Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012

CAO HUY KHANH - VN HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2012 ( KỲ 114 )

NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

1.141 - Dương Quang Thiện
NHÀ TÀI TRỢ HỌC BỔNG “CHUYÊN NGHIỆP”
Kỹ sư về hưu sinh 1933 tại An Giang. Sống ở TPHCM (2012).
Du học Pháp tốt nghiệp kỹ sư tin học, là người VN đầu tiên được Hãng IBM ở Mỹ tuyển làm chuyên viên. Lấy vợ giáo viên Thụy Sĩ.
Bỗng nhiên năm 1965 quyết định từ bỏ công việc lương cao và sự nghiệp quốc tế để cùng vợ quay về Sài Gòn làm việc khi đất nước đang trong thời chiến tranh ngày càng dữ dội chỉ vì ý nguyện đơn giản: “Đất nước còn nghèo sẽ cần tôi hơn các nước đã phát triển”. Là một trong những người đầu tiên du nhập khoa học công nghệ thông tin vào miền Nam.

Sau 1975 về hưu quay qua viết sách truyền bá tin học với hơn 50 đầu sách đã xuất bản.

Ngoài ra từ năm 1989 cùng vợ trở thành đôi vợ chồng trong nước bảo trợ rất nhiều học bổng cho học sinh sinh viên nghèo toàn quốc thông qua báo Tuổi Trẻ, báo Sài Gòn Giải Phóng, ĐH An Giang ở quê nhà… Còn xây trường ở Sơn La, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau lẫn nhà cho giáo viên đời sống khó khăn tại Quảng Trị, Bình Định…
Tất cả theo chủ trương “lấy giáo dục nuôi giáo dục” với mục tiêu rõ ràng “Chúng tôi không làm từ thiện, chúng tôi đầu tư cho các em là đầu tư cho tương lai.”
Tất cả học bổng lấy từ tiền bán sách và trích lương hưu bà vợ Thụy Sĩ.

Bà hoàn toàn ủng hộ chồng, dần trở thành như một người phụ nũ VN thuần túy đi chợ nấu ăn toàn món VN. Bà mới qua đời tháng 5.2012 thọ 85 tuổi.

1.142 - David Pham
TIỂU THẦN BÀI MỸ “NGỌA HỔ TÀNG LONG”
Tay cờ bạc chuyên nghiệp Việt kiều Mỹ sinh 1967 tại miền Nam. Sống ở Mỹ (2012).

Năm 1984 lúc 17 tuổi vượt biên theo đường biển trên tàu chứa 145 người nhưng cuối cùng chỉ còn 45 người sống sót đến được Mỹ.
Ban đầu được người cậu Nguyễn Văn Mến đưa vào làm tiệm giặt ủi của ông, sau đó được ông vốn là một tay chơi cờ bạc chuyên nghiệp nổi tiếng ở Las Vegas truyền nghề đánh bài poker (gần giống bài xì phé ở VN).
Từ đó dần vươn lên hàng “sao” thần bài được bầu tay bài “chiến” nhất năm 2000 và 2007, năm 2008 xếp hạng 7 thế giới lẫn Châu Âu. Được phong biệt danh “Rồng”.
Đến năm 2009 đã gom tiền giải thắng độ lên tới hơn 8,1 triệu USD.

1.143 - Đặng Lương Mô
HAI LẦN HỒI HƯƠNG
Giáo sư tiến sĩ sinh 1936 tại Hải Phòng. Sống ở TPHCM (2012).
Di cư vào Nam 1954.
Năm 1957 được Nhật Bản cấp học bổng du học. Năm 1968 tốt nghiệp kỹ sư, thạc sĩ rồi tiến sĩ chuyên ngành điện tử vi mô ra làm việc cho Hãng Toshiba. Nhập quốc tịch Nhật (có tên Nhật).
Năm 1971 trở về Miền Nam dạy ĐH Khoa học.
Sau ngày Giải phóng do có quốc tịch Nhật nên được quay về Nhật dạy đại học ở Thủ đô Tokyo.
Trong thời gian này tập trung vào công tác nghiên cứu thực hiện hơn 300 công trình giá trị và nhận 13 bằng phát minh quốc tế.
Ngoài ra vẫn mang nỗi niềm nhớ quê nên từ năm 1989 vận động kiều bào ở Nhật đóng góp mua thiết bị khoa học gửi về tặng các trường đại học trong nước, giúp đỡ giảng viên trong nước ra nước ngoài tập huấn, đào tạo lại. Và còn dịch truyện thơ “Bích câu kỳ ngộ” ra tiếng Nhật.
Năm 1994 trở lại VN dự hội nghị bàn về cải cách giáo dục VN.
Năm 2002 quyết định hồi hương về định cư hẳn tại TPHCM, làm tư vấn và tham gia giảng dạy cho ĐH Bách khoa TPHCM.

