Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

TRONG KHU VƯỜN XƯA - LÊ NGỌC THUẬN


Chiều trong khu vườn xưa
Bạn bè quanh bàn rượu
Biết tìm em nơi nao
Buổi chợ chiều buồn thiu
Anh về theo cơn mưa
Tìm em – mùa hạ nhỏ
Con sông dài đong đưa

Chiều trong khu vườn xưa
Bạn bè quanh bàn rượu
Bên dòng sông Ô Lâu
Cuộn vào đời tịch liêu

Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2012

HUẾ MƯA - CHU TRẦM NGUYÊN MINH

HUẾ  MƯA
mưa xuống phi trường Phú Bài
mưa trên đường về An Cựu
mưa tơi tả trong lòng
xa bao năm ,chừ trở lại
Huế ơi , buồn sao mênh mông
 mưa qua cầu giá lạnh
mưa về Vỹ Dạ mù tăm
mua ướt vai thơm Đồng Khánh
Huế ơi , ngày trở  lại
Bỏ mình ta sao đành
Mưa trên sông Hương tầm tã
Mưa ướt áo trắng Nguyễn Du
Mưa trên tóc ngoan Thành Nội
Huế ơi, đừng làm ta khóc
Trên bến xưa một mình
Mưa trên đường Hưng Đạo
Mưa theo gót em về
Mưa thơm môi Dồng Khánh
Mưa thắm áo đa mê
Huế ơi , sao nỡ bỏ
Sầu riêng ta não nề
Mưa trên môi Huế hồng
Mưa trên ngực Huế xanh
Mưa trong mắt em
Mưa trong lòng anh
Huế ơi, đừng làm ta khóc
Giữa trời buồn mang mang ./
[nguồn từ Văn ,số 176/1971]

Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

LÚC NÀO ĐÓ , EM HÉT LÊN - HOÀNG LỘC

lúc nào đó, em sẽ hét lên


những bao phiền muộn (và buồn)
em đem bỏ hết trong lòng em đây
bên ai em sống qua ngày
(đôi khi hạnh phúc mà tay biếng cầm ?)

vài năm rồi những mười năm
thêm bao phiền muộn rơi thầm về em
lúc nào đó em hét lên
để anh cũng biết đời mình hết hơi

9-2012

Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

GIỚI THIỆU TÁC PHẨM

GIỚI THIỆU TÁC PHẨM

Hoàng Lộc, “cho dẫu phù vân”
_________________________________               
                                        DU TỬ LÊ  giới thiệu
alt
Những người đọc thơ Hoàng Lộc từ trước tháng 4-1975 ở quê nhà, hẳn ít ai không thích thơ tình Hoàng Lộc.
Không gian lãng mạn với ngôn ngữ mới và diễn tả trung thực, khiến những trang thơ tình của ông là những trang thơ tình rất đẹp. Tính đẹp của thơ tình Hoàng Lộc, đến nay không còn là một nghi vấn cho bất cứ ai từng đọc thơ ông.
Tuy nhiên, có thể nhiều người không biết rằng sau mấy chục năm vật đổi sao dời, sau bao nhiêu biến cố bất hạnh, bi thương, Hoàng Lộc hôm nay, vẫn cho những người đọc ông những bài thơ tình lấp lánh thương yêu, nồng nàn cảm xúc.

Thí dụ:
mời em chút rượu mừng sinh nhật
chắt ở đời ta – chắt ở thơ
em thắp trăng thề khêu hẹn ước
yêu thương nán lại đến bao giờ?

có thể rồi em không uống kịp
nỗi riêng vấp phải lòng ta đau
đã thu trên lá, phai từng chiếc
và cõi muôn trùng đã mất nhau.

có thể rồi ta không uống được
rưng rưng nhớ mẹ một phương về
cuối chiều lưu xứ ta vô phúc
chẳng ngõ sau mà gọi gió quê
                       (Trích “rượu mời sinh nhật”.) (1)

