Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

NHỚ CHAY - LÊ NGỌC THUẬN

Sáng nhấp ly rượu rắn
Chiều cạn chén tửu mèo
Ta như một tỳ kheo
Miệng chay mà lòng đắng

Em nhe răng dọa ta
Suốt nửa đời còn lại
Đôi tay ta vô ngại
Đâu níu được tình ai

Đành bước theo ảo ảnh
Ngồi tụng với chiêm bao
Họa may mây trên cao
Có một ngày sa xuống

Tháng bảy mưa Sài Gòn
Vọng tiếng buồn bát nhã
Ta vẫn sau thiên hạ
Tình hóa là bóng ma.

Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

TÌNH THIÊN THU - HOÀNG THỊ THIỀU ANH

Giấu giọt buồn vào mắt.
Giấu sợi nhớ vào tim.
Nỗi khao khát vội tìm.
Dưới miền trời xa lắc.

Giấu cô đơn đi lạc.
Hoang phế cả buổi chiều.
Giấu mảnh tình cô liêu.
Trong ngăn sâu kí ức.

Giấu thu xưa trong vắt.
Đáy chiếc lá vô tình.
Giấu mùa hạ lặng thinh.
Đáy màu hoa u uất.

Giấu mùa đông ngàn ngạt.
Giữa mưa bão chập chùng.
Giấu xuân giữa mông lung.
Sương khoắt khuya trầm mặc.

Giấu! giấu chôn tất cả!
Tận thăm thẳm nấm mồ.
Ta về ru tình ngủ.
Ôi! Cuộc tình thiên thu…

Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

NẮNG LAO XAO - PHAN LỆ DUNG

Đám mây băng qua bầu trời
thả những cành hoa trắng nuốt
Tháng tám
Trên cây mù u trước ngỏ
nắng rơi.

Ngoài vườn thu về ái ngại
Có ai nhớ
mà nắng rơi trên cỏ
con bướm bay quanh.

Bên kia hoàng thành
Đàn chim cánh nâu bay về phía biển
đôi cánh mê hoặc buổi chiều
Chắc mọi buổi chiều ngàn xưa vẫn thế
Gió mang mùa thu đi
Bỏ lại chiều xao xuyến.

Nắng lao xao
Chiều nay
tôi nhớ
Người nơi phương trời ấy
có còn nhớ thương.

Nắng lao xao
Chiều nay
tôi cô độc
Ngoài trời mây về lãng đãng
thả những ngọn nến trắng
tiển đưa chim sẻ về trời

Tôi xáo lòng tôi
Gió chiều xao xác.

Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

CAO HUY KHANH - VN HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2012 ( Kỳ 118)

NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ
1.181 - Brian Cleaver
CỰU BINH ÚC ĐI TÌM HÀI CỐT BỘ ĐỘI
Cựu binh Úc về hưu. Sống ở Uc (2012).

Năm 1968 là lính viễn chinh Úc đóng quân ở Bình Dương sau một trận đụng độ với bộ đội VN đã tận mắt chứng kiến 42 thi hài quân địch để lại sau đó được đơn vị Úc chôn dưới một hố bom trong địa phận xã Bình Mỹ.
Sau đó theo quân Úc rút về nước.

Đến năm 2002 cùng đồng đội John Bryant trở lại địa điểm cũ với mục đích truy tìm ngôi mộ bộ đội tập thể đó để tìm cách báo lại cho thân nhân của họ biết. Tự bỏ tiền túi trang trải mọi chi phí, có được các đồng đội cũ hỗ trợ chút ít.

Nhưng dù mang theo các tư liệu ghi chép còn lại (có cả ảnh chụp hồi đó nữa) nhưng qua 10 năm đã 8 lần đến Bình Dương vẫn chưa tìm được tung tích nấm mồ đó do thời gian qua khung cảnh nơi đây thay đổi quá nhiều. Đã tiến hành đào xới 5 hecta trong khu vực song ngẫu nhiên chỉ khai quật được một nấm mộ bộ đội thì lại không thuôc số 42 người kia.

Thay vào đó nhờ sự hợp tác của địa phương và đơn vị quân đội phụ trách công tác liệt sĩ đã tìm ra được thân nhân của 33 bộ đội trong số người tử trận.

Công việc tìm kiếm đến nay vẫn còn tiếp tục với 2 cựu binh nước ngoài vì “Nếu tôi là một trong những người lính mất tích đó thì tôi cũng hy vọng có ai đó sẽ tìm kiếm hài cốt mình. Việc tôi làm sẽ giúp những người đã hy sinh có thể sống một đời sống khác ở đó họ được sống trong hòa bình chứ không phải sống với súng đạn và mồ chôn tập thể.”

1.182 - Hạ Đình Nguyên
TÙ 2 CHẾ ĐỘ
Doanh nhân sinh khoảng 1948. Sống ở TPHCM (2012).

Thời chống Mỹ là sinh viên ĐH Văn khoa Sài Gòn khoa Triết tham gia phong trào sinh viên học sinh xuống đường biểu tình phản đối chế độ Thiệu – Kỳ theo Mỹ, được cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban Tranh đấu của sinh viên Sài Gòn. Vì vậy nhiều lần bị cảnh sát bắt giam.

Từ đó sau 1975 làm việc trong Thành đoàn TPHCM rồi được chuyển công tác qua làm phó giám đốc một công ty đầu tư thương mại khi Miền Nam bắt đầu chuyển đổi cơ chế kinh tế đổi mới làm ăn thoáng hơn.
Nhưng không hiểu vì lý do gì một thời gian sau lại… bị bắt đưa ra tòa lãnh án tù vì tội kinh doanh phạm luật bất hợp pháp! Có dư luận cho đó là vì cung cách làm ăn “xé rào” kiểu mới của Miền Nam chưa được Miền Bắc chấp nhận hoàn toàn nên dựa vào cơ chế cũ để kết án! Đồng thời cũng có ý kiến do mâu thuẫn nội bộ trong cơ quan đấu đá lẫn nhau (?).

Sau khi ở tù về vẫn được Thành đoàn chiếu cố đưa đi làm giám đốc một trung tâm cai nghiện thanh thiếu niên. Từ đó có kinh nghiệm tách ra lập công ty tư nhân chuyên làm việc này gặp thời sống khỏe.
Song song đó rất hăng hái cổ vũ việc xuống đường phản đối Trung Quốc âm mưu xâm lấn VN giống như thời Mỹ – Ngụy đi biểu tình chống Mỹ. Nhưng bây giờ thời thế đã đổi khác rồi, chuyện đó lại bị chính quyền hiện hành… không cho phép!

1.183 - Mã Tuyên
TỘI CHÍNH TRỊ HỌA VÔ ĐƠN CHÍ KÉO DÀI
Doanh nhân gốc Hoa sống ở Sài Gòn – Mất 1994 tại TPHCM.


Đây chính là ân nhân của anh em cố Tổng thống Ngô Đình Diệm trong cuộc đảo chính năm 1963 dẫn đến cái chết thảm của 2 anh em nhà họ Ngô.
Nguyên là một cộng tác viên đắc lực của Cố vấn Ngô Đình Nhu em tổng thống. Có thông tin nói nhà đương sự là nơi đuợc NĐ Nhu đặt làm trung tâm liên lạc với Mặt trận Giải phóng Miền Nam chuẩn bị cho giải pháp khi cần có thể “bắt tay” hợp tác nhằm thoát khỏi ảnh hưởng khống chế của Mỹ.
Trong biến cố tướng Dương văn Minh cầm đầu phe đảo chính lật đổ NĐ Diệm năm 1963, anh em tổng thống đã bí mật theo đường hầm thoát ra khỏi dinh Độc Lập đến tá túc tại nhà Mã Tuyên một đêm để sáng hôm sau được đương sự cho tài xế lái xe đưa đến điểm thương lượng với nhóm đảo chính (nhưng kết quả cả 2 anh em bị giết chết tại chỗ kiểu “nhổ cỏ nhổ tận gốc” một cách dã man).
Từ đó đương sự liên lụy bị phe đảo chính bắt giam 3 năm và tịch thu tài sản. Mãn hạn tù trở về làm ăn bình thường như xưa.
Nhưng đến khi Cách mạng vào lại bị bắt giữ 4 tháng rồi thả ra. Tuy nhiên tiếp đó bị… bắt lại, lần này giam đến 4 năm ở nhà tù Chí Hòa, nhà cửa bị tịch thu hết.
Sau khi được thả ra, năm 1983 cùng gia đình (3 vợ 13 con) được phép xuất cảnh trở về quê quán định cư ở Đài Loan.
Dù vậy, năm 1992 lại quay lại Chợ Lớn sống nốt quảng đời còn lại với bạn bè cũ. Trước khi mất còn căn dặn kỹ phải chôn trong khu nghĩa trang “Nhị tì Triều Châu” của người Hoa ở Biên Hòa dể vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất quê hương thứ hai dù nơi đây đã mấy lần đày đọa mình quá oan!

1.184 - Trần Thái Đỉnh
LÝ THUYẾT GIA TRIẾT HỌC HIỆN SINH
Giáo sư đại học sinh 1922 tại Hưng Yên – Mất 2005 ở TPHCM (84 tuổi).
Xuất thân tu sĩ Thiên Chúa giáo được Giáo hội cử đi du học Pháp từ năm 1953 về thần học và triết học.
Nhưng khi làm luận án tiến sĩ lại chọn đề tài về Phật giáo. Và tốt nghiệp tiến sĩ 1958 về nước đi dạy triết học ở ĐH Đà Lạt, Huế và Sài Gòn lại trở thành người đầu tiên truyền bá chủ nghĩa hiện sinh vào VN. Còn viết báo phổ biến tư tưởng này trên tạp chí Bách Khoa ký Trần Hương Tử.

Từ giáo trình dạy đại học in thành nhiều sách giáo khoa lẫn chuyên luận triết học phương Tây có giá trị tiên phong thời đó như các cuốn về triết học hiện sinh, Descartes, Kant, cơ cấu luận…
Sau 1975 vẫn được giữ lại dạy đại học nhưng chuyển qua môn Pháp văn.
Cởi áo dòng lấy vợ bán hàng tạp hóa, sinh được 3 con trai (có con thứ ba đi tu). Còn làm thêm tham gia đánh đàn phong cầm ở nhà thờ và dịch tài liệu đạo Thiên Chúa.
Mắc bệnh ung thư kéo dài 5 năm mới mất.
Một số tác phẩm đã được chế độ mới in lại từ năm 2006 như “Triết học Descartes”, “Triết học Kant”…

1.185 - Trần Thành Trai
CHUYÊN GIA MỔ TÁCH ĐÔI TRẺ SONG SINH
Bác sĩ sinh 1938 tại Tiền Giang. Sống ở TPHCM (2012).
Thiếu tá bác sĩ quân y VNCH sau Giải phóng đương nhiên đi cải tạo 3 năm.
Ra trại cuối năm 1078 về lại TPHCM được nhận ngay vào làm bác sĩ khoa ngoại ở Bệnh viện Nhi đồng 1. Từ đó gắn bó với bệnh viện, bệnh nhi dù trong thời điểm đó đang rộ lên phong trào vượt biên trong đó bác sĩ chiếm số lượng đông trong giới trí thức.

Đã có nhiều thành tựu chuyên môn đáng kể trong việc điều trị bệnh nhi như về phương pháp phẫu thuật chỉnh hình hở hàm ếch cho các em, đặc biệt về các ca mổ tách trẻ sinh đôi qua các ca Song – Pha, Đào – Điệp, Việt – Đức (cùng mổ với bác sĩ Trần Đông A cũng cựu sĩ quan quân y VNCH).
Được bầu vào Quốc hội khóa 11.
Dù ở bất cứ cương vị nào vẫn làm việc với tinh thần cống hiến khiêm tốn: “Tôi chỉ như một ngôi sao vụt sáng trên bầu trời y học rồi chìm vào cái mênh mông của vũ trụ. Tôi thấy thật thanh thản với chặng đường đã qua.”

1.186 - Trần Thị Bé
“ĐỜI CÁT”
Lao động nghèo khuyết tật sinh 1969 tại Quảng Trị. Sống ở Quảng Trị (2012).
Năm 1972 chạy nạn chiến tranh vào trại tạm cư.
Một hôm cả gia đình đang ngồi ăn cơm bị một trái lựu đạn ném vào nổ tung làm mẹ và 5 anh chị em chết tại chỗ, cha bị thương nặng. Còn mình mới 3 tuổi bị cụt 2 chân.

Sau chiến tranh cùng cha trở về nhà cũ ở thị trấn Đông Hà dựng lại mái nhà tranh rách nát tá túc qua ngày giữa vùng đồi cát chập chùng xứ gió Lào nắng rát.

Học tiểu học được cha cõng đến trường, lớn lên nghỉ học ở nhà tìm cách kiếm sống quá vất vả do làm gì hay đi đâu cũng chỉ nhờ 2 tay lết đi. Nhiều khi quá chán nản muốn tự tử chết cho xong song lại thương cha già nên thôi không đành: “Tôi tuổi con gà. Gà chỉ nhờ 2 chân để kiếm ăn, vậy mà con gà tôi mất cả 2 chân!”
Năm 1990 lúc 18 tuổi được giúp đỡ lắp cho chân giả nhưng đi không quen mà còn dễ gây đau nhức (do một số mảnh đạn vẫn còn nằm sâu trong vết thương) nên vẫn thường lết đi như cũ nhanh và thuận tiện hơn.
Năm 1992 bố đi lấy vợ khác nên chỉ còn lại một mình tự lo liệu mọi việc.

Đến năm 1994 được một nhà từ thiện người Bỉ đưa đi mổ, gắp hết các mảnh đạn ra rồi lắp cho chân giả khác loại tốt hơn. Tuy vậy vẫn đi đứng nặng nề, chậm chạp.
Sống bằng nghề khập khiễng đi bán gia vị ở chợ ngày no ngày đói thất thường,
Ngẫu nhiên năm 1999 đạo diễn Nguyễn Thanh Vân từ Hà Nội về nơi đây quay bộ phim truyện nhựa “Đời cát” (kịch bản Hữu Phương – Nguyễn Quang Lập, diễn viên Công Ninh, Mai Hoa) về đề tài thời hậu chiến xảy ra trên vùng đất này trong đó có một nữ nhân vật… giống hệt đương sự cũng cụt 2 chân sống đời nghèo khổ cô đơn giữa trũng cát bao la mịt mù. Gặp được nhân vật đó ngoài đời quá tốt, thế là bản thân trở thành… diễn viên điện ảnh bất đắc dĩ, được mời vào đóng vai y như cuộc đời thực của mình!
Chỉ năm sau phim đoạt Giải thưởng Điện ảnh VN 2001.

Nhờ đó được nhiều người biết đến, cảm thương số phận bất hạnh hẩm hiu nên góp sức giúp đỡ cho cuộc sống dễ thở hơn. Còn được tổ chức từ thiện quốc tế hỗ trợ người khuyết tật cho đi một chuyến tham quan nước ngoài đến Luxembourg.
Nhưng qua “kinh nghiệm” đóng phim rút ra bài học quý báu nhất từ đó đã nảy ra ao ước như nhân vật nữ trong phim là có… một đứa con để an ủi tuổi già. Thế là quyết tâm xin một đưa con nuôi: “Cần nhất là một đứa con để trông cậy lúc tuổi già và đó cũng là nghị lực giúp tôi sống”.
Đứa con gái đặt tên là Phong An nghĩa là cầu cho “ngọn gió an bình” thổi đến đời con thay vì bao phong ba bão táp đã quất vào đời mẹ.
Rồi xin thêm một đứa con trai nữa cho “đủ nếp đủ tẻ” với niềm hy vọng: “Đời con sẽ không là đời cát, lăn lóc qua gió bụi trần ai như mẹ.”
Để nuôi con, mở quán bán nước. Từ đó niềm vui sống được nâng lên, còn tích cực tham gia thi đấu thể thao người khuyết tật giành được nhiều huy chương đua xe lăn, ném lao, ném đĩa, đẩy tạ…

1.187 - Trần Thị Cẩm Giang
MÁI ẤM THIỆN DUYÊN
Cán bộ về hưu sinh 1938 tại Sài Gòn. Sống ở TPHCM (2012).

Sinh ra trên đất Củ Chi vách thép thành đồng nên từ năm 14 tuổi đã tham gia họat động Cộng sản, làm giao liên, thanh vận rồi Hoa vận. Đã mấy lần bị địch bắt giam tra tấn vẫn giữ được ý chí kiên cường không khai báo.

Sau ngày Giải phóng, được cho đi học rồi về làm cán bộ phường.

Thời gian này có dịp chứng kiến thảm cảnh nhiều em bé mồ côi chịu di chứng CĐDC quá tội nghiệp nên mới nhận vài em về nhà nuôi. Không ngờ nuôi trẻ rất “mát tay” nên được nhiều gia đình quen biết có con mắc bệnh tương tự tỏ ý muốn nhờ nuôi giùm.

Nhưng phải chờ đến lúc về hưu mới có thì giờ làm chuyện này. Khi đó liền quyết đinh bán căn nhà được cấp ở thành phố lấy tiền về quê Củ Chi xây một khu nhà trên đất hương hỏa biến nó thành một cơ sở chuyên nuôi trẻ em nhiễm CĐDC, khuyết tật, bại não, tâm thần đặt tên là “Mái ấm Thiện Duyên”. Bà con đều kính phục gọi là “Má Mười”.

Đến năm 2007 nơi đây đã có hơn 120 em như vậy được Má Mười nuôi dưỡng. Để có tiền lo cho các cháu, má phải làm thêm tương hột, muối tiêu đem đi bỏ mối đồng thời còn nuôi heo gà, trồng nấm bào ngư đem ra chợ bán.

Được cái là nhiều mạnh thường quân khắp nơi nghe tiếng đã tìm đến ủng hộ, giúp đỡ một tay…

1.188 - Trần Thị Hiền
“HIỀN 58”
Lao động nghèo sinh tại Thừa Thiên – Huế. Sống ở Thừa Thiên – Huế (2011).

Lúc 15 tuổi đã đi du kích đánh Mỹ rồi chuyển qua bộ đội trên chiến trường Bình Trị Thiên.

Năm 1973 trong khi làm công tác vận chuyển lương thực đã bị trúng bom bi máy bay Mỹ thả. Bị vùi xuống hố đất, đồng đội tưởng chết rồi may mà còn nòng súng nhô lên khỏi mặt đất có người nhìn thấy mới đào đất lên cứu sống kịp thời.

Nhưng đưa vào bệnh viện chỉ cứu chữa tạm chứ không có đủ phương tiện để mổ lấy hết vô số mảnh bom còn nằm sâu trong cơ thể. Tính ra còn đến… 58 mảnh bom như vậy, nguy hiểm nhất là 2 mảnh ghim trong phổi, 2 mảnh chui vào tâm mạc tim và 11 mảnh khác rải rác trong đầu.

Sau chiến tranh, xuất ngũ thương binh nặng về làng (thị xã Hương Trà) lấy chồng là bộ đội trinh sát mất sức sinh được 6 con. Cả nhà sống bám vào một sào ruộng mà tiền trợ cấp chẳng bao nhiêu không kham nổi cơn lốc đời sống thời hậu chiến bao cấp nên con cái đều mù chữ, nhà cửa rách nát xập xệ.
Đã vậy, bản thân còn bị 58 mảnh bom “lưu tồn” hễ gặp trái gió trở trời là gây đau đớn toàn thân, đầu óc nhức như búa bổ, muốn đi bệnh viện mổ gắp ra thì biết lấy đâu ra tiền nộp viện phí? Bởi vậy đành chấp nhận sống chung với… mảnh bom Mỹ, từ đó nổi danh là bà “Hiền 58”!
Chưa hết, năm 2011 đứa con trai út bị phát hiện bệnh suy thận cấp, chở vào Huế chữa trị chỉ còn cách đi chạy thận mỗi tuần 3 lần, mỗi lần tốn hơn 3 triệu đồng. Muốn giải phẫu thì phải 300 triệu.

Chỉ lo tiền chạy thận cho con còn không nổi, chạy đôn chạy đáo mượn nợ khắp nơi riết rồi không ai dám cho vay nữa bởi biết lấy gì mà trả nổi. Đó là món nợ kéo dài lây lất từ thời chiến tranh qua đến thời hậu chiến mà ít ai có thể trả nổi.

1.189 - Trần Thị Thuấn
30 NĂM GẶP LẠI CHỒNG SỐNG CŨNG NHƯ CHẾT
Cán bộ về hưu sinh 1931 tại Quảng Ngãi. Sống ở TPHCM (2007).

Tham gia Cách mạng từ thời chống Pháp.
Năm 1947 lập gia đình với một bộ đội cùng quê. Đến đầu năm 1948 chồng nhận nhiệm vụ qua chiến trường Lào rồi từ đó mất liên lạc luôn.
Sau 1954 vẫn còn ở quê Quảng Ngãi tiếp tục hoạt động quân báo cho Cộng sản, nuôi giấu cán bộ trong vùng địch. Đến 1965 được lệnh mở rộng mạng lưới hoạt động nằm vùng, làm giao liên qua tỉnh Quảng Nam.
Sau ngày Giải phóng tiếp tục nhận nhiệm vụ mới ở quê nhà, hết lòng trông ngóng tin chồng song vẫn không một tăm hơi.
Bất ngờ tháng 6.1976 mới được người báo tin cho biết chồng đang bị thương nặng nằm viện quân y tại TPHCM. Bấy giờ mới hay sau 1954 chồng được điều từ Lào về hoạt động trên Tây Nguyên rồi cuối năm 1968 về lại Hà Nội, sau đó đưa lên Việt Bắc. Qua tháng 3.1975 được bổ sung vào chiến trường Miền Nam nhưng trên đường tiến vào Sài Gòn xe gặp tai nạn khiến bị thương trầm trọng đã đưa vào bệnh viện quân y.
Bản thân nghe tin như sét đánh ngang tai vội vào TPHCM gặp lại chồng đang nằm viện trong tình trạng hôn mê bất tỉnh do bị chấn thương sọ não quá nặng. Liền xin cơ quan cho chuyển công tác vào bệnh viện trong này để tiện việc chăm sóc cho chồng.
Nhưng cả một năm dài chăm bệnh cho chồng mà chồng vẫn không lai tỉnh, chỉ nằm liệt một chỗ nhìn vợ lặng lẽ mà không nói năng được tiếng nào! Đúng một năm sau thì ra đi, không lời trăn trối từ giã.
Đã vậy không hiểu sao chồng không được làm thủ tục chứng nhận liệt sĩ, không được hưởng bất cứ chính sách, chế độ nào qua hơn 31 năm nay. Có lẽ vào thời điểm giờ chót cuộc chiến tranh, ông đã bị “bỏ quên” bên lề lịch sử (đồng đội chỉ kịp đưa vào viện rồi phải nhanh chân theo đoàn quân tiến vào Sài Gòn)!
Nỗi buồn mất chồng còn cộng thêm nỗi buồn thế sự càng chất nặng trên đôi vai còm cõi của người vợ già đã bỏ cả gần hết cuộc đời cống hiến cho lý tưởng.

1.190 - Trần Tôn Trung Sơn
NGƯỜI KHÔNG TAY HỌC HỌC VIỆN CÔNG NGHỆ MIT
Sinh viên sinh 1991 tại Quảng Trị. Du học Mỹ (2009).

Sinh ra bên dòng Bến Hải, được cha đặt tên Trung Sơn để ghi nhớ tên xã quê hương thuộc huyện Gio Linh.
Cha là bộ đội trên chiến trường Lào bị nhiễm CĐDC nên khi con mới ra đời đã chịu cảnh khuyết tật nặng gần như không có 2 cánh tay: Cánh tay trái chỉ có mỗi… bàn tay lại… mọc sát nách, còn cánh tay phải chỉ ngắn đến khuỷu tay với bàn tay chỉ có 2 ngón tay.
Vì thế năm 1992 cha mẹ phải xin đưa vào Làng Từ Dũ ở TPHCM chuyên nuôi dưỡng trẻ em nạn nhân CĐDC. Còn cha mẹ ra ngoài đi làm thuê, tối ngủ công viên để còn có điều kiện thỉnh thoảng đi thăm con.
Dù vậy vẫn nỗ lực học hành rất giỏi. Lớp 5 là học sinh giỏi toàn thành môn toán và tiếng Việt, thi vào trường THPT ở quận Tân Bình đậu thủ khoa, lên cấp trung học là học sinh giỏi toán, văn, Anh văn. Còn học cả võ taekwondo đạt đai nhất đẳng.
Vào đại học ngành công nghệ thông tin TPHCM vừa đi học vừa làm công ty phần mềm.
Năm 2009 được học bổng đi học Học viện Công nghệ MIT nổi tiếng ở Mỹ chuyên ngành trí tuệ nhân tạo là ngành tiên tiến hiện đại nhất mà VN còn hiếm chuyên viên. Hy vọng trí tuệ nhân tạo sẽ thay cho 2 cánh tay mất mát.
(Còn tiếp)

Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

BẾN SƯƠNG MÙ - HẠC THÀNH HOA

Bến sương mù
Chỉ có sương và sương thế thôi
Bến xa như lẫn với mây trời
Phà đưa ta trở về bên ấy
Một bóng trăng chìm giữa nước trôi.

Đợi chờ
Có chiếc thuyền nằm im trong tủ kiếng
Buồm giương cao chờ đợi buổi ra khơi
Giấc mơ đó xa vời như cổ tích
Nên đêm ngày thương nhớ biển không nguôi.
Hạc Thành Hoa

Thứ Tư, 25 tháng 7, 2012

GIANG HỒ - PHẠM HỮU QUANG

Tàu đi qua phố, tàu qua phố
Phố lạ mà quen, ta giang hồ
Chẳng lẽ suốt ngày bên bếp vợ
Chẻ củi, trèo thang với... giặt đồ

Giang hồ đâu bận lo tiền túi
Ngày đi ta chỉ có tay không
Vợ con chẳng kịp chào xin lỗi
Mây trắng trời xa trắng cả lòng

Giang hồ ta ghé nhờ cơm bạn
Đũa lệch mâm suông cũng gọi tình
Gối trang sách cũ nằm nghĩ bụng
Cười xưa Dương Lễ với Lưu Bình

Giang hồ có bữa ta ngồi quán
Quán vắng mà ta chửa chịu về
Cô chủ giả đò nghiêng ghế trống
Đếm thấy thừa ra một góc si

Giang hồ mấy bận say như chết
Rượu sáng chưa lưa đã rượu chiều
Chí cốt cầm ra chai rượu cốt
Ừ. Thôi. Trời đất cứ liêu xiêu
Giang hồ ta chẳng hay áo rách
Sá gì chải lược với soi gương

Sáng nay mới hiểu mình tóc bạc
Chợt tiếng trẻ thưa ở bên đường
Giang hồ ba bữa buồn một bữa
Thấy núi thành sông biển hóa rừng

Chân sẵn dép giày trời sẵn gió
Ngựa về. Ta đứng. Bụi mù tung...
Giang hồ tay nải cầm chưa chắc
Hình như ta mới khóc hôm qua

Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà.
5.1991

Thứ Ba, 24 tháng 7, 2012

VÔ NIỆM - LÊ NGỌC THUẬN

Đã sắc không - Sao chùa có cửa
Đã quy y - Sao áo nhiều màu
Phải vô tự là kinh vắng lặng
Phải trắng toát là tình ta chăng?

Thứ Hai, 23 tháng 7, 2012

CÓ NGHĨA LÀ XA CÁCH ĐỂ ...YÊU THÔI - NGUYỄN MIÊN THẢO

Nếu còn sống vài ba trăm năm nữa
Nhắc tên em ta vẫn bồi hồi
Tim vẫn đập rộn ràng trong ngực
Khi nghe em về một sáng mưa rơi

Biết đâu sẽ có người con gái khác
Làm tim ta đau như em bây giờ
Cũng có thể có người con gái khác
Chẳng bao giờ hiểu hết một nhà thơ

Những khát khao vẫn còn nguyên trai tráng
Vẫn còn nguyên nhịp đập trái tim cuồng
Cũng có thể một ngày hương tình ái
Sẽ không còn mua chuộc được ta chăng?

Nói chuyện xa xôi làm gì thêm mệt
Ta yêu em yêu cả đất cả trời
Ta yêu em có nghĩa là…xa cách
Có nghĩa là xa cách để… yêu thôi

Nếu rủi ro ta với em xa thật
Như bây giờ đang xa cách - sao đâu
Thôi ta hoá thành con ngựa đá
Cất vó một lần cho đến nghìn sau.

Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2012

BÀI TÌNH SI CUỐI - HOÀNG LỘC

sẽ tới một ngày em biết khóc
biết trong đời vắng gã làm thơ
dẫu nơi xa còn chút tro cốt
cũng kiếm đường về lại với quê

là chút hình hài (không thể mất ?)
công cha nghĩa mẹ thuở sinh thành
là chút ân tình (không thể cất)
xin rơi tàn trước ngõ nhà em

em sẽ đi qua và đi lại
ngõ nhà em, bụi đầy gót chân
sẽ có một ngày em phủi bụi
nhìn hạt tro bám ở quần hồng

20-7-12

Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

CHIỀU - PHAN LỆ DUNG

Trời trở lạnh.
Sao chiều còn vương nắng.
Phía đồi kia hàng thông xòe lá
Như những cánh tay mùa thu khoác áo bạc
Nắng ngửi mùi khói quen.
Người thợ rừng lui hui bếp lửa.
Lẩn thẩn.Tôi đi.Cỏ phủ vàng mộ chí.
Đất ngẩn ngơ.
Trời ngẩn ngơ.
Chiều tan vào lá.

Ngoài kia gió chíu chít mang hơi lạnh về phố
Trời sắp vào đông.
Tôi ngỗn ngang lòng.

Mấy con chim nhạn lớ ngớ lượn vòng trên không .
Dương như
chúng có điều chi
vương vấn.

Thứ Năm, 19 tháng 7, 2012

YÊU PHÁP - LÊ NGỌC THUẬN

Em vẽ bản đồ tình yêu
Và tìm điểm đặt pháo
Ta vốn mộc mạc thật thà
Chẳng bao giờ biết mai phục

Em cẩn thận thả tóc bay trinh sát
Đôi mắt cười theo chiến lược diều hâu
Ta u mê đâu ngờ môi thám thính
Nên nghiêng mình hành lễ linh thiêng

Em tách cọp khỏi rừng rồi bắn tỉa
Ta khù khờ nên đạn đã xuyên tim
Chưa kịp cài, cổng thành toang hoác mở
Những cơn đau nội gián nổi reo hò

Em rút củi khỏi đáy nồi sôi sục
Còn lại gì ngoài một chút tàn tro
Nụ hôn cũ chợt lạnh lùng nguội ngắt
Trong vòng tay khoảng trống đã lên đầy

Thượng- trung- hạ ta đau lòng tự sát
Mắt mở trừng mà chẳng hiểu vì sao
Vì sao tình lại bỗng dưng thành kế
Vì sao em lại thay dạ đổi lòng

Tròng vẫn đứng, không ai về vuốt mặt
Em lay cay bệt phấn bôi son
Ta đã hóa hồn ma bóng quế
Em soi gương cười giữa trần gian.

Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012

MÁI NHÀ XƯA - ĐỨC PHỔ

Anh đã về dưới mái nhà xưa
Mẹ Cha không còn nữa
Nhà trống,nương vườn xơ xác
Chỉ còn con vện vẫy đuôi !

Khi cắm nén hương lên bát hương đã cũ
Kỷ niệm theo về
Cùng hương khói mang mang
Tự nhiên anh khóc…

Anh đã về dưới mái nhà xưa
Mái tróc,tường nghiêng,cột kèo đùn mối
Chiếc giường Mẹ nằm giờ trơ trong góc
Bộ trường kỷ của Cha không còn
Câu liểng, bức hoành vắng bóng…
Tâm hồn anh bỗng tha ma…

Anh đã về dưới mái nhà xưa
Người chị mắt loà ,nhìn em không rõ mặt
Giọng khàn thăm hỏi nhỏ to
Rưng rưng sương ướt vai rồi
Tự nhiên anh khóc…

Đang giữa mùa hè mà nhà xưa lạnh ngắt
Tiếng hàng xóm không đủ khêu đèn
Đêm ma trơi khắc khoải
Khiến mảnh vườn rộng thêm
Anh bơ vơ chiếc lá
Rụng vô hồn, trời khuya!

Anh đã về dưới mái nhà xưa
Em đến thăm rót nước tự mời
Anh vụng về không biết nói chi
Dẫu lòng muốn hỏi
Mai này còn nhớ nhau không?

ĐỨC PHỔ
28.6.12

Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012

CÒN LẠI - NGUYỄN MIÊN THẢO

ta vốn kẻ hoang đàng chi địa
em cho ta hết cả xuân thì
ta tiêu tán đến tận cùng khánh kiệt
để bây giờ còn lại khối tình si

NMT

Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012

KHÔNG SẮC - LÊ NGỌC THUẬN

KHÔNG SẮC

Rượu mệ Năng liêu xiêu thân pháp
Trăng Vỹ Dạ thăm thẳm mù sương
Nguyễn tiên sinh cột tóc dây thun
Với cơn say ôn-tân tri-cố

Tim con người trùng tu tôn tạo
Nỗi cô đơn không rõ mặt mày
Ngôn ngữ cũng man khai lý lịch
Huế kỳ nhân đỏng đảnh ven sông

Có gã điên lêu bêu trên phố
Bụng đói meo, danh không, vọng không
Gã nhe răng cười văng nước bọt
Chắc rằng gã không phải đại gia

Chút tịch mịch khô vần héo điệu
Người đàn ông ẩn mình trong thơ
Đã qua sông, mơ hồ tâm huyết
Quay lại bờ, nhan sắc tàn phai

Tu hành không tới nơi tới chốn
Buồn chiều bolero hát chơi
Kẻ sĩ bao năm chừ nhậu sĩ
Mõ chuông chay mặn hề! Sắc không.

Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

CAO HUY KHANH - VN HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 -2012

NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ
Tưởng niệm
955 - Nguyễn Hữu Có
CẢI TẠO 12 NĂM THÀNH “NHÂN SĨ”
Cựu trung tướng VNCH sinh 1925 tại VN – Mất tháng 7.2012 ở TPHCM (88 tuổi).
Thuộc nhóm tướng Dương Văn Minh đảo chính Ngô Đình Diệm, đến giữa thập niên 1960 từng làm Bộ trưởng Quốc phòng, Phó thủ tướng VNCH.
Năm 1967 bị phe “tướng trẻ” Nguyễn Văn Thiệu – Nguyễn Cao Kỳ lừa cho đi công cán Đài Loan, Hàn Quốc rồi… cách chức cấm trở về khiến phải qua sống lưu vong ở Hong Kong.
Năm 1970 Tổng thống NV Thiệu cho phép về song buộc giải ngũ ra ngoài làm kinh doanh, ngân hàng dân sự.
Khi tướng Dương văn Minh lên cầm quyền tổng thống vài ngày trước 30.4.1975 riêng mình đã được gọi lại chuẩn bị giao nhiệm vụ nhưng chưa kịp động tay động chân gì thì… giải phóng!
Bản thân chập chờn nửa đi nửa ở, cuối cùng chấp nhận ở lại không theo Mỹ đi di tản dù cố vấn Mỹ sẵn sàng giúp vì nghĩ mình đã giải ngũ rồi không tội vạ gì với cách mạng. Sau đó muốn vượt biên thì sợ nguy hiểm cho gia đình có đến 12 đứa con nên thôi. Rốt cuộc… đi cải tạo 12 năm tận ngoài Bắc!
Trong thời gian ở trại đã được “Ơn trên kêu gọi” (vợ con mắc bệnh nặng được cầu nguyện mà khỏi bệnh) tự nguyện bỏ đạo Phật cải đạo Tin Lành năm 1983.
Năm 1987 được thả về “loanh quanh trong nhà trồng rau, nuôi gà”.
Đến cuối những năm 1990 được gợi ý tham gia hoạt động xã hội, qua năm 2004 chấp nhận lời mời làm thành viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN với tư cách “nhân sĩ” (nhân vật của chế độ cũ chấp nhận ở lại sống chung hợp tác với Cộng sản) cổ xúy cho tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc. Được cho đi Mỹ thăm viếng người thân, bạn bè thoải mái.
Hàng tuần có tham gia phụ việc nấu cháo từ thiện một lần cho bệnh nhân Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM.

278 - Nguyễn Mộng Giác
VIẾT TRONG THỜI CẤM VIẾT
Nhà văn Việt kiều Mỹ sinh 1940 tại Bình Định - Mất tháng 7.2012 ở Mỹ (73 tuổi).
Nhà văn xuất thân nhà giáo, tốt nghiệp ĐH Sư phạm Việt – Hán Huế 1963, ra trường đi dạy trường Đồng Khánh ((lấy vợ Huế) rồi chuyển về quê nhà Quy Nhơn dạy trường Cường Để. Sau lên làm hiệu trưởng rồi làm luôn Chánh Sở Học chánh
Song song đó còn viết văn, bắt đầu nổi lên cuối thập niên 60 ở miền Nam với phong cách phân tích tâm lý hiện đại sâu sắc, tiềm ẩn tính triết lý, bút pháp cô đọng qua tập truyện ngắn ”Bão rớt”, các truyện dài “Tiếng chim vườn cũ”, “Qua cầu gió bay”, “Đường một chiều”, tập tiểu luận văn học “Nỗi băn khoăn của Kim Duung” (Kim Dung, tác giả truyện chưởng Hong Kong). Được trao Giải thưởng văn học quốc gia của chế độ cũ.
Vì thế năm 1974 xin nghỉ chức Chánh Sở HC chuyển về Bộ Giáo dục ở Sài Gòn làm chuyên viên cao cấp với mục đích muốn có điều kiện thuận lợi theo đuổi lâu dài con đường sáng tác.
Nhưng xảy ra biến cố 30.4. 75 nên bị cho nghỉ việc tuy tham tâm vẫn muốn hoà nhập, đóng góp với chế độ mới. Đành chấp nhận trở thành thợ… làm mì sợi – món ăn làm từ bột mì Liên Xô viện trợ phổ biến thời bao cấp thiếu đói – vừa làm vừa chở đi bỏ mối.
Tuy nhiên vẫn không buông bút, không bỏ cuộc văn chương với niềm tin sâu sắc “ngày mai trời lại sáng”. Nên vẫn tiếp tục viết trong giờ nghỉ trưa và tối về cặm cụi ở nhà khu ngoại ô Sài Gòn trong tình cảnh nhà văn “Ngụy” đuơng nhiên không được viết không được in, thậm chí còn có thể bị bắt vì điều đó!.
Từ đó bắt đầu thai nghén bộ tiểu thuyết trường thiên lịch sử “Sông Côn mùa lũ” viết bút bi trên những cuốn tập vở học trò. Tác phẩm viết về đề tài cuộc khởi nghĩa Tây Sơn diễn ra nơi quê nhà Bình Định xa xưa, khởi thảo 1978 và hoàn thành 1981.
Nhưng đến đó thấy chờ “trời lại sáng” có vẻ… lâu quá mà xin vào làm báo Tin Sáng (báo TPHCM, của nhóm trí thức nhân sĩ chế độ cũ – “tại chỗ” - được chế độ mới cho phép hoạt động nhằm mục đích tập hợp tầng lớp này tham gia ủng hộ Cách mạng) cũng không đuợc nên đành… vượt biên một mình qua Mỹ (sau mới bảo lãnh vợ con qua). Phải trầm trầy trầm trật mấy lần (có lần bị bắt giam mấy tháng) mới đi thoát được năm 1982.
Thế rồi chính trên đất Mỹ, “Sông Côn mùa lũ” 4 tập dày 2.000 trang mới có cơ hội xuất bản năm 1991. Cùng lúc trở lại góp mặt trên văn đàn hải ngọai, tham gia viết lách trên nhiều báo, tạp chí trong đó có thời gian dài quản lý tạp chí Văn Học, cộng tác thường xuyên với tạp chí Hợp Lưu (thời gian đầu khi tạp chí này còn theo xu hướng chống Cộng ôn hòa kêu gọi hoà hợp dân tộc)…
Tiếp tục viết, in thêm tập truyện ngắn “Ngựa nản chân bon”, “Xuôi dòng”; tập tiểu luận “Nghĩ về văn học hải ngoại”…
Cuối cùng rồi cũng đến thời “trời lại sáng” - Đổi mới mới sớm quay về nước tìm kiếm sự đồng cảm đến muộn. Nhờ đó “Sông Côn mùa lũ” được ra mắt đồng bào trong nước năm 1998 (tái bản 2002), còn được một hãng phim trong nước mua bản quyền định chuyển thành phim…
Sau đó tiếp tục về nước nhiều lần, về thăm lại Huế quê hương thứ hai dù năm 2004 bị bệnh gan đã phải cắt một phần lá gan
Trong lúc còn bao nhiêu dự án ấp ủ đang hy vọng thực hiện trên quê mẹ thì trong một chuyến về nước làm việc kết hợp thăm bà con nhân ngày Tết 2009 mới được vài ngày thì bị đột quỵ ngã bệnh nặng phải lập tức được đưa về lại Mỹ chưa trị.
Từ đó phải ngồi xe lăn mọi việc trông nhờ vào vợ con chăm sóc, được 3 năm thì qua đời. Sau khi mất được giới phê bình trong nước ghi nhận là một “nhà văn nặng lòng với đất nước”.

1.171 – Bùi Quang Thận
NGƯỜI CẮM CỜ DINH ĐỘC LẬP
Đại tá Quân đội Nhân dân VN sinh 1948 tại Thái Bình – Mất 2012 ở Thái Bình (65 tuổi).
Trong khoảnh khắc lịch sử nhảy xuống xe tăng cầm cờ Mặt trận tiến vào dinh Độc Lập.
Vào bộ đội năm 1966 ở binh chủng Tăng – Thiết giáp.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Miền Nam, là đại đội trưởng tăng - thiết giáp chỉ huy một mũi tiến công đi đầu vào dinh Độc Lập (nay là dinh Thống Nhất). Bản thân có mặt trên xe tăng 843 là chiếc xe tăng thứ nhì tiến vào trong dinh (xe tăng thứ nhất mang số hiệu 390 đã húc đổ cổng dinh trước đó vài phút) liền nhảy xuống xe cầm cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam xông vào dinh lên tận nóc dinh hạ cờ VNCH xuống để kéo lá cờ Mặt trận lên thay thế báo hiệu chế độ chính quyền “đổi chủ”.
Sau đó về Bắc được đưa đi học Liên Xô cũ 4 năm rồi về lại binh chủng cũ, làm tới chức Chủ nhiệm Tăng – Thiết giáp.
Đương nhiên được đề cử danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân song rốt cuộc không đạt tiêu chuẩn vì địa phương cấp xã không đồng thuận với lý do ông cụ thân sinh ở làng có dấu hiệu… mê tín dị đoan! Quân hàm cũng chỉ lên lon đại tá đến ngày về hưu năm 2000.

Về hưu ở quê nhà, cả ngày đầu tắt mặt tối phụ công việc làm ăn kiếm sống với gia đình, một mình lặn lội làm đầm tôm và phụ vợ mở cửa hàng bán gas, mình lo việc đi xe máy chở bình gas đến cho khách hàng…

1.172 – Đào Thiện Sính
GỬI HƠN 14.000 THƯ BÁO TIN LIỆT SĨ
Bộ đội về hưu sinh 1947 tại Hải Dương. Sống ở Khánh Hòa (2012).
Bộ đội trên chiến trường Miền Nam, tham gia đánh trận ở Tây Nguyên, miền đông Nam bộ. Năm 1973 được rút về làm Phòng Thông tin T.Ư Cục Miền Nam.

Sau 1975 xuất ngũ về quê. Nhưng qua 1979 lại được gọi tái ngũ đưa qua chiến trường Campuchia và Lào. Đến 1983 mới ra quân về quê nhà Hải Dương sinh sống. Lấy vợ sinh con, cả nhà sống bám vào nghề nông.
Năm 1988 đưa cả gia đình vào Khánh Hòa lập nghiệp, riêng mình được nhận vào làm bưu điện huyện.
Bản thân có một người anh trai cùng đi bộ đội hy sinh tại Miền Nam nhưng hoàn toàn mất tích nên lòng cứ nặng nỗi niềm muốn đi tìm dấu vết, thông tin về mộ phần, hài cốt anh giờ không biết lưu lạc nơi đâu. Lâu nay cố truy tìm tin tức anh trai bằng cách tìm đến các nghĩa trang xem mộ anh tình cờ có nằm ở đó không song gặp hoàn cảnh, điều kiện quá khó khăn nên chưa làm được bao nhiêu.
Từ khi vào Khánh Hòa mới có điều kiện đi thăm nhiều nghĩa trang liệt sĩ từ Quảng Trị vào Nam để tiếp tục tìm kiếm thông tin về anh trai nhưng vẫn chẳng có tăm hơi gì.
Tuy nhiên bù lại, qua những chuyến đi đó đã gặp gỡ biết bao người đồng cảnh ngộ như mình. Từ đó nảy sinh ra ý nghĩ nhân cơ hội đến nghĩa trang tìm anh mới “một công đôi việc” ghi chép thông tin về các ngôi mộ có dấu hiệu chưa được thân nhân viếng thăm rồi về nhà viết thư báo tin về địa phương (theo quê quán liệt sĩ ghi trên bia mộ) cho biết.

Để làm việc này đã lập cả một danh sách tên tỉnh thành, quận huyện, làng xã thay đổi qua các thời kỳ để đối chiếu tìm ra tên địa phương ngày xưa và bây giờ. Nhờ hồi trước từng làm nhiệm vụ ở phòng thông tin trong chiến khu nên đã có một số kinh nghiệm làm bài bản, khoa học.
Ban đầu phải viết thư tay, sau này mới có điều kiện photocopy mẫu lá thơ báo chỉ việc điền chi tiết vào nhanh chóng tiện lợi hơn. Nhưng phải mất tiền mua phong bì, tem thư so với đồng lương ít ỏi của một viên chức quèn. May mà dần dà nhiều người biết được công việc nghĩa tình thầm lặng này nên giúp đỡ tiền mua bì thư và cả bưu điện cũng cho miễn dán tem luôn.
Hành trình đi đến nghĩa trang bởi thế càng kéo dài ra tính ra đã đến cả hơn 100 nghĩa trang ở Miền Nam, tham dự cả các cuộc quy tập mộ liệt sĩ để góp nhặt thông tin thêm về tổng hợp lại.
Mỗi lần lên đường đều trang bị giống như thời bộ đội vào cuộc hành quân, chỉ có khác là bây giờ thủ sẵn chiếc kính lúp (để đọc những bia mộ qua thời gian mưa gió bị mờ hay nhòe chữ), sau còn có được chiếc máy ảnh con biếu cho để chụp lại toàn văn bia mộ đỡ nhọc công chép lại. Còn chuyện ăn ở thì đơn giản thôi, gặp đâu ăn đó, đụng đâu ngủ đó trong đó nơi tá túc ban đêm thuận lợi hơn cả chính là… nghĩa trang nơi mình đang “tác nghiệp”!

Cứ thế đã viết hơn 14.000 lá thư báo tin về mộ phần liệt sĩ gửi đi. Kết quả nhờ đó khoảng 30% trường hợp báo tin đã giúp người nhà đi tìm được mộ liệt sĩ. Nhưng không dám nhận sự báo đáp nào vì xem đây là việc “góp phần nhỏ làm được điều gì đó nhớ đến đồng đội đã ngã xuống” và “chỉ muốn làm lặng lẽ thôi”.
Tuy nhiên tin tức về anh trai mình thì vẫn biệt vô âm tín. Cho nên tự hứa với lòng mình “Ngày nào còn sống thì còn đi tìm anh, tìm đồng đội.”

1.173 - Miên Đức Thắng
TỪ NHẠC SINH VIÊN QUA GỐM SỨ
Nhạc sĩ Việt kiều Đức tên thật Phan Văn Thắng sinh 1948 tại Huế. Sống ở Đức (2012).
Vào Sài Gòn học ĐH Khoa học, từ đó tham gia phong trào sinh viên tranh đấu chống chế độ Thiệu – Kỳ theo Mỹ. Nổi tiếng với một số nhạc phẩm phản chiến hát tập thể như “Hát từ đồng hoang”, “Dậy mà di”…
Bị chính quyền VNCH bắt đưa ra tòa về tội chống đối rồi nhân đó đẩy đi lính trường Thủ Đức năm 1969. Ra trường sĩ quan chấp nhận lệnh bố trí đi làm đơn vị hậu phương quân đội ở Tây Nguyên.
Có lẽ vì vậy mà “mất điểm” với Cách mạng nên sau 1975 không được ưu ái, đành tự lực cánh sinh cùng vợ mở tiệm bán thuốc Tây. Đến năm 1989 theo gia đình vợ xuất cảnh qua Đức.
Trên xứ người xa lạ chuyển qua nghiên cứu làm nghề gốm sứ nghệ thuật kết hợp vẽ tranh hợp thời hơn có thể giúp mưu sinh.
Còn nhạc vẫn làm nhưng không thành công gây tiếng vang như xưa do đã qua rồi thời tuổi trẻ sinh viên đầy nhiệt huyết đấu tranh. Và nhạc bây giờ chuyển hướng tìm đến với tình yêu hoài niệm quê hương Huế hòa quyện với niềm tin đạo Phật, 2 yếu tố thường song hành nối liền nhau:
“Tôi sông thơm lòng mẹ
Tình đầy nguồn xa xôi.
Đi qua bờ thế kỷ
Mênh mang điệu ru hời.
Sen chiều lên áo mới
Nội thành hát à ơi
Sông ơi, lòng có biết, tôi, sông là bến đò”.
(Tôi, Sông là bến đò)
Vẫn thường xuyên về thăm quê hương, nhất là quê Huế thân thương ghi đậm dấu ấn một thời học trò Quốc Học.

1.174 - Trần Minh Dũng
“DŨNG VIỆT NAM”
Lao động Việt kiều Philippines sinh 1971 tại Khánh Hòa. Sống ở Philippines (2012).
Năm 1989 vượt biên đường biển đến Philippines.
Sống luôn ở đây làm nghề bán giày dép vỉa hè, lấy vợ bản xứ sinh được 5 con.
Từ năm 2004 trở thành ân nhân “cứu hộ” ngư dân VN đánh cá chẳng may xâm phạm lãnh hải Philippines bị bắt hoặc bị bão trôi giạt vào nơi đây không nơi nương tựa không ai giúp đỡ. Khi đó tự nguyện làm cầu nối trung gian với chính quyền địa phương, đóng vai trò thông dịch, chạy giấy tờ, thậm chí còn lo thủ tục tòa án trong trường hợp ngư dân bị đưa ra tòa Philippines. Đã giúp hơn 30 nhóm ngư dân VN như vậy.
Từ đó được ngư dân VN thân tình gọi là “Dũng VN” như kiểu “Thần hộ mạng”, hễ ai đi biển cũng đều có số điện thoại của anh để gọi cầu cứu lỡ khi lâm cảnh ngộ lạc qua nước bạn bất đắc dĩ. Cả hải quân Philippines tuần tra biển cũng có số điện thoại này phòng ngừa khi cần sẽ nhờ hỗ trợ, phiên dịch.
Trả lời tại sao làm việc không công như thế, chỉ nói đơn giản “Vì họ là đồng hương, ở xứ người thấy đồng hương gặp nạn không lẽ bỏ mặc?”

1.175 - Trần Ngọc Huế
TỪ NGƯỜI HÙNG ĐẾN TÙ BINH
Việt kiều Mỹ nhân viên ngân hàng về hưu sinh 1942 tại Huế. Sống ở Mỹ (2012).
Xuất thân thiếu sinh quân VNCH, sau đó vào trường Võ bị Đà Lạt.
Ra trường 1963 xin chuyển về Sư đoàn 1 đóng tại Huế để ở gần quê nhà đúng như tên cha mẹ đặt.
Đến trận chiến Mậu Thân 1968 tại Huế, là trung úy đại đội trưởng Đại đội Hắc Báo đơn vị đặc nhiệm thiện chiến “đánh đâu thắng đó” của Sư đoàn 1 chỉ huy đánh giải vây Bộ Tư lệnh Sư đoàn 1.
Từ chiến tích đó, được xem là một người hùng trẻ tuổi mới nổi lên của quân lực VNCH, được Tướng Tư lệnh quân Mỹ ở VN gắn huân chương, được Bộ trưởng Hải quân Mỹ tuyên dương là “Anh hùng của những anh hùng”. Cố vấn Mỹ rất khâm phục, còn đặt cho tên Mỹ là “Harry”.
Tiếp tục sự nghiệp quân đội thăng tiến, năm 1971 lên lon trung tá tham gia chiến dịch Lam Sơn 719 đánh Hạ Lào (Cộng sản gọi là chiến dịch Đường 9 Nam Lào). Không may đơn vị bị bao vây, bản thân bị thương nên chấp nhận ở lại cầm cự cho binh lính dưới quyền rút lui. Kết quả bị bắt đưa ra Bắc ở tù 13 năm.
Đến năm 1983 mới được trả tự do, vào Sài Gòn sống lây lất qua ngày.
May mắn có một cố vấn Mỹ cùng làm việc chung trước kia ở Sư đoàn 1 từng được sĩ quan Hắc Báo này cứu sống trong một trận đánh luôn nhớ ơn nên khi về Mỹ đã tìm mọi cách hỏi thăm tin tức, gửi tiền giúp đỡ.
Sau đó vận động cho bạn mình được bảo lãnh xuất cảnh qua Mỹ năm 1991 cùng vợ và 3 con gái, còn giúp đỡ tìm nhà, tìm việc làm nuôi gia đình.

1.176 - Trần Ngọc Liễng
LÃNH TỤ “LỰC LƯỢNG THỨ BA” CUỐI ĐỜI ĐI TU
Luật sư về hưu sinh 1923 tại Vĩnh Long – Mất 2011 ở Đồng Nai (89 tuổi).
Từng có quá trình thân Cộng từ năm 1954 làm việc chung với luật sư Nguyễn Hữu Thọ (sau là Chủ tịch Mặt trận Giải phóng Miền Nam).
Vì vậy bắt đầu năm 1966 từ nhiệm khỏi chức vụ ở chính phủ VNCH (phụ trách lĩnh vực xã hội) để tách ra hoạt động độc lập theo xu hướng chống Mỹ, chống chế độ độc tài quân phiệt Thiệu - Kỳ, đấu tranh đòi quyền tự do dân chủ cho người dân Miền Nam.
Từ đó trở thành một trong những đại diện trí thức của lực lượng chính trị tự nhận là “Lực lượng thứ ba” không Cộng hòa cũng không Cộng sản mà đứng giữa hai thế lực đó với tham vọng đóng vai trò trung gian hòa giải tiến tới lập lại hòa bình cho đất nuớc. Biến nhà mình thành một địa điểm hội họp của phe đối lập chế độ Sài Gòn.
Nhưng thực tế không được như kỳ vọng với chiến thắng của Cộng sản 30.4.75 đẩy “Lực lượng thứ ba” tại chỗ không còn chỗ đứng, nhiệm vụ gì nữa đành tự động… giải tán!

Bản thân được chế độ mới mời làm “nhân sĩ” vào Mặt trận Tổ quốc VN, một tổ chức mang tính quần chúng không quyền lực chỉ đóng vai trò “làm cảnh” dân chủ cho chế độ. Cho nên chẳng còn làm được gì nữa như mong mỏi khác với thời trước dù sao cũng làm được vài việc có ích cho đồng bào, xã hội trên tiến trình dân chủ hóa đất nước.
Có lẽ vì vậy mà mấy năm cuối đời đã lên một thiền viện ở Đồng Nai… tu luôn - có pháp danh đàng hoàng Thích Kiến Huyền - cho đến ngày qua đời.

1.177 - Trần Quốc Hoàn
VẬN ĐỘNG VIÊN CHẤT ĐỘC DA CAM
Người khuyết tật sinh 1975 tại Quảng Trị. Sống ở Quảng Trị (2007).
Cha là bộ đội bị nhiễm CĐDC nên mình ra đời đã 2 chân bị teo lại không đi được muốn di chuyển phải dùng tay bò đi.
Dù vậy vẫn phấn đấu học tốt nghiệp THPT. Nhưng nhà nghèo cha mẹ phải nuôi 6 anh em nên không có điều kiện học tiếp lên đại học.
Bản thân không cam chịu chí hướng mình dừng ở đó nên vừa tìm việc làm đơn giản kiếm sống qua ngày (nhận đập dẹp lon bia phế thải bán làm phế liệu đúc lại) vừa tự mở ra một lớp học tình thương tại nhà dạy cho các em nhà nghèo bỏ học nửa chừng. Song song đó còn tham gia tập luyện môn thể thao đua xe lăn.
Từ đó đã khiến một cô gái xứ Huế đem lòng yêu thương lấy làm chồng năm 2001.
Kết quả bao công công sức trì chí chiến đấu chống lại số phận không may mắn như thế giống như dã tràng xe cát biển Đông 10 năm đã giúp nhiều em học tốt nghiệp cấp 3 và còn lên đại học nữa. Phần mình đạt thành tích Huy chương vàng Hội thi Người khuyết tật toàn quốc 2001, Huy chương đồng Paragames toàn quốc 2003.
Cũng năm này còn đạt được một “siêu” huy chương nữa là có con gái đầu lòng quý hơn vàng.

1.178 - Trần Tam Tiệp
VĂN BÚT CHỐNG CỘNG
Nhà báo Việt kiều Pháp sinh 1928 tại Vĩnh Long – Mất 2009 ở Pháp (82 tuổi).
Trung tá tâm lý chiến binh chủng không quân VNCH, chủ biên nguyệt san “Lý tưởng” của binh chủng này.
Trong biến cố 30.4.75 di tản qua Pháp.
Tại đây vào năm 1978 cùng luật sư Trần Thanh Hiệp (nhóm Sáng tạo) và nhà thơ Nguyên Sa chủ xướng tái lập Chi hội Văn bút VN hải ngoại thành viên Văn bút Quốc tế (PEN Club) được công nhận. Bản thân giữ chức tổng thư ký 3 nhiệm kỳ liên tiếp.
Với chức vụ đó có điều kiện tổ chức mạng lưới viết bài chống Cộng ở nước ngoài lẫn trong nước tìm cách gửi qua đồng thời vận động tổ chức Văn bút Quốc tế chống Cộng, lên tiếng phản đối chế độ cộng sản VN vi phạm quyền tự do tư tưởng, sáng tác của người dân.
Các hoạt động trên đạt một số kết quả trong thời gian đầu trên trường quốc tế nhưng về sau dần dần giảm hiệu quả do phản ứng từ chính quyền VN ngày càng được củng cố.
Trong thời điểm khó khăn đó thì năm 1994 bản thân lại không may bị tai nạn giao thông nặng chấn thương sọ não. Tuy được cứu sống song từ đó không còn đủ sức khoẻ để tiếp tục tham gia hoạt động văn hóa chống Cộng như trước nữa cho đến khi di chứng bệnh phát tác qua đời.

1.179 - Trần Tâm
CÔNG DÂN KHÔNG QUỐC TỊCH NƯỚC NÀO!
Việt kiều Mỹ. Sống ở Mỹ (2007).
Cha là nhà báo chế độ chống Cộng nên sau 1975 bị bắt rồi chết trong tù.
Vì thế năm 1980 đưa gia đình (cả bà mẹ) vượt biên đường biển được một chiếc tàu Đức vớt đưa về Đức cấp giấy cho tạm trú.
Năm 1986 tự động đem gia đình rời khỏi Đức qua Mỹ theo một người anh kiếm việc làm ở một tổ chức xã hội tại Los Angeles đồng thời tranh thủ đi học đại học. Từ đó năm 2001 nộp đơn xin vào Mỹ tị nạn chính trị.
Nhưng bị bác đơn vì lý do trước đó đã ở Đức thì Đức phải giải quyết nên phía Mỹ ra lệnh trục xuất về lại Đức!
Tuy nhiên Đức cũng từ chối cho nhập quốc tịch Đức bởi đương sự và gia đình đang tạm trú mà đã tự ý bỏ Đức ra đi không xin phép quá thời hạn bình thường (như đi lo công việc riêng, đi thăm bà con hay du lịch) 6 tháng.
Thế là rơi vào tình trạng sống và làm việc tại Mỹ, giấy tờ tạm trú ở Đức song không được công nhận là công dân của… nước nào cả!
Mãi đến năm 2007 do dư luận cộng đồng Việt kiều ở Mỹ lên tiếng vận dộng mới được Quốc hội Mỹ gọi ra điều trần. Nhưng điều trần xong thì lại bị cảnh sát… bắt với lý do khong tuân hành lệnh trục xuất!
Cuối cùng được dân biểu Mỹ (Đảng Dân chủ) đại diện TP San Jose đông Việt kiều sinh sống can thiệp mới được tiếp tục cho phép tạm trú… chờ Uy ban Di trú Mỹ xem xét lại trường hợp này.

1.180 - Trần Thanh Sơn
NGƯỜI “KHÔNG THỂ TỰ ĐI”
Giảng viên đại học sinh 1984 tại Bình Định. Sống ở TPHCM (2012).
Cha là bộ đội nhiễm CĐDC nên mình sinh ra bị teo 2 chân, một tay bị teo 70%.
Chân như thế không đi được nhưng cũng không ngồi xe lăn tự đẩy được do tay quá yếu nên 12 năm học tiểu học đến THPT đều được cha cõng đến trường. May mà tay dù không bưng được chén cơm mà ăn song cũng còn đủ lực để cầm bút viết và sau này gõ bàn phím vi tính.
Từ đó học tốt nghiệp khoa công nghệ thông tin ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM. Đúng lúc đó thì người cha kính yêu qua đời vì chứng ung thư gan vỡ ra. Bây giờ phải nhờ bạn bè, bà con thay phiên nhau cõng mình đi học tiếp lên cao học đồng thời đi dạy môn tin học văn phòng tại ĐH Văn Lang.
Còn chịu khó học thêm ngành quản trị kinh doanh nhằm chuẩn bị sau này thực hiện ước mơ mở một ngôi trường nhỏ dạy miễn phí cho học trò khuyết tật cùng hoàn cảnh không may như mình: “Nếu mình đi được, con đường của mình sẽ khác. Nhưng mình không thể tự đi thì mình phải chấp nhận chuyện đó mà tìm cách khác để hòa nhập với cuộc sống.”

(Còn tiếp)

Thứ Năm, 12 tháng 7, 2012

THÁI THANH - LÊ NGỌC THUẬN

Môi Phương Đông
lưỡi Phương Tây
em dụ dỗ tôi vào cơn đau đói
cơn đau bềnh bồng của những lời ca tiền chiến
với lất phất những hạt mưa của nụ hôn mùa đông
người đàn bà mang dấu ấn cổ thành
còn nhớ hay quên

Nhớ hay quên
em vẫn là kẻ bất-khả-chiến-bại
bởi bao giờ tôi cũng lảm nhảm
giấu tên em trong chút rượu mơ màng
uống bâng khuâng như một nhà sư
một ngày trời đẹp say trong thiền quán

Em không phải là chim hạc trắng
nhưng hồn tôi đã lỡ nhúng chàm
nên những bước chân bây giờ nửa khê nửa nhão
như giọt nước mắt em
rơi nửa chừng rồi đọng lại
không khởi đầu, không kết thúc

Bao nhiêu ngày tháng
tôi bập bênh lãng đãng
môi em với làn khói trắng
và giọng hát họa hoằng đôi khi
em réo rắc cho tôi nghe
những chiều mây không trắng

Và bạn bè nửa nắng nửa mưa
trong khu vườn của một thời bông khế.

Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012

KHẢI HUYỀN - VIÊM TỊNH


KHẢI HUYỀN

tôi ngắm bàn tay tôi
khắc họa lên những dòng thời gian nông sâu
dòng thời gian đậm sắc màu
hạnh phúc và đau khổ
dòng thời gian kiến tạo những khuôn mặt yêu thương
dặm dài kiếp nhân sinh
từng lời thì thầm chiêu dụ
mặc khải một con đường

tôi ngắm bàn tay tôi
dòng thời gian kết thúc một cung sầu chất ngất
réo rắc khúc tình yêu
lời thánh ca cuối cùng
của đời người.

tháng bảy.

Thứ Ba, 10 tháng 7, 2012

BỐN MƯƠI NĂM NHỚ LẠI - NGUYỄN ĐĂNG TRÌNH

trời ơi con gái quá nhiều
làm sao đếm hết một chiều lang thang!
nguyễn miên thảo

muốn ngất xỉu trước một rừng con gái
[mà mười em xinh hết thảy mười em]
ráng cầm cự không để mình tan chảy
vẫn mềm xèo số phận một que kem!

chiều mùa đông tìm đâu ra chút nắng
run cứ run mà lại… toát mồ hôi
lần đầu tiên trong đời nghe lạnh cẳng
đầu nam mô và miệng… “chết tui rồi!”

ngoài trận địa luôn tả xung hữu đột
không ít khi vài chục chọi hàng trăm
hô xung phong lao người lên bứng chốt
sao bây giờ bệ rạc… gã cà lăm!

biết bao lần bị vây trên đỉnh núi
địch trùng trùng trò tiền pháo hậu xung
chơi cận chiến lưỡi lê đâm túi bụi
vẫn hiên ngang dù biết sắp tiêu tùng…

mắc mớ chi thăm sân trường con gái
một mình ênh nhè đúng lúc giờ chơi
để chết đứng trận tiền như từ hải
giữa rừng tên:“anh thiếu úy gì ơi!”…

Thứ Hai, 9 tháng 7, 2012

NGHĨ VỀ BỮA XA ĐỜI - HOÀNG LỘC

sẽ có một ngày ta đơn chiếc
quay về sau núi ngủ trong sương
thì cõi trần gian ta nhớ nhất
chỉ em, nhan sắc đẹp như lòng ?

ta vốn ta tình trường lận đận
yêu đứa nào cũng đứng nhìn theo
và với em, ta càng lận đận ?
cuối đời vớt vát những chiêm bao

ôi gái gung mà ta tin được ?
gió lên và bão nổi thình lình
chưa chắc một ngày ta xa biệt
câu thơ buồn đã đủ hư danh

khi ấy, em - hiên nhà hiu quạnh
ngơi tay bồng bế cháu con người
khóe mắt lăn thêm vài hạt lệ
mà suốt đời chưa kịp tặng nhau

7-2012

Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2012

THƯ GỬI ANH - PHAN LỆ DUNG

Anh không gọi em
Ngày đi rất chậm
Tiếng quạt rơi buồn trên chiếc màn cũ
Chuyến tàu qua thoi thóp gọi chiều.

Anh không gọi em
Đêm dài trôi mãi không dừng lại
Cây đàn không phủ tấm voan
Cái giá sách khập khiểng
Con gián cánh trên nóc tủ chết khô.

Anh không gọi em
Em nghĩ mình mắc lỗi
Nên hôm ấy trời buồn.

Anh đã cho em nhũng ngày tháng ấm êm
Như những cánh hoa mưng bình yên trên mặt hồ tím
Những buổi đi về qua cầu Bến Ngự,xuống đường Phan Châu Trinh
Em ngồi sau xe gió thổi tung chiếc nón
Bửa hen. hò ở quán nước sân ga,anh nắm tay em vôi.vã.

Giờ,em như chiếc lá
đi qua mùa thu
Gọi mùa đông thăm thẳm

Hay anh đã quên…
Anh ơi,
Cuối thu rồi
Sao không gọi em
Ngoài trời đã hết nắng.

Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2012

BÓNG - LÊ NGỌC THUẬN

Thanh điểu là con chim xanh
Tiếu băng là ngọc liên thành trắng tinh
Tim ta tuyết phủ vô hình
Đã đông đặc máu thiện tình Như Lai.

Thứ Năm, 5 tháng 7, 2012

CÕI MÁU - PHẠM PHÚ HẢI

trăng không màu hổ phách
khổ đau không kín tâm hồn tôi
cười nhẹ nhẹ bạn ơi
kẻo làm trăng rách
tôi yêu trinh bạch
còn gì trinh bạch tôi yêu
mặt đá phủ rêu
lòng đá không rêu
rêu phủ trên cồi máu
một hôm tôi về đậu
rồi tôi vỗ máu bay đi

tôi mang theo chút rêu đi
tôi hỏi
tôi hỏi tôi hỏi gì

tôi làm thầy tì khưu
ôm bình bát đi lùi
một ngày sáu bận

này con chim đem sân hận
là tôi
vỗ cánh bay đừng quay trở lại
cho cái bóng vàng
là ông tì khưu
đi mãi đến nơi không hãi sợ con đường

trăng không màu hổ phách
khổ đau không kín tâm hồn tôi
cười nhẹ nhẹ bạn ơi
kẻo làm trăng rách

này ông tì khưu đã bay lên cao rồi, bạn ôi
áo vàng ông hôm này vàng khuyết
ông sắp lặn rồi

tôi ơi vàng khuyết trăng ơi

Thứ Tư, 4 tháng 7, 2012

GIÁNG SINH EM - NGUYỄN MIÊN THẢO

tuổi ba mươi xanh biếc nỗi yêu người
em lộng lẫy một thời thiếu nữ
nụ cười em buộc bao chân lữ thứ
vẫn mơ hồ báu vật của riêng anh

ngày giáng sinh em đất trời mở hội
có vì sao vụt sáng ở trên trời
mây ngũ sắc và gió lừng thơm ngát
là bắt đầu có một kẻ ngu ngơ

đôi bàn tay của một thời con gái
vẫn còn nguyên tươi tắn tuổi xuân nồng
có một hôm tình cờ anh nắm được
là hiểu rằng nghìn tuổi vẫn u mê

tuổi ba mươi em vẫn mãi xuân thì
anh trẻ mãi để nhìn em đắm đuối
nụ cười em lạc loài trong đôi mắt
anh dại khờ cho đến mãi nghìn sau!

NGUYỄN MIÊN THẢO

Thứ Ba, 3 tháng 7, 2012

GỬI EM - NGUYỄN MIÊN THẢO

Gửi em một bài thơ mới
Trong veo như nước giếng làng
Đêm nay lại không ngủ được
Hình như ngoài ấy mưa tan

Huế ơi,mưa dầm nắng cháy
Ông trời làm cái chi chi
Ví như tình yêu em vậy
Buồn vui hờn giận vu vơ

Sáng nay trời còn mưa gió
Em đi có lạnh bờ vai
Nhớ về con đường xa ngái
Gửi em một tiếng thở dài

Gửi em những bài thơ mới
Trong veo như nước giếng làng
mai sau em không đọc nữa
Anh về đốt gửi sông Hương

Thứ Hai, 2 tháng 7, 2012

KHÚC LĂNG NGHIÊM - LÊ NGỌC THUẬN



Như lai vốn không nói
Vô tự vẫn là kinh
Em là hình hay bóng
Tôi kẻ vỡ nợ tình