Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

CHIỀU CUỐI NĂM - VÔ BIÊN

CHIỀU CUỐI NĂM

Chiều cuối năm
Xin còn ngồi lại
Để nhớ
"Một thời để yêu và để chết"

Chiều cuối năm giở từng trang sách
Cũ, người xưa
Bóng núi hay hoàng hôn
Thăm thẳm về trời

Chiều cuối năm lặng thầm mi đỏ
Kỷ niệm về như con nước
Chảy tràn
Kí ức xa xăm

Chiều cuối năm xin còn ngồi lại
Bạn bè ơi đâu đó
Có còn không
Được mất một đời

Chiều cuối năm chiều cuối năm chơi vơi
Ai trong trời đất ngậm ngùi
Bao mùa xuân sắc
                              xuân ơi!

                               Sơn Trà, Xuân 2013.


XUÂN, KHÔNG ĐỀ

Tôi trở về
               với nổi buồn vô tận
Gom hết mùa xuân
                             không hé đủ môi cười
Dường như bao năm
                                là mộng mị
Nên xuân
              mãi bóng khói bên trời.

                                     VB

Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

ĐÓA LẶNG THẦM - NGUYỄN MIÊN THẢO

                                           đóa lặng thầm                   

Người ta hái nụ tầm xuân

Anh xin hái đóa lặng thầm em thôi

Mặc ai muốn hái sao trời

Anh về cất giữ nụ cười tháng Giêng

Dù ai nói đảo nói điên

Anh ngồi tĩnh lặng hành thiền nhớ em

Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

NHẠC SĨ PHẠM DUY ĐÃ RA ĐI...

Phạm Duy (5 tháng 10 năm 1921 - 27 tháng 1 năm 2013 )tên thật Phạm Duy Cẩn là một nhạc sĩ, ca sĩ, nhà nghiên cứu nhạc của Việt Nam. Ông được coi là một trong những nhạc sĩ lớn của nền Tân nhạc với số lượng sáng tác đồ sộ và đa dạng về thể loại, trong đó có những bài đã trở nên rất quen thuộc với người Việt. Ngoài sáng tác, Phạm Duy còn có nhiều công trình khảo cứu về âm nhạc Việt Nam có giá trị. Ông cũng từng giữ chức giáo sư nhạc ngữ tại trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Mặc dù vậy, các quan điểm nhìn nhận về Phạm Duy còn gây nhiều tranh cãi.
Khởi sự đời nhạc trong gánh hát Đức Huy với vai trò ca sĩ hát lưu động. Từng tham gia Kháng chiến chống Pháp một thời gian trước khi vào miền Nam để tiếp tục tự do hoạt động âm nhạc. Phạm Duy là một tên tuổi lớn và đầy ảnh hưởng tại miền Nam Việt Nam với những hoạt động tích cực giành cho cả âm nhạc lẫn chính trị, cho đến sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, khi ông vượt biên sang Hoa Kỳ.
Năm 2005, ông về Việt Nam định cư và một số ca khúc của ông mới bắt đầu được cho phép phổ biến. Tính cho đến nay, có hơn 50 ca khúc trong số hàng nghìn sáng tác của Phạm Duy được cấp phép.
Nhạc sĩ Phạm Duy xuất thân từ một gia đình văn nghiệp. Cha là Phạm Duy Tốn thường được xem như nhà văn xã hội đầu tiên của nền Văn học Mới hồi đầu thế kỷ 20. Anh là Phạm Duy Khiêm, giáo sư thạc sĩ, cựu Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Pháp, văn sĩ Pháp văn, tác giả những cuốn Légendes des terres sereines, Nam et Sylvie, De Hanoi à Lacourtine.
Sinh ngày 5 tháng 10 năm 1921 (5 tháng 9 năm Tân Dậu) tại phố Hàng Cót, Hà Nội. Phạm Duy học vỡ lòng tại trường Hàng Thùng, học tiểu học tại trường Hàng Vôi, học không được giỏi và thường bị phạt. Đến khi 13 tuổi (1934) vào được lớp nhất, ông học giỏi lên dần, thành một trong những học sinh ưu tú của lớp, nhất là môn đọc thơ tiếng Pháp.
Năm 1936, vào học ở trường Thăng Long, một trọng điểm trong thời kỳ kháng chiến. Thầy dạy ông có Võ Nguyên Giáp, còn trong đám bạn cùng lớp có nhà thơ Quang Dũng.
 Năm 1940, nghe lời bè bạn, ông thi vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương, học thầy Tô Ngọc Vân, chung lớp với Bùi Xuân Phái, Võ Lăng... nhưng ông không có năng khiếu nhiều và không ham vẽ cho lắm. Thời kỳ này ông ca hát nhiều hơn là vẽ tranh.
 Năm 1942 ông có sáng tác đầu tay "Cô hái mơ".
 Năm 1944, ông thành ca sĩ hát tân nhạc trong gánh hát cải lương Đức Huy – Charlot Miều. Gánh hát này đưa ông đi rất nhiều miền trên đất nước, từ Bắc chí Nam, khiến ông mở mang tầm mắt, ngoài ra tự nhiên cũng trở thành một trong những nhân tố quan trọng trong việc phổ biến tân nhạc đến các vùng. Thời kỳ hát rong, Phạm Duy được gặp gỡ nhiều tên tuổi lớn như thi sĩ Lưu Trọng Lư, nhạc sĩ Lê Thương, Lê Xuân Ái, Văn Đông... và nhất là nhạc sĩ Văn Cao, người sau này trở thành bạn thân thiết.
Sau đó ông khởi sự con đường âm nhạc của mình với việc trở thành ca sĩ trong gánh hát Đức Huy, đi diễn lưu động từ Bắc qua Trung vào Nam trong những năm 1943-1945. Ông là người đầu tiên hát nhạc cải cách trên đài Radio Indochine ở Sài Gòn vào năm 1944, mỗi tuần trình bày 2 lần.
 Năm 1945, xảy ra nạn đói, Phạm Duy rời nhà cũ đi lang thang nhiều nơi, sau đó ông theo kháng chiến. Trong thời Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, Phạm Duy trở thành cán bộ văn nghệ của Việt Minh và là một trong những nhạc sĩ thành công nhất lúc đó. Thời kỳ này, bên cạnh tài năng được khen ngợi, thì xu hướng lãng mạn của Phạm Duy bị cho là tiêu cực, nhiều bài hát của ông bắt đầu bị xét duyệt, cấm đoán. Sau do không chịu sự quản thúc ngặt nghèo, ông đã rời bỏ Việt Minh về thành[cần dẫn nguồn]. Từ đó tác phẩm của ông bị cấm phổ biến trong vùng kiểm soát của Việt Minh, cũng như ở miền Bắc sau 1954 và trên cả nước sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Năm 1949 ông lập gia đình với ca sĩ Thái Hằng.
Năm 1951, ông đem gia đình về Sài Gòn.
Năm 1953, ông qua Pháp học về âm nhạc, tại đây quen với giáo sư Trần Văn Khê. Về lại miền Nam, ông tiếp tục sáng tác và biểu diễn trong ban hợp ca Thăng Long. Nhạc Phạm Duy phổ biến rất rộng rãi ở miền Nam (mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng gọi là "bàng bạc khắp mọi nơi" thời bấy giờ). Thời gian này ông có những hoạt động trong ngành điện ảnh
Từ sau 30 tháng 4 năm 1975, ông và gia đình cư ngụ tại Thành phố Midway, Quận Cam, California.
Năm 1990, ông bắt đầu viết hồi ký, khi hoàn tất chia làm 4 cuốn.
Năm 1999, vợ ông là bà Thái Hằng qua đời, sự kiện này khiến ông bị cao huyết áp phải đi nằm bệnh viện một thời gian dài. Sau năm này, lần đầu về thăm quê hương sau 25 năm lưu lạc, ông gặp gỡ nhiều bạn cũ ở Việt Nam.
Tháng 5 năm 2005, ông trở về Việt Nam, sống cùng các con trai Duy Quang (ca sĩ), Duy Cường. Tháng 7 cùng năm, có 9 nhạc phẩm của ông được phép lưu hành ở Việt Nam; tháng 11, được phép lưu hành thêm 10 tác phẩm nữa. Tính đến nay (tháng 8 năm 2007) đã có hơn 40 tác phẩm của Phạm Duy được phổ biến tại Việt Nam, tính cả các đoản ca trong "Trường ca con đường cái quan".
Phạm Duy là người đầu tiên đem ca khúc Buồn tàn thu của Văn Cao đi khắp mọi miền đất nước. Ông từng có đóng góp vào những tác phẩm của Văn Cao, như cùng đặt lời, viết nhạc cho Bến xuân, Suối mơ. Hai người thường được biết đến như là một đôi bạn thân thiết, có một tình bạn kéo dài nửa thế kỷ, dù đi theo hai con đường đối lập nhau. Họ quen nhau tại Hải Phòng năm 1944. Trong hồi ký của mình, Phạm Duy tả về Văn Cao:
 "Thấp bé hơn tôi, khép kín hơn tôi, nhưng Văn Cao tài hoa hơn tôi nhiều. Chắc chắn là đứng đắn hơn tôi. Lúc mới gặp nhau, anh ta chưa dám mày-tao với tôi, nhưng tôi thì có cái tật thích nói văng mạng (và văng tục) từ lâu, kết cục, cu cậu cũng theo tôi mà xổ chữ nho. Nhưng Văn Cao bản tính lầm lỳ, ít nói, khi nói thì bàn tay gầy gò luôn luôn múa trước mặt người nghe. Anh ta thích hút thuốc lào từ khi còn trẻ, có lần say thuốc ngă vào tay tôi. Về sau, anh còn nghiện rượu rất nặng.
Hai người trở thành đôi bạn thân, thường giúp nhau sáng tác nhạc và ra vào những chốn ăn chơi, sau đó còn rủ nhau theo kháng chiến.
Đến năm 1949, Phạm Duy dinh tê về Nam còn Văn Cao ở lại với cách mạng. Bị cấm liên lạc từ đó đến 1987, khi Phạm Duy ở Hoa Kỳ, Văn Cao ở Việt Nam, họ mới liên lạc với nhau được bằng thư tay, qua một số người Việt kiều. Hai người vẫn xưng hô mày, tao như hồi xưa. Sau này vợ chồng Phạm Duy và vợ chồng Văn Cao còn được nghe giọng nói, xem cử chỉ của nhau bằng tin nhắn qua băng video do cô Nam Trân, một phóng viên truyền hình ở hải ngoại giúp đỡ
Năm 1995 Văn Cao mất, nhưng phải đến 2001 Phạm Duy mới viếng mộ được. Trong lần đầu trở lại quê hương, ông đă cầm một chai rượu rưới lên khắp mộ người bạn chí cốt  .
Năm 1942, khi còn đang hát cho gánh hát Đức Huy, Phạm Duy cho ra đời tác phẩm đầu tay Cô hái mơ, phổ nhạc cho bài thơ Cô hái mơ của Nguyễn Bính. Năm 1944 đến bài hùng ca Gươm tráng sĩ, là bài hát đầu tiên ông viết cả lời lẫn nhạc.
Thời kháng chiến Nam bộ (1945–1946) ông chơi thân với Văn Cao, ngoài việc cùng ra vào chốn ăn chơi, ông và Văn Cao còn giúp nhau trong phương diện sáng tác (chẳng hạn một số ca khúc của Văn Cao do ông đặt lời, như bài Bến Xuân). Những nhạc phẩm đầu tay của ông có nhiều hùng ca: Gươm tráng sĩ, Chinh phụ ca, Thu chiến trường, Chiến sĩ vô danh, Nợ xương máu... Bên cạnh đó còn có nhạc tình lãng mạn, trong đó có nhiều bài giúp ông trở nên nổi tiếng: Cây đàn bỏ quên, Khối tình Trương Chi, Tình kỹ nữ, Tiếng bước trên đường khuya...
Năm 1947, Phạm Duy bắt đầu sáng tác nhạc âm hưởng dân ca với mong muốn xâm nhập sâu vào chốn thôn quê hơn, từ đó cho ra đời nhiều bài mà ông gọi là "Dân ca mới", rất được đông đảo quần chúng yêu thích: Nhớ người thương binh (1947), Dặn dò, Ru con, Mùa đông chiến sĩ, Nhớ người ra đi, Người lính bên tê, Tiếng hát sông Lô, Nương chiều... Những bài này được ông sáng tác dựa trên 2 tiêu chí:
 Nét nhạc vẫn dùng âm giai ngũ cung cố hữu nhưng áp dụng nhạc thuật chuyển hệ làm cho giai điệu không nằm chết trong một ngũ cung nào đó như trong dân ca cổ mà chạy dài trên nhiều hệ thống ngũ cung khác nhau;
 Lời ca tuy nằm trong thể thơ lục bát, nhưng có nhiều khi được biến thể, do đó tiết điệu cũng theo âm tiết của lời ca mà trở nên phong phú hơn
Từ năm 1948, bên cạnh những bài có sắc thái tươi vui như: Gánh lúa, Đường ra biên ải... Ông có sáng tác thêm một thể loại mới: nói về sự đau khổ của những người sống trong chiến tranh. Những bài như: Bao giờ anh lấy được đồn tây (sau đổi thành Quê nghèo), Bà mẹ Gio Linh, Về miền Trung, Mười hai lời ru... đều có hình ảnh làng quê và người dân quê nghèo khổ.
Những bài hát này tuy được quần chúng yêu thích và phổ biến rất rộng rãi, nhưng do nói về sự bi, sự khổ mà Phạm Duy bắt đầu bị sự chỉ trích của cấp trên thời kháng chiến, ông bèn về miền Nam để tự do sáng tác. Năm 1952, bài Tình hoài hương ra đời, khởi xướng cho xu hướng sáng tác "Tình ca quê hương", sau đó là Tình ca; hai bài này được yêu thích từ Nam ra Bắc và nằm trong những tác phẩm tiêu biểu nhất nói về quê hương, với những câu như: "Quê hương tôi có con đê dài ngây ngất, lúc tan chợ chiều xa tắp, bóng nâu trên đường bước dồn, lửa bếp nồng, vòm tre non làn khói ấm hương thôn" (trong Tình hoài hương), "Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi, mẹ hiền ru những câu xa vời, à à ơi! tiếng ru muôn đời" (trong Tình ca).
Tiếp đó ông trở về thể loại dân ca mới với những bài Đố ai, Nụ tầm xuân, Ngày trở về, Người về, Tình nghèo... Bên cạnh đó là Thuyền viễn xứ, Viễn du nói về sự chia lìa quê hương. Bài Hẹn hò nói về sự ngăn chia đôi lứa, ông dùng nhạc ngũ cung giọng Huế. Ngoài ra còn có: Xuân ca, Dạ lai hương, Xuân thì... Năm 1954, ông chuyển từ nhạc tình ca quê hương sang tự tình dân tộc, soạn ra Bà mẹ quê, Em bé quê, Vợ chồng quê, trong đó có Em bé quê với những câu đầu lấy trong sách giáo khoa Quốc Văn, được trẻ con thuộc như bài đồng dao. 
Sau khi sang Pháp du học âm nhạc, ông sáng tác thêm được nhiều bài giá trị, ban đầu vẫn là "Dân ca mới", lại có thêm nhiều tác phẩm ca ngợi tình yêu đôi lứa mà phổ biến nhất phải kể đến "Đừng xa nhau", "Ngày đó chúng mình", "Tìm nhau"...
Lúc này ông sáng tác tự do theo nhiều chủ đề, những bài hát như nói về tâm tưởng '"Chiều về trên sông", "Một bàn tay", "Tạ ơn đời", "Đường chiều lá rụng", "Nước mắt rơi"... được Thái Thanh, Kim Tước, Quỳnh Giao thể hiện thành công; nhất là ca sĩ Thái Thanh, em của Thái Hằng, tên tuổi của bà đã gắn liền với những tác phẩm "Dân ca mới" và nhạc tình của Phạm Duy.
Năm 1973, lúc Phong trào Nhạc trẻ lên cao, ông cùng với ca sĩ Thanh Lan và nhạc sĩ Ngọc Chánh đi dự Đại hội âm nhạc Quốc tế tại Tokyo, Nhật. Bản Tuổi biết buồn của ông được lọt vào vòng chung kết.
Tại Hoa kỳ, thời gian đầu ông sáng tác một số ca khúc nói lên nỗi buồn tha hương, cũng như đả phá chế độ tại Việt Nam, những bản nhạc đó được phổ biến trong băng nhạc Phượng Nga. Nhưng sau này ông sáng tác những bài tình ca trở lại. Đáng kể nhất trong thời gian ở hải ngoại là bộ Minh họa Kiều (phổ nhạc truyện Kiều), Trường ca Hàn Mặc Tử, Hương Ca
Sau nhiều lần về thăm quê hương, Phạm Duy chính thức trở về định cư tại Việt Nam ngày 17 tháng 5 năm 2005, với sự cho phép của chính phủ Việt Nam. Sự kiện này được truyền thông trong nước lẫn hải ngoại quan tâm đặc biệt. Báo chí Việt Nam nhận xét đó là "nhịp cầu nối quê hương với người Việt xa xứ", "niềm vui thống nhất lòng người", còn Phạm Duy nói cuộc trở về này là "lá rụng về cội". Bên cạnh đó, sự kiện này còn gặp phải sự phản đối của người Việt hải ngoại, vì họ cho rằng ông đã về phe cộng sản.
 Công ty Phương Nam cũng nhân dịp này, đã đứng ra mua bản quyền toàn bộ nhạc phẩm của Phạm Duy trong vòng 10 năm với giá hơn 400 nghìn đôla .
 Năm 2006, Phạm Duy tổ chức đêm nhạc mang tên "Ngày trở về" tại nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh, đêm nhạc tổ chức quy mô hoành tráng, được công chúng đón nhận nhiệt liệt. Một số nhân vật đã phản đối sự đón nhận này, trong đó có nhà báo Nguyễn Lưu với bài "Không thể tung hô" đăng trên báo Đầu tư. Tuy nhiên bài viết của Nguyễn Lưu vấp phải sự phản đối của nhiều độc giả, bị cho là mắc nhiều "sai lầm ngây ngô", và những "lỗ hổng kiến thức chết người". Công ty Phương Nam cũng phản hồi bài viết này bằng một bài báo, trong đó nội dung phần lớn để cải chính những kiến thức sai lầm trong bài của Nguyễn Lưu. Sau đó báo Đầu tư đã thông báo chấm dứt tranh luận về vấn đề này.
Nhiều đêm nhạc Phạm Duy khác với quy mô lớn tiếp tục diễn ra: Con đường tình ta đi, Ngày trở về tại nhiều tỉnh miền Trung, những đêm giới thiệu Minh họa Kiều tại miền Bắc.. Tháng 3 năm 2009, đêm "Ngày trở về" đã tổ chức thành công ở nhà hát lớn, Hà Nội, nơi ông sinh ra, "Xong buổi diễn, tôi mới thực sự là người về hưu" - ông phát biểu . Ngày 18 tháng 8 năm 2011 ban liên lạc họ Phạm tại Tp Hồ Chí Minh và công ty TNHH họ Phạm Phương Nam tổ chức đêm nhạc Họ Phạm với chủ đề: "Mọi trái tim - một tấm lòng" cũng mời ông và nhạc sĩ Phạm Tuyên đến dự.
Ông qua đời tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 27 tháng 1 năm 2013, một tháng sau cái chết của con ông là ca sĩ Duy Quang.

Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

NGÓ SÔNG VÀ NÚI - HOÀNG LỘC


ngó sông và núi
từ em bỏ bóng theo hình
cùng nhân gian lạc chữ tình đã lâu
khi ta cúi xuống chân cầu
thấy ai ở đáy sông sâu rất buồn

lục bình và củi ven sông
khô trên mưa nắng mấy tầng thời gian

em đi trăng khuyết không tàn
mà ta cứ một đầu non ngó về

1-2013

Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013

VIẾT CHO TUỔI NĂM MƯƠI - VÔ BIÊN



VIẾT CHO TUỔI NĂM MƯƠI

Khi con chữ đổ xuống
Thời gian xê dịch dần
Đi qua bờ mê lộ
Bốn mươi chín mùa xuân

Bốn mươi chín mùa xuân
Ôm trần gian chật ních
Chật hẹp cả cỏi lòng
Chật kín những nổi buồn

Ta dặm dài bước tới
Long nhẫn nại vô bờ
Đi qua bờ mê lộ
Hay đi qua cơn mơ

Ai níu bàn tay nhỏ
Để mở rộng chân trời
Nhặt nhạnh gì phía đó
Nghìn trùng ốc đảo tôi

Hôm qua tuổi năm mươi
Ta thẩn thờ soi mặt
Thấy mình còn yên ắng
Tạ trái đất vòng xoay

Đi và đến từng ngày
Yêu và mù muôn lối
Năm mươi còn vụng dại
Xin gửi hết cho người.

        Viết sáng 21/1/2013
                     VB

Thứ Tư, 23 tháng 1, 2013

THƠ TÌNH CUỐI NĂM - HỒ NGẠC NHỮ



THƠ TÌNH CUỐI NĂM

¤ Tặng TH

                                                        Cái lạnh ngoài trời mùa gió bấc
                                                      Không lạnh bằng nỗi nhớ trong tim 
                                                        Cuối năm, biết bao điều được mất
                                                            Sẽ rất buồn, nếu phải xa em

Xa vóc dáng dịu dàng thân thuộc
Tiếng cười trong, đôi mắt láy đen
Không dám khóc những khi hờn dỗi
Sợ người ta chê quá yếu mềm

Xa giọng nói ru dòng suối mát
Trong vườn đời rộn rã tiếng chim
Đôi khi anh muốn làm bờ trúc
Giữa trưa nồng ngủ giấc bình yên

Anh không thể, em ơi, không thích
Xa một người yêu dấu thân quen
Khi trái tim chia niềm cô độc
Trên trần gian đã có chúng mình

Hồ Ngạc Ngữ

Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

HANG ĐỘNG - NGUYỄN NGỌC TƯ

Hang động

Tản văn
Nguyễn Ngọc Tư

Nhìn vào bản vẽ nhà con gái trải ra trên đất, má hỏi vậy rồi cái chỗ dành cho khách ngủ nó nằm ở đâu. Em chưng hửng nói làm gì có. Má cũng chưng hửng hỏi gì kỳ vậy?
Nhà má, cũng là bản sao của nhà ngoại, không rộng rãi nhưng luôn kê thừa ra bộ ván ngựa, bộ vạc cau, hay chiếc giường thước sáu dành cho bà con tới chơi ngủ lại. Quan trọng ngang bằng tủ ly là tủ gối, những bộ mền gối nằm không phải là mới tinh, nhưng sạch sẽ. Thỉnh thoảng, lựa ngày được nắng, má lại mang chúng ra phơi phóng cho thơm, hờ khi họ hàng ghé qua không phải trằn trọc vì mùi ẩm mốc. Ở trong tâm thế đón khách tới chơi bất tử, nên nhà má luôn sạch, trên bàn đặt sẵn bình thủy nước sôi với bộ ấm trà. Cũng giống như những ngôi nhà trong xóm, luôn có bộ vạc nhỏ đặt ở hàng ba, khạp nước mưa nhỏ cho khách bộ hành lỡ buổi. Hàng rào thấp, ơ hờ như chẳng có, trang trí cho vui chớ không phải để ngăn cách. Cửa mở phơi lòng. Ở cái xóm nhỏ vàm sông đó, nồi chè khoai môn và tiếng gà gáy đều chan đến ít nhất năm nóc gia.
Một ngôi nhà luôn phơi bày nết ở của chủ nhân nó.
Làm việc ngay trên bản vẽ, em đưa ra những yêu cầu giống như cho việc xây một cái hang hơn là cái nhà : kín, chắc, không ai ảnh hưởng tới ai. Rào nhà em cao, cắm trên đầu rào những thanh sắt nhọn như ngọn giáo. Nhà bên xóm còn giắt miểng chai bia lên, quắc lạnh trong nắng, nhìn rợn thay cho bọn trộm. Tường dày hai lớp gạch, để mọi tiếng động bên xóm được đẩy ra xa, và cây trồng nghiêng ngã về sân nhà, bảo đảm không cái lá nào rơi lạc qua sân khác. Nhà mình là một cái hang, em nghĩ vậy, khi ngắm nghía tổ ấm sắp thành hình.
Em sẽ cố thủ ở đây, tận hưởng sự riêng tư, không mặc gì trên người hoặc hát vống lên mà chẳng ngượng ngùng chi hết. Cơm khét chỉ mình ta biết, khà khà. Nghe người ta kể từng có thời kỳ cả nước hát chung bài hát, mặc chung sắc áo, và cùng ăn những món như nhau. Họ bị triệt tiêu những ý nghĩ khác lạ, những hành động không giống như bất cứ đám đông nào. “Quên chính mình, quên mình muốn gì đi, rồi thì sống ngon lành”, bí quyết của những người từng trải qua mùa đồng phục, khi em tò mò đi hỏi. Hóa ra chỉ ngắn gọn vậy, khi mô tả một nỗi đau bản thân bị đánh mất.
Nên em trân trọng cái đời sống mà em nghĩ là khá dễ chịu, nhiều lựa chọn này. Thiếu niên thoải mái nhuộm tóc xanh mặc quần đáy thòng đến gối lắc lư điên dại theo một bài nhạc ngoại. Nhà báo thoải mái xăm trái tim đẫm lệ lên tay. Hai thằng con trai thoải mái hôn nhau giữa chỗ đông người. Chương trình thời sự trên đài truyền hình quốc gia thoải mái chen quảng cáo thuốc nam khoa một người khỏe hai người vui, mặt mày thỏa mãn. Và em, được một mình, tùy ý. Nhà chức trách căng thẳng vì người ta tụ tập, hoàn toàn chẳng bận tâm kẻ một mình. Em xài đã đời cái quyền được một mình đó. Dĩ nhiên khi khả năng này thuần thục, sắc sảo thì cũng có nghĩa vài khả năng khác trong em bị cùn lụt đi.
Có lần đọc nửa cuốn Những bức thư đầm ấm của hai ông Nguyễn Hiến Lê và Quách Tấn, em cùng người bạn hào hứng rủ nhau tụi mình sẽ viết thư giống mấy ông già kia. Kể nhau nghe cái gió chuyển mùa, bài hát sướt mướt vừa nghe được chiều nay, một cuốn sách hay tìm thấy được trong gánh ve chai, hay rên rỉ về một buồn quéo râu ria, vô cớ đến chiếm đoạt từng tế bào và không đưa ra lời hứa hẹn nào rằng sẽ ra đi sớm. “Quan trọng là hai chục năm sau khi đọc lại, tụi ta sẽ biết mình đã từng điên như thế nào…”, em hăng hái bảo vậy. Lịch sử rốt cuộc đã không được ghi lại, vì vụ tâm tình thương mến thương ấy đã xếp xó chỉ sau chục cái thư điện tử. Sự hào hứng ban đầu rơi xuống vực, xác nằm cạnh những mảnh vụn hào hứng kinh điển khác của thiên hạ như lên sàn chứng khoán, bán hàng đa cấp, lấy chồng Nam Hàn…
Những cái thư trắng sáng và phẳng phiu, không một vết ố nào trên giấy bởi nước mưa, không mang nỗi lo lắng bị thất lạc bởi anh nhân viên bưu điện làm rơi ở dọc đường, không sợ chữ xấu gà bươi vừa đọc vừa đoán… nhưng sự tiện nghi chẳng có giá trị gì, khi người ta không sẵn sàng chia sẻ. Một đứa trẻ tập tành cô độc khi nó bị đứt tay mà không khóc thét lên cho người lớn giúp. Nó tự mút máu, liếm láp vết thương. Nói ra nhiều khi rắc rối thêm, người lớn sẽ hỏi tại sao con chơi dao, má đã dặn rồi, đáng đời… Lớn lên một chút, thành thiếu nữ, những bí mật của một cơ thể biến đổi từng ngày, và những mối tình thầm, những giấc mơ u uẩn… nó càng thích riêng tư hơn. Một mình trở thành thứ gì đó gần như bản chất.
Hoặc là, những vui buồn bây giờ cứ vụn như bụi, khó mà kể thành chữ, thành lời. Nên những ý tưởng xuất hiện trong đầu như đi làm thiện nguyện xây cầu nông thôn hay tổ chức một buổi họp lớp, lên mạng lập nhóm đi Angkor… vừa nhen lên đã tắt ngúm.
Lần kết nối thất bại gần nhất của em là rủ bà bạn vong niên đi bụi. Ngay từ đầu đã xuất hiện một điềm báo xấu : bà bạn đi lạc trong bến xe. Em đi quá nhanh, lên xe ngồi chễm chệ và bạn rớt lại. Lúc chờ xe thì em bỏ rơi bà bằng cuốn Mười hai truyện phiêu dạt của ông Gabrien Gacxia Macket. Xe chạy, em lại tiếp tục để lạc bạn đường bởi thích day mặt ra ngoài ngắm cảnh. Thậm chí em còn làm một bài thơ về cái bóng chính mình bên ngoài tấm kiếng xe, sau đó sực tỉnh, bối rối tìm chuyện gì để nói với bà bạn đang xo ro bên cạnh.
Em áy náy với người bạn đường, nhưng em không sợ cái sự đứt rời không cứu vãn đó. Thật ra thì em từng sợ, từng kêu gào ôi tôi cô đơn quá. Cái tuổi hai mươi người ta hay kêu gào. Nhưng giờ thì em thấy bình thường. Bình thường khi nghĩ rằng được một mình là quà tặng của trời. Bình thường như cái cảm giác cô độc giữa chỗ đông người. Bình thường như ngán sợ nói chuyện điện thoại. Bình thường như việc từ chối đến chơi nhà bạn, “muốn gì thì gặp ngoài quán…”. Và rất bình thường nếu như căn nhà em không có chỗ nào dành cho khách. Chương trình thế giới động vật nói rằng, cọp cũng không thích bọn nào lân la đến hang ổ nó.
Chỉ má thấy không bình thường, và bà gởi ra cho em một bộ mùng mền chiếu gối, nhắn rằng “Bỏ vô tủ áo, hờ khi có khách…”. Lúc nhờ thợ khoan vào vách hang của mình mấy cái khoen nhôm để treo mùng, em thản nhiên nghĩ chẳng bao giờ mình phải dùng tới nó đâu, cứ làm cho có vậy, cho má yên lòng.
Trong cái hang trống trải của mình, thỉnh thoảng em nghĩ về những ngôi nhà khác. Nhà của ông già Bến Tre hiu quạnh. Nhà ông bạn Cần Thơ tĩnh lặng. Nhà ông già An Giang nhàu nhĩ, thiếu sức sống. Nhà của ông già Sài Gòn đẹp mà bồn chồn. Họ đều một mình, và không biết, có cảm thấy ngôi nhà là một cái hang ? Sự cô độc này đều được người ta tự chọn lấy, nhấm nháp như một tách trà đặc. Cho đến khi cái thứ nước chát đắng có hậu ngòn ngọt ấy thay cho máu, chảy trong người, ngập tràn tim. Chắc là lúc đó em vẫn thấy bình thường. Cũng hơi đáng sợ ở chỗ quá sức “bình thường” đó.
Chỉ thấy lạ, là đôi lúc em nghe thèm một tiếng người…

Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013

TẠ TỪ - LÊ NGỌC THUẬN



Vương phi lặng tiếng im hơi
Mặc ta cô thế giữa đời đơn thân
Chừ thơ héo chữ khô vần
Sao ta vẫn cứ lần đân yêu người

Thối lui khỏi chốn thị phi
Nợ nần ân oán còn gì trong ta
Cứ coi như đã xuất gia
Chân chay – tay tịnh – ruột rà trống không

Ta tự phong ta – thiền sư
Kiết già lại thấy mình như thuở nào
Suốt đời sống đại tào lao
Bây giờ ngồi ngó hít vào thở ra

Trả say cho rượu ta về
Trả em cho cõi u mê xé lòng
Vay chùa chuông mõ bông lông
Bỏ người ôm bóng - có không thân này

Không còn người,không còn thơ
Tạ từ mọi chuyện trăng mờ sao lu
Cạo sạch lòng – ta đi tu
Thầy tu chắc hẳn không xu dính đời.

11.12

Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2013

CHÀO NĂM MỚI - HOÀNG LỘC

  chào năm mới

alt
chào em năm mới quê người
chim bay xuống đất và ngồi trước sân
thấy hồn tôi quá bâng khuâng
kêu lên mấy tiếng rồi không nói gì

nghe còn tháng chạp hôm kia
mà đây đã tháng giêng về hôm mai

chào em năm mới, đêm dài
tôi chong đèn viết đôi bài đèn chong
thấy tôi bóng nhỏ vô cùng
ở ngay trên vách chập chờn với tôi

đây là chỗ rất xa xôi
hỏi em, nghe được trăm lời cố hương
tôi đi khắp xứ cùng đường
tìm không ra cái bình thường thuở xưa

1-1-2013

Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2013

BẢN TÌNH CA KHI XA CÁCH - TỪ HOÀI TẤN

THƠ ĐẦU NĂM TỪ HOÀI TẤN
Bản tình ca khi xa cách
Gởi NT và Huế

Ai còn nhớ ánh mắt xanh trong
Chiều quyến luyến
Bữa rượu tiễn đưa người
Trong ngày lạnh mùa đông xứ sở
Người về hay người ra đi
Mây trắng còn bay trên trời xám
Như tình yêu ta
Cũng có khi nhuốm màu ảm đạm
Màu sắc của cuộc chia ly
Cũng có khi là dấu hiệu báo trước của niềm vui tái ngộ
Không hẹn về một điều gì chắc chắn ví dụ tình yêu chúng ta
Cũng có khi đó là cuộc sống

Ai còn nhớ chút hơi ấm ở bàn tay
Nụ cười trước ngõ
Dáng hình em cô gái nhỏ
Xinh như cây tường vi
Hoa nở mùa xuân nụ chào mừng anh đến
Tình sử như muôn đời
Mộng tràn lan giấc ngủ
Mơ về em khi vắng từng phút giây không gặp
Rộn rã lòng của buổi hẹn đầu tiên
Bao giờ cũng là buổi hẹn đầu tiên

Ai còn nhớ lời thì thầm ngọt ngào êm như gió
Trong những lần qua khoảng cách của không gian
Trong những lần qua đường dây nối lại
Em xa nhưng bước tình gần
Quanh tròn ngày tháng
Bên ta chưa hết mong chờ
Mở lời yêu đằm thắm

Ai còn nhớ con dốc mùa đông năm ấy ở cố đô
Em tìm ta trên gác vắng
Dĩ vãng đi qua ngoài cửa song thưa
Quên đi mùa Xuân năm ấy mẹ ta đã ra đi
Em mặc áo dài lụa màu đen buồn chia ngày tang khó
Trong tình em niềm yêu đời của lần sống lại
Cùng em cuộc sống tỏa hương
Cùng em ấm áp của tình nồng
Cùng em lại vui mùa xuân mới
Như chưa được một lần nào vui như thế

Ai còn nhớ như một lần được nhớ
Ngày ta yêu nhau như những người đã từng yêu nhau
Ngày ta yêu nhau như những người được yêu nhau
TỪ HOÀI TẤN
Sài Gòn 01/2013

Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013

BẢY MÀU MƯA HUẾ - PHƯƠNG XÍCH LÔ

BẢY MÀU MƯA HUẾ 
... Anh đưa em về cơn mưa đầu hạ
Mưa Ðỏ bên đường hay bóng phượng soi?
Tóc em ướt mềm như từng ngọn lá
Chiếc nón bài thơ em để mô rồi?

 

Anh đưa em về ngang qua cầu Mới
Mưa Ðen trên trời Mưa Tím dưới sông
Áo trắng em chừ như tranh lập thể
Ai đã tô lên những mảng Mưa Hồng

 

Anh đưa em về ngang qua Ðại Nội
Con đường tình yêu chạy dọc Hoàng thành
Những đám rêu xưa thình lình tỉnh giấc
Tắm hồn mình trong những giọt Mưa Xanh

 

Anh đưa về nhà xưa vườn cũ
Những đóa Mưa Vàng lấp lánh trên hoa
Chia tay trước nhà em vào với mạ
Riêng anh lang thang Mưa Trắng nhạt nhòa

N.V.P

Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

GIỚI THIỆU TÁC PHẪM

  DẤU CHÂN XA...MIỀN KÝ ỨC  CỦA NHÀ THƠ TRẦM MẶC

TIẾNG LÒNG XIN GỞI LẠI
                                   Chốn quê xa của những người xa quê luôn là góc thâm trầm trong ký ức, trong hoài niệm khôn nguôi, trong bất cứ lúc nào không bận bịu vì cuộc sống thì dù đang ở trong mùa nào Xuân Hạ Thu Đông Đều chìm vào hồi ức của vọng tưởng những hình ảnh rất gần gụi, rất thân thiết của riêng mình; con đường làng in lối mòn năm tháng ấu thơ chạy theo chân mẹ vào chốn chợ quê nghèo, cánh đồng ngát mùi rơm mới sau vụ gặt trơ gốc rạ nhặt từng cánh lúa rơi rớt, cơn mưa chiều thu đã làm nỗi buồn vời vợi  bên dòng sông sương khói thơm mùi hương thuở xuân thì. Rồi những ngôi trường, những thầy cô giáo của mỗi thời đi học chất ngất lòng ngưỡng mộ, không rời trong tâm tưởng đến những màu vôi cổng trường cũng là sắc màu quá khứ… Từ đó rung cảm đã tạo thành những đợt sóng phủ tràn tâm tưởng để trở thành chất liệu sống nẩy mầm thơ, Trầm Mặc đã bao năm tháng ấp ủ quá khứ của mình như vậy:

Chiều mưa viễn xứ, nhớ quê hương
Nhớ mưa Vĩ Dạ, nhớ chiều sương
Mây mù giăng kín, bên sông nước
Bến cũ, đêm mưa chắc sẽ buồn

                           Quê nhà của Trầm Mặc không có giới hạn trong hạn hẹp của riêng mình, chị đã gửi gắm lại cho thế hệ thứ hai biết cội nguồn từ  nơi mẹ cha đã phải xa ngái để dến vùng đất mới tạo dựng cuộc sống, tha thiết đến nao lòng:

Nhớ nghe con thuở khai thiên lập  địa
Ba mẹ cùng tạm biệt Vĩ Dạ  xưa
Quê hương thứ hai nuôi con khôn lớn
Có lẽ nào con quên được con ơi!
Huế - miền Đông suốt đời con ghi nhớ
Con sinh ra  nơi Cố Đô yêu dấu
Bước trưởng thành con lại có Bình Long

                           Nhìn lại nơi chốn được sinh ra, dậy một tình yêu sâu thắm chất ngất lãng mạn để rồi những câu thơ khơi nét riêng trong tâm hồn chị. Chị đau đáu nỗi đau xa quê, nhưng chị vẫn nhìn lạc quan với vùng đất mới, nơi mà chị hiểu rằng sẽ là chiếc nôi cho gia đình chị đã chọn lựa. Và sự chọn lựa thật sự mang lại cho tâm hồn chị được rất nhiều, chị có quá khứ và hiện tại đan quyện vào nhau, hổ tương cho tâm hồn thơ của chị thăng hoa:

Ta lặng đi với giọt nhớ mơ hồ
Chuông xa vọng trong buổi chiều cô tịch

                           Những tháng năm trải biết bao điều trăn trở để vượt qua, chọn cho mình một con đường không phải  được rải hoa để bước đi cùng cuộc sống, bụi phấn  đã cùng chi trôi theo nhiều năm tháng, để lúc dừng lại mới nói được về một nơi chốn đã hằn sâu trong nỗi nhớ không dứt rời, tâm hồn chị là mang nhiều niềm đau không bộc lộ, chi đã tự vỗ về mình bằng ngôn ngữ thơ để lòng nhẹ bớt niềm riêng. Chị đắm mình trong  thiên nhiên để được nghe cô đơn mình lang tỏa với  bạt ngàn rừng nối rừng suốt dãy biên giới miền Đông :

Chiều nay phố núi, lại mưa ngâu
Mắt ướt, mưa chi mãi giọt sầu
Gởi chút giọt mưa miền đất lạ
Về nơi phố cũ chợ Đông Ba

                            Thơ cho tâm hồn bay bỗng cùng thời gian ta có, Trầm Mặc được như vậy, chị đi vào thơ bằng một trải nghiệm rất đằm thắm của thời mỗi mùa hoa phượng rực trời với nắng hạ đất Thần Kinh. Những câu thơ nói lời vui buồn của thân phận, ghi  lai những phút giây trái tim thanh xuân rung động một nhịp tình, gõ cửa những ẩn khuất đời người. Thơ Trầm Mặc đã trải bày như vậy.
Huế cuối thu 2012.  
VIÊM TỊNH
DẤU CHÂN XA ...MIỀN KÝ ỨC
TRẦM MẶC
Nhà xuất bản HỘI NHÀ VĂN
2012

Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

EM, MÙA XUÂN - NGUYỄN MIÊN THẢO

Em,mùa xuân

Tôi đem nỗi buồn đi chôn
Cùng em băng qua cánh đồng sương mù

Buổi tối
Ngồi ngắm nhìn khuôn mặt em
Trốn tìm trong đôi mắt em
Đôi mắt tuyệt đẹp
Trốn tìm trong từng tiếng ho
Trốn tìm trong từng hơi thở
Hơi hám em

Hình như tôi đang hạnh phúc
Thực sự tôi đang hạnh phúc
Khi được yêu em
Bằng tất cả tôi
Đã bao ngày tôi trốn tìm trong nỗi nhớ

Em mỏng manh như tờ giấy quyến
Như lá lúa
Như ngọn gió đầu đông
Như hơi sương
Như em

Tôi tan vỡ trong em
Trong trẻo thánh kinh
Trong suốt hình hài
Trong veo nỗi buồn
Trong lành hơi thở

Tình yêu của em
Trước khi chúa sinh ra
Tồn tại từ muôn ngàn năm trước
Ở thành phố cổ kính
Cũng có từ ngàn năm trước
Được cùng em đi dưới cơn mưa
Giữa thành phố xanh xao
Những ngày tàn đông
Hạnh phúc

Tôi ngủ đông trong mắt em
Với một sợi tóc
Đông tàn

Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

LĂNG NGHIÊM - LÊ NGỌC THUẬN




LĂNG NGHIÊM

Khi không mà thành người xưa
Buông li bỏ ngựa  theo mưa về trời
Để chừ rượu lạnh bốc hơi
Đọng trong đáy cốc một thời tình đau

Khi không cắt ngoẻn mai sau
Để dòng sông chảy đẫm màu rưng rưng
Khi không điếu thuốc nửa chừng
Không còn khói tỏa bên rừng đa đoan

Ta chừ râu tóc tan hoang
Ngồi đay trơ cái mặt làng vô ưu

Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

GIẢI TRÍ CUỐI TUẦN : LỜI CHA DẶN CON

Đây là một lá thư riêng của Ông Tôn Vận Tuyền, viện trưởng viên Quốc Gia Hành Chánh, một chánh khách nổi tiếng, Trung Hoa Dân Quốc, Đài Loan gởi cho các con của ông lúc ông còn sống, bây giờ mới thấy lưu hành trên mạng internet, được nhiều phụ huynh đọc và cảm xúc sâu đậm.  

Các Con thân mến,
Viết những điêu căndặn nây, cha dựa trên 3 nguyên tắc nhu sau :
     1. Đời sống là vô thường, không ai biết trước mình sồng được bao lâu, có những việc cần  nếu được nói ra sớm để hiểu thì hay hơn.

     2. Cha là Cha của các con, nếu không nói ra thì chắc không ai nói rõ với các con những việc nầy đâu!

     3.Những điều căn dặn để ghi nhớ nầy là kết quả bao kinh nghiệm xương máu,thất bại đắng cay trong cuộc đời của chính bản thân mà Cha ghi nhận được, Nó sẽ giúp các con tránh  những nhầm lẫn hoang phí trên con đường trưởng thành của các con.

                                Dưới đây là những điêu nên ghi nhớ trong cuộc đời :

     1. Nếu có người đối xử với con không tốt,
đừng thèm để tâm cho mất thời giờ, trong cuộc đời nầy, không ai có bổn phận phải đôi xử tốt  với con cả, ngoại trừ cha và mẹ của các con. Nếu có người đối xử tốt với con, ngoài việc các con phải biết ơn, trân quý, các con cũng nên thận trọng một chút, vì người đời thường làm việc gì cũng có mục đích của nó, chớ có vội vàng cho là bạn tốt của mình ngay.

     2.Không có người nào mà không thể thay thế được cả; không có vật gì mà nhất thiết phải sở hữu ,bám chặt lấy nó. Nếu hiểu rõ được nguyên lý nầy, thi sau nầy trong cuộc đời, lỡ người bạn đời không còn muốn cùng đi tron cuộc đời, hay vì lý do gì con bị mất đi những gì trân quý nhất trong đời con, thí cũng nên hiểu; đó cũng không phải là chuyện trời sập.

     3. Đời người ngắn ngủi, nếu hôm nay ta để lãng phi thời gian, mai đây hiểu được thì thấy rằng quãng đời đó đã vĩnh viễn mất rồi!.  Cho nên, nếu ta càng biết trân quý sinh mạng của mình càng sớm, thí ta được tận hưởng cuộc đời mình càng nhiều hơn. Trông mong được sống trường thọ, chi bằng mình cứ tận hưởng cuộc đời mìmh ngay từ bây giờ.

     4.Trên đời nầy chẳng hề có chuyện yêu thương bất diệt. Aí tình chỉ qua là một cảm xúc nhất thời,cảm giác nầy, tuyệt đối sẽ theo thời gian, hoàn cảnh mà biến thiên, thay đổi. Nều người yêu bất diệt rời bõ con rồi, hãy chịu khó nhẫn nại một chút,
để thời gian dần dần trôi qua, để tâm tư mình từ từ lắng động, cái đau khổ cũng sẽ từ từ nhạt nhòa đi. Không nên cứ ôm áp cái ảo ảnh yêu thương mãi, cũng không nên quá bi luy vì thất tình.

     5.Tuy có nhiều người trên thê giới nầy thành công, nổi tiếng mà chẳng có học hành nhiều, có bằng cấp cao, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là; không cần học hành nhiều sẽ thành công. Kiến thức đạt được do việc học hành, giáo dục là vũ khi trong tay của mình. Ta có thể lập nên sự nghiệp với  bàn tay trắng, nhưng không thể trong tay không có tất sắt.   Nên nhớ kỹ điều nầy !

     6. Cha không yêu cầu các con phải phụng dưỡng cha trong nữa quãng đời còn lại của cha sau nầy, Ngược lại,cha cũng không thể bảo bọc nữa quãng đời sau nây của các con, lúc các con đã trưởng thành, độc lập, đó cũng là lúccha đã làm tròn thiên chừc của mình. Sau nầy các con có đi xe Bus công cộng hay đi Auto nhà, các con ăn soup vi cá hay ăn mi gói, đều là trách nhiệm của các con.

     7. Các con có thể yêu cầu mình phải giữ chữ TÍN, nhưng không thể bắt người khác phải giữ chữ TÍN với mình, Các con có thể yêu cầu mình phải đối sử TỐT với người khác, nhưng không thể kỳ vọng người khác phải đối sử tốt với mình. Mình đôi xử người ta thế nào, không cò nghiã là nguời ta sẽ đối xử lại mình như thê ấy, nếu không hiểu rõ được điều nầy, sẽ tự chuốc lấy buồn phiền cho mình.

     8.Trong mười mấy, hai mươi năm nay, có người tuần nào cũng mua Vé số, nhưng vẫn  nghèo trắng tay, điều nầy chứng minh; muốn phát đạt, phải siêng năng làm ăn mới  khá được. Trên thế gian nầy không có cái gì miễn phí cả.

     9.Sum Hợp Gia đình, thân thích đều là duyên phận, bất luận trong kiếp nầy chúng ta sống chung với nhau được bao lâu ,như thế nào, nên trân qúy khoảng thời gian chúng ta được chung sống với nhau,  kiếp sau (nếu có), dù ta có thuơng hay không thương, cũng không có dịp gặp lại nhau đâu.


Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

CỐ QUẬN - VÔ BIÊN

Cố Quận
Cố Quận
Cố Quận
Nơi ta về nương náu
Nắng quái chiều xốn xang
Mưa se lòng hiu quạnh
Nơi ta về
Lắng mình trong tách cà phê đắng
Hơn nửa đời người đi qua
Ồn ào
Im lặng
Tìm chi
Ta tìm chi
Chiều nay ngổn ngang trăm con hạc giấy
Ta xếp giữa mùa xuân
Mai nhé!
Sẽ tặng anh, tặng em
Và thả cho ngày thơ mộng
Nắng vàng chiều xuân
Ai bên trời Cố Quận
Thăm thẳm
Đi - về…
                                                                                             
                                                       V.B