Hoặc:
em cũng từng qua cầu gió sớm
cũng từng che nón hỏi mây trôi?
hèn chi con mắt không rưng mỏi
không mủi lòng em mỗi biển dâu

ta muốn cùng em qua mấy nhịp
cầu dài, nước lớn, nắng mông mênh
vói tay giùm chút, em – còn kịp
kẻo sóng chìm nghiêng đóa lục bình
                      (Trích “về bữa qua cầu”). (2)

Nhưng ở thi phẩm thi phẩm thứ tư, nhan đề “cho dẫu phù vân,” do nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành đầu năm 2012 vừa qua, Hoàng Lộc còn cho thấy ông đã mở thêm nhiều cánh cửa khác cho thơ của mình.
Từ những bài thơ phản ảnh đời sống hiện thực nơi quê người, tới những bài thơ mang tính phúng thích, tính tự trào hoặc, viết cho người tình, người bạn đời và bằng hữu,… Dù đứng ở góc độ nào, ngôn ngữ của ông vẫn đầy tính Hoàng Lộc. Đó là những chữ rất thường được ông đem vào thơ, để từ đó, con chữ có được cho nó một linh hồn, một hơi thở và một diện mạo khác. Tôi gọi đó là “diện mạo Hoàng Lộc.”
Tôi rất thích chữ như “thơm lựng” hay, “sợi tình thắt họng” trong mấy câu thơ trích dẫn sau đây:

có lắm thứ chẳng cần chi phỉnh gạt
như câu thơ thơm lựng những ân tình
(……)
anh tức tối trong sợi tình thắt họng
liệu hồn em – em có bữa…ra tòa. (3)

Ở thi phẩm mới nhất này, tôi cũng rất thích cách đặt nhan của ông. Nó không chỉ mới, lạ mà mỗi tựa đề, vốn mang sẵn trong nó ít / nhiều nỗi niềm. Hay theo cách nói của Rene Descartes thì đó là “Everything is self-evident“. 
Đấy là những tựa thơ như “Thơ tặng một bà nội,” “anh không là quân tử” hoặc, “thơ xuân của bướm già,” “sầu lãng tai” v.v…
Tổng quát hơn, để quý  bạn đọc chưa từng đọc thơ Hoàng Lộc, có được cái nhìn tổng thể về tiếng thơ này, tôi xin trích một nhận định của nhà phê bình văn học Nguyễn Vy Khanh, như sau:

"Đọc thơ Hoàng Lộc người ta dễ cảm với thơ ông, dễ mở lòng ra với tâm sự ông, dễ bồi hồi và nao buồn theo dòng đời trôi nổi.
Hoàng Lộc, nhà thơ điềm đạm, vụ phẩm hơn lượng, khi viết về nhân sinh cũng như tình yêu, có bề sâu tư duy, đồng thời có kỹ thuật, chữ dùng đặc biệt, thơ vừa có hồn vừa có âm điệu riêng. Hoàng Lộc đã thành công đưa người thưởng ngoạn nghệ thuật vào thế giới riêng của ông.”

28-9-12


DU TỬ LÊ
(nguồn : http://www.dutule.com/D_1-2_2-138_4-4665_15-2/hoang-loc-cho-dau-phu-van.html)
_______________________________________________________________________
Chú thích:
(1), (2), (3): Trích trong “cho dẫu phù vân”, thi phẩm thứ tư của Hoàng Lộc. Trình bày bìa, Nguyễn Trọng Tạo. Tranh bìa và ký họa chân dung, Đinh Cường. Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2012.

Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

HUẾ , SƯƠNG MÙ - TRẦN HOÀI THƯ

HUẾ, SƯƠNG MÙ

http://trenews.net/MediaResources/Pictures/tai_lieu_van_hoc/web_tlvn_742.jpg
 
Buổi sáng ra đường nhìn không rõ
Pha đèn. Xe chậm. Trời mù sương
Xe ta mở sưởi, sao hồn lạnh
Mắt ta mờ, có phải cố hương ?

