Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012

CAO HUY KHANH - VN HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2012 ( KỲ 102 )




NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

1021 - Bùi Xuân Bào
ĐỌC THUỘC THÁNH KINH TRONG TRẠI CẢI TẠO
Giáo sư đại học sinh 1916 tại Huế – Mất 1991 ở Pháp (76 tuổi).

Học trung học trường Quốc Học ở Huế (mẹ dòng hoàng tộc). Rồi đi du học Pháp tốt nghiệp tiến sĩ văn chương Pháp, được xem là người VN viết văn Pháp hay nhất.

Về nước dạy đại học môn Pháp văn, từng 2 lần làm khoa trưởng ĐH Sư phạm Sài Gòn và ĐH Văn khoa Sài Gòn, có viết một số bài báo nghiên cứu văn học phương Tây.

Đã 2 lần làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Giáo dục tuy không quan tâm gì nhiều đến chính trị (được mời tham gia chính phủ vì có uy tín khoa bảng lớn trong nước).

Lần thứ hai nhận chức thứ trưởng được vài ngày trong chính phủ cuối cùng của VNCH thì giải phóng 1975. Vì vậy phải đi cải tạo ba năm (có 2 em ruột dạy học và sĩ quan VNCH đều chết trong chiến tranh).

Là anh cả trong gia đình nề nếp Nho giáo song chịu ảnh hưởng Công giáo từ nhỏ do đi dạy trường Công giáo ở Huế và lại có một người em ruột theo đạo Công giáo nhưng bản thân mình vẫn chưa chịu cải đạo. Đến năm 1947 khi người em trai đang làm hiệu trưởng một trường Công giáo ở Quảng Bình bị cộng sản bắt giam rồi thủ tiêu, quá thương nhớ em nên mới quyết định theo đạo từ đó để được “gần em và gặp em” trong cùng chung một niềm tin cứu rỗi, để “tiếp tục giương cao ngọn đuốc đức tin mà hình như em đã trao lại cho con”.

Ngoài ra còn một em gái cũng đi tu sau này nổi tiếng là Mẹ Mai Thành dòng Đức Bà (Couvent des Oiseaux) ở TPHCM hiện nay.

Vì thế trong trại cải tạo đã nghiền ngẫm đọc đi đọc lại trọn bộ cuốn Thánh kinh (giấu mang theo vào trại) hơn 30 lần để thấu suốt ý nghĩa giúp giữ vững đức tin trong bất cứ hoàn cảnh đày đọa gian khổ nào.

Có lẽ cũng nhờ đó mà năm 1978 ra trại được cho đi dạy tiếg Pháp ở ĐH Tổng hợp TPHCM vẫn giữ được cách sống hiền hòa thanh thản, chỉ biết tận tâm dạy học chứ không hề có chút gì thở than oán hận nhân sinh thế sự.

Năm 1982 mắc bệnh tim nặng nên được cho đi Pháp giải phẫu rồi ở lại luôn. Đến 1991 qua đời được kể lại là “trong cảnh cô đơn”.

Có điều trùng hợp lạ lùng là linh mục Pháp cử hành thánh lễ an táng trên đất Pháp cũng chính ông đã làm lễ rửa tội cho tín đồ này năm 1947 ở Huế.

1022 - Đinh Văn Đệ
VIỆT CỘNG NẰM VÙNG TRỞ THÀNH TRƯỞNG LÃO CAO ĐÀI
Chức sắc đạo Cao Đài sinh 1923 tại Tây Ninh. Sống ở Tây Ninh (2012).

Năm 1951 từ Tây Ninh lên Sài Gòn dạy học, sau đó bị bắt đi lính Pháp.

Sau 1954 gia nhập quân đội VNCH lên tới hàm trung tá rồi chuyển qua làm thị trưởng Đà Lạt kiêm tỉnh trưởng Tuyên Đức (Lâm Đồng ngày nay), tỉnh trưởng Bình Thuận.

Từ quân sự, hành chính nhảy qua làm chính trị ứng cử vào Hạ viện thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đắc cử giữ chức Phó Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng từng qua Mỹ làm việc với Tổng thống Mỹ G. Ford.

Đùng một cái sau 30.4.75 mới lộ diện là “nội gián” cộng sản (có 2 em ruột tập kết miền Bắc, một người em khác và một chú ruột hoạt động miền Nam)!

Do gốc đạo Cao Đài nên được phân công phụ trách lĩnh vực tôn giáo này. Trở thành một trưởng lão đạo Cao Đài pháp danh Thiên Vương Tinh. Về hưu viết sách “Nói chuyện Cao Đài” năm 2007.

1023 - Nguyễn Thị Dần
NỮ ANH HÙNG BẮN MÁY BAY MỸ VỀ NUÔI LỢN
Nông dân sinh 1950 tại Nghệ An. Sống ở Nghệ An (2011).

Năm 1967 mới 17 tuổi đã tình nguyện vào đội dân quân trực chiến phòng không bảo vệ bầu trời TP Vinh chống máy bay Mỹ đánh bom.

Trở thành xạ thủ số 1 nhận nhiệm vụ bắn khẩu 12 ly 7.

Tháng 4.1968 bị sức ép bom máy bay Mỹ thả xuống làm ngất xỉu trên trận địa. Nhưng vẫn kiên cường bám trụ đến tháng 7 bắn rơi một máy bay F4 của Mỹ. Là dân quân nữ xạ thủ súng phòng không hiếm hoi làm nên kỳ tích này nên được cho đi tham quan Liên Xô và trở thành niềm cảm hứng cho nhạc sĩ Nguyên Nhung làm ca khúc “Cô dân quân làng Đỏ”.

Sau chiến tranh trong 10 năm lần lượt làm cán bộ xã rồi chủ tịch xã. Năm 1967 được đưa đi học nghiệp vụ thì ở nhà chồng chết tai nạn để lại 4 con thơ. Học xong về lại không được bố trí công tác với lý do “không đáp ứng yêu cầu”.

Làm đơn kiện lên cấp trên nêu thành tích bắn rơi máy bay Mỹ thì bị cật vấn “bằng chứng đâu”?!

Đành chấp nhận về nhà nuôi lợn nuôi gà lo cho bầy con. Năm 1971 biết tin mình được tặng Huân chương Chiến công song cũng bị địa phương “ém” không trao. Thậm chí nửa chừng còn bị cắt mất suất trợ cấp thương binh 29% mà không nêu lý do gì hết!

1024 - Nguyễn Thị Sâm
“ĐỜI CÁT”
Nông dân sinh tại Quảng Bình. Sống ở Quảng Bình (2007).

Nguyên thành viên đội nữ pháo thủ Ngư Thủy nổi tiếng thời chống Mỹ, đội nữ pháo binh duy nhất miền Bắc thời đó. Lập nhiều chiến công nên từng được cử đi học khóa ngắn hạn tại trường sĩ quan pháo binh Sơn Tây năm 1972.

Sau ngày hòa bình, đội nữ pháo binh hoàn thành nhiệm vụ nên giải thể năm 1977.

Trở về làm thường dân không được hưởng chế độ trợ cấp nào trong khi trình độ học vấn không có, không nghề nghiệp chuyên môn nên chỉ còn biết bán mặt bán lưng cho trời trên đồng ruộng cày sâu cuốc bẫm kiếm miếng ăn thời hậu chiến quá khó quá khổ. Trong gần 90 đồng đội ngày nào nay chỉ còn khoảng 10 chị em tương đối sống được chủ yếu dựa vào chồng.

Còn mình lớn tuổi quá thì nên không chồng con lại mắc bệnh bại liệt toàn thân không tiền đi bệnh viện đành nằm chờ chết trong căn lều rách nát. Chỉ còn biết than thân trách phận: “Nghèo chi mà nghèo rứa. Đêm nằm cát vẫn còn theo lên giường”!

Giống như một nữ nhân vật cụt cả 2 chân nạn nhân chiến tranh ở Quảng Trị “thèm” một đứa con để nương tựa tuổi già trong bộ phim “Đời cát” đoạt giải lớn năm 1999 (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân). Quảng Trị cũng là xứ cát, còn nhà văn Nguyễn Quang Lập viết kịch bản chính gốc dân Quảng Bình.




1025 - Nguyễn Văn Sửu
HY SINH 41 NĂM CHƯA CÔNG NHẬN LIỆT SĨ
Bộ đội sinh 1950 tại Thái Bình – Mất 1968 ở Thừa Thiên – Huế (19 tuổi).

Là con út trong gia đình 7 anh chị em, lên 10 tuổi thì cha mẹ đều qua đời. Đến năm 1967 gia nhập bộ đội lên đường vào Nam chiến đấu.

Chỉ một năm sau gia đình nhận được tin báo tử từ đơn vị cho biết đã hy sinh, mai táng ở tỉnh Thừa Thiên lúc đó. Xã đã tổ chức lễ truy điệu đàng hoàng và năm 1985 Nhà nước đã truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng 3.

Nhưng có điều lạ là từ đó kéo dài hơn 40 năm tử sĩ này vẫn chưa được các cơ quan chức năng chính thức công nhận là liệt sĩ nên không được hưởng chế độ trợ cấp cho thân nhân.

Hai thế hệ thân nhân đã thay phiên nhau làm đơn khiếu nại đi khắp nơi đều không được giải quyết, trả lại đơn hoặc đùn đẩy qua cho cơ quan khác, từ địa phương đến Quân khu 3, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội…

Dần dần mới truy tìm ra lý do là giấy báo tử của đơn vị khi đó chỉ gửi thẳng về cho gia đình và chính quyền xã mà “quên” gửi cùng lúc cho chính quyền huyện và tỉnh nên tên anh không có trong danh sách lưu trữ của cơ quan cấp trên có thẩm quyền chứng thực liệt sĩ!

Biết là biết vậy nhưng đến năm 2009 liệt sĩ này vẫn chưa có tên “Tổ quốc ghi công” xứng đáng.

1026 - Nguyễn Văn Thọ
NHÀ VĂN HẢI NGOẠI KIỂU KHÁC
Nhà văn sinh tại Hà Nội. Sống ở Đức (2012).

Từng là bộ đội trên chiến trường miền Nam trực tiếp tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn.

Sau ngày hòa bình, xuất ngũ trở về Hà Nội làm công nhân, lấy vợ sinh con.

Vợ con đùm đìa, làm công nhân lương chết đói trong thời hậu chiến bao cấp không sống nổi nên đành chấp nhận xa gia đình đi xuất khẩu lao động qua Đông Đức.

Qua Đức tưởng có cơ hội “đổi đời” thì thực tế không đơn giản, vẫn phải làm lụng đầu tắt mặt tối mới dành dụm được chút ít gửi về nuôi vợ con.

Chẳng được bao lâu lại lâm vào tình thế bi đát khi bức tường Bá Linh sụp đổ, Đông Đức tan rã sáp nhập vào Tây Đức khiến bản thân để còn tồn tại phải đi làm công nhân vệ sinh… chùi nhà cầu! Trong lúc đó ở quê nhà cũng xảy ra những sự cố đau lòng làm tan nát gia đình, mất mát người thân, con cái mỗi đứa một nơi…

Bao nhiêu cảnh đời trớ trêu như thế cùng lúc đổ ập vào đẩy bản thân tới chỗ khủng hoảng sinh ra mặc cảm dồn nén, từ đó mới tự tìm cách giải tỏa bằng… viết văn từ năm 1979. Viết về những hoài niệm thời chiến tranh xen kẽ tâm sự dân Việt tha hương lắm nỗi buồn đau hờn tủi rút ra từ gan ruột hơn 20 năm lưu lạc trên đất Đức.

Thành quả là 3 tập truyện ngắn, 2 tập tùy bút và tạp văn, một cuốn tiểu thuyết thấm đẫm một phong cách thể hiện chất bi tráng dữ dội – kết tinh từ kinh nghiệm lăn lóc chiến trường - kể cả trong khung cảnh thời bình ở nước ngoài. Tất cả đều viết từ Đức đưa về in ở VN rồi lại được đích thân tác giả mang qua Đức đi… bán dạo! Có tác phẩm đã đoạt giả văn học trong nước.

Cũng từ đó trở thành một nhà văn hải ngoại thế hệ cũ hiếm hoi xuất phát từ phía bên này chiến tuyến khác hẳn đa số nhà văn hải ngoại từ miền Nam di tản và vượt biên qua Mỹ.

1027 Nguyễn Văn Tịnh
RA ĐI VÀ TRỞ VỀ VÌ MỘT LỜI THỀ
Nông dân sinh 1977 tại Quảng Trị. Sống ở Quảng Trị (2006).

Sinh ra từ vùng đất lửa tiền tuyến trong tranh (huyện Cam Lộ, Quảng Trị) trung bình cứ 2 gia đình có một đứa trẻ bị nhiễm CĐDC.

Gia đình mình có 4 anh em thì một đã mất sớm, 2 mắc chứng tâm thần cả ngày chỉ biết gào rú la hét. Chỉ riêng mình khá may mắn tạm xem bình thường chỉ có mái tóc chưa đến tuổi 19 đã bạc trắng hết!

Nhưng thời đó trong thôn xóm chưa ai nghe nói đến CĐDC là gì nên cứ đổ cho gia đình mình tội “làm chuyện thất đức” nên nay con cái mới ra nông nỗi này!

Không chịu nổi “tiếng ác” mà người ta vu cho, năm 1997 mới quyết tâm tìm đường đến xứ khác – Gia Lai - làm ăn cho đến ngày nào khấm khá rồi mới trở về để chứng minh cho mọi người thấy sự bất hạnh của gia đình không phải do “ác quả ác báo”.

Trên quê hương mới Tây Nguyên chí thú làm ăn lao động cực lực dần dà tự lực cánh sinh vươn lên trong cuộc sống. Rồi gặp và kết hôn với một cô gái đồng hương cũng lên đây lập nghiệp.

Khi sinh con đầu lòng năm 1999 lòng không khỏi lo âu sợ con cũng lãnh di chứng CĐDC như mình, may mà không sao con vẫn lớn lên lành mạnh. Đến đứa con trai thứ hai sinh năm 2003 cũng vậy.

Mừng rỡ không xiết chắc rằng đã xóa bỏ, đã vượt qua được “lời nguyền CĐDC” bấy giờ mới dám đưa vợ con về quê thăm cha mẹ. Thấy cảnh cha mẹ già còn phải chăm lo cho 2 đứa con điên khùng. Xót xa quá nên thuyết phục vợ đưa cả gia đình nhỏ của mình hồi cư – với chút ít gia sản dành dùm được – để sớm hôm thăm nom cha mẹ báo hiếu và giúp nuôi 2 đứa em bệnh tật.

Đồng thời cũng là cách thể hiện, giữ đúng lời thề năm xưa khi ra đi rằng sẽ trở về đàng hoàng chứng tỏ cho làng xóm biết rằng tai uơng của gia đình mình là từ hậu qủa chiến tranh chứ chẳng phải là bị trời hành trời phạt. Bằng chứng là bản thân mình vẫn sống và làm việc gây dựng cơ đồ từ 2 bàn tay trắng như ai. Bởi vậy mới đặt tên cho 2 con trai là Tây và Định nói lái là… “Tịnh đây!”

1028 - Nguyễn Văn Trại
CHẤP NHẬN CHẾT TRONG TÙ
Tù chính trị sinh 1937 tại VN – Mất 2011 ở Đồng Nai (74 tuổi).

Tham gia hoạt động chống chính quyền Cộng sản ở miền Nam sau 1975 nên bị bắt năm 1996 ra tòa lãnh án 15 năm tù giam ở Đồng Nai.

Năm 2010 phát hiện bị ung thư gan nhưng vẫn không được cứu xét cho giảm án (cộng thêm lớn tuổi) vì không đáp ứng 2 điều kiện là phải “nhận tội” và viết đơn xin ân xá.

Qua năm 2011 bệnh phát nặng nên được đưa ra bệnh viện Biên Hòa chữa trị cũng vô phương cứu vãn. Đành chuyển lại về trại thì qua đời trong khi chỉ còn 5 tháng nữa là mãn án.

Gia đình xin đem xác về nhà không được chấp thuận vì người chết vẫn còn trong thời gian thụ án!

1029 - Nguyễn Văn Tuấn
BAN NGÀY LÀM VIỆC CHO ÚC, BAN ĐÊM LÀM VIỆC CHO VN
Giáo sư đại học Việt kiều Uc sinh tại Rạch Giá. Sống ở Uc (2012).

Cha gốc Bình Định từng là vệ quốc quân chống Pháp đi Nam tiến chống Pháp rồi định cư luôn ở Kiên Giang. Lớn lên được cha mẹ cho lên Sài Gòn học.

Sau biến cố 30.4.75 theo xu hướng thiên tả cấp tiến nên có thời gian ngắn làm việc cho cơ quan chế độ mới nhưng sau đó sớm “vỡ mộng” khi ở dưới quê gia đình bị liệt vào hàng địa chủ bị tịch thu đất đai ruộng nương. Thấy khó sống nổi nên năm 1981 vượt biên qua Thái Lan rồi được Uc cho nhập cư năm 1982. Trước đó 2 năm người anh cả cũng vượt biên bị mất tích.

Trên xứ người vừa làm phụ bếp vừa học đại học y, tốt nghiệp tiến sĩ y khoa ngành dịch tễ học và di được mời dạy đại học. Bên cạnh đó mở rộng nghiên cứu qua nhiều lĩnh vực khác nữa trong đó có CĐDC Mỹ rải xuống VN thời chiến tranh.

Năm 1997 lần đầu tiên quay về quê hương thăm cha mẹ anh em. Qua đó tận mắt chứng kiến đất nước đang trên đường đổi mới cởi mở nên từ đó khi trở lại Uc đã liên tục có nhiều hoạt động giúp đỡ VN rất nhiệt tình trên lĩnh vực y học, giáo dục, khoa học qua nhiều bài viết đăng báo, in sách ở VN, tham gia hội nghị, hội thảo quốc tế tại VN hoặc về đề tài VN…

Năm 2004 đã in cuốn sách nghiên cứu khoa học đầu tiên về CĐDC in ở VN, Mỹ, Pháp...

Xem tất cả việc làm đó đơn giản như một nghĩa vụ của nhà khoa học trong tư cách một người con của quê hương – dù vượt biên! - không thể chối bỏ được: “Làm khoa học thì không có bên này hay bên kia, chỉ có sự thật mà thôi… Nhưng nói rằng làm việc cho phía VN thì có làm vì đó là quê hương tôi. Tôi rất quan tâm đến quê nhà như con thương cha mẹ mình một cách tự nhiên và đơn giản như hít thở khí trời vậy thôi… Cứ như thế, ban ngày làm việc cho Uc và thế giới, ban đêm làm việc cho VN…”

1030 Nguyễn Văn Tùng
“DŨNG SĨ DIỆT MỸ” CHỊU ÁN OAN 24 NĂM
Nông dân sinh 1942 tại Bến Tre. Sống ở Bến Tre (2009).

Đang là anh hùng “Dũng sỹ diệt Mỹ” sau 14 năm đi theo cộng sản làm xã đội trưởng kiêm bí thư đoàn ở quê hương Bến Tre thì đùng một cái một đêm cuối năm 1974 bị đồng chí mình bắt giam vì tội làm gián điệp cho địch. Vợ ở vùng tạm chiếm buôn bán lẻ nuôi 5 con cũng bị bắt luôn đưa vào vùng giải phóng điều tra.

Nỗi oan chất ngất khiến từng có lần đang đêm tìm cách trốn ra ngoài tìm đến nhà lãnh đạo cấp trên trần tình vẫn không kết quả mà còn bị bắt lại giải vào nhà giam tiếp tục.

Sau ngày giải phóng vẫn y án dù không hề được đưa ra xét xử.

Đến năm 1977 mới được phóng thích sau 4 năm 4 tháng bị giam giữ không lý do rõ ràng do di lý lên cấp tỉnh thấy không có hồ sơ, chứng cứ vụ án cụ thể.

Nhưng về nhà thì vợ đã bỏ đi rồi, đất đai cũng bị tịch thu hết nên 6 cha con đành kiếm một mảnh đất hoang trên bãi bồi bên bờ sông dựng lều nương thân làm nghề chăn vịt sống tạm bợ qua ngày.

May sao trong cảnh cùng khốn đó năm 1978 gặp được ân nhân là một phụ nữ đơn thân đã có một con vốn là chị của một bạn tù cũ đem lòng thương cảm chịu chắp nối lại 2 mảnh đời dang dở. Rồi cũng nhờ người vợ sau này khuyến khích, tìm đường kêu oan lên cấp trên trong đó có cả vị nguyên bí thư tỉnh.

Từ đó vụ án oan được lật lại hồ sơ mới tìm ra nguyên nhân sâu xa là do một số lãnh đạo xã hồi đó có tư thù với vợ cũ mình mới dựng chuyện lên như vậy! Mà thời chiến trong bối cảnh nội bộ chống địch trà trộn nên đề cao cảnh giác cao độ cộng thêm công tác an ninh điều tra quá đơn giản sơ sài đã dễ dàng vu oan giá họa cho người vô tội kể cả đồng chí trung kiên.

Cuối năm 1998 nhận được quyết định giải oan cùng niềm an ủi cuối đời có thêm được 2 đứa con nữa từ người vợ sau đã cứu vớt đời mình.

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào: