịch gạo sấy. Chính nhờ bi đông nước đó đã cứu mạng mình còn cầm hơi thoi thóp để sau đó được đồng đội quay lại tìm rồi đưa về trạm xá cưa chân trái cứu sống. Qua năm 1974 được chuyển ra miền Bắc tiếp tục điều trị, an dưỡng.
Sau ngày hòa bình, quay lại quê hương Quảng Ngãi. Năm 1977 thi đậu ĐH Sư phạm Huế khoa toán. Tốt nghiệp, xin về dạy trường Trần Quốc Tuấn ở quê nhà, lần lượt được đề bạt lên hiệu phó rồi hiệu trưởng.
Trong suốt khoảng thời gian đó vẫn không quên ân nhân cứu mạng bi đông nước và 2 bịch gạo sấy nên với một chân gỗ tập tễnh vẫn lặn lội đi nhiều nơi dò la tin tức người ơn năm xưa. Nhưng biết đâu mà tìm, biết ai mà tìm?
Mãi đến năm 2003 mới có thông tin đầu tiên từ Đà Lạt cho biết được tên tuổi người lính đó cùng quê Quảng Ngãi thuộc sư đoàn 2 VNCH sau này cũng là thương binh mất một tay trong một trận đánh năm 1973. Tuy nhiên không biết ở đâu, dường như là ở một khu kinh tế mới.
Thế là bản thân lại tiếp tục mở một cuộc hành trình đi tìm dân kinh tế mới khắp miền Trung và Tây Nguyên. Vẫn chỉ hoài công thôi.
Đến 2 năm sau thông qua mối liên hệ đồng hương Quảng Ngãi mới có được địa chỉ của người cứu mạng mình năm nào. Té ra đúng là dân kinh tế mới nhưng là đi kinh tế mới năm 1981 vào tận Bình Phước.
Cuộc hội ngộ không cầm được nước mắt giữa 2 người trước đây ở 2 bên chiến tuyến thù địch, còn lạ lùng ở chỗ một người mất chân một người mất tay đều từ khói lửa chiến tranh! Bây giờ chỉ còn là 2 con người, 2 thường dân trong đó người cựu chiến binh cộng sản nhỏ hơn 14 tuổi nhận mình làm em người “lính Ngụy”, xin được làm “người con trong gia đình”.

1.160 - - Trần Đông A
TỪ QUÂN Y CHẾ ĐỘ CŨ ĐẾN QUỐC HỘI
Giáo sư bác sĩ sinh 1941 tại Nam Định. Sống ở TPHCM (2012).
Nguyên sĩ quan quân y VNCH nên sau 1975 vượt biên bị bắt.
Nhưng được Sở Y tế TPHCM bảo lãnh về sớm đưa vào làm ở bệnh viện Nhi đồng 2 từ năm 1978 theo chính sách sử dụng “trí thức tại chỗ” của Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt lúc đó nhằm ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám trong giới trí thức chế độ cũ bỏ chạy ra nuớc ngoài. Nhất là ngành y đang rất thiếu chuyên viên.
Từ đó chấp nhận ở lại công tác, dần dần có nhiều cống hiến nổi bật nhất là qua ca mổ tách cặp song sinh Việt – Đức năm 1988, sau đó là công trình nghiên cứu và thực hiện ghép thận cho trẻ em. Được ĐH Pháp mời qua giảng dạy năm 1995.
Được phong Giáo sư rồi vào Quốc hội.
(Còn tiếp)

Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

ÁO MÀU CÂM NÍN - LÊ NGỌC THUẬN

Có một chút gì đó như hoang tưởng
Có mùi hương từ màu trắng vô thanh
Người mặc áo đen đi vào bóng tối
Một vầng trăng khập khễnh giữa mùa thu

Ta chay mặn bất thường trong bàn rượu
Bạn bè xưa nghi ngại dấu điên khùng
Buồn ẩn mặt trong ly chiều cô quạnh
Bước chân em dẫm đạp bụi phương nào

Đêm hoàng cung, hồn ma cung nữ dậy
Tung tin đồn ta thương nhớ em
Vòng Thành Nội ta qua đường phố đó
Cổng nhà em, một mình ta ngẩn ngơ

Nợ cơm áo làm ta thành đạo sĩ
Ngồi trong lò lửa nấu đời đau
Em đâu biết máu ta vừa chảy ngược
Kiếp nào xưa chúng mình của nhau

Áo câm nín ta mặc tình đơn độc
Nụ hôn đầu xin gửi lại môi sau
Em thánh thiện, nhớ dùm ta vẫn đợi
Ta vẫn chờ giữa hỗn loạn trần gian.

Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

HỎI LỜI THƯƠNG EM - HOÀNG LỘC

bỗng dưng ta nhớ Sài Gòn
bên ni đường nắng bên đường kia mưa
bỗng dưng ta thấy ngày xưa
em đi -
em đứng lại chờ -
rồi đi

nhiều năm ta đã không về
nắng mưa gì cũng có khi lạnh tàn
không tròn
mà chắc chi vuông
em đi hay đứng cũng buồn vậy thôi

bỗng dưng ta biết thương đời
thương ta
và muốn hỏi lời thương em.

6-2012

Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

TÓC BUỒN - CAO HUY KHANH

Đã yêu thành phố đêm nay
Đã yêu từng bước chân qua
Đã nhìn thấy ngày sau em về

Mắt ai ngơ ngác đi trong rừng thu... thu muộn
Sớm mai nào thức, sơm mai giục giã về trời
Cuốn lên tay áo hôn lên làn mi hôn lên dải tóc... tóc mềm
Tóc em sợi ngắn tóc em sợi dài... em tóc mai
Bao nhiêu sợi tóc ra đời
Là bao nhiêu nắng hồng hào trong tôi
Nắng hong sợi tóc xanh ngời
Tình tôi như cũng muôn lời tim non.

Sao không còn thấy áo xanh xoã tóc qua trường
Những cây vàng úa những bông vàng úa tay này
Sao không còn thấy em bờ bờ sông đứng trông chiều rơi xuống đời
Sao em tìm mãi hơi lạnh tàn thu trên núi sương
Em ơi nào có ai nào
Dù em có tới hay dù em đi
Cũng đâu người biết chút gì
Bởi tình tôi vẫn thầm thì khôn nguôi...

Tình ơi! Ta vọng mãi lời hát tinh cầu...

Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

NHỊ NGỌC - LÊ NGỌC THUẬN

Trái tim em lại vẽ vời thư pháp
Khó khăn ta nhung nhớ muộn phiền
Xin tóc em đừng mang theo gió bấc
Bởi nơi đây ta lạnh đã vô cùng

Em hôn ai mà môi mềm đành đoạn
Để cho ta tai biến ruột gan
Máu ngạo ngược ngấm ngầm tê cả mặt
Buồn lưu vong không bến đợi sông chờ

Hương thiếu phụ mãi âm thầm rức ráy
Lòng ta đau như thể bị lăng trì
Ôi tình ái – Trận đồ ta thai nghén
Rượu mơ màng đêm tráo trở chiêm bao

Giấc mơ vốn ngoài vòng pháp luật
Sao ngượng ngùng đỏ mặt lấn vầng trăng
Em yêu dấu thật tình ta thơ dại
Nhớ thương người mộc mạc rất hoang sơ

Eo phu nhân dịu dàng như tơ lụa
Vòng tay ta đặc sệt dấu hư không
Mây theo gió rồi bay về cố quận
Còn lại ta bóng đứng một mình

Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

ĐÊM TRĂNG PHƠI ÁO - HẠC THÀNH HOA

Ngày mai đã hết quần áo mặc
Một bộ diện gần cả tháng nay
Ta lười trời đất còn nể mặt
Thì sá gì đôi trận gió bay…

Nhưng đêm trăng sáng trăng huyền diệu
Gác trọ lòng không bóng mây vương
Bạn vừa đi khỏi trăng vừa tới
Đem áo quần ra giặt đỡ buồn.

Dưới bóng trăng mình ta một cõi
Đất trời im vắng giấc cô miên
Bên thau quần áo cao như núi
Nỗi buồn trong dạ cũng cao thêm.

Trăng soi từng chỗ cho ta giặt
Áo quần trắng toát một màu trăng
Vò từng chiếc áo nghe tim buốt
Lòng cũng sầu theo những nếp nhăn.

Ta ngồi nhìn bọt xà bông vỡ
Mỗi bọt tan theo một phiến trăng
Tiếng của đời ai đang nức nở
Giữa tiếng đêm thu mộng xế tàn.

Cố thức giặt cho xong quần áo
Ngậm ngùi vắt những ánh trăng trong
Trăng theo nước chảy về vô tận
Từng giọt trăng dư rụng xuống lòng.

Đêm nay phơi áo trên sân thượng
Phơi cả đời ta giữa quạnh hiu
Phơi cả hồn ta trong sương lạnh
Một trời trong vắt bóng trăng treo.

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

10 h 32 ,TA NHỚ EM - LÊ NGỌC THUẬN

Không lên chùa bởi đâu cũng Phật
Không nguyện cầu bởi ta yêu em
Người phụ nữ mà thánh thần lỡ dại
Không để em gặp ta thuở nào

May Chúa còn hai tay đức hạnh
Đã níu em về lại với ta
Ta trân trọng lòng ươm thánh giá
Thời gian dù muộn vẫn thiên thu

Rượu bây giờ ta thích rượu trắng
Uống một mình rượu của riêng ta
Sá chi ngọn gió thời tam quốc
Kiều nhớ Chu Lang, ta nhớ em

Vượt cả người xưa. Ta đợi em
Ta chờ với giấc mộng không tên
Mặc kệ Sở vương cùng Hán đế
Ta yêu em nhất si nhất mê

Trang Tử hóa bướm, người tín cuồng
Lão Tử luyện đan, người đứng tim
Có em ta đã là duy ngã
Môi mắt em hề! Ta độc tôn.

Thứ Năm, 7 tháng 6, 2012

TẠ ƠN EM - NGUYỄN MIÊN THẢO

Xin cám ơn những ngày tàn đông
Tạ ơn em-đôi mắt trăng rằm
Gió đông mà Huế sao không lạnh
Đôi má em bừng một sắc Xuân

Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012

BÃO NHỚ - LÊ NGỌC THUẬN

BÃO NHỚ

Tình không thể luận bàn
Nên anh đành phải uống
Rượu vốn là vắng lặng
Anh nhai thành âm thanh
Để nghe trong di động
Tiếng em cười rất xanh

Bão bắt đầu đập phá
Mưa không còn ngây thơ
Gió xoáy đời lận đận
Vây quanh cuộc tình hờ

Rượu còn đúng một ly
Anh chia làm hai chén
Một cho em phương đó
Một cho anh nơi này
Mặc bão quậy quẩn quanh
Anh ngồi đây da diết
Nhớ đôi mắt tiêu hành.





Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

TẾ SỐNG BÙI GIÁNG - VƯƠNG TỪ

Trí tuệ tài hoa ta bái ông
Nghề chơi ngài quá những cuồng ngông
lẩy ni cô trọc ve tiên nữ
Gái góa chắc chi chữa lộn chồng

Líu lo ngọng nghịu lái tàu tây
Bát ngát rừng sim tím ruột người
Lẽo đẽo theo đuôi nòng nọc đứt
Đón đầu rồng lộn toác toang cười

Vo tròn bóp méo chơi như giỡn
Gỡ rối tơ vò ai biết ai
Sức thừa ông nhảy tôi say tuốt
Rượu đế Vương Từ tặng tế chơi
SG 1993

Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012

SÓI - TRẦN DZẠ LỮ

Yêu em đến sói đầu
Tình vẫn chưa viên mãn
Cứ bới tung dĩ vãng
Để gắp nhầm chiêm bao!

Yêu em rất dài lâu
Niềm vui thì ngắn ngủn
Dỗ dành đêm vô tận
Mà kiếm mắt em sâu…

Em đung đưa lần đầu
Em ngờ ngờ lần cuối
Anh khù khờ nuốt vội
Một miếng sầu em trao!

Một miếng đau lầu bầu
Lại rơi vào tim nhớ
Có quên không hở nhỏ
Khuya tận một đời sao ?

Yêu em đến sói đầu
Tình vẫn chưa ngọt mật
Nhưng em là thánh thất
Nhốt hoang đàng anh lâu…

Trần Dzạ Lữ
( Sài Gòn tháng 5.2012 )

Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

PHÚC ÂM EM - HOÀNG LỘC

em thuở nguồn xưa im vắng suối
sao ta về núi ngủ, chiêm bao ?
ở đây mây trắng thường ly biệt
và gã tình nhân đã bạc đầu

em ở rừng kia bao lá úa
cho ta thầm tưởng chút hương trầm
có khi nhân loại (và anh nữa)
sống chỉ vì em, một phúc âm

2012

Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012

CAO HUY KHANH - VN HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2012 ( KỲ 114 )

NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

1.141 - Dương Quang Thiện
NHÀ TÀI TRỢ HỌC BỔNG “CHUYÊN NGHIỆP”
Kỹ sư về hưu sinh 1933 tại An Giang. Sống ở TPHCM (2012).
Du học Pháp tốt nghiệp kỹ sư tin học, là người VN đầu tiên được Hãng IBM ở Mỹ tuyển làm chuyên viên. Lấy vợ giáo viên Thụy Sĩ.
Bỗng nhiên năm 1965 quyết định từ bỏ công việc lương cao và sự nghiệp quốc tế để cùng vợ quay về Sài Gòn làm việc khi đất nước đang trong thời chiến tranh ngày càng dữ dội chỉ vì ý nguyện đơn giản: “Đất nước còn nghèo sẽ cần tôi hơn các nước đã phát triển”. Là một trong những người đầu tiên du nhập khoa học công nghệ thông tin vào miền Nam.

Sau 1975 về hưu quay qua viết sách truyền bá tin học với hơn 50 đầu sách đã xuất bản.

Ngoài ra từ năm 1989 cùng vợ trở thành đôi vợ chồng trong nước bảo trợ rất nhiều học bổng cho học sinh sinh viên nghèo toàn quốc thông qua báo Tuổi Trẻ, báo Sài Gòn Giải Phóng, ĐH An Giang ở quê nhà… Còn xây trường ở Sơn La, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau lẫn nhà cho giáo viên đời sống khó khăn tại Quảng Trị, Bình Định…
Tất cả theo chủ trương “lấy giáo dục nuôi giáo dục” với mục tiêu rõ ràng “Chúng tôi không làm từ thiện, chúng tôi đầu tư cho các em là đầu tư cho tương lai.”
Tất cả học bổng lấy từ tiền bán sách và trích lương hưu bà vợ Thụy Sĩ.

Bà hoàn toàn ủng hộ chồng, dần trở thành như một người phụ nũ VN thuần túy đi chợ nấu ăn toàn món VN. Bà mới qua đời tháng 5.2012 thọ 85 tuổi.

1.142 - David Pham
TIỂU THẦN BÀI MỸ “NGỌA HỔ TÀNG LONG”
Tay cờ bạc chuyên nghiệp Việt kiều Mỹ sinh 1967 tại miền Nam. Sống ở Mỹ (2012).

Năm 1984 lúc 17 tuổi vượt biên theo đường biển trên tàu chứa 145 người nhưng cuối cùng chỉ còn 45 người sống sót đến được Mỹ.
Ban đầu được người cậu Nguyễn Văn Mến đưa vào làm tiệm giặt ủi của ông, sau đó được ông vốn là một tay chơi cờ bạc chuyên nghiệp nổi tiếng ở Las Vegas truyền nghề đánh bài poker (gần giống bài xì phé ở VN).
Từ đó dần vươn lên hàng “sao” thần bài được bầu tay bài “chiến” nhất năm 2000 và 2007, năm 2008 xếp hạng 7 thế giới lẫn Châu Âu. Được phong biệt danh “Rồng”.
Đến năm 2009 đã gom tiền giải thắng độ lên tới hơn 8,1 triệu USD.

1.143 - Đặng Lương Mô
HAI LẦN HỒI HƯƠNG
Giáo sư tiến sĩ sinh 1936 tại Hải Phòng. Sống ở TPHCM (2012).
Di cư vào Nam 1954.
Năm 1957 được Nhật Bản cấp học bổng du học. Năm 1968 tốt nghiệp kỹ sư, thạc sĩ rồi tiến sĩ chuyên ngành điện tử vi mô ra làm việc cho Hãng Toshiba. Nhập quốc tịch Nhật (có tên Nhật).
Năm 1971 trở về Miền Nam dạy ĐH Khoa học.
Sau ngày Giải phóng do có quốc tịch Nhật nên được quay về Nhật dạy đại học ở Thủ đô Tokyo.
Trong thời gian này tập trung vào công tác nghiên cứu thực hiện hơn 300 công trình giá trị và nhận 13 bằng phát minh quốc tế.
Ngoài ra vẫn mang nỗi niềm nhớ quê nên từ năm 1989 vận động kiều bào ở Nhật đóng góp mua thiết bị khoa học gửi về tặng các trường đại học trong nước, giúp đỡ giảng viên trong nước ra nước ngoài tập huấn, đào tạo lại. Và còn dịch truyện thơ “Bích câu kỳ ngộ” ra tiếng Nhật.
Năm 1994 trở lại VN dự hội nghị bàn về cải cách giáo dục VN.
Năm 2002 quyết định hồi hương về định cư hẳn tại TPHCM, làm tư vấn và tham gia giảng dạy cho ĐH Bách khoa TPHCM.

Từ năm 2005 vận động Toshiba cấp học bổng cho sinh viên VN và bản thân cũng trích luơng hưu làm học bổng cho sinh viên nghèo gặp khó khăn.

1.144 - Francoise Demulder
TÁC GIẢ BỨC ẢNH NGHI ÁN LỊCH SỬ XE TĂNG HÚC ĐỔ CỔNG DINH ĐỘC LẬP
Phóng viên ảnh chiến trường người Pháp sinh 1947 tại Pháp – Mất 2008 ở Pháp (61 tuổi).
Đến Sài Gòn từ năm 1972 bám sát chiến trường Miền Nam chụp ảnh thời sự.
Ngày 30.4.1975 là nữ phóng viên ảnh duy nhất cả nước ngoài lẫn VN có mặt trước dinh Độc Lập chụp được bức ảnh lịch sử xe tăng 390 đầu tiên tiếp cận dinh Độc Lập húc đổ cổng chính tiến vào khuôn viên bên trong.
Tuy nhiên bức ảnh này chỉ được đăng một lần duy nhất trên báo Pháp, sau đó nằmtrong bộ sưu tập lưu trữ của tác giả. Trong khi đó bức ảnh tương tự được phổ biến trên báo đài trong nước là bức ảnh khác do một phóng viên bộ đội chụp xe tăng 843 đến sau tiến vào từ cổng phụ (trong ảnh mũi tên chỉ là tác giả đang chụp xe tăng 390, phía sau mới là xe tăng 843). Chính từ chiếc xe tăng thứ hai này mà chính ủy Bùi Quang Thận đã nhảy xuống chạy vào dinh Độc Lập bắt giữ toàn bộ nội các của Tổng thống Dương Văn Minh vừa tuyên bố đầu hàng.
Từ đó lịch sử ghi nhận chiến tích “đánh” dinh Độc Lập thuộc về xe tăng 843 của Bùi Quang Thận. Tổ bốn chiến sĩ xe tăng 390 dù biết chuyện cũng không có điều kiện đính chính, hơn nữa sau đó họ ra quân trở về đời sống thường dân nên cũng không quan tâm gì lắm!
Bản thân tác giả người Pháp cũng không hay biết sự nhầm lẫn này bởi sau đó còn bận tiếp tục làm nhiệm vụ phóng viên ảnh chiến trường tại Angola, Liban, Campuchia, El Salvador, Iran, Iraq, Palestine, Kuwait… Năm 1976 trở thành phóng viên ảnh nữ đầu tiên được tặng giải Anh thời sự xuất sắc nhất thế giới với tấm ảnh chụp cảnh nội chiến ở Liban.
Mãi đến năm 1994 một nhà ngoại giao VN đến Pháp tìm thăm bà mới phát hiện ra sự thật đòi hỏi phải xem lại nghi vấn này. Nhưng trong nước vẫn chưa giải quyết được vấn đề, gặp trở ngại một phần do “anh hùng” BQ Thận kể trên nay đã là… Tư lệnh binh chủng Tăng – Thiết giáp, còn nhà nhiếp ảnh bộ đội chụp bức ảnh thứ hai kia bây giờ lại là… Tổng Giám đốc Thông tấn xã VN!

Cho đến năm sau đích thân nhà báo nữ người Pháp qua VN dự lễ kỷ niệm 20 năm giải phóng Miền Nam đã yêu cầu làm rõ sự thật và đích thân bà còn về tận quê đi tìm gặp đủ bốn cựu chiến binh xe tăng 390 để xác minh lại. Từ đó Bộ Quốc phòng phải tổ chức cả một hội nghị để đi đến quyết định thống nhất trả lại vinh quang cho bức ảnh lịch sử xe tăng 390 của bà cũng là sửa lại một sự kiện lịch sử quan trọng.
Năm 2008 bà qua đười do bị sốc tim trong lúc đang điều trị bệnh ung thư. Được Chính phủ Pháp tôn vinh là “Nữ phóng viên chiến trường dũng cảm nhất nước Pháp.”

1.145 - Men Nguyen
“ĐẠI SƯ” THẦN BÀI MỸ
Tay cờ bạc chuyên nghiệp Việt kiều Mỹ tên cũ Nguyễn Văn Mến sinh 1954 tại Phan Thiết. Sống ở Mỹ (2012).
Năm 13 tuổi đã bỏ học đi làm lơ xe bus kiếm tiền giúp gia đình.
Năm 1978 vượt biên đường biển cùng 87 người đến Mỹ.
Năm 1984 lần đầu tiên đến Las Vegas làm quen với nghề đánh bài poker ăn tiền chuyên nghiệp. Ban đầu liên tục thua te tua tới mức bị gán cho biệt danh “Máy xay tiền”. Nhưng dần dà tay nghề ngày càng cứng, từ 1987 bắt đầu thắng nhiều giải có tiền để mở tiệm giặt ủi và cửa hàng bán đồ nội thất.
Thành tích thần bài trên đưa đến biệt danh “Đại sư” cờ bạc (The Master) năm 1991, được tuần báo Los Angeles đưa ảnh lên trang bìa.
Năm 1990 bán hết cả 2 tiệm để tập trung thì giờ, công sức vào… sòng bài!
Từ năm 2000-2004 đã đoạt hơn 75 giải. Được xếp Số 1 Thần bài Mỹ năm 1997, 2001,2004, 2005, dự hơn 120 vòng chung kết. Gần nhất năm 2010 thắng tổng cộng tiền 394.807 USD. Năm 2011 có tài sản trên 10,3 triệu USD từ tiền ăn bạc, xếp thứ nhì trong lịch sử poker Mỹ chỉ chịu đứng sau thần bài Mỹ chính hiệu P. Hellmut.
Từng bị tố là chơi gian lận song không có chứng cứ cụ thể.
Ngoài ra còn làm thầy dạy một số đệ tử ruột thành “tiểu” Thần bài kế tục sự nghiệp như 2 người cháu David Pham và Minh Nguyên.
Đã về nước làm công tác từ thiện tại quê nhà Phan Thiết, xây một nhà trẻ.

Và trong một lần như vậy vào năm 1990 gặp cưới một người đẹp cùng quê 19 tuổi đưa qua Mỹ. Cả hai hợp thành một “cặp đôi hoàn hảo” qua các chuyến đi đánh bài từ Las Vegas đến Monaco, Macau, Hong Kong.
Nhưng đến năm 2010 lại… chia tay nhau dù đã có 3 con gái, vợ còn kiện cáo đòi nhà trị giá 10 tỉ đồng ở Phan Thiết!

1.146 - Ngô Gia Hy
BẬC THẦY Y KHOA SỐNG THỌ NHẤT
Giáo sư bác sĩ sinh năm 1914 tại Bắc Ninh – Mất 2004 (91 tuổi).
Từng là học trò của cố bác sĩ Tôn Thất Tùng ở Miền Bắc trước 1954, chuyên về niệu khoa.
Sau khi di cư vào Nam là một trong 2 người biến một trại tạm cư dân Bắc di cư thành bệnh viện Bình Dân ngày nay. Nhiều năm làm hiệu trưởng ĐH Y Sài Gòn đến ngày Miền Nam sụp đổ.
Sau 30.4.175 vẫn ở lại tiếp tục làm công việc chuyên môn, dạy ĐH Y – Dược TPHCM, làm tổng biên tập tạp chí Thời sự Y - Dược học. Về hưu làm hiệu trưởng ĐH Dân lập Hùng Vương 1995-2000. Sống an nhiên tự tại luôn yêu đời lạc quan. Mê sưu tầm tem vào hàng cao thủ niên trưởng với gia tài hơn 180 tập tem. Yêu thích văn nghệ đàn ca xướng hát cùng bạn bè, học trò, cả làm thơ kiểu tự trào nữa như bài “Đố ai” sau đây:
“Là ông thầy thuốc, đố ai
Khoe khoang vỗ ngực không sai bao giờ?
Trừ phi dối bạn dối người
Dối luôn mình nữa, thôi rồi đức y!”

Sau khi mất, gia đình đã góp thư viện sách chuyên khoa của ông cùng học trò hình thành Thư viện Ngô Gia Hy gồm khoảng 4.000 sách y học đặt tại một bệnh viện ở TPHCM.

1.147 - Nguyễn Phú Đạt
MÓN NỢ KỶ VẬT VỚI KẺ THÙ
Đại tá bộ đội về hưu sinh 1929 tại Hà Nội. Sống ở Hà Nội (2012).
Sau thời gian chiến đấu ở miền Nam, do có trình độ ngoại ngữ nên được điều về Hà Nội làm Cục Địch vận tham gia chương trình phát thanh tiếng Anh trên Đài Tiếng nói VN hướng về đối tuợng lính Mỹ trên chiến trường Miền Nam.
Năm 1969 tiếp nhận một hồ sơ dùng làm tư liệu phát thanh gồm 2 tấm ảnh một lính Mỹ (thượng sĩ Steve Flaherty) và 3 lá thư của anh ta trong đó có một lá thư gửi mẹ ghi địa chỉ rõ ràng thuộc TP Columbia, bang South Carolina. Đây là tài liệu thu được ở chiến trường từ người lính này có lẽ đã tử trận.
Toàn bộ tài liệu sau khi được sử dụng cho chương trình phát thanh địch vận Mỹ đã được ông giữ lại như một kỷ niệm vì bản thân mình trước kia cũng có một bà mẹ đau đáu chờ tin con từ chiến trường: “Đọc lá thư gửi mẹ tôi thực sự xúc động vì lòng người mẹ ở bất kỳ nơi nào cũng giống nhau thôi.”
Sau ngày hòa bình khi VN – Mỹ tái lập bang giao, thông qua các cơ quan ngoại giao đã tìm cách liên hệ với phía Mỹ để trao lại các di vật trên cho bà mẹ Mỹ. Nhưng đáng buồn đến nay vẫn chưa tìm ra tông tích người nhận, gia đình hay thân nhân người lính Mỹ bất hạnh kia.

Từ đó dù nay đã quá bát tuần, lòng vẫn không nguôi mong mỏi trả được món nợ “tình nghĩa chiến tranh” này mới có thể yên tâm ra đi. Thỉnh thoảng đêm đêm mất ngủ vẫn ngồi dậy đi lục tìm món kỷ vật kia cất kỹ trong hộp có khóa đàng hoàng để đọc đi đọc lại không biết lần thứ mấy lá thư gửi mẹ của một người không quen từng là kẻ đối địch bên kia chiến tuyến.

1.148 - Nguyễn Xuân Nam
MỘT TRONG NHỮNG BÁC SĨ GIỎI NHẤT NƯỚC MỸ
Bác sĩ Việt kiều Mỹ sinh 1959 tại Nha Trang. Sống ở Mỹ (2012)
Xuất thân gia đình ngư dân nghèo, mẹ mất năm mới 4 tuổi để lại 8 con nheo nhóc (mình là con thứ hai). Nên học lớp 6 phải bỏ học đi phụ giúp cha ra biển đánh cá.
Có thời gian chiến tranh lan rộng cha bị trúng đạn nằm nhà thương khiến một mình phải lo cáng đáng mọi việc giúp mẹ kế nuôi cả nhà. Nhưng cũng không tránh khỏi tai ương mẹ kế và 2 em chết sớm do bệnh tật không tiền chạy chữa thuốc thang.
Năm 1978 nhờ làm nghề đi biển nên có điều kiện một mình vượt biên đến Philippines rồi được qua Mỹ.
Trên đất khách quê người lao đầu vào học vì biết chỉ có con đường này mới giúp mình đổi đời được. Vừa làm vừa học lần lượt tốt nghiệp trung học, cử nhân rồi xin vào ĐH Y quyết tâm thành bác sĩ do mối ám ảnh người thân bệnh chết oan vì không được chữa trị đúng cách.
Đến 1991 mới hoàn thành đủ văn bằng làm bác sĩ chuyên khoa nhi, làm trưởng Khoa Nhi ĐH Irvine ở California. Dần trở nên nổi tiếng được ĐH Harvard năm 2009 bầu chọn là một trong những bác sĩ giỏi nhất nước.
Lấy vợ cũng là bác sĩ đồng hương chuyên khoa gây mê,
Đã mấy lần được VN mời về dự hội nghị chuyên môn, thuyết giảng “truyền nghề” cho sinh viên.

1.149 - Phạm Biểu Tâm
BẬC THẦY LỚN CỦA BÁC SĨ MIỀN NAM
Giáo sư bác sĩ sinh 1913 tại Huế – Mất 1999 ở Mỹ (86 tuổi).
Thuộc dòng dõi quan lại triều Nguyễn. Ra Hà Nội học tốt nghiệp trường Y rồi đi du học Pháp 1948, ra trường về dạy ĐH Y Hà Nội. Là một trong những tráng sinh đầu tiên của Hướng đạo VN từ năm 1930.
Năm 1954 di cư vào Nam làm giám đốc bệnh viện Bình Dân rồi giữ chức hiệu trưởng đầu tiên ĐH Y Sài Gòn trong 12 năm. Từng bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giữ năm 1963 do có thái độ chống đối chế độ độc tài gia đình trị họ Ngô.
Sau ngày thống nhất đất nước vẫn ở lại làm việc chuyên môn như cũ. Nhận chức Phó Chủ tịch Hội Trí thức yêu nước TPHCM, tổ chức do chính quyền cộng sản lập ra nhằm thu hút số “trí thức tại chỗ” bắt đầu làm quen với Cách mạng.
Năm 1984 về hưu với sự nghiệp đào tạo hàng nghìn học trò bác sĩ sau này nhiều người thành danh như Trần Ngọc Ninh, Đào Đức Hoành. Bây giờ mới có thời gian rảnh để làm… cổ động viên bóng đá nhiệt tình!
Qua 1989 được xuất cảnh qua Mỹ chữa bệnh và đoàn tụ với con cái.
Năm 2000 học trò trong Hội Y sĩ VN tại Mỹ đặt ra Giải thưởng Y khoa Phạm Biểu Tâm.

1.150 - Phạm Thị Tâm
NỤ CƯỜI NGƯỜI TRONG ẢNH
Nông dân sinh 1948 tại Hà Nội. Sống ở Hà Nội (2012).
Năm 1967 em trai đi bộ đội lên đường vào chiến trường Miền Nam đã xin chị một tấm ảnh mang theo “cho đỡ cô đơn”. Tấm ảnh chụp chân dung cô gái quê 18 tuổi mang áo cánh đen miệng mỉm nụ cười e ấp với dòng chủ viết vội phía sau “Chị Tâm thương tặng em”.
Cậu em cẩn thận bọc tấm ảnh trong bao ny lông cất kín trong túi áo trên ngực rồi cất bước ra đi.
Ra đi… mãi mãi không về bởi chỉ 2 năm sau thì hung tin báo tin về em đã hy sinh trên trận địa không tìm được xác.
Người cha già không chịu được nỗi đau kéo dài cũng đi theo con trai với lời dặn con gái trước khi nhắm mắt là sau này ráng tìm hài cốt em đưa về “đừng để em ở nơi xa xôi mà lạnh lẽo”.
Thế là từ đó ở vậy không lấy chồng, đợi đến sau hòa bình tất tả ngược đường vào Nam đi tìm tin tức em tử trận ở đâu, thi thể nằm nơi đâu. Có khi sang cả Lào nơi đơn vị em từng chiến đấu.
Nhưng tất cả đều không kết quả, không dấu vết nào để lại sau quảng thời gian dài quá nhiều vật đổi sao dời. Đành thất thểu quay về quê ngày tiếp tục chăn bò, làm ruộng mà đêm thì mất ngủ nằm vắt tay lên trán thở vắn than dài nhớ em nhớ cha.
Tình cờ một ngày nọ đang chăn bò bên đường gặp một nữ trung tá bộ đội ở Miền Nam ra hỏi thăm đường bèn theo thói quen mỉm miệng cười chỉ đường. Không ngờ người nữ trung tá ấy nhìn sững vào nụ cười nói sao thấy… quen quá!
Đúng vậy, đó là nụ cười mà bà trung tá từng nhiều lần nhìn thấy trên một tấm ảnh bà đang… giữ trong túi xách, chính là nụ cười trên tấm ảnh mà ngày nào người chị gái đã tặng cho em trai vào chiến trường Miền Nam!

Thì ra bà trung tá (ở Viện Bảo tàng Quân khu 4) đang làm nhiệm vụ đi tìm hài cốt liệt sĩ trong một chuyến qua Lào đã tìm ra mộ người em bộ đội kia song trong giấy tờ kèm theo chỉ còn một tấm ảnh của người chị bọc trong bao ni lông còn nguyên vẹn. Từ bức ảnh đó và dòng chữ người em ghi thêm phía sau “T. thắng, GL, Hà Nội” mới đi dò tìm ra quê cũ là xã Toàn Thắng – Gia Lâm – Hà Nội.

Và vừa trên đường tới đây thì bắt gặp lại… nụ cười trong ảnh! Giống như có hồn người em linh thiêng đưa đường dẫn lối vậy.

(Còn tiếp)