Từ năm 2005 vận động Toshiba cấp học bổng cho sinh viên VN và bản thân cũng trích luơng hưu làm học bổng cho sinh viên nghèo gặp khó khăn.

1.144 - Francoise Demulder
TÁC GIẢ BỨC ẢNH NGHI ÁN LỊCH SỬ XE TĂNG HÚC ĐỔ CỔNG DINH ĐỘC LẬP
Phóng viên ảnh chiến trường người Pháp sinh 1947 tại Pháp – Mất 2008 ở Pháp (61 tuổi).
Đến Sài Gòn từ năm 1972 bám sát chiến trường Miền Nam chụp ảnh thời sự.
Ngày 30.4.1975 là nữ phóng viên ảnh duy nhất cả nước ngoài lẫn VN có mặt trước dinh Độc Lập chụp được bức ảnh lịch sử xe tăng 390 đầu tiên tiếp cận dinh Độc Lập húc đổ cổng chính tiến vào khuôn viên bên trong.
Tuy nhiên bức ảnh này chỉ được đăng một lần duy nhất trên báo Pháp, sau đó nằmtrong bộ sưu tập lưu trữ của tác giả. Trong khi đó bức ảnh tương tự được phổ biến trên báo đài trong nước là bức ảnh khác do một phóng viên bộ đội chụp xe tăng 843 đến sau tiến vào từ cổng phụ (trong ảnh mũi tên chỉ là tác giả đang chụp xe tăng 390, phía sau mới là xe tăng 843). Chính từ chiếc xe tăng thứ hai này mà chính ủy Bùi Quang Thận đã nhảy xuống chạy vào dinh Độc Lập bắt giữ toàn bộ nội các của Tổng thống Dương Văn Minh vừa tuyên bố đầu hàng.
Từ đó lịch sử ghi nhận chiến tích “đánh” dinh Độc Lập thuộc về xe tăng 843 của Bùi Quang Thận. Tổ bốn chiến sĩ xe tăng 390 dù biết chuyện cũng không có điều kiện đính chính, hơn nữa sau đó họ ra quân trở về đời sống thường dân nên cũng không quan tâm gì lắm!
Bản thân tác giả người Pháp cũng không hay biết sự nhầm lẫn này bởi sau đó còn bận tiếp tục làm nhiệm vụ phóng viên ảnh chiến trường tại Angola, Liban, Campuchia, El Salvador, Iran, Iraq, Palestine, Kuwait… Năm 1976 trở thành phóng viên ảnh nữ đầu tiên được tặng giải Anh thời sự xuất sắc nhất thế giới với tấm ảnh chụp cảnh nội chiến ở Liban.
Mãi đến năm 1994 một nhà ngoại giao VN đến Pháp tìm thăm bà mới phát hiện ra sự thật đòi hỏi phải xem lại nghi vấn này. Nhưng trong nước vẫn chưa giải quyết được vấn đề, gặp trở ngại một phần do “anh hùng” BQ Thận kể trên nay đã là… Tư lệnh binh chủng Tăng – Thiết giáp, còn nhà nhiếp ảnh bộ đội chụp bức ảnh thứ hai kia bây giờ lại là… Tổng Giám đốc Thông tấn xã VN!

Cho đến năm sau đích thân nhà báo nữ người Pháp qua VN dự lễ kỷ niệm 20 năm giải phóng Miền Nam đã yêu cầu làm rõ sự thật và đích thân bà còn về tận quê đi tìm gặp đủ bốn cựu chiến binh xe tăng 390 để xác minh lại. Từ đó Bộ Quốc phòng phải tổ chức cả một hội nghị để đi đến quyết định thống nhất trả lại vinh quang cho bức ảnh lịch sử xe tăng 390 của bà cũng là sửa lại một sự kiện lịch sử quan trọng.
Năm 2008 bà qua đười do bị sốc tim trong lúc đang điều trị bệnh ung thư. Được Chính phủ Pháp tôn vinh là “Nữ phóng viên chiến trường dũng cảm nhất nước Pháp.”

1.145 - Men Nguyen
“ĐẠI SƯ” THẦN BÀI MỸ
Tay cờ bạc chuyên nghiệp Việt kiều Mỹ tên cũ Nguyễn Văn Mến sinh 1954 tại Phan Thiết. Sống ở Mỹ (2012).
Năm 13 tuổi đã bỏ học đi làm lơ xe bus kiếm tiền giúp gia đình.
Năm 1978 vượt biên đường biển cùng 87 người đến Mỹ.
Năm 1984 lần đầu tiên đến Las Vegas làm quen với nghề đánh bài poker ăn tiền chuyên nghiệp. Ban đầu liên tục thua te tua tới mức bị gán cho biệt danh “Máy xay tiền”. Nhưng dần dà tay nghề ngày càng cứng, từ 1987 bắt đầu thắng nhiều giải có tiền để mở tiệm giặt ủi và cửa hàng bán đồ nội thất.
Thành tích thần bài trên đưa đến biệt danh “Đại sư” cờ bạc (The Master) năm 1991, được tuần báo Los Angeles đưa ảnh lên trang bìa.
Năm 1990 bán hết cả 2 tiệm để tập trung thì giờ, công sức vào… sòng bài!
Từ năm 2000-2004 đã đoạt hơn 75 giải. Được xếp Số 1 Thần bài Mỹ năm 1997, 2001,2004, 2005, dự hơn 120 vòng chung kết. Gần nhất năm 2010 thắng tổng cộng tiền 394.807 USD. Năm 2011 có tài sản trên 10,3 triệu USD từ tiền ăn bạc, xếp thứ nhì trong lịch sử poker Mỹ chỉ chịu đứng sau thần bài Mỹ chính hiệu P. Hellmut.
Từng bị tố là chơi gian lận song không có chứng cứ cụ thể.
Ngoài ra còn làm thầy dạy một số đệ tử ruột thành “tiểu” Thần bài kế tục sự nghiệp như 2 người cháu David Pham và Minh Nguyên.
Đã về nước làm công tác từ thiện tại quê nhà Phan Thiết, xây một nhà trẻ.

Và trong một lần như vậy vào năm 1990 gặp cưới một người đẹp cùng quê 19 tuổi đưa qua Mỹ. Cả hai hợp thành một “cặp đôi hoàn hảo” qua các chuyến đi đánh bài từ Las Vegas đến Monaco, Macau, Hong Kong.
Nhưng đến năm 2010 lại… chia tay nhau dù đã có 3 con gái, vợ còn kiện cáo đòi nhà trị giá 10 tỉ đồng ở Phan Thiết!

1.146 - Ngô Gia Hy
BẬC THẦY Y KHOA SỐNG THỌ NHẤT
Giáo sư bác sĩ sinh năm 1914 tại Bắc Ninh – Mất 2004 (91 tuổi).
Từng là học trò của cố bác sĩ Tôn Thất Tùng ở Miền Bắc trước 1954, chuyên về niệu khoa.
Sau khi di cư vào Nam là một trong 2 người biến một trại tạm cư dân Bắc di cư thành bệnh viện Bình Dân ngày nay. Nhiều năm làm hiệu trưởng ĐH Y Sài Gòn đến ngày Miền Nam sụp đổ.
Sau 30.4.175 vẫn ở lại tiếp tục làm công việc chuyên môn, dạy ĐH Y – Dược TPHCM, làm tổng biên tập tạp chí Thời sự Y - Dược học. Về hưu làm hiệu trưởng ĐH Dân lập Hùng Vương 1995-2000. Sống an nhiên tự tại luôn yêu đời lạc quan. Mê sưu tầm tem vào hàng cao thủ niên trưởng với gia tài hơn 180 tập tem. Yêu thích văn nghệ đàn ca xướng hát cùng bạn bè, học trò, cả làm thơ kiểu tự trào nữa như bài “Đố ai” sau đây:
“Là ông thầy thuốc, đố ai
Khoe khoang vỗ ngực không sai bao giờ?
Trừ phi dối bạn dối người
Dối luôn mình nữa, thôi rồi đức y!”

Sau khi mất, gia đình đã góp thư viện sách chuyên khoa của ông cùng học trò hình thành Thư viện Ngô Gia Hy gồm khoảng 4.000 sách y học đặt tại một bệnh viện ở TPHCM.

1.147 - Nguyễn Phú Đạt
MÓN NỢ KỶ VẬT VỚI KẺ THÙ
Đại tá bộ đội về hưu sinh 1929 tại Hà Nội. Sống ở Hà Nội (2012).
Sau thời gian chiến đấu ở miền Nam, do có trình độ ngoại ngữ nên được điều về Hà Nội làm Cục Địch vận tham gia chương trình phát thanh tiếng Anh trên Đài Tiếng nói VN hướng về đối tuợng lính Mỹ trên chiến trường Miền Nam.
Năm 1969 tiếp nhận một hồ sơ dùng làm tư liệu phát thanh gồm 2 tấm ảnh một lính Mỹ (thượng sĩ Steve Flaherty) và 3 lá thư của anh ta trong đó có một lá thư gửi mẹ ghi địa chỉ rõ ràng thuộc TP Columbia, bang South Carolina. Đây là tài liệu thu được ở chiến trường từ người lính này có lẽ đã tử trận.
Toàn bộ tài liệu sau khi được sử dụng cho chương trình phát thanh địch vận Mỹ đã được ông giữ lại như một kỷ niệm vì bản thân mình trước kia cũng có một bà mẹ đau đáu chờ tin con từ chiến trường: “Đọc lá thư gửi mẹ tôi thực sự xúc động vì lòng người mẹ ở bất kỳ nơi nào cũng giống nhau thôi.”
Sau ngày hòa bình khi VN – Mỹ tái lập bang giao, thông qua các cơ quan ngoại giao đã tìm cách liên hệ với phía Mỹ để trao lại các di vật trên cho bà mẹ Mỹ. Nhưng đáng buồn đến nay vẫn chưa tìm ra tông tích người nhận, gia đình hay thân nhân người lính Mỹ bất hạnh kia.

Từ đó dù nay đã quá bát tuần, lòng vẫn không nguôi mong mỏi trả được món nợ “tình nghĩa chiến tranh” này mới có thể yên tâm ra đi. Thỉnh thoảng đêm đêm mất ngủ vẫn ngồi dậy đi lục tìm món kỷ vật kia cất kỹ trong hộp có khóa đàng hoàng để đọc đi đọc lại không biết lần thứ mấy lá thư gửi mẹ của một người không quen từng là kẻ đối địch bên kia chiến tuyến.

1.148 - Nguyễn Xuân Nam
MỘT TRONG NHỮNG BÁC SĨ GIỎI NHẤT NƯỚC MỸ
Bác sĩ Việt kiều Mỹ sinh 1959 tại Nha Trang. Sống ở Mỹ (2012)
Xuất thân gia đình ngư dân nghèo, mẹ mất năm mới 4 tuổi để lại 8 con nheo nhóc (mình là con thứ hai). Nên học lớp 6 phải bỏ học đi phụ giúp cha ra biển đánh cá.
Có thời gian chiến tranh lan rộng cha bị trúng đạn nằm nhà thương khiến một mình phải lo cáng đáng mọi việc giúp mẹ kế nuôi cả nhà. Nhưng cũng không tránh khỏi tai ương mẹ kế và 2 em chết sớm do bệnh tật không tiền chạy chữa thuốc thang.
Năm 1978 nhờ làm nghề đi biển nên có điều kiện một mình vượt biên đến Philippines rồi được qua Mỹ.
Trên đất khách quê người lao đầu vào học vì biết chỉ có con đường này mới giúp mình đổi đời được. Vừa làm vừa học lần lượt tốt nghiệp trung học, cử nhân rồi xin vào ĐH Y quyết tâm thành bác sĩ do mối ám ảnh người thân bệnh chết oan vì không được chữa trị đúng cách.
Đến 1991 mới hoàn thành đủ văn bằng làm bác sĩ chuyên khoa nhi, làm trưởng Khoa Nhi ĐH Irvine ở California. Dần trở nên nổi tiếng được ĐH Harvard năm 2009 bầu chọn là một trong những bác sĩ giỏi nhất nước.
Lấy vợ cũng là bác sĩ đồng hương chuyên khoa gây mê,
Đã mấy lần được VN mời về dự hội nghị chuyên môn, thuyết giảng “truyền nghề” cho sinh viên.

1.149 - Phạm Biểu Tâm
BẬC THẦY LỚN CỦA BÁC SĨ MIỀN NAM
Giáo sư bác sĩ sinh 1913 tại Huế – Mất 1999 ở Mỹ (86 tuổi).
Thuộc dòng dõi quan lại triều Nguyễn. Ra Hà Nội học tốt nghiệp trường Y rồi đi du học Pháp 1948, ra trường về dạy ĐH Y Hà Nội. Là một trong những tráng sinh đầu tiên của Hướng đạo VN từ năm 1930.
Năm 1954 di cư vào Nam làm giám đốc bệnh viện Bình Dân rồi giữ chức hiệu trưởng đầu tiên ĐH Y Sài Gòn trong 12 năm. Từng bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giữ năm 1963 do có thái độ chống đối chế độ độc tài gia đình trị họ Ngô.
Sau ngày thống nhất đất nước vẫn ở lại làm việc chuyên môn như cũ. Nhận chức Phó Chủ tịch Hội Trí thức yêu nước TPHCM, tổ chức do chính quyền cộng sản lập ra nhằm thu hút số “trí thức tại chỗ” bắt đầu làm quen với Cách mạng.
Năm 1984 về hưu với sự nghiệp đào tạo hàng nghìn học trò bác sĩ sau này nhiều người thành danh như Trần Ngọc Ninh, Đào Đức Hoành. Bây giờ mới có thời gian rảnh để làm… cổ động viên bóng đá nhiệt tình!
Qua 1989 được xuất cảnh qua Mỹ chữa bệnh và đoàn tụ với con cái.
Năm 2000 học trò trong Hội Y sĩ VN tại Mỹ đặt ra Giải thưởng Y khoa Phạm Biểu Tâm.

1.150 - Phạm Thị Tâm
NỤ CƯỜI NGƯỜI TRONG ẢNH
Nông dân sinh 1948 tại Hà Nội. Sống ở Hà Nội (2012).
Năm 1967 em trai đi bộ đội lên đường vào chiến trường Miền Nam đã xin chị một tấm ảnh mang theo “cho đỡ cô đơn”. Tấm ảnh chụp chân dung cô gái quê 18 tuổi mang áo cánh đen miệng mỉm nụ cười e ấp với dòng chủ viết vội phía sau “Chị Tâm thương tặng em”.
Cậu em cẩn thận bọc tấm ảnh trong bao ny lông cất kín trong túi áo trên ngực rồi cất bước ra đi.
Ra đi… mãi mãi không về bởi chỉ 2 năm sau thì hung tin báo tin về em đã hy sinh trên trận địa không tìm được xác.
Người cha già không chịu được nỗi đau kéo dài cũng đi theo con trai với lời dặn con gái trước khi nhắm mắt là sau này ráng tìm hài cốt em đưa về “đừng để em ở nơi xa xôi mà lạnh lẽo”.
Thế là từ đó ở vậy không lấy chồng, đợi đến sau hòa bình tất tả ngược đường vào Nam đi tìm tin tức em tử trận ở đâu, thi thể nằm nơi đâu. Có khi sang cả Lào nơi đơn vị em từng chiến đấu.
Nhưng tất cả đều không kết quả, không dấu vết nào để lại sau quảng thời gian dài quá nhiều vật đổi sao dời. Đành thất thểu quay về quê ngày tiếp tục chăn bò, làm ruộng mà đêm thì mất ngủ nằm vắt tay lên trán thở vắn than dài nhớ em nhớ cha.
Tình cờ một ngày nọ đang chăn bò bên đường gặp một nữ trung tá bộ đội ở Miền Nam ra hỏi thăm đường bèn theo thói quen mỉm miệng cười chỉ đường. Không ngờ người nữ trung tá ấy nhìn sững vào nụ cười nói sao thấy… quen quá!
Đúng vậy, đó là nụ cười mà bà trung tá từng nhiều lần nhìn thấy trên một tấm ảnh bà đang… giữ trong túi xách, chính là nụ cười trên tấm ảnh mà ngày nào người chị gái đã tặng cho em trai vào chiến trường Miền Nam!

Thì ra bà trung tá (ở Viện Bảo tàng Quân khu 4) đang làm nhiệm vụ đi tìm hài cốt liệt sĩ trong một chuyến qua Lào đã tìm ra mộ người em bộ đội kia song trong giấy tờ kèm theo chỉ còn một tấm ảnh của người chị bọc trong bao ni lông còn nguyên vẹn. Từ bức ảnh đó và dòng chữ người em ghi thêm phía sau “T. thắng, GL, Hà Nội” mới đi dò tìm ra quê cũ là xã Toàn Thắng – Gia Lâm – Hà Nội.

Và vừa trên đường tới đây thì bắt gặp lại… nụ cười trong ảnh! Giống như có hồn người em linh thiêng đưa đường dẫn lối vậy.

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào: