Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

TRONG - LÊ NGỌC THUẬN.



Gặp em hồn vía lên mây
Nói năng lập bập lay cay thế nào
Xa em anh lại lao đao
Như người bụng đói cồn cào ruột gan
Ngây ngây ngó đá hóa vàng
Thấy mưa bão tới tưởng nàng về thăm
Đầm đìa mộng ướt gối chăn
Trở mình mở mắt tình lăn ra rồi
Than ôi ! Hai tay mồ côi
Buông đao cũng lỡ đứng ngồi không yên
Nhớ em mười ngón chân quyên
Gió vù vù thổi đảo điên tấm lòng

Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

CHUNG THÂN - NGUYỄN MIÊN THẢO




Em treo trái tim tật nguyền của tôi bản án tử hình
rồi đứng vỗ tay cười và bỏ đi biệt tích
Tôi thường trực với niềm hạnh phúc
hạnh phúc buồn
hạnh phúc nhớ
hạnh phúc cô đơn

Em giam cầm tôi trong niềm hoan lạc
cách nơi hành hình chỉ một bước chân
ở đó treo đầy hoa ly và cẩm chưóng
tuyệt không có một bông hồng

Em phán quyết rồi bỏ đi
bản án trở thành chung thân cấm cố
Tôi biết trái tim em không bao giờ yên ổn
ngày tôi trở thành tội đồ
của niềm hạnh phúc .

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

CAO HUY KHANH - VN HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2012 ( KỲ 109 )




NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ
1.091 - Nguyễn Hữu Hanh
CHUYÊN GIA KINH TẾ THẤT CƠ LỠ VẬN
Tiến sĩ kinh tế Việt kiều Mỹ sinh 1923 tại Huế. Sống ở Mỹ (2012).
Tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế ở Pháp.
Về miền Nam với tham vọng “phục vụ đất nước như là mục tiêu tối thượng của đời mình”. Lần lượt nắm giữ nhiều chức vị lãnh đạo kinh tế quan trọng từ thời Ngô Đình Diệm đến Nguyễn Văn Thiệu như Cố vấn kinh tế, Thống đốc Ngân hàng Quốc gia, Tổng ủy viên đặc trách kinh tế – tài chính trong chính phủ…
Nhưng thực tế không cho phép làm được gì nhiều do tình hình chính trị miền Nam ngày càng rơi vào rối ren liên tục thay đổi chính quyền, nhân sự. Thất vọng, năm 1968 qua Mỹ lại làm cố vấn và chuyên viên cao cấp cho các tổ chức kinh tế quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF.
Tuy nhiên con đường sự nghiệp vẫn gặp trắc trở, năm 1981 xảy ra bất đồng quan điểm nên từ chức khỏi IMF.
Dù vậy vẫn còn nặng lòng với quê hương nên năm 1991 khi VN bắt đầu tiến hành Đổi mới liền quay về nước tìm cơ hội đóng góp cho nền kinh tế đất nước. Nhưng 4 lần trở về từ đó đến năm 1994 một lần nữa vẫn không làm gì được do đụng phải cơ chế bảo thủ quan liêu bao cấp chưa kể thành kiến chính trị.
Đành tay trắng trở về Mỹ ở ẩn viết hồi ký “Câu chuyện đời tôi” in năm 2004.

1.092 - Nguyễn Hữu Hạnh
NGƯỜI PHÁT LỆNH ĐẦU HÀNG
Chuẩn tướng VNCH sinh 1923 tại Mỹ Tho. Sống ở TPHCM (2012).
Nguyên thuộc cấp của tướng Dương Văn Minh từ thời đi lính Pháp đến thời Ngô Đình Diệm.
Vì vậy, sau khi tướng Dương văn Minh đảo chính Ngô Đình Diệm rồi đến lượt mình bị nhóm “tướng trẻ” Nguyễn Văn Thiệu – Nguyễn Cao Kỳ lật đổ thì bản thân rơi vào bất mãn chế độ. Từ đó năm 1970 khi còn là đại tá ở Cần Thơ đã được Cộng sản móc nối làm cơ sở “nội gián” trước khi được thăng chuẩn tướng.
Năm 1974 về hưu.
Đến khi tướng Dương văn Minh lên nắm chức Tổng thống VNCH 2 ngày cuối cùng cuối tháng 4.1975 đã được gọi lại ra làm Phụ tá Tổng Tham mưu trưởng quân lực VNCH. Từ đó đã tận dụng cơ hội vận động ông Minh chấp thuận “bàn giao” chính quyền cho Cộng sản.
Và đích thân mình lên Đài Phát thanh Sài Gòn đọc lời kêu gọi binh lính “hạ vũ khí” trước quân Cộng sản đang rầm rộ tiến vào Sài Gòn Thủ đô VNCH.
Sau đó dưới chế độ mới được đưa vào hàng ngũ “nhân sĩ” trong tổ chức Mặt trận Tổ quốc.
Một trường hợp là “kẻ phản bội” hay người thức thời giác ngộ Cách mạng như ông thầy đỡ đầu Dương Văn Minh để cho lịch sử công tâm đánh giá.

1.093 - Nguyễn Thành Tâm
HOA SEN CỨU ĐỜI CHẤT ĐỘC DA CAM
Lao động nghèo sinh 1995 tại Bình Thuận. Sống ở Bình Thuận (2012).
Vừa sinh ra đời đã bị dính di chứng CĐDC không biết từ ai từ đâu vì ngay sau đó đã bị cha mẹ bỏ rơi đem cho người cô nuôi nấng.
Lớn lên với cơ thể què quặt luôn mắc đủ thứ bệnh dai dẳng không khỏi, đầu óc lại không bình thường thuộc dạng tâm thần nhẹ.
Không học hành gì được nên không biết làm gì để kiếm sống. May mà sau đó ở địa phương rộ lên phong trào làm nghề gia công sơ chế hoa sen làm sản phẩm xuất khẩu như bóc vỏ sen, tách gương sen lấy hạt, moi tim sen… nghề đơn giản nên xin theo làm. Tuy sức khỏe không tốt, tâm thần không ổn định song được cái hiền lành chịu khó nên dần dà cũng làm được, không bằng ai nhưng ngày cũng kiếm được 40.000 đồng.
Cám ơn đời, nhờ “Phật độ” (hoa sen gắn liền hình tượng dân gian đức Phật) đã giúp mình không biến thành người vô dụng.

1.094 - Phạm Văn Tuấn
BỆNH VIÊM DA KHỚP XƯƠNG CẤP TÍNH
Người khuyết tật sinh 1979 tại Nghệ An. Sống ở Nghệ An (2012).
Cha bộ đội chiến đấu miền Nam trở về dính CĐDC nằm liệt một chỗ.
Còn bản thân mình đến 13 tuổi phát sinh di chứng hậu quả chất độc này khiến bị liệt nửa người, 2 chân không cử động được. Đi bệnh viện được chẩn đoán mắc bệnh hiếm viêm da khớp xương cấp tính khó chữa nổi, nó làm toàn bộ xương sống, xương cổ, xương tay cứng đờ không cử động.
Nằm viện một năm bác sĩ bó tay, đến lúc thể trạng sa sút không ăn uống được, toàn thân lạnh ngắt nên gia đình đành đưa về chuẩn bị lo hậu sự.
Không ngờ sau đó vẫn thoi thóp gượng dậy, sống cầm cự qua ngày trong cảnh nợ nần tiền chạy chữa bấy lâu. Dù vậy vẫn cố gắng tập đi xe lăn rồi đăng ký học lớp đồ họa và nhiếp ảnh ở TP Vinh. Qua đó được phát hiện có năng khiếu vẽ tranh.
Học xong quay về làng mở lớp dạy vẽ và chụp ảnh, trở thành “nghệ sĩ làng”.
Từ đó được một cô học trò nhỏ đem lòng yêu thương tình nguyện kết tóc xe duyên bất chấp bố mẹ ngăn cản đòi từ con. Rồi cũng sinh được một con trai đầu lòng.
Niềm vui sống được nhân đôi, mới đặt tên mới cho lớp học của mình là “Tuấn Hello” như một lời mời mở rộng vòng tay đón nhận cuộc đời, đón nhận mọi người đến với mình.

1.095 - Phan Khắc Từ
LINH MỤC CẤP TIẾN QUÁ ĐÀ
Tu sĩ Công giáo sinh 1941 tại Hải Phòng. Sống ở TPHCM (2012).
Trước 1975 làm phó xứ giáo xứ Vườn Xoài một giáo xứ lớn ở Quận 3 – TPHCM, nổi tiếng là linh mục tiến bộ thiên tả sát cánh cùng phong trào Thanh Lao Công (phong trào thanh niên hoạt động xã hội của Công giáo), cùng giới sinh viên chống chế độ Thiệu – Kỳ theo Mỹ. Hoạt động gắn bó với giới dân nghèo đô thị nên được tặng cho biệt danh “linh mục hốt rác”.
Trong thời gian này có tham gia hoạt động ngầm cho cộng sản, được kết nạp Đảng.
Vì thế sau 1975 trở thành linh mục “quốc doanh” làm trung gian giúp Nhà nước thành lập (kiêm giữ chức điều hành) Uy ban Đoàn kết Công giáo thân chính quyền độc lập với tổ chức Công giáo chính thống thuộc giáo quyền quốc tế Vatican. Từ đó vào Quốc hội 3 khóa liên tục, làm tổng biên tập tuần báo Công giáo và Dân tộc.
Tất nhiên hoạt động thân Cộng đó bị giới Công giáo truyền thống phản bác, chống đối.
Nhưng bên cạnh đó, bị phê phán nặng nhất – đối với cả giới ngoài Công giáo - là vấn đề đời tư trong thời gian đầu theo cộng sản trước 75 đã… có vợ và… 2 con! Vợ là một sinh viên gốc Bến Tre gặp trong phong trào đấu tranh đô thị sau này mới biết là… đảng viên, sau 75 từng làm bí thư quận đoàn ở TPHCM (nên vụ “phá giới” này có thể do Việt Cộng “gài”?).
Vụ tai tiếng bị vỡ lở công khai năm 1986 từ phía người vợ “bí mật” khiến bản thân chỉ còn biết biện hộ qua loa rằng chẳng qua ấy chỉ là “phút yếu lòng” nhất thời, nay không còn quan hệ nữa (chỉ thỉnh thoảng có đi thăm con thôi). Rằng đã báo cáo với đức Hồng y sẵn sàng xin ra đạo nhưng… không được chấp nhận!

1.096 - Phan Kim Thịnh
CHỦ BÁO VĂN HỌC “TRUNG LẬP”
Nhà báo sinh khoảng 1938 tại Hà Nam. Sống ở TPHCM (2012).
Di cư vào Nam 1954 đến năm 1962 làm chủ nhiệm bán nguyệt san “Văn Học” nổi tiếng ở miền Nam tồn tại lâu nhất cho đến tháng 3.1975 ra được tất cả 202 số.
Dù trên danh nghĩa làm chủ nhiệm tạp chí này nhưng thực tế tờ báo trải qua 2 giai đoạn phát triển khác hẳn nhau. Giai đoạn đầu từ 1962 – 1968 (86 số) tờ báo ban đầu khai sinh từ phong trào sinh viên đấu tranh chống chế độ Ngô Đình Diệm nên thực chất nội dung báo do nhóm Dương Kiền (nhà văn, nhà thơ) thực hiện nghiêng về tính thời sự chính trị – xã hội – văn hóa theo xu hướng trí thức dấn thân với ý hướng xây dựng hòa bình cho một xã hội miền Nam tự do dân chủ tiến bộ không Cộng sản. Nhìn chung có giá trị thời sự và trí thức chân chính đáng kể. Trong giai đoạn này bản thân (và vợ, một nhà thơ) chủ yếu chỉ đóng vai trò quản lý.
Nhưng từ năm sau năm 1968 tình hình chiến sự Nam – Bắc leo thang khốc liệt không còn phù hợp với lý tưởng đó nữa mà lại bị chính quyền nghi kỵ nên nhóm Dương Kiền rút lui (một số thành viên bị động viên vào quân đội VNCH, một vài người khác lại ly khai vào bưng theo mặt trận Giải phóng miền Nam (*). Bấy giờ tờ báo mới thực sự do ông chủ nhiệm lâu năm nắm toàn bộ thay đổi hình thức (khổ nhỏ hơn) lẫn nội dung bây giờ mang tính chất văn học đại chúng, kiểu khảo cổ “tầm chương trích cú” qua loại chuyên đề văn hóa, văn học trong nước lẫn quốc tế, cổ điển đến hiện đại (các tác giả, tác phẩm, chủ đề sáng tác…). Từ đó không còn giữ được giá trị uy tín như trước, chỉ trở thành một dạng tài liệu giáo khoa bổ sung cho giới học sinh sinh viên.
Đáng chú ý là trong loại chủ đề tác giả văn học VN đã giới thiệu cả những tác giả của miền Bắc hiện tại như Nam Cao, Thế Lữ, Tô Hoài, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư… chủ yếu về sự nghiệp thời Tiền chiến. Tuy nhiên đó cũng là một trường hợp “ngoại lệ” hiếm có dưới chế độ Thiệu – Kỳ “quân quản” miền Nam.
Sau 1975 vẫn ở lại TPHCM với một kho sách cá nhân sưu tầm lưu giữ từ lâu khá đồ sộ từng được sử dụng làm tài liệu thực hiện các chuyên đề báo Văn Học. Nay cũng rút từ đó ra để viết nhiều bài và in sách về các giai thoại, đời tư nhân vật lịch sử đã qua như cựu hoàng Bảo Đại, Trần Lệ Xuân (vợ Ngô Đình Nhu)… Bài và sách (bút danh Lý Nhân Phan Thứ Lang) khá ăn khách trên báo và nhà xuất bản ngành công an.
Chẳng những vậy, năm 2006 còn làm một chuyến viễn du đất Mỹ thăm con ở bên đó, gặp lại bạn bè cũ thời làm báo Văn Học nói chung đều vui vẻ cả!
------------------------------------------------
(*) Riêng thủ lĩnh Dương Kiền ra làm luật sư, sau 1975 qua định cư Na Uy.

1.097 - Phan Lạc Tiếp
CHUYÊN GIA VỚT VƯỢT BIÊN
Việt kiều Mỹ công nhân ngành tàu biển sinh tại Sơn Tây. Sống ở Mỹ (2012).
Thiếu tá hải quân VNCH từng làm hạm trưởng tàu tuần duyên rồi về Bộ Tư lệnh Hải quân ở Sài Gòn làm trưởng phòng. Có viết và xuất bản vài tập truyện ngắn nên có lúc được giao nhiệm vụ tâm lý chiến hải quân.
Trong biến cố 30.4.75 lên tàu di tản qua Mỹ.
Sau đó nhờ có chuyên môn hải quân nên được nhận vào làm ở một hãng đóng tàu lương cao.
Cũng do có chuyên môn này mà năm 1980 tham gia vào Ủy ban Cứu nạn người vượt biên VN với chức vụ giám đốc điều hành chiến dịch trực tiếp đi theo các chuyến tàu vận động từ nước ngoài ra biển Đông nằm chờ vớt người vượt biển tị nạn chính trị. Chiến dịch kéo dài 10 năm, đến 1990 mới giải tán ủy ban sau khi có thỏa thuận Việt – Mỹ về chính sách H.O và O.D.P cho phép quân nhân, công chức chế độ cũ qua Mỹ định cư hoặc đoàn tụ gia đình kể cả ở các nước khác.
Trong thời gian này có viết và in các tập bút ký ghi dấu một chặng đường lịch sử với cuộc đời nhiều truân chuyên đã trải qua không chỉ mình mà còn biết bao người cùng thế hệ nữa.
Năm 1994 trở về quê hương lần đầu tiên, ra tận miền Bắc thăm quê cha đất tổ. Từ đó về lại Mỹ viết cuốn bút ký khác “Quê nhà 40 năm trở lại” với một cái nhìn thông cảm rộng mở: “Dù muốn hay không chúng ta đã lớn lên và bị cuốn hút vào chiến tranh. Xã hội chúng, đất nước chúng ta theo tôi là nạn nhân của thời cuộc với tất cả những oan trái, tang thương, chia lìa, khốn khổ…”

1.098 - Phan Lạc Tuyên
DƯỚI 3 MÀU ÁO
Nhà dân tộc học sinh 1928 tại Sơn Tây – Mất 2011 ở TPHCM (84 tuổi).
Năm 1951 học lớp sĩ quan VN đầu tiên thời vua Bảo Đại do Pháp đào tạo. Đến 1954 theo đội quân này vào Nam phục vụ chế độ Ngô Đình Diệm.
Gia đình Công giáo nên được chế độ này khá tin dùng, năm 1957 cho đi học Mỹ. Về nước gắn lon đại úy làm chỉ huy phó lực lượng biệt động quân, binh chủng tinh nhuệ thứ ba (sau nhảy dù và thủy quân lục chiến) mới được thành lập của VNCH đóng quân ở Tây Ninh.
Đặc biệt thời này có sáng tác bài thơ “Tình quê hương” nổi tiếng sau khi được nhạc sĩ Đan Thọ phổ nhạc: “Anh về qua xóm nhỏ/ Em chờ dưới bóng dừa/ Nắng chiều lên mái tóc/ Tình quê hương đơn sơ…”
Có tinh thần quốc gia chống chế độ Ngô Đình Diệm độc tài gia đình trị nên năm 1960 dẫn đầu một liên đoàn biệt động quân tham gia cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm do một số chỉ huy binh chủng nhảy dù khởi xướng (Nguyễn Chánh Thi, Vương Văn Đông…) nhưng bất thành nên rút về Tây Ninh vượt biên giới qua Campuchia tị nạn chính trị. Vợ con ở nhà bị bắt giam, vợ chịu không nổi sau thành ra tâm thần luôn phải đưa vào dưỡng trí viện thời đó.
Trên đất Campuchia tham gia viết báo, cộng tác với một tờ báo có khuynh hướng thiên tả. Từ đó được Mặt trận Giải phóng miền Nam móc nối gia nhập Mặt trận rồi năm 1963 đưa ra Hà Nội làm một đại diện giới chống đối chế độ NĐ Diệm.
Nhưng dưới chế độ cộng sản chính thống ở miền Bắc, không được tin dùng (không kết nạp Đảng) nên không sử dụng về mặt quân sự nữa mà cho ngồi không một thời gian. Mãi tới năm 1971 mới cho đi học ở… Ba Lan ngành khoa học xã hội!
Đến ngày 30.4.1975 từ Ba Lan về thẳng TPHCM chứng kiến người em ruột sĩ quan VNCH cũng là một nhà thơ – bút danh Phan Lạc Giang Đông – đi cải tạo 13 năm rưỡi (1994 đi Mỹ diện H.O, đã mất 2001).
Được biên chế vào làm việc ở phân viện Khoa học Xã hội VN cơ sở TPHCM do đã tu nghiệp ngành dân tộc học ở Ba Lan. Từ đó chuyên tâm vào nghiên cứu dân tộc học, tôn giáo VN với một số đề tài điền dã về dân tộc Chăm, Chân Lạp…
Cuối đời còn nghiêng qua nghiên cứu Phật học, đi thuyết giảng ở các chùa. Ba năm trước khi mất quyết định quy y – pháp danh Nguyên Tuệ - vào ẩn tu luôn tại một ngôi chùa nhỏ ở TPHCM với niềm tin cuối đời mới tìm thấy:
“Diệu pháp chân như trăng tỏa sáng
Vô thường Bến Nghé lững lờ trôi.
Chân Lạp, Chiêm Thành vô thường cả,
Trí huệ mây trôi nẻo cuối trời.”

1.099 - Phan Nghị
VUA PHÓNG SỰ XÃ HỘI CẢ 2 CHẾ ĐỘ
Nhà báo sinh 1925 tại Hà Nội – Mất 2004 ở TPHCM (80 tuổi).
Thời trai trẻ ở Hà Nội từng có mặt trong Trung đoàn Bảo vệ Thủ đô hơn 50 ngày đẩy lui quân Pháp năm 1945. Nhưng sau đó ở lại Hà Nội bắt đầu sự nghiệp làm báo viết phóng sự chuyên nghiệp.
Năm 1954 di cư vào Nam tiếp tục làm phóng viên chỉ chuyên viết phóng sự xã hội. Thời Ngô Đình Diệm từng bị bắt giam vì có quan điểm chống đối chính quyền.
Nhưng ấy chỉ là nhất thời chứ chỉ tập trung vào nghề nghiệp viết phóng sự xã hội dài kỳ đăng báo. Nổi tiếng với loại đề tài gai góc (tệ nạn xã hội), phong cách thâm nhập thực tế tại chỗ sống thực, cách viết có duyên, hấp dẫn. Được xem là “đệ nhất phóng sự Sài thành”.
Thỉnh thoảng cũng có nhảy vào địa hạt phóng sự chiến trường trong đó có thiên phóng sự “Đường mòn Hồ Chí Minh” lên tận Trường Sơn ăn ngủ để lấy tư liệu và cảm hứng.
Phong cách sống cũng thế – “sống như chính những gì đã viết” – là “dân chơi” kiểu giang hồ đầy vẻ bụi đời, vui vẻ, thoải mái, bộc trực.
Sau 30.4.75 vẫn ở lại và la fmột trong số ít nhà báo chế độ cũ được phép tiếp tục hành nghề (có lẽ nhờ sự hỗ trợ của người thân, bạn bè thời chiến đấu bảo vệ Thủ đô nay từ Bắc vào). Tất nhiên chỉ viết các phóng sự xã hội vô thưởng vô phạt không dính líu gì đến chính trị cho các tạp chí là chính (và bài dịch báo Pháp).
Nhưng từ đó cũng để lại phóng sự “Phở Sài Gòn xưa và nay” đáng kể hay nhất thời này vốn báo chí chỉ thiên về phóng sự “tô hồng” kém chất luợng, giá trị. Đến thời cởi mở hơn còn viết vài phóng sự về “Xóm liều” ở Hà Nội, cà phê ôm đất Sài Gòn cũ…
Ngoài đời vẫn giữ được phong độ “khứa lão” chịu chơi hơn 70 tuổi còn mang găng tay phóng mô tô chạy ào ào!
Qua đời bệnh già, để lại 6 con (2 gái ở nước ngoài).

1.100 - Phan Thế Phương
“THẦN” TÔM ĐẦM PHÁ
Cán bộ nông nghiệp sinh tại Thừa Thiên - Huế – Mất 1991 ở Huế.
Sau 1975 làm giám đốc Sở Thủy sản Thừa Thiên - Huế.
Với phong cách làm việc bình dị gần dân, từ năm 1985 đã tận tụy hết lòng hướng dẫn cho ngư dân vùng đầm phá Tam Giang (huyện Quảng Điền) khởi nghiệp nghề nuôi tôm giúp thoát nghèo giàu lên thấy rõ.
Năm 1991 đang công tác ở Phan Thiết thì được tin ngư dân Tam Giang sau vụ thu hoạch mùa tôm trúng lớn mở tiệc mừng công lớn mời về dự nên vội vã lên xe ra về. Không ngờ nửa đường gặp tai nạn chết tại chỗ!
Dân phá Tam Giang đã lập miếu thờ tôn xưng là “Thần”, là ông tổ khai sinh nghề nuôi tôm đầm phá mỗi năm đều làm lễ giỗ trang trọng.
(Còn tiếp)

Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

CHẮP TAY DÒNG ĐỜI ( KỲ 11 ) - VÕ CHÂN CỬU



Tiếng chim tu hú

Vườn nhà tôi ngập tràn tiếng chim tu hú gọi hè. Các nhà sư Phật giáo vẫn kể rằng : có một người tu mãi không thành chánh quả, cuối cùng hóa thành loài…tu hú !
Chim kêu là…nghiệp của chim. Nhưng tiếng của loài tu hú lại sinh ra khá nhiều chuyện ? Đâu phải vì nó có tên trong sách đỏ (nguy cấp sắp tuyệt chủng), mà bời vì không ít người chỉ mới biết nó qua sách vở. Thật là tai hại bởi một dòng văn chương !
Khi chim tu hú gọi bầy
Lúa chiêm đang chin, trái cây ngọt dần…
Hai câu mở đầu bài “Khi con tu hú” từ lâu đã khá quen thuộc ở cả 2 miền. Nhưng tại phía Bắc, bởi vì tác giả Tố Hữu là… lãnh đạo ,nên câu thơ trên đã được bình tán, ca ngợi theo kiểu cổ vũ lòng yêu nước để ra chiến trường.
Anh Phan Lạc Dân, một người làm thơ từ trường Sư phạm Quy Nhơn lên dạy học ở Lâm Đồng và ở suốt từ đó đến nay quả quyết không phải con tu hú gọi bầy. Bởi nó chỉ đi… một cặp, không bao giờ them tụ thành bầy. Vì chim mái theo chế độ…“đa phu”, nên đó chỉ là tiếng của hai…bạn tình. Người suy diễn từ đặc điểm sinh học lại gán cho tu hú là loài chim ranh ma, độc ác. Vì nó chỉ chuyên đẻ gửi, thường đẻ vào ổ các loài chim có than hình bé hơn. Và trước khi đẻ, nó thường gắp một quả trứng có sẵn để xơi. Trứng ấp nở ra, tu hú con thường to hơn chim con ruột nhưng nó biết giả bộ cho giống để được mẹ nuôi mớm nhiều thức ăn, mau lớn rồi bay đi, kêu…tu hú.
Trong một xã hội loạn lạc, để những đứa con của mình được in ra, nhà thơ có khi cũng phải chịu cảnh…đẻ gửi. Nhưng cuối cùng, đâu lại vào đấy. Từ loài chim tu hú, đặc điểm sinh học lại gợi mở ra chuyện văn chương ?

Nghịch cảnh
Những năm 1969-1970, làng văn Miền Nam bỗng bùng lên hiện tượng Nguyễn Bắc Sơn (NBS). Thơ NBS vừa trữ tình, phản chiến, lại rất mới khi miêu tả hiện thực cuộc chiến tranh dưới mắt người thi sĩ. NBS sinh năm 1944, quê ở Bình Thuận. Từ nhỏ anh đã mê làm thơ nhưng tới tuổi phải vô trường sĩ quan. Ra trường không lâu, NBS đã đào ngũ nên bị bắt lính trở lại, được đưa đi làm…binh nhì địa phương quân. Nhờ giỏi tiếng Anh, nên NBS được trở thành thông dịch viên. Anh được đi theo các Ban chỉ huy quân đội Đồng Minh ở một số cuộc hành quân. Có lẽ nhờ vậy nên NBS…đã không bị phục kích, chết đường.
Ngay từ bài thơ đăng đầu tiên, NBS đã nói rõ:
Đời bắt một kẻ làm thơ như ta đi lính
Bắt lê la mang chiếc mai rùa
Nên tâm hồn ta là một cánh đồng úng thủy
Như con nước buồn sau mỗi cơn mưa
(Chân dung tự họa- Chiến tranh Việt Nam và Tôi)
NBS là công lao phát hiện của tuần báo Khởi Hành (bộ mới từ 1969) mà thi sĩ Viên Linh là thư ký tòa soạn. Thơ NBS từ khi mới đăng báo đã làm giới làm thơ và các cây bút lão làng ở Miền Nam bất ngờ, choáng váng. Nhiều người viết bài ca ngợi hết mực. Năm 1972, tập thơ “Chiến tranh Việt Nam và Tôi” được ấn hành. Có thể nói thể thơ, ngôn ngữ NBS dùng không có gì mới lạ. Nhưng nó lại lay đọng lòng người bởi lời thư như “từ trong ruột nói ra”. Kể cả khi ông dùng những từ ngữ rất hạ cấp của cuộc đời, ý thơ vẫn không thô tục mà lại làm cho tâm hốn bay lên !
…Ta ghét đàn bà như ghét cứt
Nhưng vì sao ta cứ phải yêu em
Ôi ! mắt em nhìn như bẫy chuột
Sập chết đời ta biết mấy lần…
( Trên đường tới nhà Xuân Hồng - cô gái đã cho anh cưới về, để chịu kiếp “làm vợ thi sĩ” cho đến giờ).
Tính chất đặc biệt của người thi sĩ cũng đã được anh giải thích thêm, như ở đoạn đầu bài “Chân dung tự họa”:
Trên trái đất có rừng già, núi non, cùng biển, sông
Trong Nguyễn Bắc Sơn có kẻ làm thơ
Kẻ làm thơ đôi khi thành du đảng
Hoặc nhà tu theo khí hậu từng mùa…
Và trong một bài thơ tứ tuyệt:
Ta đọc ba ngàn quyển sách
Sao mà chẳng nhớ điều chi
Ta chỉ nhìn em một cái
Sao mà nhớ đến mê si !
(Giai nhân và sách vở”)
Như nhiều gia đình Việt Nam, cuộc đời NBS phải chịu một nghịch cảnh lớn. Cha NBS là một cán bộ ra Bắc tập kết. Khi vào chiến trường quê nhà, ông giữ chức Phó Chính ủy Khu VI (bao gồm cả tỉnh Bình Thuận bấy giờ). Sau năm 1975, cha con đoàn tụ nhưng không nói chuyện với nhau. 5 năm sau ngày cha mất, người con là Nguyễn Văn Hải tức NBS đã giải bày nguyên do chuyện… “éo le” cuộc đời đã tạo ra.
… Bố tôi ước mơ làm cho loài người sung sướng
Và thế là ông từ tuổi thanh xuân
Cùng bạn bè đi làm cách mạng.


Ông làm cách mạng chừng nào
Thì loài người càng thêm sặc máu.

Tôi ước mơ cõi đời tốt đẹp
Và thế là tôi làm thơ ca tụng loài người
Tôi càng ca tụng chừng nào
Thì loài người càng xấu xa chừng nấy…
(Chuyện hai bố con tôi)
NBS vẫn giữ nguyên “khẩu khí” ngày nào.

Giải thoát
Năm 2005, trùng với dịp 30 năm kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam, NXB Thư Ấn quán đã cho tái bản lại tập Chiến tranh Việt Nam và Tôi. Bài phê bình thơ Nguyễn Bắc Sơn do Đặng Tiến mới viết liền được những người chủ trương “Thơ Tân hình thức” trịnh trọng đưa lên Website của nhóm. Điều này một lần nữa cho thấy trong thơ, hình thức thể hiện không là quyết định. Kiểu thơ khẩu khí như NBS từ lâu đã có nhiều nhà thơ nổi tiếng sử dụng, từ Trần Tế Xương đến Thâm Tâm, Quang Dũng…Nhưng quan trọng nhất ở NBS là hướng về sự giải thoát cho tâm hồn người nghệ sĩ. Điều này quả là thật khó cho một người lỡ mang tính cách “Đi hành quân rượu đế vẫn mang theo…”Những năm sau này, bất cứ lúc nào gặp bạn bè văn nghệ, NBS cũng bày tỏ ước nguyện: lên tu trên núi Tà Cú nổi tiếng linh thiêng gần Phan Thiết. Ở đây có tượng Phật nằm lớn nhất nước. Khoảng năm 2000, tình cờ gặp nhau ở Sài Gòn, sau một trận lúy túy, NBS nhất định đòi về nhà tôi ngủ để sáng hôm sau tôi đưa ra bến xe đi Đà Lạt chơi với Nguyễn Dương Quang. Trước khi từ biệt, anh rút trong túi xách cuốn Kinh Hoa Nghiêm và ký tặng trở lại. Từ đó, NBS tiếp tục mất biệt cho đến nay. Nhà của anh ở đường Chu Văn An gần chợ đã bán để về đầu phía Nam Phan Thiết. Nghe nói NBS còn xây được một “tịnh cốc” trên núi cao Tà Cú. Cuối 2011, tôi và Nguyễn Sa Mạc từ Bảo Lộc cỡi xe xuống, nhờ bạn dẫn đến nhà mới thăm NBS.
Người nhà NBS lúc này thật tình cũng không rõ bây giờ anh đang ở trên núi hay về thăm Sài Gòn. Chợt nhớ mấy đoạn trong bài thơ mà anh đã làm tặng Vũ Trọng Quang, khi bạn đến thăm anh trên núi Tà Cú:
…Quân tử thất thời nằm gãi háng,
Thuyền quyên lỡ hội bỏ đi tu
Tiếng chuông em gõ bên chùa cổ
Mà sao lạnh điếng cõi sương mù

Sương mù, sương mù, ừ sương mù
Khuya về trăng mọc ngọn mù u
Cầm ống sáo đồng gõ vào vách núi
Tráng sĩ hề, lạnh thấu thiên thu
….
Ta lạnh, còn em đâu có ấm
Tiếng tụng kinh là tiếng chim rơi
Để ta tụng bài thơ thiên cổ
Thơ là Kinh Phật đó mình ơi !!!

Em ni cô, ta là thi sĩ
Có lúc thần tiên, lúc ngạ quỷ
Cầm kinh địa tạng ở trong tay
Mà uống rượu sầu say bí tỉ
…..
Nửa đêm tụng chú và rơi lệ
Nơi thanh lương địa mà sao lòng mình chưa thanh lương…
( Tháng Chạp sầu đời trên núi cao )

Tu như kiểu các thi sĩ thì làm sao mà đắc đạo được. Người ơi, tiếng chim tu hú bên trời lại kêu.
(Còn nữa)

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

THIỆN TAI - LÊ NGỌC THUẬN

Tình chừ tứ mã phân thây
Ruột nơi tim nẻo bầy hầy sông Hương
Yêu ma lạc tới thiên đường
Tóc râu sợi rụng sợi vương bên trời
Kể từ rượu rót đầy vơi
Tay em mở cuộ đời tôi rộn ràng
Nợ nần kiếp số đa mang
Trước sau rồi cũng tàng tàng điên điên
Mỹ Chánh chim đậu rất hiền
Về đây nâng chén quỹ tiên hòa bình
Ai là bóng? Ai là hình?
Hay ta vẫn chỉ một mình nhố nhăng
Khi không có kẻ mê trăng
Nên ta phải bảo chị Hằng rời cung
Một người con mắt mông lung
Môt người môi hé hôn chung nỗi sầu
Một người chẳng biết về đâu
Một người chết đứng bên cầu nhân duyên
Ta về Mỹ Chánh làm tiên
Bỏ yêu quái lại nơi miền cố đô
Kinh thành có lắm cô cô
Mõ chuông ta tụng nam mô ơi tình
Thiện tai ! Thiện tai ! Vô minh
Trái tim cải lão lung linh thần đồng
Sài Gòn đỏ đỏ hồng hồng
Song Hương nước chảy bông lông sớm chiều
Rượu say lời có bấy nhiêu
Gửi cho hảo hán – tay phiêu bạt tình

ÔI ...BIÊN TẬP - TRẦN HUIỀN ÂN

Khoảng 50 năm trước, có lần ông Võ Hồng phàn nàn rằng khi ông tả cảnh nhà quê, trong vườn có một bụi duối, thì “thầy cò” (người sửa bản in) không biết cây duối, sửa lại thành bụi chuối. Sai quá đi chứ, nhưng tạm chấp nhận vì trong vườn có bụi chuối cũng hợp lý, bạn đọc chẳng biết đâu mà chê trách.
Hiện nay, mỗi tác phẩm được in đều qua một hay hai cán bộ biên tập (CBBT) của nhà xuất bản. Điều đáng tiếc là các vị này có quyền hành to lớn, muốn sửa tác phẩm thế nào cũng được, nhưng một số vị thiếu sự hiểu biết sâu rộng, thành ra nhiều khi sửa theo suy nghĩ riêng tư, làm sai lạc hẳn ý nghĩa.
Lấy trường hợp của chính tôi, xin nêu ra mấy điểm cụ thể sau đây:
- Tác phẩm Lễ tục vòng đời: trăm năm trong cõi người ta, NXB Văn Hoá Thông Tin. Tên tác giả là Trần Sĩ Huệ, một chỗ sửa thành Trần Sỹ Huệ, một chỗ khác, chắc thấy chữ Sỹ cũng chưa hay, chưa đẹp, sửa thành Trần Trí Huệ !
- Tác giả trích nhận xét trong sách Đại Nam nhất thống chí về Phú Yên: “Dân tục chất phác...”, CBBT sửa thành “Dân tộc chất phác...”!
- Nha văn hóa, sửa thành nhà văn hóa. CBBT không biết nha là một cơ quan thuộc bộ trong chính quyền miền Nam trước 1975, tưởng là các nhà văn hóa hiện nay.
Tác giả viết: “Suốt thời kỳ Nho học, Phú Yên chưa có vị nào đậu đại khoa”. CBBT sửa lại: “Suốt thời kỳ Nho học Phú Yên chưa có vị nào đậu đại học”! Đại khoa và đại học, nghĩa khác nhau một trời một vực !
Có khi sửa theo cách nói địa phương nào đó, ông thầy = ông thày, dạy học = dậy học, người đọc tưởng đâu ông thầy (đang nằm) ngồi dậy học... Và nhiều chỗ rất phi lý nữa.
- Tác phẩm Đất Phú Trời Yên, NXB Lao Động.Tác giả viết: “chuyện dân gian, dan ca, cà kê dê ngỗng với nhau”. CBBT không hiểu trong ngôn ngữ bình dân dan ca có nghĩa là chuyện dông dài, không đầu không đuôi, hết chuyện này đến chuyện khác, sửa thành dân ca!
- Tác giả trích một bài thuật lại trận bão năm Giáp Tý 23.10.1924, trong đó dùng Pháp văn “23 Octobre 1924”, CBBT cho rằng viết sai Anh văn, sửa lại “23 October 1924”. Như vậy không hợp lý vì thời ấy dùng Pháp văn, chưa dùng Anh văn.
- Tác giả viết về “tiếng chim bồ chao ồn ào đối đáp, gọi là chim đánh”, không biết CBBT căn cứ vào đâu sửa lại: Chim bồ chao hay còn gọi là chim đính”. Có nơi nào gọi chim bồ chao là chim đính chăng ?
- Những địa danh, CBBT cũng tự ý sửa lại. Thuộc Hà Bạc, sửa thành Thuộc Hà Bắc (8 lần); Sông Cầu sửa thành sông Cầu (5 lần).
Xin thưa: Thuộc là đơn vị hành chánh xưa ở miền Trung thời chúa Nguyễn và đầu nhà Nguyễn, ngang với cấp tổng, hà là sông, bạc là bến. Những nơi làng xóm ở ven sông, cửa biển gọi là thuộc Hà Bạc, sao lại bắt nơi nào cũng thuộc Hà Bắc? Tên thị xã (trước đây là huyện) Sông Cầu, là một đơn vị hành chánh thì phải viết hoa cả (Sông Cầu), đâu phải tên con sông Cầu !
Với cách biên tập như thế, người đọc sẽ nghĩ sao về trình độ cơ bản của tác giả ?
Một vài vị CBBT các báo cũng hay sửa ẩu. Như: đan đát sửa là đan lát. Xin thưa: muốn có cái rổ, thúng, nia... người ta dùng nan đan phần chính, phần chung quanh để lận lên gọi là đát, nói chung là đan đát, sao là đan lát? Hồi 1975-1980 có các hợp tác xã đan giỏ xách bằng sợi cói, còn gọi là sợi lác, không phải lát. Câu ca dao Rồng chầu ngoài Huế, ngựa tế Đồng Nai..., tế là nước chạy nhanh của ngựa, sửa thành “ngựa tuế Đồng Nai”...
Đúng là sửa đâu sai đó. Sai trầm trọng. Chứ cây duối của ông Võ Hồng biến thành cây chuối thì đâu nhằm nhò gì! Các tác giả gặp phải cảnh này (như tôi) chắc cũng (như tôi) không còn biết nói gì hơn, đành ngửa mặt lên trời mà kêu rằng: Ôi, biên tập!

Trần Huiền Ân
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ
(Đăng lại từ Blog CTC)

Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

MỘT NGÀY Ở PHỐ - TRẦN DZẠ LỮ

MỘT NGÀY Ở PHỐ

Buổi sáng
Chàng thức dậy lúc 5 giờ
Pha một ly cà phê đen ra balcon ngồi
Đốt một điếu thuốc đầu ngày
Nhả khói và mường tượng…
6 giờ
Ra khỏi nhà đón xe buýt đi làm
Lên chuyến xe chật như nêm
Tiếng ồn ào
Tuồn ra cùng khói bụi…
Xe đến ngả tư Hoàng Văn Thụ
Người đàn bà quen đi mỗi ngày
Cánh tài xế thường kêu là đại ca
Bước lên
Việc đầu tiên là văng tục
( Làm như không văng tục bà ta không thể sống! )
Chàng chợt nghe một cô bé tuổi teen
Khoe với bạn
Đêm qua đi ăn cháo Vịt với người tình
ở cư xá Thanh Đa
Em khác phun ra câu vừa cặp một đại gia
Nhiều tiền lắm của
Chốn phù hoa
Buổi trưa
Chàng lôi “gô” cơm tự nấu mang theo ăn qua loa
Với món cá kho độc nhất
Thời buổi thật là lùng
Mọi thứ đều tăng giá
Mà lương không tăng
ừ thôi ăn để mà sống
Chứ không sống để mà ăn !
Quơ tay lấy tờ báo liếc qua
Thời @ sao mà nhiễu loạn
Cướp tiệm vàng
Bay đêm đập-đá-rồi-xả-đá
Chồng đốt cháy vợ vì nổi cơn ghen...
Buổi tối
Chàng về đến nhà lúc 19 giờ
Phụ nàng lo bữa cơm tối
Rồi giặt đồ cho vợ
( Nàng mắc bệnh hai bàn tay tê cứng đã bao năm ! )
Cơm nước xong lên mạng
Chat chít với tình hư ảo
Để quên đi
Tình thật của chàng buồn hơn củi nỏ
Ở phố hơn 30 năm rồi
Sao lòng chàng như chốn đồng không mông quạnh
Bạn bè dần trôi xa
Tri kỷ thì hiếm…
10 giờ
Đi ngủ và mơ thấy một khoảng trời riêng…

Trần Dzạ Lữ
( SàiGòn cuối tháng 9 năm 2011)

Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2012

THƠ RỜI QUA TIN NHẮN - LÊ NGỌC THUẬN

1.
Buồn vô hậu nhớ vô chiêu
Rượu say say lại liêu xiêu với tình
Phải tâm vô bóng vô hình
Nên ta hồn vía lênh đênh phương nào
Suốt đời chân tháp chân cao
Bổn l;ai diện mục xới đào không ra
Phật trong ta vẫn là ta
Phật ngoài ta vẫn là ta yêu người
Phật không khóc Phật chỉ cười
Còn ta thì cứ làm người yêu em

2.
Nằm mơ thấy m.t
Ôm ni cô mà cười
Ta tưởng mình có vợ
Hóa ra còn độc thân

3.
Rượu cũng nhạt như trăng tháng hai
Lòng hư rối buồn đã man khai
Phố chợ xưa chừ không ai tới
Rượu nứa ly chừ ta đã say

4.
Ta yêu người trúng cung sát chủ
Nên cả đời xơ xác lôi thôi
Ôm đàn bà bốn phương tám hướng
Vẫn bóng hình xanh ngát vương phi

5
Cái đầu vô gia cư
Trái tim vô địa táng
Bạn bè đang bận yêu
Ta ngồi đây bí rị
Vô hậu buồn khó khăn

Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

CAO HUY KHANH - VN HỐ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2012 ( KỲ 108 )

NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

1.081 - Phạm Thị Ngọc
TÌM MỘ BỐ RUỘT RA MỘ BỐ CHỒNG
Thường dân sinh 1965 tại Thái Bình. Sống ở Bình Phước (2011).

Năm lên 8 tuổi thì bố chia tay 2 mẹ con lên đường vào Nam chiến đấu. Từ đó bặt tin luôn kể cả sau ngày hòa bình vẫn không thấy về.

Đến cuối năm 1977 mới nhận được thông báo vắn tắt bố đã hy sinh năm 1967 không biết mộ chí hay hài cốt nơi đâu nhưng bận gánh gia đình không vào Nam tìm mộ bố được.

Năm 1997 khi con cái đã trưởng thành ra đời rồi mới một mình lên đường vào TPHCM đi tìm mộ bố. Tuy nhiên ròng rã 4 năm vẫn không kết quả dù đã nhờ đến nhà ngoại cảm tìm giúp.

Vài năm sau mới gặp được đồng đội cũ của bố, từ đó có thông tin tìm đường qua Campuchia nơi đơn vị bố từng đóng quân. Bấy giờ mới biết hài cốt bố đã được quy tập về nước, chôn trong nghĩa trang Tân Biện tỉnh Tây Ninh.

Thế là lặn lội lên Tân Biên mới hay mộ bố đề tên vô danh. Không nản lòng, tìm cách xin ADN từ ngôi mộ vô danh đem đi xét nghiệm xác định đúng là của bố ruột mình. Từ đó ở lại Bình Phước sinh sống để có dịp gần gũi thăm viếng, chăm sóc phần mộ.

May mắn nhờ quá trình đi tìm mộ bố mà ngẫu nhiên xui khiến sao lại truy tìm ra dấu vết mộ bố chồng lâu nay cũng không tin tức thì ra đã được quy tập về nghĩa trang tỉnh Sơn La. Ay là nhờ lý lịch bố chồng có hai điểm trùng hợpp với bố ruột là cũng quê Thái Bình và cũng tử trận đúng năm 1967 nên có bản phân loại nằm chung danh sách liệt sĩ.

1.082 - Phạm Thị Nhẫn
TỰ TAY XÂY NHÀ NUÔI CHỒNG THƯƠNG BINH NẶNG
Lao động nghèo sinh 1956 tại Hải Dương. Sống ở Hải Dương (2007).

Là cô giáo trường mầm non trong làng, năm 1980 gặp một thương binh nặng trở về từ chiến trường miền Nam cụt cả 2 chân ở trại thương binh tự nhiên sinh lòng thương cảm khi nhớ đến cha mình cũng từng là bộ đội hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Từ đó quyết định lấy anh làm chồng bất chấp gia đình, bà con phản đối.

Ngay cả mẹ ruột cũng dọa từ con, chỉ với lý do: “Con đến với anh ấy là cái duyên cái số, sau này sướng khổ con không ân hận điều gì.”

Hai vợ chồng nghèo, chồng lại tàn tật nên một mình mình phải cáng đáng lo hết mọi việc. Trước hết đưa chồng ra trại thương binh rồi xin xã miếng đất nhỏ dựng đỡ căn lều sống tạm cho ra một gia đình.

Một năm sau sinh con trai đầu lòng do thiếu ăn bị suy dinh dưỡng nổi mụt lở loét cả người phải xin nghỉ dạy để ở nhà có thì giờ trông con vừa nuôi gà nuôi lợn làm kế sinh nhai.

Năm 1987 được xã cấp cho mảnh đất nhỏ ngoài chợ (chiếu cố chồng thương binh nghèo) song đâu có tiền để mướn thợ xây nhà. Thế là tự tay mình làm luôn thay thợ, tự đào đất đóng gạch, đắp nền, lợp mái xây nhà tất tần tật mọi việc làm hết như là thợ xây chuyên nghiệp vậy. Mà chỉ có thể tranh thủ làm ban đêm vì ban ngày còn phải chạy chợ buôn bán kiếm sống, chồng chỉ biết phụ giúp giữ con bằng cách… buộc con vào bụng lết qua lết lại dỗ dành con khóc!

Rồi thì căn nhà “tự lực” ấy cũng hoàn thành làm quán nước nhỏ cho chồng ngồi ôm con trông coi cũng kiếm được đô vô đồng ra. Còn minh đạp xe đi xa mua hàng về bán, mỗi tuần đi đi về về đôi lần.

Cuộc sống bấy giờ mới ổn định khá hơn. Sinh thêm được 2 con, nuôi ăn học đều đã trưởng thành ra đời đàng hoàng.

1.083 - Phạm Văn Chiến
BỆNH “QUASIMODO”
Người khuyết tật sinh khoảng 1980 tại Hà Tĩnh. Sống ở Hà Tĩnh (2011).

Cha là bộ đội năm 1968 chiến đấu ở Quảng Trị rồi tiếp tục hành quân qua Lào.

Sau 1975 giải ngũ về quê lấy vợ mà không biết mình đã bị nhiễm CĐDC. Vì vậy sinh 8 con thì hết 7 đã mắc di chứng chất độc nguy hại này trong đó 3 con trai vừa ra đời đã không sống nổi, những đứa còn lại ít nhiều đều không bệnh này thì bệnh khác.

Riêng bản thân mình con út một mắt bị mù, con mắt còn lại thì bị một cái bướu mọc bên cạnh che khuất tầm nhìn.

Khi lớn lên thì cha mất sớm, chỉ còn lại mẹ già ráng làm lụng vất vả nuôi bầy con bệnh hoạn cầm cự qua ngày.

Sau khi 3 anh chị lập gia đình ở riêng cũng nghèo chẳng giúp đỡ gì được cho mẹ già, đến năm 2007 người mẹ suốt đời lam lủ không chống chỏi nổi nữa với cuộc đời đành nhắm mắt buông tay. Để lại mình và người anh kế mắc bệnh thiểu năng trí tuệ giống đứa con nít sống nương tựa vào nhau.

Đến lúc đó căn bệnh bướu quái ác biến chứng phình to che khuất cả con mắt còn sáng khiến không nhìn thấy gì cả, đã vậy còn mọc thêm một số bướu nhỏ khác trên trán trên mũi chảy máu mủ tùm lum. Thân hình lại gầy gò lưng còm bước đi không vững nên hình dạng trông chẳng khác gì nhân vật thằng gù nổi tiếng của văn hào Pháp Victor Hugo trong tác phẩm tiểu thuyết kinh điển “Nhà thờ Đức bà Paris”.

Đi bệnh viện khám cần giải phẫu thì không có tiền bởi bị bệnh không đi làm thuê làm mướn gì được để kiếm ít tiền. Khoản trợ cấp Nhà nước chẳng đủ để mua thuốc mỗi lần cũng đã trên cả triệu đồng rồi.

Chỉ còn cách ngồi cầu Trời khấn Phật mong sao có “phép lạ” nào giúp mình chữa hết bệnh bướu mắt để còn thấy đường đi làm có tiền còn chăm sóc cho người anh tội nghiệp cả đời cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn chẳng biết gì. Nhưng cả Chúa cũng không cứu được cuộc đời khốn nạn của Quasimodo kia mà!
1.084 - Phạm Văn Đính
KẺ PHẢN BỘI HAY NGƯỜI GIÁC NGỘ CÁCH MẠNG?
Cán bộ về hưu sinh tại Huế năm 1937. Đã mất sau năm 2004 ở Huế (khoảng 70 tuổi).

Sĩ quan bộ binh VNCH từ năm 1961.

Từng giữ chức đại đội trưởng Đại đội Hắc Báo, đơn vị đặc nhiệm thiện chiến trực thuộc Sư đoàn 1 đóng tại Huế. Sau đó chuyển qua Trung đoàn 54 của Sư đoàn 1.

Trong cuộc tái chiếm TP Huế xuân Mậu Thân 1968, chỉ huy một đơn vị của Trung đoàn 54 đánh chiếm lại kỳ đài Huế, được tôn vinh như một anh hùng. Qua năm 1969 tiếp tục lập chiến công trong trận đánh cùng Thủy quân lục chiến Mỹ tiến chiếm địa điểm chiến lược “Đồi Thịt băm” do 2 tiểu đoàn quân cộng sản nắm giữ nằm gần biên giới Lào.

Nhờ đó được đề bạt thăng trung tá làm trung đoàn trưởng Trung đoàn 56 của Sư đoàn 3 mới thành lập trú đóng tại trại Carroll ở huyện Cam Lộ có nhiệm vụ trấn giữ vùng địa đầu giới tuyến Quảng Trị.

Nhưng đến đầu tháng 4.1972 trong chiến dịch tấn công của cộng sản – thời điểm còn gọi là “Mùa hè đỏ lửa” - vào Quảng Trị, tướng Vũ Văn Giai Tư lệnh Sư đoàn 3 do không còn được không quân Mỹ yểm trợ nên chưa đánh đã vội rút quân về hậu cứ Quảng Trị. Lấy lý do nhằm bảo toàn lực lượng nhưng như thế đã bỏ rơi quân Trung đoàn 56 cố thủ trong trại Caroll đang bị quân Bắc Việt bao vây dày đặc, đánh điện yêu cầu sư đoàn cứu viện thì được trả lời cấp chỉ huy tại chỗ “tùy nghi quyết định”!

Trong tình thế nguy cấp quân số thua xa đối phương mà lại không được cấp trên hứa tiếp viện, bản thân là trung đoàn trưởng cùng trung đoàn phó đã họp toàn bộ quân số còn lại khoảng 600 người đi đến quyết định nhất trí toàn bộ đầu hàng! Vì biết không có lực lượng ứng cứu, không đường thoát phá vỡ vòng vây nên cố chống cự cũng không nổi mà còn đổ máu binh sĩ vô ích.

Sau cuộc đầu hàng vô tiền khoáng hậu lớn nhất lịch sử chiến tranh VN, vẫn được phía bên kia giữ nguyên quân hàm giao cho nhiệm vụ… quân quản đám tàn quân của mình! Sau đó tiếp tục mang lon trung tá bộ đội kiểu “không quân” ngồi chơi xơi nước cho đến ngày Giải phóng.

Sau 1975 xuất ngũ chuyển qua Sở Thể dục – Thể thao TP Huế, được phân công cho làm quản lý… sân vận động Tự Do đến năm 2003 về hưu.

Lịch sử sẽ phán xét công hay tội, từ người hùng trở thành kẻ phản bội VNCH nhục nhã hay là người thức thời sáng suốt biết “bỏ tối ra sáng” lại có trách nhiệm và lòng nhân đạo quý trọng mạng sống đồng đội dưới quyền. Một trường hợp như Tổng thống Dương Văn Minh sau này.

1.085 - Phạm Văn Hướng
TRỜI NGÓ LẠI
Thương binh sinh tại Hải Dương. Sống ở Đồng Nai (2011).

Sau 1975 là bộ đội xuất ngũ trở về quê nhà Hải Dương làm nông.

Lấy vợ cùng quê sinh được một gái một trai, gia đình êm ấm. Nào ngờ 2 đứa con khi lớn lên mới có dấu hiệu bị di chứng CĐDC khiến đứa con gái đầu óc chậm phát triển cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn, còn đứa con trai thì mắc chứng bại liệt nằm một chỗ.

Bị hàng xóm dị nghị nói ra nói vào mà cuộc sống thời bao cấp ngoài Bắc ngày càng khó khăn nên mới quyết định dắt díu vợ con vào Đồng Nai tìm đường lập nghiệp mong tương lai đỡ hơn.

Nhưng đến lúc này thì bản thân mình mới phát bệnh suy nhược cả người mất sức lao động đẩy cả nhà vốn đã có sẵn 2 con bệnh tật vào chỗ lao đao sắp chết đói tới nơi. Cả người vợ chịu cảnh khổ cũng không nổi nữa nên năm 1996 đành đoạn bỏ nhà bỏ chồng con đi biệt tăm!

Trong cảnh 3 cha con dở sống dở chết như vậy bỗng nhiên trên trời rơi xuống một… nữ thiên thần ra tay cứu vớt gia đình đại bất hạnh này. Ấy là một phụ nữ đã hơi luống tuổi (trên 30) cũng từ Hải Dương vào Đồng Nai thăm bà con qua đó nhân cùng là đồng hương nên mới biết tình cảnh 3 cha con. Thế rồi tự nhiên sinh lòng thương cảm tình nguyện về… làm vợ thương binh, làm mẹ 2 con bệnh hoạn mà không cần phải làm đám cưới gì cả!

Từ đó một mình chị vừa chăm sóc 3 cha con bệnh đủ thứ vừa đi làm thuê kiếm tiền về nuôi tất cả, bao nhiêu vất vả cực nhọc đều gánh vác hết với ước mơ giản dị chân chất “chỉ mong có một mái ấm để vun vén, tối về đỏ lửa thổi cơm, sáng dậy quét tước cửa nhà vậy là vui lắm rồi.”

1.086 - Phạm Văn Sơn
SỬ GIA ĐI CẢI TẠO MẮC BỆNH HỦI
Đại tá VNCH sinh 1915 tại Hà Đông – Mất 1978 ở Vĩnh Phú (64 tuổi).


Học trường Bưởi ở Hà Nội, theo đạo Công giáo. Năm 1949 đi lính Pháp.

Từ thời trẻ đã có xu hướng theo nghề sử học, từng in 2 cuốn sử năm 1949 – 1951 tại Hà Nội trong đó có cuốn “Việt Nam cách mạng sử”.

Sau 1954 di cư vào Nam chuyển qua quân đội VNCH, làm chỉ huy trưởng trường quân báo và trường chiến tranh chính trị. Rồi được cất nhắc chuyển qua làm công việc phù hợp chuyên môn là Trưởng khối quân sử Bộ Tổng tham mưu quân lực VNCH hàm đại tá.

Từ đó có điều kiện thuận lợi để soạn và in nhiều bộ sử VN từ thời cổ đại đến hiện đại (còn lấy bút danh Dương Châu) nổi bật có “Việt sử toàn thư” 1960, “Quân sử” của VNCH 1967 (5 cuốn), “Việt sử tân biên” 1972 (7 cuốn). Ngoài ra còn quan tâm lấy tư liệu tại chỗ để viết về những trận chiến lớn trong cuộc xung đột Quốc – Cộng như “Vĩ tuyến 17” năm 1959, cuộc chiến Mậu Thân 1968, trận “tử thủ” An Lộc cũng như trận Thành cổ Quảng Trị 1972…

Sau 1975 đương nhiên đi cải tạo miền Bắc rồi mắc bệnh nan y tình nghi bệnh phong cùi (người lở loét, rụng lông mi, ngón tay co quắp…). Không có thuốc men, phương tiện chữa trị nên bị cách ly cộng thêm nhiều chứng bệnh khác cả tim, phổi lẫn suyễn. Chỉ còn biết chờ chết với thái độ bình thản chấp nhận của một người viết sử quá hiểu cái giá phải trả trước bánh xe lịch sư cán qua không thương tiếc không chừa một ai.

Năm 1978 chết tàn mạt trong trại cải tạo Vĩnh Phú, chôn ở vừng rừng núi gần đó.

Năm 1983 cuốn “Việt sử tân biên” được in lại tại Nhật Bản.

1.087 - Phạm Văn Tần
GÀ TRỐNG NUÔI CON CĐDC
Lao động nghèo sinh 1940 tại Hà Tĩnh. Sống ở Hà Tĩnh (2009).

Vào bộ đội chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị và vùng Thượng Lào từ năm 1962.

Năm 1972 bị thương nặng nên được cho xuất ngũ về quê.

Lấy vợ sinh con đầu lòng năm 1974 nhưng được một tuổi thì bệnh mất. Sinh tiếp bé trai thứ hai lớn lên lại mắc chứng tâm thần. Đến đứa con trai thứ ba sinh ra đã bị bại liệt cầm cự sống đến năm sáu tuổi rồi cũng qua đời. Đứa con gái thứ tư sau đó cũng không thoát khỏi hậu quả CĐDC mà người cha lây nhiễm thời chiến tranh nên mắc bệnh chân tay co rút, đầu óc thiểu trí năng.

Cũng may 2 đứa con gái út tương đối lành lặn bình thường. Nhưng đứa em út mới được hai tuổi thì đến lượt người mẹ bị suy tim – hẳn cũng do quá đau buồn thương các con mất sớm - ra đi vĩnh viễn để lại cho chồng gánh nặng nuôi 4 con trong đó 2 đứa – một trai một gái – tâm thần bất ổn cả ngày ở nhà hoặc bỏ đi lang thang không làm được việc gì.

Thế là dù bản thân còn mang vết thương chiến tranh nơi bả vai lẫn trong đầu nhưng vẫn gắng gượng đi làm thuê làm mướn đủ việc nặng nhọc nuôi con được ngày nào hay ngày đó chứ không dám nghĩ đến chuyện lâu dài: “Con mất, vợ mất, những đứa còn sống với mình cũng mắc bệnh không chữa được khiến nhiều lần nghĩ quẩn muốn tìm đến cái chết cho hết chuyện. Nhưng nghĩ lại thương 2 đứa con gái lành lặn đang tuổi học hành mà phải cố sống làm lụng lo cho chúng đến trường…”

Với niềm hy vọng duy nhất là 2 đứa con gái đó học hành khả quan sau này có thể ra đời làm việc để còn thay mình nuôi 2 anh chị bệnh tật.

1.088 - Phạm Văn Thịnh
LIỆT SĨ SỐNG LẠI 34
Thương binh sinh tại Thái Bình. Sống ở Thái Bình (2008).

Sau khi chiến tranh chấm dứt bị báo tin về quê nhà đã hy sinh mất tích nên đương nhiên được phong liệt sĩ cho thân nhân hưởng chế độ.

Thực sự chưa chết mà chỉ bị thương nặng mất liên lạc với đơn vị cũ rồi trải qua nhiều bệnh viện chữa trị từ nơi nơi này qua nơi khác khiến tưởng lầm đã tử trận. Vì thế mãi đến năm 1989 được cho ra viện mới tìm được đường trở về quê nhà.

Trở về với căn bệnh sốt rét kinh niên dai dẳng trong người mà giấy tờ qua bao năm lưu lạc đã mất hết nên không làm được chế độ thương binh trong khi chế độ “liệt sĩ” tất nhiên phải bị cắt! Đành sống nhờ vào vợ làm mảnh ruộng nhỏ nuôi một chồng 2 con.

Nuôi ăn đã cực rồi huống gì nuôi con học hành, chỉ mong làm được chế độ song thủ tục quá phiền hà chỉ còn biết than thở “Số tôi khổ”!

1.089 - Phan Hoàng Oanh
NHỚ LỜI THỀ CÔN ĐẢO
Cán bộ về hưu sinh tại miền Nam. Sống ở Côn Đảo (2010).

Hoạt động cộng sản nên mới cưới vợ được 5 tháng thì bị bắt giam khám Chí Hòa ở Sài Gòn. Năm 1975 chuyển ra nhà tù Côn Đảo, trở thành một trong những người tù “chuồng cọp” thường xuyên.

Sau ngày giải phóng 30.4.75 thay vì như các bạn tù khác nóng lòng trở về đất liền đoàn tụ gia đình thì bản thân chấp nhận tiếp tục ở lại với Côn Đảo dù ở quê nhà còn mẹ già và người vợ trẻ mong ngóng, thay vào đó chỉ nhờ bạn bè đem thư và kỷ vật về.

Tất cả chỉ vì lời hứa với các đồng chí cũ cùng chung cảnh tù đày nơi đây rằng sau này “người còn sống chăm lo cho người đã chết”, vì vậy tình nguyện ở lại lo chăm sóc phần mộ các liệt sĩ đồng đội.

Sau khi cuộc sống và công việc ở Côn Đảo ổn định rồi mới xin phép về thăm nhà và thuyết phục vợ đem con theo mình… ra Côn Đảo ở luôn!

1.090 - Phan Huy Quát
CỰU THỦ TƯỚNG TRỐN KHÔNG THOÁT
Bác sĩ sinh 1908 tại Hà Tĩnh – Mất 1979 ở TPHCM (72 tuổi).

Tham gia Đảng Đại Việt chống Cộng sản từ thời Pháp nên 1954 di cư vào Nam.

Hành nghề bác sĩ tại Sài Gòn song song hoạt động chính trị gây dựng được uy tín là người trí thức “quốc gia”. Từ đó năm 1964 được mời tham chánh lần lượt giữ chức tổng trưởng giáo dục rồi ngoại giao và cuối cùng qua năm 1965 làm thủ tướng chính phủ thời Hậu – Dương Văn Minh đảo chính chế độ Ngô Đình Diệm.

Nhưng chính phủ dân sự cuối cùng này (có tướng Nguyễn Văn Thiệu giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng) chỉ tồn tại được 3 tháng, sau đó phải nhường chỗ cho giới quân sự “tướng trẻ” Nguyễn Văn Thiệu – Nguyễn Cao Kỳ lên nắm quyền theo Mỹ chủ chiến đến tận ngày miền Nam giải phóng 30.4.75.

Đến thời điểm đó bản thân còn làm bác sĩ bị kẹt lại không di tản kịp do gia dình quá đông người. Vì thế sau đó được các con dẫn đi trốn loanh quanh trong thành phố chờ cơ hội tìm đường vượt biên. Không ngờ bị công an chế độ mới “cài” nội gián gài bẫy bắt giữ cùng người con trai út tại Biên Hòa vào tháng 8.1975. Cùng lúc vợ con bị giăng bẫy bắt vượt biên ở Cần Thơ.

Bị đưa về giam tại khám Chí Hòa – TPHCM. Tuổi già sức yếu cộng thêm bệnh gan nên bốn năm sau qua đời trong tù. Nhờ cha chết mà đến cuối năm đó người con trai đi cùng mới được trả tự do.

(Còn tiếp)

Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

BÀN TAY NGUỒN CỘI - NGUYỄN THÁI KHOA

Đôi tay của họ vươn ra để ôm con trai và cháu gái trước khi từ biệt cũng chới với trong không trung khi cả chồng và con tôi đều lách người né tránh. Đôi mắt ngân ngấn nước của họ khi nhìn theo dáng chúng tôi đi xa dần cứ làm tôi trăn trở mãi.
Con gái tôi đi học ở trường quốc tế. Một ngày nọ, nó trở về nhà và than phiền rằng đôi bàn tay của nó quá thô thiển, không có ngón nào búp măng thể hiện sự quý phái như một số bạn của nó cả. Tôi xoa đầu con, dỗ dành nó khi chuẩn bị đi ngủ. Tôi nhắc lại rằng hình dáng bên ngoài mang yếu tố di truyền, bàn tay của con đã rất thon thả và đẹp hơn bàn tay của mẹ rất nhiều rồi đó. Con gái cầm tay của tôi lên nhìn ngắm. Nó nhăn mặt, rồi tặc lưỡi khi nhớ đến bàn tay sần sùi của mẹ tôi. “Mỗi khi bà ngoại vuốt má con là con rùng cả mình. Tay của ngoại nhăn nhúm hết rồi mẹ à…”.

Hình ảnh người mẹ già ở quê, mỗi ngày cầm chổi tre quét khoảnh vườn rộng, giặt đồ bằng tay, chẻ củi và cả gánh nước vì “quen rồi con ạ” làm lòng tôi chùng xuống. Tôi thở dài, nói với con như răn dạy “dù sao thì đó cũng là cội nguồn, để nhắc con nhớ nguồn gốc xuất thân của mình đó”. Không ngờ lời nói này lại là ngọn lửa châm ngòi cho cuộc chiến tư tưởng giữa tôi và chồng ngay sau đó. Anh bảo cái nguồn gốc xuất thân đó có gì đáng để mà tự hào? Cuộc sống bây giờ có được do sự nỗ lực từ hai bàn tay trắng của cả hai vợ chồng mình không đáng để kiêu hãnh với đời sao? Đẳng cấp mà con có như hiện nay cần được khuyến khích để con tự tin hơn nữa chứ đâu cần những gáo nước lạnh về xuất thân của tôi để con của anh trở nên tự ti và nhụt chí?

Người mẹ già của tôi và cả của anh vẫn quẩn quanh ở xóm quê với đôi tay ngày càng gầy guộc, nhăn nheo hơn nữa sau những mùa gió đông thổi. Họ chỉ nở nụ cười méo mó và xoa tay vào nhau sau khi con tôi né tránh cái xoa đầu nựng nịu, đầy yêu thương. Rồi cũng thật khéo léo khi họ chối từ lời mời lấy lệ của vợ chồng tôi về việc mong họ dọn về sống chung nhà với mình.

Đôi tay của họ vươn ra để ôm con trai và cháu gái trước khi từ biệt cũng chới với trong không trung khi cả chồng và con tôi đều lách người né tránh. Đôi mắt ngân ngấn nước của họ khi nhìn theo dáng chúng tôi đi xa dần cứ làm tôi trăn trở mãi. Nhưng ngày qua ngày, những bàn tay êm dịu của các cô massage xinh đẹp, các cô thợ gội đầu biết chiều khách, của các cô chăm sóc móng và cả da tay… đã giúp lấp đầy những trăn trở ám ảnh của cả ba chúng tôi về những bàn tay.

Chúng tôi tự vỗ về lương tâm bằng việc gửi tặng những thứ mỹ phẩm dưỡng da xa xỉ cho hai bà mẹ già vào mỗi dịp giỗ, Tết dù biết rằng các cụ chẳng bao giờ dùng. Thế rồi đùng một cái, kinh tế khủng hoảng, bão giá ập đến kéo chúng tôi về lại đúng cái vị trí trong cuộc đời thật của mình. Chúng tôi phải dọn ra sống trong một khu nhà trung bình, phải bán lỗ cái chung cư cao cấp đang trả góp tiền cho ngân hàng vì lãi suất bỗng tăng đột biến.

Người chồng của tôi phải nằm nhà suốt tháng không vì bất cứ căn bệnh nào nhưng anh không gượng dậy nổi sau cú mất việc và được những chỗ khác đề nghị mức lương “chỉ đủ mua rau muống ăn cơm”. Con tôi đã thôi không bức xúc vì sự thua thiệt bạn bè khi “chúng nó có ô sin và tài xế riêng lái xe hơi đi đón mỗi ngày mẹ à”. Nó đã hòa nhập rất nhanh trong một trường trung học bình thường và tỏ ra rất vui vẻ khi không phải cố gắng chứng minh đẳng cấp. Rồi hai người mẹ già của chúng tôi cũng quày quả đến ở chung để giúp chăm con vài tháng. Căn hộ giờ khá nhỏ nhưng có vẻ rất thích hợp cho mái ấm luôn đầy tiếng cười này.

Con gái nhỏ của tôi đã thôi tìm cách trốn khỏi đôi tay gầy guộc, nhăn nheo của các mẹ. Nó đã biết cách lưu ý “bà nhớ rửa tay sạch sau khi quét nhà nhé” rồi nhoài người đến hôn lên má của hai bà. Tôi đã đứng tần ngần rất lâu bên cửa phòng của chồng khi thấy anh kéo bàn tay của mẹ áp lên má của mình và rươm rướm nước mắt. Mẹ chồng tôi thì dùng bàn tay còn lại vuốt lên mái tóc đã bắt đầu bạc của anh. Cuộc sống của chúng tôi lại bừng lên như được tiếp đầy năng lượng từ những đôi bàn tay của hai người mẹ. Chúng tôi bắt đầu lập kế hoạch để phát triển sự nghiệp trở lại cũng bằng chính đôi bàn tay này và không quên dạy con của mình bài học về sự kỳ diệu của đôi tay.

Nguyễn Thái Khoa ( vnepress.net)

Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

10h32 - TA NHỚ EM - LÊ NGỌC THUẬN



10h32- TA NHỚ EM

Không lên chùa bởi đâu cũng Phật
Không nguyện cầu bởi ta yêu em
Người phụ nữ mà thánh thần lỡ dại
Không để em gặp ta thuở nào

May Chúa còn hai tay đức hạnh
Đã níu em về lại với ta
Ta trân trọng lòng ươm thánh giá
Thời gian dù muộn vẫn thiên thu

Rượu bây giờ ta thích rượu trắng
Uống một mình rượu của riêng ta
Sá chi ngọn gió thời tam quốc
Kiều nhớ Chu Lang, ta nhớ em

Vượt cả người xưa. Ta đợi em
Ta chờ với giấc mộng không tên
Mặc kệ Sở vương cùng Hán đế
Ta yêu em nhất si nhất mê

Trang Tử hóa bướm, người tín cuồng
Lão Tử luyện đan, người đứng tim
Có em ta đã là duy ngã
Môi mắt em hề! Ta độc tôn.

Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

CHẮP TAY DÒNG ĐỜI ( KỲ 10) - VÕ CHÂN CỬU





Những Xứ Đấu Bò

Miền Tây Nam bộ là vùng đất mới đã phổ biến đầu tiên chữ quốc ngữ bằng báo chí, tân văn…Lịch sử luôn kỳ vọng nó sản sinh những nhà sáng tác tầm cỡ…
Diễn tiến lịch sử, các sáng tác từ miền đất mới vẫn khó tạo được dấu ấn để đi sâu vào lòng mọi người như các tác phẩm truyền thống kết tinh từ “ngàn năm văn vật”. Kể từ lúc manh nha (với Tao đàn Chiêu Anh Các ra đời năm 1736, thời Mạc Thiên Tích nối nghiệp cha làm Tổng trấn Hà Tiên), đến những nổ lực của các nhà trí thức cổ vũ sử dụng chữ quốc ngữ như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của…, và các thế hệ nối tiếp, văn chương và thơ ca Nam bộ vẫn bị chê là…nôm na, bình dân. Ở đây chưa có nhiều áng văn đẹp nằm sâu trong lòng người. Nguyễn Đình Chiểu qua truyện thơ Lục Vân Tiên dù có những nổ lực nhằm hài hòa cách hành văn “bác học” với lối nói “bình dân”, thì vẫn có những kết cấu từ ngữ rất thô kệch, què quặt, như câu “Vợ Tiên là Trực chị dâu, Chị dâu em bậu có đâu lỗi nghi(”. Do vậy gần đây, khi có nhà phê bình văn học hải ngoại nổ lực chứng minh rằng bài thơ Nôm “Con cóc trong hang…” là một kiểu thơ “hiện đại”, người ta không khỏi cho rằng đó là sự cố tình giễu cợt. Thời kỳ 1954-1975, nhiều tác giả Nam bộ như Lê Xuyên, Dương Trữ La, Dương Hà…đã chiếm lĩnh trên các tủ sách tiểu thuyết (cho thuê), hoặc truyện dài nhiều kỳ (Feuilleton) trên trang trong các tờ nhật báo. Nhưng người đọc vẫn chưa thể xóa được ấn tượng Văn học Miền Nam thiên về lối “diễn tình”, chỉ phục vụ…giải trí.
Vấn đề này xin để lịch sử tiếp tục soi xét. Riêng trong cõi thơ, thì miền châu thổ giàu phù sa này đã sản sinh ra nhiều tác giả mở đường trong nền Văn Học Miền Nam (VHMN) 1954-1975.
Từ năm 1965, khi những cây bút mới ở Miền Trung như tôi bắt đầu đăng những sáng tác mang tính thơ ngây trên các trang văn nghệ ở các nhật báo Sài Gòn thì ở Miền Tây đã có những Văn Đoàn, Bút Đoàn khá mạnh. Tại Sóc Trăng, bấy giờ là tỉnh Ba Xuyên, từ năm 1962 nhóm học sinh Trung học với những Trần Phù Thế, Mây Viễn Xứ (sau ký Lâm Hảo Dũng), Lưu Vân…đã lập ra nhóm Cung Thương Miền Nam. Họ có tuổi sắp vào đời nên ngôn ngữ ngày càng sát với chiến cuộc xã hội. Sau 1965, khi Tạp chí Văn ra đời, các cây bút Miền Tây này liền có bài đăng. Lúc này, những cây bút nào xuất hiện trên Văn coi như được công nhận là “tác giả” !

Qua sông
Qua sông nước lớn trăm bề
Hồn như trải rộng lối về thênh thang
Nhớ đâu tình đã phai vàng
Cành chiêm bao bỗng treo ngang phận người…
( Về lại đồng bằng)
Những câu lục bát trên đây của Lưu Vân như diễn tả hết đặc điểm của vùng đất. Chàng trai miền châu thổ không xa rời với khí hậu tinh thần chung của cả Miền Nam lúc chiến tranh bùng phát. Đến khi lên sống với Sài Gòn, qua bài thơ làm ngày 1-1-1968, ông đã kịp nhận ra:
khi nào ta đi xa rồi ta sẽ nhớ sàigòn
với đàn bò thành phố với trịnh công sơn
với nhạc du ca hát buồn thế nào,
giữa đám đông ồn ào, đàn bò xa lạ
cái gọi là chúng ta-trong đó-những con bò ngu đần-những con bò bơ vơ
cái gọi là chúng ta-là tập thể - có người già, người trẻ
là cổ thụ, dòng sông, là đồng lúa không người, là núi cao, là chỗ cúi đầu.
như lửa bốc ngầm-một sự cháy âm ỉ.
…….
khi nào ta đi xa rồi, biết còn nhớ sàigòn
với ngày đám đông-đêm giới nghiêm
vì ta là người-thật không phải người
vì ta là bò - là bò hay người
sao tiếng người thảm thương
như sự phản bội
như đàn bò - như sàigòn - như đấu trường.

ta sắp đi xa rồi, một con bò sắp đi xa rồi
sao buồn không muốn bước
sao đường không lối đi
ngày thênh thang
buồn ơi-buồn-buồn ơi
cái khoảng cách nào đã réo gọi hồn người
người đâu cần nghe- bò đâu cần nghe- bò ngu đần
người và b ò- bò và người- đó những điều thương.

Ta sắp đi xa rồi, một con bò sắp đi xa rồi
Sao buồn không muốn bước
Sao đường không lối đi
Ngày thênh thang.
Buồn ơi-buồn-buồn ơi
Cái khoảng cách nào đó réo gọi hồn người
Người đâu cần nghe - bò đâu cần nghe - bò ngu đần

Người và bò - bò và người - đó những điều thương.
(Sàigòn, xứ đấu bò)
Bài thơ in trên Tập san Văn vào thời điểm chiến sự Mậu Thân diễn ra trên các đường phố của Sài Gòn cũng như các thành phố cho thấy tâm trạng chán nghán của tuổi trẻ trước cuộc chiến nồi da xáo thịt. Tác giả cũng như bao lớp người trẻ không hiểu “bởi đâu, những đàn bò không có ý nghĩa cao siêu/ bởi đâu, những đàn bò húc nhau…”. Trước cuộc chiến tranh vô nghĩa, nhiều người cầm bút trẻ các nơi đã lựa chọn sự phản kháng qua trang giấy. Những “văn thơ phản kháng” ngày càng xuất hiện rộng rãi khắp nơi trên các báo chí công khai cũng như bí mật.



Miền “Nhân sinh”
Nha Trang, thành phố tuyệt đẹp bên bờ biển Miền Trung lúc này cũng trở thành một căn cứ quân sự lớn. Cảng Cam Ranh được quân đội Mỹ lập thêm sân bay phản lực. Căn cứ Dục Mỹ thành nơi đào tạo binh chủng biệt kích. Sau 1972, trường hạ sĩ quan Đồng Đế được nâng cấp để có thể mở các khóa đào tạo sĩ quan cấp tấp.
Xóm Chụtt là xứ thong dong
Cởi áo giăng mùng, nằm đợi ghe lên
Xóm chài nhỏ ở phía nam thành phố với câu ca dao diễn tả cảnh thanh bình khi những chuyến ghe bầu cập bến không còn nữa. Nơi đây nằm cạnh sân bay Nha Trang, đã thành trường đào tạo sĩ quan hải quân với vòng kẽm gai bao quanh. Nhà anh Nguyễn Văn Tản, một người yêu văn nghệ ở Chụtt vẫn rộng cửa đón tôi mỗi lần ghé đến Nha Trang. Anh Tản có cha vợ là Viện trưởng Viện Hải Dương học được mọi người nể trọng. Nhóm sáng tác mang tên Nhân Sinh tập hợp các cây bút trẻ như Nguyễn Sa Mạc, Nguyễn Âu Hồng, Trần Vạn Giã, Thế Vũ…biết có tôi về, vẫn thường kéo xuống nhà anh Tản bàn chuyện văn chương, đi ngoạn cảnh mà không sợ bị dòm ngó.
Thành phố Nha Trang có nhà sách Huy Hoàng khá lớn nằm trên đường phố chính Độc Lập (sau 1975, nhà sách này bị quốc hữu hóa, nhiều trí thức vốn là người của “cách mạng” từng được anh cưu mang tại đây có can thiệp nhưng không được). Chủ hiệu sách, ông Nguyễn Huy Hoàng là một Phật tử có lòng bao dung, sẵn sàng dung chứa những người làm văn nghệ đang thất cơ lỡ vận khắp mọi miền về tá túc. Từ năm 1971, ông cất thêm mấy nhà bằng gác gỗ sau lưng nhà sách làm nhà nuôi trẻ bụi đời. Nguyễn Sa Mạc sau khi đào ngũ về trở thành nhân viên nhà sách. Sau đó, Vũ Hữu Định, Nguyễn Miên Thảo, Phạm Tấn Hầu… trên đường xuôi ngược, trốn quân dịch, không tờ giấy lận lưng. Tấp vào đây, ai cũng được anh biến thành nhân viên nhà trẻ bụi đời. Tôi có giấy hoãn dịch, được anh dành cho một ghế xếp tại văn phòng trên gác để ở lại bàn chuyện văn chương. Nhà nuôi dạy trẻ bụi đời của anh Huy Hoàng trở thành nơi phổ biến kinh nghiệm qua mặt các trạm kiểm soát để những “trốn lính mà vẫn đi giang hồ”.Kinh nghiệm của Vũ Hữu Định : tìm hiểu trước tên tuổi người chỉ huy từng trạm. Lính chưa kịp kiểm tra thì Định đã nêu tên người chỉ huy ra, hỏi “ Hôm nay đại úy…có nhà không, nhắn là thi sĩ…gửi lời thăm”. Thế là anh đi trót lọt suốt từ Đà Nẵng tới Sài Gòn !
Làm nhân viên nhà sách, có số tiền dành dụm được từ lương nên cuối năm 1971, Nguyễn Sa Mạc (NSM - nay là Nguyễn Hoàng Thu) đứng ra chủ trương Tạp chí văn nghệ và nhà xuất bản Nhân Sinh. Anh vốn là thông dịch viên, từng theo các đoàn hành quân hỗn hợp tại Gia Nghĩa, Bảo Lộc trốn về. Số ra mắt, bìa Tạp chí được in Typo thẳng thóm, cuối trang ghi rõ chủ đề : “Nam Việt Nam và Mặt trận văn hóa của Thực dân mới” ! Phần ruột gần 100 trang được quay Ronéo theo cách “tự cào”(thủ công).
Văn nghệ Miền Nam lúc này, bên cạnh các tạp chí chính thống như Văn, Bách Khoa, Vấn Đề, Khởi Hành, Thời Tập, đã xuất hiện nhiều ấn phẩm của các “phong trào” đấu tranh thuộc các tổ chức tôn giáo, đảng phái. Nếu hám danh, người viết dễ bị lợi dụng làm bung xung cho phái này, phe nọ. Tất cả đều núp dưới chủ trương chống chiến tranh, chống độc tài. Chỉ qua vài đoạn văn, người đọc có thể nhận ra thâm ý của tác giả và nhóm chủ trương. Nhóm nhân sinh là của những người trẻ thật lòng. Họ miêu tả cảnh khổ của người trốn lính, của lao công đào binh…Cuộc chiến khốc liệt đã biến họ trở thành những “Tên Phiêu Bạt” (NSM), phải mang “Những Vòng Hoa Ngụy Tín” (Thế Vũ)…
“Nhân Sinh” số ra mắt được đăng quảng cáo đàng hoàng trên Tạp chí Bách Khoa. Tuổi trẻ thường háo thắng, nên NSM liều mình đem chưng ra luôn tại các nhà sách. Anh dặn người bán sách : “An ninh có hỏi thì nói của ai đó đem đến gửi bán, nhân viên không rõ”. Nhưng các anh đã quá ngây thơ. Đội kiểm tra đặc biệt đã nhận ra dòng chữ cuối bìa: Nam Việt Nam và Mặt trận văn hóa của Thực dân mới”. Báo bị tịch thu, người chủ trương phải trốn biệt. NSM phiêu bạt ra tận Đà Nẵng rồi vô Sài Gòn làm nghề thầy cò (sửa mo-rát) cho các nhà in để tiếp tục tìm cách in Ronéo các tập thơ, truyện thuộc NXB Nhân Sinh…Cuối cùng, năm 1973 anh cũng bị bắt trở lại vì tội “đào ngũ” !
NSM kể: thời gian ở Sài Gòn anh chơi khá thân với nhiều nhà thơ là sĩ quan quân đội VNCH. Họ có xe Jeep, có thể chở anh đi chơi an toàn, không bị xét giấy tờ. Một bữa, anh cùng Yên Bằng, một nhà thơ thân thiết của các nhóm Cung Thương Miền Nam, Hồn Trẻ Hai Mươi hồi còn ở quê Miền Tây. Có hôm cả hai ngà ngà vào một quán Bar trên đường Tự Do. Một lính Mỹ đen sàm sỡ với các chiêu đãi viên. Yên Bằng trong quân phục lính trận đã nổi máu yên hùng, rút súng bắn thị uy. Cả hai điềm nhiên lái xe đi ! Từ đó anh hiểu thêm cái “chất” của các bạn văn nghệ Miền Tây !
Nha Trang vừa là căn cứ quân sự, vừa là hậu cứ lớn của Vùng II chiến thuật. các sĩ quan, hạ sĩ quan đào ngũ, trí thức trốn lính bị bắt có quê vùng nam Trung bộ đều được đưa về giam tại quân lao Nha Trang trước khi ra Tòa án quân sự. Cả Nguyễn Đức Sơn lẫn Hồ Ngạc Ngữ năm 1973 bị bắt ở Bảo Lộc đưa xuống nhà giam quân lao Nha Trang đều tuyệt vọng vì không có nguồn thăm nuôi. Nhưng cả hai đều lần lượt bất ngờ khi bị một quản giáo kêu lên phòng trình diện. Các anh sau đó được xếp vào một khu riêng, được cho ăn uống đầy đủ, cả ngày chỉ bị sai làm việc vặt…Té ra viên sĩ quan quản giáo bí mật ấy chính là nhà thơ tác giả bài “Sài Gòn-Xứ đấu bò”. Thi sĩ Lưu Vân đã tìm cách “cứu” các bạn văn thi sĩ trong khả năng của mình. Để tất cả không chỉ là những con bò ! Những trường hợp đặc biệt thì cậy nhờ “Đại úy quân pháp”, Luật sư, Kịch tác gia Dương Kiền giúp.
Cuộc chiến tranh phi nghĩa cũng phải đi qua. Mọi người hy vọng “bò sẽ là bò, người sẽ là người”. Các cây bút của nhóm Nhân Sinh chống chủ nghĩa Thực dân mới vì lòng yêu nước bộc phát chứ không để mưu cầu chức tước. Một trong những cây bút chủ biên của nhóm là thi sĩ Trần Vạn Giã ngậm ngùi từ giã thành phố thân yêu để về vùng kinh tế mới Đất Sét :
Nha Trang

Tạm biệt Nha Trang năm ba mươi tuổi
Năm vầng trăng lịm tắt giữa đêm sâu
Ngôi sao lạ mọc trên đời thương nhớ
Và một mình anh ngồi hát Thánh ca

Bài Thánh ca trong mưa, trên lá
Trôi nổi đời người chảy suốt những mùa đông

Anh biết Nha Trang lòng như thuở ấy
Nhưng lỡ rồi không biết tại ai
Nên kỷ niệm gọi đời anh mãi mãi
Tình nhớ này đành đếm những đầy vơi

Đêm Nôen đêm một đời đã đến
Lời thơ ơi có ấm tiếng chuông rơi
Nha Trang - Nha Trang xa dìu vợi
Chắc cát lặng thầm trên biển ngàn khơi

( còn tiếp)

Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

HUẾ GỌI TÔI VỀ ...

Tối 9/4, nhằm hưởng ứng Festival Huế 2012, Hội Nhà văn Thừa Thiên- Huế cùng Nhóm bạn thơ Huế đã tổ chức đêm thơ "Huế gọi tôi về" tại Trung tâm văn hoá Phương Nam, 15 Lê Lợi, TP. Huế.

Đêm thơ "Huế gọi tôi về" là tình cảm của những người Huế xa xứ, những người yêu Huế nhớ Huế, nhớ về quê hương. Nhóm bạn Huế chủ trương công trình 1000 nhà thơ Huế đương thời gồm các nhà thơ Cao Huy Khanh,Viêm Tịnh,Nguyễn Miên Thảo đã tổ chức đêm thơ * HUẾ GỌI TÔI VỀ *gồm 5 nhà thơ: Lyca Dương Quang Đức; Cao Huy Khanh, Lê Ngọc Thuận, Hà Văn Sĩ và Hạ Nhiên Thảo với những tập thơ: Quê hương và Tình yêu,Mùa không, Hương Trà, Mỹ Chánh thơ, Lạc mất mùa xưa.... Tuy mỗi người mỗi công việc, nhưng với họ, thơ chiếm một phần rất quan trọng không thể thiếu trong đời sống tinh thần.


Những vần thơ đằm thắm đong đầy những kỷ niệm, ký ức một thời với miền núi Ngự, sông Hương, là những niềm vui thời học trò, với mối tình ngây thơ trong trắng một thời với xứ Huế mộng mơ....Có những vầng thơ tuy không nói rõ nơi chốn nhưng đâu đó vẫn phảng phất chất Huế trong thơ của họ.

Đêm thơ thu hút đông đảo anh em văn nghệ sỹ Huế và các khán giả yêu thơ đến thưởng thức.

Minh Nga
(NetCodo)

Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2012

CHẮP TAY DÒNG ĐỜI ( KỲ 9 ) - VÕ CHÂN CỬU

Đường Vân Gỗ

Con người có thể làm ra được nhiều thứ, kể cả chuyện “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa” như khẩu hiệu hành xác. Nhưng chuyện tạo nên đường vân gỗ, thì những họa sĩ tài ba nhất, cũng đều phải thua sức các dòng thực vật…
“Cần có thời gian để cho dó hóa trầm, để cho cây hóa gỗ”…Văn học và thơ ca cũng vậy, dòng chảy đến hồi cực thịnh, nó phải tự chuyển mình. “Thơ mới” bạo phát từ 1932, đến khoảng 1939 thì có những tìm tòi mới trong kết cấu vần điệu, câu từ…Năm 1942, nhóm Xuân Thu Nhã Tập với những cây bút nồng cốt là Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Xuân Sanh, Phạm Văn Hạnh ra Tuyên ngôn nghệ thuật với mục đích “mở cánh cửa vào thẩm mỹ hiện đại”. Ngôn ngữ thơ muốn kết hợp thanh điệu của trời tây với âm hưởng của Á Đông trầm lắng. Mặc dù ngay lúc này, nhiều người cho đó là lối thơ “tắc tị”, sự tồn tại của trường thơ này khá ngắn ngủi (đến 1945, do biến cố lịch sử) nhưng hiệu ứng mà nó mang lại là không nhỏ.Xuân Thu Nhã Tập theo điển tích ngôn ngữ ca ngợi quy luật vận hành một năm cây cỏ hai mùa ra hoa kết trái; thơ ca như bước chân hòa điệu cho cõi “đạo” và đời biểu hiện trong sự mầu nhiệm của thanh âm, ngôn ngữ.
Đi tìm
Văn học Miền Nam sau 1954 sau bùng phát của trường thơ “tự do”, lớp cầm bút trẻ như lung túng giữa các kiểu “tượng trưng” và “siêu thực”. Chiến tranh ngày càng gây nên bao cảnh điêu tàn nên họ “tuyên ngôn” chối từ các tiện nghi văn minh, tìm đến thiên nhiên đích thực. Những câu thơ “Từ núi rừng Lục Tuyết” của Nguyễn Miên Thảo (NMT) xuất hiện trên Tuần báo Khởi Hành 1969 chính là một trong những đỉnh cao trong các sáng tác của anh và bạn hữu lúc này:
… Đây căn nhà gỗ quý
Lá mây che mưa nguồn
Một đời ta khốn khó
Về đây làm trích tiên
Đời một vạn gian nan
Biết làm gì thêm mệt
Ta trốn vào rừng thẳm
Dạy các em làm người
Một điều ta nhắc nhở
Đừng tin gì hôm nay…
Và anh hùng hồn tuyên bố:
…Ở đây rất bình yên
Bom đạn không thể tới
Ta ăn toàn thú rừng
Gạo đổi từ miệt dưới
Có rất nhiều mật ong
Thứ mật ong nguyên chất
Ta có cái ống điếu
Đẹp hơn đồ văn minh…
NMT thuộc nhóm các cây bút mới xuất hiện ở Huế, gồm “San, Tụng, Thuyên, Quảng, Ngữ” (Tụng là tên thật của NMT). Nhưng sau lời dặn dò “Đừng tin gì hôm nay”, dòng đời đã cuốn số phận mỗi người mỗi khác…San và Tụng ngấm ngầm “thiên tả”, và kết cục dòng đời cũng khác nhau…
“Căn gác nhỏ dưới tàn cây vú sữa” của chúng tôi (có NMT ở nhờ) khoảng năm 1972-1973 liên thông những đường hẻm ngoằn ngèo của vùng giáp ranh giữa Quận 3 và xã Phú Nhuận. Khu xóm nhỏ này vô tình tụ hội nhiều thế hệ làm văn nghệ. Bên trái là gia đình bên vợ họa sĩ Ngọc Dũng; gác trước có Phạm Chu Sa mới bước chân vào tòa soạn Tuổi Ngọc; phòng có tôi thường xuyên có mặt bạn văn đủ mọi khuynh hướng. Nhà Joseph Huỳnh Văn phía sau lưng không xa. Dưới đường hẻm, đêm đêm một nhóm bạn 2-3 người này vẫn rầm rì chuyện văn chương, tạp chí khi tản bộ qua. Joseph Huỳnh Văn là “linh hồn” của tờ Tập san Văn Chương muốn đem tới một thẩm mỹ khác lạ giữa thời buổi bế tắc. Từ căn gác của chúng tôi, có Nguyễn Lương Vỵ sau đó rất gắn kết, in thơ trên tạp chí này.




Từ chối
…”Trong một vài giòng mở đầu gửi người đọc, chúng tôi chọn lực nói sự thực đó để nói rằng viết nghĩa là tin tưởng vào những chữ, rằng chúng tôi còn viết bởi vì chúng tôi còn tin tưởng, một cách nào đó, vào những chữ.
Chúng tôi từ chối một tuyên ngôn về văn chương, vì bất cứ một người nào cầm bút để làm văn chương đều phải biết tự xét, một cách thẳng thắn, để nhận ra rằng hắn không iết gì nhiều về những chữ hắn sẽ viết ra…
Chúng tôi từ chối một tuyên ngôn còn vì chúng tôi nghĩ rằng, một cách triệt để, thì không một chữ nào được phép nói thay thế cho một chữ nào khách. Để nói đầy đủ, trung thực và triệt để cho những chữ nào(chẳng hạn những chữ của một “trường phái”, những chữ làm nên một “trường phái” văn chương nào) không có gì đầy đủ, trung thực và triệt để cho bằng chính những chữ đó. Những chữ không thể nói về những chữ. Mỗi tác của mỗi người viết là một tuyên ngôn xứng hợp với chính nó hơn bất cứ những chữ nào khác, những lời lẽ nào khác.Chính những chữ sẽ được viết ra (của một người nào) sẽ trả lời (một cách riêng tư)cùng một lúc tất cả những câu hỏi này : Tại sao anh viết, anh viết cái gì, như thế nào, anh viết để làm gì, điều anh viết đáng giá bao nhiêu…đồng thời trả lời câu hỏi: văn chương, với anh, là gì, anh làm một thứ văn chương như thế nào, một thứ văn chương nào vậy ?
Nghĩa là, cùng một lúc, nói tất cả những điều người ta chờ đợi ở một bản “tuyên ngôn”.
Theo chú thích của NXB Giấy Vụn (trong phần phụ lục tập Thơ Joseph Huỳnh Văn xuất bản 3-2011) thì đây là bài viết của những người chủ trương Tập san Văn Chương tại bản in số thượng tuần tháng 5-1973, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của Joseph Huỳnh Văn. “Không phải là Tuyên ngôn”, nhưng những dòng trên đã chính là một tuyên ngôn nghệ thuật. Có lẽ không cần giải thích gì thêm vì những vấn đề được nêu ra đã được đặt ra từ ngàn đời nay, có trả lời them cũng chỉ rơi vào vòng xà quầng. Điều có thể nhận ra là nhóm này này đề cao vai trò của “chữ”, nói dễ hiểu hơn là xu hướng “nghệ thuật vị nghệ thuật” đã có từ ngàn đời nay. Nhưng nhữ “chữ” và “âm” của nó đã diễn tả được những điều cần diễn tả: cái đẹp. Điều này rất rõ trong bài thơ Mùa Cầm Xanh của Joseph Huỳnh Văn.
Hồng tuôn, em trắng nuốt dương tay
Thôi đã nghìn xưa hương khói bay
Đàn im, tôi biết làm sao thấy
Reo rắt, em tinh khiết buông tay
Réo rắt, em trong suốt như mây

Ôi khúc cầm dương sầu quý phái
Đàn ai ngăn ngắt trời tây phương
Xanh đóa hồn tôi xanh lá lê
Trong vườn tôi xanh đẫm tinh sương

Ôi khúc cầm xanh
sầu quý phái
Mưa trầm xanh cầm mộ ngát xanh
Tập thơ do Giấy Vụn xuất bản lấy bản do chính tác giả sửa chữa , vài câu không như bản được trích dẫn trên đây trong Tập san Văn Chương ngày xưa, nhưng tinh thần nghệ thuật không có gì khác với “tuyên ngôn” đã nêu. Hướng duy mỹ này, cách nay 70 năm (1942), Nguyễn Xuân Sanh đã từng thể hiện trong bài Buồn Xưa:
…Quỳnh hoa chiều đọng nhạc trầm mi
Hồn xanh ngát chở dấu xiêm y
Rượu hắt bầu vàng cung vấn vương
Ngón hương say tóc nhạc trầm mi
Lẵng xuân
Bờ giữ trái xuân sa
Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà
Nhài đàn rót nguyệt vú đôi thơm
Tỳ bà sương cũ đựng rừng xa…
Nghệ thuật là một đường vòng quanh co. Những gì anh cho là mới mẻ thì trăm năm xưa, ngàn năm xưa có thể đã có người khai phá ? Nhưng Tập san Văn Chương đến nay vẫn để lại dấu ấn khá đẹp trong lòng những người làm văn nghệ trước 1975. Điều này, trước tiên có lẽ nhờ ở…tư cách của người sáng tạo. Joseph Huỳnh Văn sinh năm 1942 trên vùng đất Quảng Đà. Ông nguyên được đào tạo trong một trường dòng, lớn lên lại ra đời nhập thế, đi dạy học. Người làm thơ muốn tìm cái đẹp trong từng chữ này có những câu thơ có thể gây thắc mắc:
Em đẹp như cách mạng
Vành khăn tang thấm đỏ giữa chiều vàng
Em đẹp như nát tan
Thuở bình minh
rạng rỡ xa nhau
Ôi vừng dương
vừng sầu
Em đẹp như hoàng hôn đổ máu
thầm giấu tên chúng ta
….
Ôi ! những người kiêu hãnh chẳng ngày mai
đẹp tàn phai
….
vì lòng hoài cách mạng
(MĨ TỪ điệu)
Những năm tháng này, hai chữ “cách mạng” như một biểu tượng trong 2 thế lực xung đột. Người nghệ sĩ, có thể biện hộ đây là “cách mạng” trong vẻ đẹp ngôn ngữ. Người khảo luận lại thích nhìn vào nhân than và những nguồn gốc sâu xa tạo nên cảm xúc.
Thi sĩ Joseph Huỳnh Văn tên thật là Huỳnh Văn Hiến. Ông có người anh ruột tên Huỳnh Văn Trọng, một trong những nhà tình báo của phe “cách mạng”, từng leo lên tới chức cố vấn đặc biệt (cùng với tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ) của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Năm 1969, vụ án gián điệp đổ bể, Huỳnh Văn Trọng bị bắt, đến 1973 được trao trả về phe “Chính phủ Cách Mạng lâm thời Miền Nam VN” tại Lộc Ninh. Nhà văn Cao Huy Khanh trong tập Chân dung “Những số phận đặc biệt” đang biên soạn truyền mạng, phần viết về Joseph Huỳnh Văn cũng xác nhận rõ mối quan hệ đặc biệt này.
Nhưng cần nói rõ, Joseph Huỳnh Văn là một nghệ sĩ thứ thiệt ! “Cách mạng” của đời thực và trong thơ ca có thể là biểu tượng của cái đẹp. Không như Nguyễn Miên Thảo sau 30-4 từ rừng về, xuất hiện tại nhà tôi trong bộ bà ba đen, lập tức bị Nguyễn Đức Sơn tới mò quanh bụng xem thử có dắt cây súng lục không ! Ngay sau 30-4, Joseph Huỳnh Văn đi làm thợ mộc. Nhưng trong nghề mộc, anh lại chỉ chọn chuyên phần đánh vẹt-ni trên gỗ. Những đường vân từ cây có khi lại đẹp hơn chữ nghĩa, mỗi loại gỗ phải đánh theo một cách để vân lộ ra hơn hay ẩn giấu. Anh mất tháng 2-1995. Khi đó chiếc đi-văng có hộc làm chỗ đựng đồ mà năm 1981 anh chở tới tận nhà cho tôi khi tôi tay trắng về lại Sài Gòn kiếm sống vẫn chưa phai lớp vẹc-ni ban đầu.

(còn tiếp)
* VIẾT THÊM CHO RÕ:

Bạn Võ Chân Cửu thiếu tên của tôi rồi. Chính ra là " San, Tụng, Hiền, Thuyên, Quảng, Ngữ" sau này có thêm Hầu là 7 người. Đây là nhóm văn nghệ lấy tên là " NỘI DUNG" vào khoảng những năm 60 ở Huế. Đã từng xuât bản tập thơ đầu tay của Nguyễn Miên Thảo : Hãy thức dậy cùng ta thầm lặng đêm nay. Đã từng đọc thơ ở Trường Đại học Sư Phạm Huế vào khoảng mùa đông 1967 trước Tết Mậu Thân. Và đã từng dự định ra 1 tập san văn học, có quảng cáo trên báo Bán nguyệt san VĂN hồi ấy. Bút danh của 7 người nói trên là: Thái Ngọc San (đã mất năm 2005), Nguyễn Miên Thảo, Từ Hoài Tấn, Hồ Trọng Thuyên (anh này chỉ có làm mấy bản nhạc, chơi đàn ghi-ta và hát rất hay, hiện định cư ở Mỹ), Mường Mán, Ngụy Ngữ, Phạm Tấn Hầu. Sau này dĩ nhiên mỗi người có một cuộc sống và một con đường khác, không cần phải bàn luận thêm.

Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2012

CAO HUY KHANH - CVN HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975-2012 (KỲ 107)



NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

1071 - Bùi Đình Thi
“TÙ GIAN”
Công nhân Việt kiều Mỹ sinh 1943 tại VN – Mất 2011 ở đảo Marshall (69 tuổi).

Nguyên đại úy VNCH theo đạo Công giáo.

Sau 1975 đi cải tạo ở miền Bắc. Đến 1982 được trả tự do.

Năm 1994 cùng vợ và 5 con qua Mỹ theo diện H.O, để lại 2 con gái có chồng sinh sống tại Biên Hòa (Đồng Nai). Làm công nhân sống qua ngày, đã 2 lần trở về VN thăm con năm 1998, 2002.

Bất ngờ năm 1997 có mục linh mục Công giáo cùng ở chung trại cải tạo Thanh Cẩm trên miền Bắc với đương sự in sách tố cáo nhân vật này trong thời gian ở tù trên đã ngầm làm “nội gián” cho trại giam (trong trại thường gọi là “ăng ten”) báo cáo về sinh hoạt, hoạt động của tù nhân với cán bộ quản giáo trong khoảng thời gian 1978-1981. Thậm chí năm 1979 còn tham gia tra tấn, giết chết bạn tù cải tạo!

Từ đó nổi lên làn sóng dân Việt tị nạn Mỹ đòi xử tội đương sự bị gọi là “tù gian” tức đội lốt tù cải tạo để phản bội đồng đội. Kết quả Mỹ phải đưa đương sự ra tòa năm 2004.

Kết quả trong phiên tòa kéo dài 9 tiếng đồng hồ, tòa ra phán quyết bị cáo vi phạm Luật Di trú Mỹ vì không khai báo thành thật toàn bộ lý lịch quá khứ của mình khi làm đơn xin định cư Mỹ. Do đó ra lệnh trục xuất về lại VN.

Nhưng phía VN… không tiếp nhận đơn giản vì thời đó 2 nước chưa ký kết hiệp định về trường hợp “di lý hải ngoại” như vậy nên cuối cùng chính quyền Mỹ đành chọn biện pháp… trục xuất tạm bị cáo ra khỏi lãnh thổ Mỹ đến đảo Marshall một quần đảo nằm phía Tây Thái Bình Dương nhưng thuộc quyền bảo hộ của Mỹ!

Tuy đương sự không được đem theo vợ con ra đảo song trên đảo không bị giam giữ mà vẫn được cho đi làm việc và thỉnh thoảng được về Mỹ thăm gia đình.

Đến năm 2011 thì qua đời trong lặng lẽ.

1072 - Lê Xuân Khoa
VIẾT LỊCH SỬ VN HIỆN ĐẠI
Giáo sư đại học Việt kiều Mỹ sinh tại Hà Nội. Sống ở Mỹ (2012).

Di cư vào Nam đi học Pháp tốt nghiệp tiến sĩ rồi qua học tiếp An Độ. Về miền Nam dạy đại học về triết học An Độ, làm Phó Viện trưởng Viện ĐH Sài Gòn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Giáo dục.

Sau 1975 qua Mỹ làm Giám đốc Trung tâm Cứu trợ người vượt biên Đông Nam Á, làm công tác hỗ trợ giúp người tỵ nạn Đông Dương định cư ở Mỹ trong 17 năm.

Năm 1997 về hưu được mời giảng dạy ĐH John Hopkins danh tiếng. Cùng thời gian này tham gia vào việc hình thành chương trình H.O của Mỹ tiếp nhận quan chức và sĩ quan VNCH đi cải tạo về qua Mỹ đồng thời giúp họ hòa nhập với cuộc sống mới ở Mỹ.

Ngoài ra còn bỏ công biên soạn công trình lịch sử VN hiện đại từ 1945-1995 đề cập đến những bài học lịch sử, những vấn đề thời sự gần đây như 4 cuộc chiến tranh đã qua trong 50 năm kể cả cuộc chiến tranh chống Mỹ, phong trào tị nạn chính trị đưa đến thành lập cộng đồng VN hải ngoại rộng lớn… Tập 1 ra mắt năm 2004.

Tuy vậy vẫn bị giới Việt kiều cực đoan bài bác do có quan điểm cổ vũ hòa giải dân tộc cũng như nhiều lần về VN làm việc…

1073 - Nguyễn Văn Trấn
ĐỔI MỚI CUỐI ĐỜI
Cán bộ về hưu sinh 1914 tại Long An –Mất 1998 ở TPHCM (85 tuổi).

Là cán bộ Tiền - Khởi nghĩa (bí danh Bảy Trấn) từ thời chống Pháp ở quê nhà Chợ Đệm. Được xem là người khai sinh ra đơn vị An ninh T4 tức tiền thân của Công an Nam bộ sau này.

Năm 1954 tập kết ra Bắc viết báo, dạy Trường Đảng Nguyễn Ai Quốc rồi làm Phó ban Tuyên huấn T.Ư, đại biểu Quốc hội 1964.

Sau 1975 về hưu vào ở TPHCM, bắt đầu viết sách nghiên cứu về Trương Vĩnh Ký, về sự nghiệp làm báo… Đồng thời viết báo, khai sinh ra bút danh Hai Cù Nèo trên báo Tuổi Trẻ Cười chuyên viết chuyện biếm đả kích thói hư tật xấu người đời (sau khi mất, bút danh vẫn được duy trì trở thành như một bút danh chung cho một số cấy bút châm biếm trên báo này).

Đến thời bắt đầu manh nha Đổi mới cuối thập niên 1980, đã có bước ngoặt chuyển biến tư tưởng đấu tranh đổi mới quyết liệt khi tham gia CLB Những người kháng chiến cũ ở TPHCM cổ vũ quan điểm đòi quyền dân chủ, tự do ngôn luận, tự do bầu cử thoát ly chủ trương của Đảng CSVN.

Sau khi CLB trên bị chính quyền giải tán, năm 1995 tự in và phát hành cuốn “Viết cho Mẹ và Quốc hội” nêu rõ những đòi hỏi đó. Lập tức bị chính quyền thu hồi cấm lưu hành!

Năm 1997 một năm trước khi mất cuốn này được in lại ở Mỹ. Từ đó được tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế tặng giải Hallman/Hammett dành cho các chiến sĩ đấu tranh cho nhân quyền.

1074 - Phạm Quốc Trai
“TRAI GÀN”
Nông dân sinh 1955 tại Thừa Thiên – Huế. Sống ở Thừa Thiên – Huế (2008).

Tham gia hoạt động chống Mỹ nên sau 1975 được đề bạt làm Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện.

Năm 1986 bỗng nhiên xin nghỉ việc đem vợ con ra ngoài một đảo hoang khai khẩn lập nghiệp! Vì thế mới có biệt danh là “Trai gàn”.

Đó là bán đảo Mũi Né nằm giữa đầm Cầu Hai trong vùng phá Tam Giang, vùng đất chịu nhiều đạn bom trong chiến tranh lẫn chất độc khai quang nên đất đai nơi đây khô cằn toàn sỏi đá. Thế nên 2 vợ chồng bắt đầu cuộc chiến chống sỏi đá kéo dài cả 10 năm, dọn sạch sỏi đá lấy đất trồng trọt canh tác được 7 hécta đất rừng thành đất màu mỡ.

Ban đầu trồng khoa sắn bán lấy tiền nuôi sống cả nhà, từ đó bỏ thêm 10 năm nữa để làm đất, bón phân xây dựng cơ đồ làm kinh tế bằng cách trồng hơn 10.000 cây dó trầm từ đầu năm 2000.

Lợi nhuận thu được đổ vào công trình xây dựng một vườn cây cảnh rộng hơn 2 hécta, có lẽ là vườn cây cảnh tư nhân lớn nhất tỉnh mới lập sau chiến tranh. Với toàn cây cảnh quý chịu khó đi sưu tầm khắp các tỉnh thành từ Bắc vào Nam từ cây lộc vừng, mai, sung, trúc đến các loài hoa và lan rừng muôn hồng nghìn tía

Có người trả giá vườn cây cảnh 5 tỉ đồng không bán vì có tham vọng biến nó trở thành một khu “vườn cây cảnh 3 miền” kèm theo một “vườn cổ tích” dành cho thiếu nhi, tất cả nằm trong khu du lịch sinh thái tương lai.

1075 - Phạm Sự Thật
NGƯỜI CANH GÁC TAI NẠN GIAO THÔNG
Bộ đội về hưu sinh 1950 tại Hải Phòng. Sống ở Đà Nẵng (2007).

Năm 1968 đi bộ đội vào chiến trường Đà Nẵng, Quảng Nam. Có mặt trong chiến dịch giải phóng miền Nam, tham gia trận đánh khốc liệt cuối cùng của cuộc chiến ở Xuân Lộc. Năm 1980 tiếp tục hành quân lên Tây Nguyên truy kích tàn quân Fulro.

Năm 1981 gặp một cô gái Thanh Hóa lên làm việc ở Buôn Ma Thuột lấy làm vợ.

Sau đó ra quân đưa vợ về Đà Nẵng chiến trường xưa nhận làm quê hương thứ hai, chọn mảnh đất nhỏ dưới chân đèo Hải Vân làm nơi sinh sống.

Do sống ngay dưới chân đèo trên Quốc lộ 1A nên hàng ngày thường xuyên nhìn thấy nhiều tai nạn thương tâm xảy ra. Nhiệt huyết người lính ngày xưa nổi dậy khiến phải suy nghĩ tìm phương cách nào giúp hạn chế tai nạn giao thông cứu sống bao sinh mạng.

Thế là từ năm 1998 vận động đồng đội cựu chiến binh lập Tổ Giám sát an toàn giao thông khu vực này thay phiên nhau ra đứng đường cầm gậy tham gia cảnh báo tai nạn cho xe khách qua đường. Khi xảy ra tai nạn thì tham gia cứu giúp người bị nạn, thậm chí có khi còn tự tay tẩm liệm nạn nhân: “Tôi không muốn thấy lập lại cảnh làm mình đau buồn nhất trong chiến tranh là chứng kiến cảnh đồng đội ngã xuống…”

1076 - Phạm Thị Dùi
MỘ CHỒNG NƠI ĐÂU XIN NHẬN NƠI ĐÓ LÀM QUÊ HƯƠNG THỨ HAI
Nông dân sinh tại Hưng Yên. Sống ở TPHCM (2008).

Lấy chồng sinh 3 con thì chồng đi bộ đội vào chiến trường miền Nam rồi bặt tin luôn.

Năm 1975 kết thúc chiến tranh mới nhận được tin chồng đã hy sinh từ năm 1968 nhưng không biết mộ phần, hài cốt nơi đâu. Vì thế lòng vẫn không tin là sự thật mới một mình ôm 3 con vào miền Nam quyết tâm đi tìm chồng phải “sống thấy người, chết thấy mộ” mới được.

Nhưng bơ vơ nơi vùng đất xa lạ làm sao tìm được song vẫn không về mà tìm việc làm bươn chải sống qua ngày để tiếp tục tìm kiếm, dò la tin tức mà phải lo nuôi con nữa với lời thề nếu quả thật chồng đã nằm xuống trên mảnh đất này thì mình tự nguyện ở lại để được gần chồng.

Mãi đến năm 2008 nhờ một đồng đội cũn giúp đỡ mới tìm được mộ chồng được cải táng về nghĩa trang An Nhơn Tây thuộc quận Gò Vấp – TPHCM. Từ đó xin nhận nơi đây đúng là quê hương thứ hai của mình.

1077 - Phạm Thị Hai
TÌM LẠI MẸ SAU 34 NĂM
Thường dân tên thật Võ Thị Gái sinh 1968 tại miền Trung. Sống ở Phú Yên (2009).

Mới lên 7 tuổi đã thất lạc cha mẹ trong cuộc chạy loạn “di tản chiến thuật” của chế độ cũ tháng 3.75 ở Quảng Nam trên tỉnh lộ 7 nối Phú Bổn – Tuy Hòa.

Rồi được một gia đình nhận làm con nuôi đổi tên họ sinh sống ở Phú Yên.

Mãi đến 34 năm sau, năm 2009 khi đã quá tứ tuần mới đoàn tụ với gia đình nhờ chương trình tìm người thân thất lạc của Đài VTV3. Bà mẹ già gặp lại con vừa khóc vừa mừng: “Tôi chỉ chờ được một lần gặp lại con thì chết mới yên lòng”.

1078 - Phạm Thi Lạc
NGƯỜI PHỤ NỮ “TIÊN PHONG”
Lao động nghèo sinh 1945 tại Thái Bình. Sống ở Thái Bình (2007).

Năm 1968 lấy chồng được 3 ngày thì chồng người cùng quê là bộ đội pháo cao xạ từ giã lên đường vào chiến trường miền Nam, từ đó bặt tin.

Chỉ thời gian ngắn sau ngày giải phóng miền Nam 1975 đang làm nhân viên Ty Nông nghiệp Thái Bình mới nhận được tin… báo tử chồng đã hy sinh.

Năm 1977 nhân cùng cơ quan đi thăm trại thương binh tỉnh mới gặp một thương binh nặng mù cả 2 mắt và cụt một chân. Có lẽ do ấn tượng liên hệ cảm thông người thương binh cùng quê cùng hoàn cảnh với chồng quá cố nên sinh lòng yêu thương.

Cuộc tình không đơn giản vì thành kiến cổ hủ thời này với những lời ra tiếng vào gièm pha nào là bà góa lớn tuổi (mình lớn hơn 6 tuổi) lại lấy thương binh nặng rước khổ vào thân v.v… Nhưng đôi lứa vẫn giữ vững lòng tin vào nhau để đám cưới được tổ chức đàng hoàng, cảm động.

Từ đó noi theo gương chị, trong trại thương binh mới có thêm nhiều mối tình thương binh tương tư nẩy nở, xóa tan bao mặc cảm từ cả 2 phía để đi đến hôn nhân trọn vẹn.

Về phần gia đình người phụ nữ đi bước đầu này dù rất vất vả gánh vác phần lớn trách nhiệm trong gia đình, phải xin nghỉ làm công chức để đi bán xôi song vẫn xây dựng được hạnh phúc đầm ấm. Sinh cho chồng 4 con “nếp tẻ đủ cả” và còn kiếm việc cho chồng tránh để ngồi không nghĩ quẫn bằng cách mở điểm rửa xe cho chồng trông coi.

Đây là dịch vụ lâu nay chưa ai làm nên nhanh chóng thu hút khách hàng . Từ đó cùng chồng mở rộng cơ sở tạo thêm công ăn việc làm cho đồng đội thương binh, bộ đội phục viên cùng quê.

1079 - Phạm Thị Lan
LẤY CHỒNG “TRỜI ĐÀY”
Lao động nghèo sinh 1957 tại Quảng Nam. Sống ở Quảng Nam (2012).

Hòa bình trở lại, ngồi bán hàng nươc trước cổng doanh trại một đơn vị pháo binh mới gặp một thương binh ở đây mắc bệnh tâm thần di chứng chiến tranh để lại. Vậy mà không hiểu sao lại đem lòng yêu thương anh lính pháo binh “Hải khùng” này!

Yêu và quyết định lấy làm chồng bất chấp gia đình, người thân can ngăn. Tới mức khoảng năm 1982 trốn cha mẹ tự mình dẫn người thương binh về quê anh ở Hà Nam. Xin được cưới anh, làm lễ cưới đàng hoàng với chỉ có nhà trai vì nhà gái bị mình giấu biệt tin tức không cho biết gì hết sợ sẽ tìm cách ngăn cản!

Cả 2 sống một thời gian khá yên ổn với người chồng thương binh tâm thần chỉ nghe lời vợ bớt phá phách la hét. Có lúc bệnh thuyên giảm có thể cùng vợ đi làm ruộng với mọi người.

Sinh được 2 con nhưng đến đứa thứ ba thì gặp một sự cố gì đó bỗng nhiên chồng tái phát bệnh điên cũ với mức độ nặng hơn trước nữa. Có lần nổi khùng đánh vợ đến gãy chân. Năm 1989 còn ra tay… đốt cháy cả căn nhà ọp ẹp mà gia đình nheo nhóc nương náu!

Năm 1989 mẹ ruột bấy giờ liên lạc được mới ra tận Hà Nam xin đưa 2 vợ chồng và 3 cháu vào quê Quảng Nam để tiện việc giúp đỡ đồng thời hy vọng trong Nam thời tiết ấm áp hơn cho con rể đỡ bệnh.

Tuy nhiên bệnh của chồng vẫn không thuyên giảm được bao nhiêu, mấy lần phải nhờ người trói lại để đưa vào bệnh viện Đà Nẵng chữa trị.

Vậy nhưng vẫn sinh thêm 2 con nữa, con út còn nhỏ phải cõng trên lưng theo mẹ đi hái chè đem bán kiếm miếng cơm cho cả nhà. Có khi kiệt sức xỉu giữa đường, con khóc ré lên mới làm mình tỉnh dậy tự dặn mình “vì năm con và một chồng, không được phép gục ngã”!

1080 - Phạm Thị Lời
MUÔN DẶM TÌM EM
Công nhân sinh 1967 tại Long An. Sống ở Đắc Nông (2008).

Cha đi kháng chiến chống Mỹ, mẹ ở nhà nuôi mình và em gái.

Hòa bình lập lại cha trở về nhưng lại đem theo… 3 người con riêng nữa (có thêm trong chiến khu) khiến mẹ ghen tương sinh chuyện nhà lục đục cơm không lành canh không ngọt. Đỉnh điểm xung đột vào năm 1978 mẹ tức giận dắt 2 con gái ruột bỏ nhà lên Tây Ninh sống cùng bà con.

Đến cuối năm do sinh bệnh nên mẹ mới dẫn 2 con định trở về quê, không ngờ trên đường đi bệnh (lao) phát nặng phải vào Bệnh viện Thủ Đức (TPHCM) cứu chữa. Nhưng không qua khỏi, qua đời vào ngày Tết năm 1979 để lại 2 con nhỏ dại khờ khạo ngơ ngác trên đường đời.

Hai chị em còn quá nhỏ không nhớ được quê nhà, cha mình ở đâu nên người ta phải đưa cả 2 vào Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi ở Thủ Đức. Tại đây 2 chị em bị cách ly ít có dịp gặp nhau, từ đó mới đưa đến sự cố năm 1981 em gái mình được đem cho một bà mẹ người dân tộc K’ Ho đưa lên Bảo Lộc (Lâm Đồng) nuôi mà mình không hay biết!

Thế là từ đó đau đáu trong lòng nỗi thương nhớ em khôn nguôi, bất cứ lúc nào bất cứ ở đâu cũng tìm cách dò hỏi, truy tìm tông tích em nhưng đều vô vọng.

Năm 1984 rời khỏi trung tâm tình nguyện đi thanh niên xung phong lên Đắc Nông khai hoang làm kinh tế. Rồi ở lại đây lập nghiệp.

Mãi đến năm 2006 qua chương trình tìm người thân của Đài Truyền hình VTV may mắn được em gái mình (đã đổi tên thành người dân tộc, lấy chồng người dân tộc làm nông) xem mới nhận ra chị em.

Cũng nhờ chương trình này mới tìm được địa chỉ nhà cũ, quê cũ Long An để tìm về thăm cha. Nhưng muộn rồi, ông đã mất hơn một năm cũng trong nỗi đau lạc mất 2 đứa con thân yêu!

(Còn tiếp)

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

NGỒI THIỀN - LÊ NGỌC THUẬN



NGỒI THIỀN

Tiếng cười ẩn dấu cô đơn
Trong ta tàng trử tửng cơn sóng thần
Ngồi thiền mộng tréo hai chân
Phật đâu không thấy – bâng khuâng nhớ người
LNT

Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

SỰ TÍCH HOA ĐỖ QUYÊN - NGUYỄN MIÊN THẢO

SỰ TÍCH HOA ĐỖ QUYÊN
gửi Thái Nguyên Hạnh

Có một loài hoa tên thảo anh
sinh ra quê quán tự cung hằng
một hôm chú Cuội buồn tay hái
rơi xuống trần gian hóa đỗ quyên

Từ đó ẩn mình tận núi cao
ăn toàn trăng gió uống sương sao
ngày xuân nở rộ hoa tình ái
những đóa chung tình vạn kiếp sau

Có kẻ vô tình mang xuống phố
hoa chợt buồn thiu muốn úa tàn
ngày xuân tình cờ anh gặp lại
hoa cười rạng rỡ giữa đêm trăng...

Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

THÌ THẦM VỚI GÃ ĐA ĐOAN - LÊ NGỌC THUẬN

THÌ THẦM VỚI GÃ ĐA ĐOAN

Thiền thơ không bằng ông
Bởi ta yêu người khác
Nâu sồng ta trả lại
Bốn mùa vẫn ta không

Ta nơi nầy nhớ ông
Gió Trường An di động
Mả số vùng thần thông
Đôi má ông lại hồng

Nam mô người ta yêu
Đã lẳng lơ xuống tóc
A di – người yêu ông
Một mình căn nhà trống

Ông không và ta không
Nắng Sài Gòn chết tiệt