Xe chạy đi, mà tâm trí đâu
Hình như ta thấy Huế sương mù
Hình như có một dòng sông sữa
Thấp thoáng Hương Giang giữa xứ người

Xe lên. Cầu dẫn lên cao mãi
Đóng cửa sao lòng lại lãng du
Dưới ấy, sương đùn che mấy cửa
Ơi Trường Tiền 12 nhịp bơ vơ

Ở đây trời đất đang mê ngủ
Nơi ấy em còn lược với gương
Em ạ, ta thằng không tổ quốc
May mà còn một Huế mù sương.


TRẦN HOÀI THƯ

Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012

CUỐI CÙNG CỦA NGÀY - NGUYỄN MIÊN THẢO

Những hạt sương bắt đầu dựng lều định cư
Hoàng hôn níu bầu trời xuống thấp
Những con đường rất nhiều áo trắng
Dãy ghế công viên những cặp tình nhân ôm nhau
Những cột điện điểm trang thành phố
Sửa soạn một ngày đi đầu thai
Người con trai bảo em nghe gì không
Từ ngoại ô thành phố
Một tiếng súng, hai tiếng súng, ba tiếng súng và rất nhiều tiếng súng
Người con gái trả lời
Rồi cả hai hôn nhau vội vã
Những gì sẽ xảy ra cho họ
Cho vùng ngoại ô xa xăm kia
ở đó, những trái hỏa châu và sự hoang dã
nhắc nhở ngày đã chấm dứt
những tang tóc chực chờ trườn đi
trên quê hương rất nhiều mùa xuân
vì có bao giờ ngừng tiếng súng
và trên cánh đồng quê hương
rất nhiều ngôi nhà mới đắp
còn thơm mùi đất
những điêu tàn trang điểm Việt Nam
có những buổi chiều người mẹ thấy lũ trẻ đưa đám một viên đạn móc-chê đã hư
những đứa trẻ theo sau khóc rất mùi mẫn
người mẹ nhìn trò chơi của chúng
                    không cầm được nước mắt
và không biết con mình còn sống hay không
có những ngôi nhà ban đêm
               không dám lên đèn
dù là ngọn đèn dầu leo lét thắp trên bàn thờ
                   cho thằng con mới chết
ở đó, ngày xuống mau đồng lõa
và tiếng súng cười suốt đêm
ôi chiến tranh tàn khốc
thôi còn gì để nói nữa
cuối cùng của ngày bao giờ cũng buồn
như khuôn mặt mẹ
buồn như tiếng súng
buồn như quê hương
và tương lai
cuối cùng của một ngày khác sẽ đến
NGUYỄN MIÊN THẢO
(Tuần báo Nghệ Thuật,1966)

Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

BÓNG - LÊ NGỌC THUẬN



Thanh điểu là con chim xanh
Tiếu băng là ngọc liên thành trắng tinh
Tim ta tuyết phủ vô hình
Đã đông đặc máu thiện tình Như Lai.

Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2012

NHẸ BƯỚC CHÂN KHUYA - NGUYỄN MIÊN THẢO



đêm về nhẹ bước chân khuya
những viên gạch cũ nói gì hở em
hoang vu mấy góc cổ thành
hồn xưa vọng tiếng lạnh tanh kiếp người
ở bên trong tiếng nói cười
hình như có hạt lệ rơi ngậm ngùi
khoắt khuya phố thị ngủ rồi
em còn gõ những bước đời buồn tênh

cảm ơn em một đêm buồn
cảm ơn một cuộc tình không lối về

Thứ Năm, 4 tháng 10, 2012

THƠ VIẾT TRÊN ĐẤT MỸ - VÕ CHÂN CỬU

Nhật ký
Westminster
Vậy là em không hẹn
Như chưa từng thấy anh
Cây cọ dầu đứng lặng
Bông hải đường nín thinh
Tách trà đêm hoa huệ
Cho ta gọi riêng mình
Westminter tịch mịch
Kia màn sương lung linh
Vầng trăng đêm mười một
Đi mãi chưa thấy hình
Đêm Bờ Tây
Ở đây trăng là sương
Không như trời Bảo Lộc
Bóng núi in mặt đường
Biển gầm khua lộc cộc
Một mình anh chảy dọc
Xe quét ánh đèn xa
Trán em in sợi tóc
Vuốt mãi chắc  không nhòa
Nửa vòng quay
Nửa vòng quay. Giải ngân hà
 Nửa thương, nhớ bóng trăng xa lại gần...
 Cành dương xỉ có bước chân
 Sương khuya xuống nhẹ lạnh dần bên vai...
28-9-12

Thứ Tư, 3 tháng 10, 2012

NỎ CHỘ - TRẦN DZẠ LỮ

  Em mô rồi? Bây chừ anh nỏ chộ
                                  Rứa mà thương tà áo tím bên sông
                                  Thử mười lăm mắt quế với môi trầm
                                  Em ốt dột giấu đi niềm thương nhớ…
                                  Qua Gia Hội anh trộm nhìn,nên lỡ
                                  Giống tên tội đồ ăn vụng đó thôi
                                  Vớt của O rất Huế một nụ cười
                                   Như bắt được vàng mười rồi đó nợ!
                                   Em e ấp nên che nghiêng vành nón
                                   Bên tê cầu đố ai biết lòng em ?
                                   Ui chao! Cái thuở đời anh chộn rộn
                                   Nghe tiếng tình như rót mật vào tim…
                                   Tặng cành hoa, anh mô có dám nhìn
                                   Mắt yêu mắt cả một trời mơ mộng
                                   O lặng lẽ bỏ tình thư vào cặp
                                   Không một lời thưa, dạ để làm tin…
                                   Rồi thình lình anh hóa thành mũi tên
                                   Bay dao dác bốn phương trời xa lắc
                                   Tháng năm qua chúng mình không hề gặp
                                    Em có còn O Huế của riêng anh ?
                                    O mô rồi ?  bây chừ anh nỏ chộ
                                    Một vầng trăng trong miệng em cười?
                                    Nỏ gặp cây sầu đâu khi em khóc
                                    Đêm anh về quê Mạ lạ lùng ơi!
                                    Ôi con sông, bến nước đây rồi
                                    Răng nỏ chộ em ra ngồi giặt áo ?
                                    Da diết nhớ bàn tay em mười ngón
                                    Lùa chút tình  thơ dại xuống hai vai…
                                    Trần Dzạ Lữ
                                   ( Viết ở chơ Búng ngày 12.9.2012 )

Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012

BÀI THƠ TUYỆT VỜI CỦA MỘT EM BAÉ NGƯỜI PHI CHÂU

Nominated by UN as the best Poem Written by an African Kid       

When I born, I black
When I grow up, I black
When I scared, I black
When I sick, I black
And when I die, I still black
And you white fellow
When you born, you pink
When you grow up, you white
When you go in sun, you red
When you cold, you blue
When you scared, you yellow
When you sick, you green
And when you die, you grey
And you call me corlored ???
Bài thơ được tổ chức UN bình chọn là bài thơ hay nhất.
Bài thơ được viết bởi một đứa bé Phi Châu
Khi tôi sinh ra, tôi màu đen
Khi tôi lớn lên, tôi màu đen
Khi tôi đi dưới mặt trời, tôi màu đen
Khi tôi sợ, tôi màu đen
Khi tôi đau, tôi màu đen
Và khi tôi chết, tôi cũng màu đen
Anh nói rằng anh trắng
Khi anh sinh ra, anh màu hồng
Khi anh lớn lên, anh màu trắng
Khi anh đi dưới mặt trời, anh màu đỏ
Khi anh lạnh,  anh màu xanh
Khi anh sợ, anh màu vàng
Khi anh đau anh màu tái (lục)
Và khi anh chết, anh màu xám
Và tại sao anh lại nói tôi là da màu !!!
Vì bài này quá đơn giản để dịch, ý quá nghẹn ngào mà dịch, quá cảm phục dưới cái nh́ìn tinh tế và cách lập luận logic của một đứa bé mà dịch, và thật sự bất ngờ trước những câu chữ thật đơn giản nhưng sức chứa đựng truyền tải thật phi thường mà dịch. 
Cho nên nói khi chưa biết làm thơ th́ì thấy vần điệu là hay, khi mới biết làm thơ th́ì thấy chữ nghĩa được tu từ đẻo gọt là hay, khi làm thơ được rồi thì́ thấy quan sát, đột phá, đổi mới là hay... Rồi cho đến một khi nào đó thì́ thấy tất cả đều là vô nghĩa. Chỉ cọ̀n lại tấm lòng với cảm xúc đích thực của chính ḿình tuôn chảy ra một cách tự nhiên, thoát khỏi sự ràng buộc của ngôn từ - thi tứ, thoát khỏi sự gọt nắn, o bế của chức danh, tuổi tác, đẳng cấp, giới tính..khi đó mới thực sự đúng nghĩa là Thi Ca.

Từ INTERNET

Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

NHỮNG BẬC CHÂN TU - THẬP TAM LÃNG TỬ


NGUYỄN MIÊN ĐẠI SƯ
Một trong tứ dị trần gian
Đại sư mang cả hồn nàng theo kinh
Hèn chi chuông mỏ gập ghềnh
Dồn lên dập xuống lênh đênh xác phàm.


VÕ CÔNG TỬ
Đơn thân độc chiến quần hùng
Tả xung hữu đột nội công ngất trời
Khuya về mộng rã mồ hôi
Tham thiền nhập định thế ngôi cô đơn

.
VĂN TƯ MÃ
Giọng ngâm xuyên suốt xiêm y
Hương da thịt thấm xuân thì ngả nghiêng
Rong chơi ròng rã đâm ghiền
Môi ai mọng nước ngoài hiên địa đàng.


CAO THÁM HOA
Phủi tay về giữa bụi đời
Rượu khơi giỡn chén vô thưòng cạn chơi
Đã quên danh phận trong đời
Khi say chửi tới Thiên Lôi cũng gờm.


THÁI TINH QUÂN

Đ.M âm vọng nghênh ngang
Bỗng dưng tim đập oanh vàng run môi
Một mình thở chẳng ra hơi
Nữa đêm xuất cuộc tình rơi giọt buồn

.
PHẠM NGỰ SỬ
Thân đã rời xa Truyền Thanh Tự
Cân đai áo mão trả cho đời
Về đây rượu vời xưa bè bạn

Cạn chén buồn vui ai nhớ quên.

TÂN ĐẠO SĨ

Chùa Lão Tử một mình hương khói
Dấu giang hồ ẩn trong men cay
Thôi thế sự nhân sinh hề!cạn
Phố khuya về vô ưu bước chân

.
THẠCH CẦM ĐẶNG NGỌC
Khúc thạch cầm âm thầm tiếu ngạo
Thì sá chi Bất Bại Đông Phương
Tay vẫn cứ búng giây huyền hoặc
Rượu theo cung nốt vọng phong trần

.
TRẦN VÀNG TIÊN SINH
Môi bí mật không ai biết được
Lưỡi tiên sinh chạm phải răng ai
Đêm Vỹ Dạ vẫn còn hư ảo
Rượu với trăng tàn chưa?chưa tàn!


LÃNG TỬ HỒ THUYÊN
Tây hay Đông trời cũng có mây
Rượu phương nào anh vẫn cứ say
Kệ cha thiên địa tình nhất xứ
Bằng hữu ngàn ly cạn rồi đầy.


TỪ HOÀI BÁ TƯỚC
Một Nam Trân cũng đủ vàng da
Huống hồ còn B-C-G-S
Tim bá tước nhiều ngăn chưa rõ
Hãy thâu vào sách sử thời xanh.


HUỲNH ĐẠI SỸ
Tóc Huỳnh Ngọc khi vàng khi đỏ
Phải chăng theo mấy quẻ càn khôn
Tay đường chỉ rằn ri phiêu bạt
Rượu ngậm ngùi cây lá Quê xưa.


LÊ NGỌC THẤT PHU
Lòng gã trong như nước lọc
Qua bao cát sạn đá than
Gã ngồi ngẫm kinh vô tự
Trăng rơi những giọt sương tàn.