Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

CAO HUY KHANH - VN HỒ SƠ HẬU CHIÊN 1975 - 2012 (KỲ 103)




NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ



1031 - Duy Lam
BA LẦN TỪ CHỐI DI TẢN
Nhà văn Việt kiều Mỹ tên thật Nguyễn Kim Tuấn sinh 1932 tại Hà Nội. Sống ở Mỹ (2012).
Cháu ruột cố văn hào Nhất Linh (cậu ruột), anh ruột nhà văn Thế Uyên.
Năm 1954 di cư vào Nam. Được Nhất Linh phát hiện văn tài nên dìu dắt bước vào nghiệp văn bắt đầu viết trên tạp chí Văn hóa Ngày nay do Nhất Linh chủ trương. Dần dần được xem tiêu biểu cho thế hệ kế thừa Tự lực Văn đoàn thời Tiền chiến, đã in một vài tác phẩm truyện ngắn, truyện dài.
Rồi động viên đí lính trường sĩ quan Thủ Đức từ đó gắn liền với binh nghiệp, ít có thì giờ sáng tác. Có quan hệ với Quân Dân Đảng và sau này là Phong trào Quốc gia Cấp tiến đều chống Cộng.
Vào thời cao điểm chiến tranh sau 1970 là trung tá chánh văn phòng cho trung tướng Ngô Quang Trưởng Tư lệnh Quân đoàn 1 đóng ở Đà Nẵng (tướng Trưởng là em rể con cậu, lấy con Thạch Lam là em ruột mẹ mình).
Cuối tháng 3.1975 khi Đà Nẵng thất thủ đã cùng tướng Trưởng rút về Sài Gòn trong tình cảnh hỗn quân hỗn quan chỉ còn biết nằm “chờ thời”.
Đến cận ngày 30.4 đã ba lần được tướng Trưởng và cố vấn Mỹ đề nghị đưa đi di tản nhưng đều từ chối chấp nhận ở lại đi cải tạo!
Bởi tự thấy phải có lòng tự trọng liêm sỉ khi trước đó từng 2 lần ký tên ở lại “quyết tử” (lần đầu tại Đà Năcng, lần sau tại Sài Gòn cùng các thành viên Phong trào Quốc gia Cấp tiến). Do đó tự nguyện ở lại để đồng cam cộng khổ với anh em đồng chí trong phong trào này với thái độ “bình tĩnh và đầy đủ tự tin đón chờ số phận của mình”.
Thêm lý do sâu xa hơn nữa sau này mới thố lộ: “Chính cái con người nhà văn dấn thân trong tôi đã chi phối sự lựa chọn này. Tôi sợ nếu tôi đã ra đi một ngày nào đó lưu vong ở một đất nước xa xôi và xa lạ nào đó tôi sẽ tiếc là không có dịp ở lại để bị tù đày hành hạ vì như vậy tôi sẽ thành một người ngoại cuộc đối với nỗi thống khổ mà dân tộc tôi phải chịu…”
Với niềm tự tin quyết liệt: “Tôi tin dù họ bỏ tù được thân xác tôi họ không có thể tha hóa được tôi, biến đổi tôi thành một bộ máy vô hồn…
Quả thật đi cải tạo 12 năm, đến 1987 mới về. Một thời gian sau đi Mỹ định cư diện H.O.
Bấy giờ mới chấp nhận thân phận lưu đày tha hương, bắt đầu viết trở lại, in truyện ngắn năm 1995-96. Viết hồi ký dài cả ngàn trang chưa xuất bản.
Tập yoga, luyện khí công để tìm cuộc sống tinh thần thanh thản chờ câu trả lời: “Cuối cùng ai sẽ thắng? Điều đó thì phải 50 năm nữa tôi mới có câu trả lời chính xác.”
.
1032 - Ka Hin
TRỞ THÀNH NGƯỜI DÂN TỘC
Nông dân sinh 1972 tại Long An. Sống ở Lâm Đồng (2008).
Cha tham gia kháng chiến đánh Mỹ thỉnh thoảng mới về nhà, mẹ ở nhà nuôi chị gái và mình tên cũ là Phạm Thị Phụng.
Sau chiến tranh cha trở về nhưng dắt theo thêm… 3 đứa con ngoại hôn nữa (1 trai 2 gái). Vì vậy mẹ ghen tương sinh chuyện lộn xộn trong nhà đưa đến năm 1978 mẹ giận dẫn 2 con gái ruột bỏ nhà lên Tây Ninh sống nhờ nhà bà con.
Đến cuối năm một phần vì buồn phiền mẹ mắc bệnh lao nên phải lên đường đem 2 con định về lại quê cũ với chồng không ngờ trên đường đi phát bệnh nặng phải vào bệnh viện Thủ Đức (TPHCM) cấp cứu. Rồi qua đời tại đây bỏ lại 2 con nhỏ (chị mới 12 tuổi còn mình 7 tuổi) bơ vơ nơi miền đất lạ chỉ biết sống vất va vất vưởng bám vào bệnh viện.
Sau đó 2 chị em mới được đưa vào Trung tâm Thiếu nhi Thủ Đức. Đến năm 1981 bản thân bị đem cho một bà mẹ người dân tộc K’ Ho làm con nuôi tận Bảo Lộc (Lâm Đồng) giấu không cho người chị hay biết. Hai chị em mất tích nhau từ đó.
Phần mình được mẹ nuôi đặt tên lại là Ka Hin thành người dân tộc luôn.
Lớn lên lấy chồng người dân tộc, sinh con gái đầu lòng. Hai vợ chồng trồng cây cà phê làm lụng vất vả vừa nuôi con vừa lo cho mẹ già ốm đau liệt cả 2 chân.
Mãi đến năm 2008 định mệnh xui khiến tình cờ xem chương trình tìm người thân mất tích trên VTV4 (đang xem VTV3 bỗng chuyển sang kênh VTV4) mới nhận ra chị gái từng lạc mình xưa kia xuất hiện nhắn gửi lời tìm em nên… ngất xỉu ngay tại chỗ!
Bấy giờ chị em mới đoàn viên sau 27 năm lưu lạc. Chỉ tiếc không còn gặp được cha vì ông đã qua đời hơn một năm trước rồi.

1033 - Ngô Thế Vinh
NGƯỜI CẢNH BÁO VỀ DÒNG MEKONG
Bác sĩ nhà văn Việt kiều Mỹ sinh 1943 tại VN. Sống ở Mỹ (2012).
Tốt nghiệp bác sĩ từ ĐH Y khoa Sài Gòn rồi bị động viên đi lính làm sĩ quan quân y. Song song đó còn sáng tác, viết truyện ngắn và tiểu thuyết.
Năm 1970 tiểu thuyết “Vòng đai xanh” viết về biến cố Fulro nổi loạn ở Tây Nguyên được trao giải văn học VNCH. Nhưng tiếp sau đó viết một số truyện đăng báo in thành tập “Mặt trận ở Sài Gòn” phản ánh tình hình xã hội miền Nam nóng bỏng, ở nông thôn là chiến tranh còn tại thành thị nổ ra nhiều cuộc biểu tình xuống đường chống chính quyền khiến bị đưa ra tòa khép tội gây hậu quả “có hại cho tinh thần chiến đấu” của binh lính VNCH!
Không biết có phải vì vậy hay không mà năm 1971 chuyển về làm quân y sĩ cho lực lượng Biệt kích Dù 81, một đơn vị đặc nhiệm tinh nhuệ chuyên làm nhiệm vụ bí mật nguy hiểm nhảy dù xuống hậu phương miền Bắc đột kích, lấy thông tin địch.
Tháng 4.75 học xong khóa tu nghiệp ở Mỹ nhiều người khuyên hãy ở lại vì trước sau gì miền Nam cũng mất vào tay cộng sản song vẫn nhất quyết trở về.
Kết quả sau ngày 30.4 đương nhiên đi cải tạo nhưng nhờ miền Nam thời đó rất cần bác sĩ (do đa số đều đã di tản hoặc vượt biên) nên chỉ 3 năm thì được cho về làm việc ở Trung tâm Phục hồi - Vật lý trị liệu TPHCM.
Có “đóng góp” cho chế độ mới nên năm 1983 mới được phép qua Mỹ đoàn tụ với gia đình.
Tại Mỹ trải qua 5 năm học lại nghề y để ra hành nghề bác sĩ.
Bây giờ có điều kiện quay lại hoạt động song song bác sĩ – nhà văn như ngày xưa.
Đặc biệt quan tâm tập trung nghiên cứu vấn đề mới có tính chất thời sự về sông Mekong từ Trung Quốc chảy qua các nước Đông Nam Á đang bị Trung Quốc có tham vọng khống chế dòng chảy bằng cách xây một hệ thống nhà máy thủy điện trên thượng nguồn. Từ đó sẽ gây nguy cơ chặn nguồn nước đe dọa làm khô hạn sinh hoạt đời sống các dân tộc sống ở hạ nguôn trong đó có VN.
Đã lặn lội qua Lào, qua tận Vân Nam lãnh thổ Trung Quốc để tìm hiểu. Sau đó năm 1999 đã đưa ra lời cảnh báo sớm đầu tiên về hiểm họa này trong cuốn tiểu thuyết đồ sộ “Cửu Long cạn dòng, biển Đông dậy sóng” dày đến 700 trang. Rồi năm 2007 tiếp tục nhấn mạnh vấn đề trong cuốn “Mekong dòng sông nghẽn mạch”.
Năm 2006 trở về thăm quê hương, nhân đó có tìm đến tham quan tràm chim Tam Nông ở Đồng Tháp lấy tư liệu viết về thực trạng loài sếu đầu đỏ quý hiếm có thể bỏ đi trước mối đe dọa ô nhiễm hủy diệt môi trường.

1034 - Nguyễn Văn Vinh
BỆNH SUY TỦY SỐNG
Lao động nghèo sinh tại Vĩnh Phúc. Sống ở Vĩnh Phúc (2010).
Bố là bộ đội chiến đấu ở miền Nam về phục viên đến năm 2002 mắc chứng bệnh lạ toàn thân cơ bắp và tay chân cứ teo dần chỉ còn xương bọc da rồi qua đời năm 2003.
Bản thân làm nghề gánh cát dưới bãi sông đi bán nuôi vợ và 2 con cùng mẹ già hơn 70 tuổi. Nào ngờ chỉ một năm sau đến lượt mình cũng bị bệnh tương tự như bố, đi khắp các bệnh viện đều lắc đầu không biết bệnh gì. Mãi sau đến bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội mới chẩn đoán là bệnh suy tủy sống hiếm gặp có lẽ do hậu quả CĐDC thời chiến tranh bố bị lây nhiễm.
Điều trị căn bệnh lạ này đã khó mà tiền bạc gia đình không có nên đành chịu trận uống đại mấy thứ thuốc thày lang rẻ tiền cũng như không!
Vì vậy ban đầu còn đi đứng lắt nhắt được tự lo cho bản thân nhưng qua năm 2006 thì nằm liệt một chỗ không gượng dậy nổi nữa. Mới 37 tuổi mà trông cứ như ông già 60 tuổi!
Từ đó tất cả việc nhà đều đặt gánh nặng lên vai vợ phải bỏ làm công nhân nhà máy da giày để chuyển qua làm công nhân quét rác mong có thì giờ lo việc ruộng đồng phụ thêm để nuôi cả nhà với chồng bệnh, 2 con nhỏ dại và bà mẹ già.
Nhưng một mình người đàn bà làm sao gồng gánh nổi, đến lúc cả 2 vợ chồng phải xót xa thừa nhận rằng “Tôi và nhà tôi gần như bất lực thực sự rồi”…

1035 - Nguyễn Văn Xê
CÁN BỘ CHỊU ÁN OAN NGẬM HỜN NƠI CHÍN SUỐI
Nông dân sinh 1937 tại Bến Tre – Mất 2006 ở Bến Tre (70 tuổi).
Từng bị bắt đi lính VNCH rồi được giác ngộ cách mạng theo chí hướng cha trước kia theo cộng sản nên tình nguyện hoạt động nội tuyến. Năm 1962 ra vùng giải phóng làm phó công an rồi trưởng công an kiêm chủ tịch xã (bí danh Tùng Cương).
Thình lình giữa năm 1974 bị bắt vì tội làm gián điệp cho địch, bị một nữ điệp viên của địch gài vào nội bộ dụ dỗ, hủ hóa! Cùng lúc vợ hoạt động kinh tài cũng bị chính quyền VNCH bắt giữ.
Liên tục kêu oan, nhiều lần đòi tự tử nhưng tiếng kêu không ai nghe thấy, không được đưa ra xét xử, đối chất cho đàng hoàng mà cứ giam mãi.
Sau ngày giải phóng vẫn bị giam giữ, người cha đau buồn tủi hổ quá sinh bệnh mất năm 1976 mà mình không được về thọ tang. Cả người em trai đi bộ đội cũng bị mang vạ lây cho ra quân về bỏ đi xứ khác làm mướn do không chịu nổi dư luận làng xóm phỉ nhổ “gia đình phản bội”.
Đến năm 1977 mới được trả tự do về làm dân mà không hề có bản án xét xử nào.
Tủi nhục quá muốn chết cho xong may mà bên cạnh còn người vợ tuyệt vời hết lòng an ủi, khuyên giải phải sống để tìm cách giải oan, nếu không chết rồi phải chịu tiếng oan muôn đời: “Con đường mình đi lỡ có oan khiên phải tìm cách mà gỡ. Đảng không có lỗi, cách mạng cũng không có lỗi, chiến tranh là phải mất mát. Nó rơi vô chỗ mình thì mình gánh chịu thôi…”
Nhờ đó mà gượng sống lây lất trong cảnh bần cùng vợ con nheo nhóc khốn khổ.
Đến năm 2006 được một đồng chí cũ nay lên chức trưởng ban tổ chức tỉnh ủy cảm thương mới vận động tiến hành lật lại hồ sơ vụ án. Nhưng chưa kịp làm gì thì mình đã bị tai nạn qua đời với nỗi oan khiên chưa được giải tỏa!
Tuy nhiên cái chết oan khuất đó cũng đánh động lương tâm đồng đội cùng một thời chiến đấu vào sinh ra tử nay kẻ còn thì phải lo cho người mất buộc phải tiếp tục tiến hành cuộc điều tra cho rõ đâu là sự thật. Kết quả cho thấy đúng là đồng chí mình đã chịu án oan từ âm mưu của nữ điệp viên kia (cô này sau đó đã bị xử tử) cộng với sự hiềm kích mâu thuẫn giữa đương sự với vị bí thư xã lúc đó.
Từ đó án oan được xóa bỏ, trả lại danh dự cho gia đình, chỉ tiếc người được minh oan mãi mãi không biết được điều đó.

1036 - Nguyễn Xuân Bảo
MỤC SƯ “KHÔNG NGỦ YÊN”
Mục sư đạo Tin Lành Việt kiều Mỹ sinh tại VN. Sống ở Mỹ (2012).
Năm 1977 vượt biên qua Mỹ, học tiếp lấy bằng tiến sĩ.
Năm 1989 quay về VN với ý định tham gia công tác từ thiện giúp đỡ đồng bào nghèo, bệnh tật ở quê nhà. Nhưng được một thời gian đến năm 1993 bị chính quyền nghi kỵ ra lệnh trục xuất cấm trở về.
Đến năm 2000 mới được cho phép về nước lại để hoạt động từ thiện. Từ đó đã lập tổ chức Thánh đường Sài Gòn đặt tại California nhằm vận động Việt kiều đóng góp công của mang về VN cứu trợ đồng bào gặp nạn bão lụt, bệnh nhân phong, thương phế binh chế độ cũ….
Dù đang mắc bệnh nan y vẫn nhiều lần về nước tổ chức nhiều chuyến đi đưa hàng cứu trợ đồng bào không phân biệt tôn giáo khắp các tỉnh thành.
Việc làm đó đã bị các nhóm chống Cộng hải ngoại quá khích phản đối kịch liệt, bôi nhọ vu khống, thậm chí còn đốt cháy nhà thờ của ông ở Quận Cam trong dịp lễ Giáng sinh 2004.
Dù vậy vẫn kiên trì mục tiêu cao thượng của mình: “Ngày nào mà dân mình còn nghèo không có cơm ăn không có mái ấm để ở thì ngày ấy tôi không ngủ yên… Tôi không muốn chết trong nhà hay trong nhà thờ. Tôi muốn chết khi đang đi phát gạo cho dân nghèo.”

1037 - Nguyễn Xuân Hưng
TỪ NGUỒN CẢM HỨNG RỪNG TRƯỜNG SƠN
Doanh nhân sinh 1942 tại Hà Nam. Sống ở Hà Nam (2007).
Năm 1964 dù đã có vợ 2 con vẫn nhập ngũ lên đường vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Con đường Trường Sơn thật đúng là con đường gian khổ nhưng qua đó lại đem đến cho người lính này một tình yêu hoa phong lan đằm thắm khó quên.
Năm 1968 trong cuộc chiến đẫm máu chiếm giữ Huế gần một tháng đã bị thương phải cưa mất bàn chân trái rồi chuyển về Hà Nam an dưỡng. Sau đó xuất ngũ năm 1971 ra làm kế toán công ty ở Hà Nam Ninh.
Năm 1989 về hưu nhưng trong thời buổi bao cấp đời sống quá khó khăn đồng lương hưu không nuôi nổi vợ và 5 con dù đã cố xoay xở mở một quán nhỏ bán hàng lặt vặt. Vì thế nặn óc suy nghĩ tính kế tìm thêm cách kiếm sống thêm.
Từ đó bỗng nhiên lóe lên hình ảnh kỷ niệm những giò phong lan rực rỡ trên dặm đường Trường Sơn ngày nào. Thế là với một bàn chân giả đi khập khễnh vẫn chống gậy lên đường quay về lại đường Trường Sơn năm xưa tìm mang về một số giò phong lan đẹp quý hiếm với ý định thử nuôi trồng làm cây cảnh đạp xe thồ đi bán dạo.
May mà lúc đó đây là thú chơi khá lạ nên cũng có người mua. Rồi được nhiều người ủng hộ, khuyến khích và gợi ý thêm, còn học hỏi phát triển ra làm thêm các loại cây cảnh tương tự và bonsai kèm hòn non bộ.
Để có đá và cây cảnh đẹp, lại tập tễnh đi đến các vùng rừng núi khác ở Hòa Bình, Thanh Hóa, Hoàng Liên Sơn chọn lựa vật liệu ưng ý về chế tác. Bao nhiêu ký ức về một thời từng trải rừng núi Trường Sơn hoang dã được gọi về làm niềm cảm hứng phong phú giúp sáng tạo nên những hòn non bộ và cây cảnh đặc sắc, độc đáo rất có hồn.
Nhờ đó nghề chế tác và kinh doanh mới mẻ này ngày càng thu hút khách mua khắp nơi, tiến lên thành lập 4 cơ sở có vốn đầu tư trên 10 tỉ đồng, từ năm 1999 còn xuất khẩu ra các nước ngoài nữa. Với gần 400 công nhân làm việc trong đó ưu tiên con em đồng đội cũ, gia đình thương binh liệt sĩ…
1038 - Nguyễn Xuân Phong
NHÂN VẬT “HÒA ĐÀM”
Trí thức Việt kiều Mỹ sinh tại VN. Sống ở Mỹ (2012).
Học ở Pháp và Anh (tốt nghiệp ĐH Oxford) năm 1960 về miền Nam làm doanh nhân ở Sài Gòn. Đến 1965 bắt đầu tham chính giữ nhiều chưc vụ cao trong chính phủ Nguyễn Văn Thiệu, làm Tổng trưởng Xã hội – Chiêu hồi rồi Bộ trưởng Ngoại giao.
Năm 1973 được cử làm Trưởng phái đoàn VNCH tại hòa đàm Paris qua đó làm quen với Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch kiêm Phó đoàn miền Bắc cùng dự hội nghị Paris. Cả 2 gặp gỡ nhau cùng ý hướng muốn vãn hồi hòa bình cho VN vì “cuối cùng hận thù và đắng cay không bao giờ sinh ra điều gì tốt đẹp thật sự.”
Cuối tháng 4.1975 quyết định rời Pháp khi cuộc hòa đàm đã tạm ngưng do quân cộng sản đang thắng thế trên chiến trường chuẩn bị tiếng vào Sài Gòn để về nước bất chấp mọi lời khuyên can đừng về sẽ bị cộng sản bắt giam. Những vẫn về vì không muốn bỏ rơi cha mẹ, vợ con đồng thời thâm tâm vẫn mong mỏi thấy hòa bình trở lại trên quê hương.
Hậu quả là chỉ 5 ngày sau quân cộng sản giải phóng Sài Gòn, bắt đi cải tạo 5 năm ở miền Bắc.
Năm 1980 được trả tự do về Sài Gòn đi dạy tiếng Anh độ nhật. Bình thản chấp nhận thực tế phải thế để sống nhẹ nhàng với niềm tin đạo Thiên Chúa vững chắc.
Có dịp gặp lại “đối tác” Nguyễn Cơ Thạch nay đã là bộ trưởng ngoại giao, vẫn được trân trọng và đã có góp ý chế độ cộng sản nên đổi mới kinh tế cũng như khôi phục quan hệ bình thường với Mỹ.
Mãi đến năm 2000 mới được cho phép qua Mỹ định cư.
Năm 2001 xuất bản hồi ký “Hope and Vanquished Reality” (“Hy vọng và thực tế tan biến”) ở Mỹ. Cộng tác với Trung tâm Nghiên cứu VN tại đây.

1039 - Nguyễn Xuân Phượng
ĐÁNH PHÁP NHƯNG ĐƯỢC PHÁP GẮN BẮC ĐẨU BỘI TINH
Cán bộ về hưu sinh 1929 tại Huế. Sống ở TPHCM (2011).
Là nữ sinh trường Đồng Khánh đã tham gia chống Pháp ở Huế rồi ra Khu IV gia nhập đoàn kịch cách mạng. Sau đó được đưa lên Việt Bắc tham gia công tác chế tạo vũ khí đánh Pháp.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ được giao nhiệm vụ thông dịch viên tiếng Pháp tiếp các đoàn nước bạn qua thăm, tham quan, làm phim về cuộc chiến Việt – Pháp kể cả một số đạo diễn Pháp.
Chiến tranh chống Mỹ bùng nổ, tiếp tục hướng dẫn các đoàn bạn đi thực tế chiến trường đánh Mỹ vừa kiêm luôn phóng viên chiến trường trong đó không ít lần thoát chết dưới làn bom đạn Mỹ.
Khi đất nước đã hòa bình thống nhất lại chuyển qua làm đạo diễn phim tài liệu từ đề tài về nạn diệt chủng Pol Pot ở Campuchia đến cuộc đời và sự nghiệp nhà bác học Pháp Yersin ở Khánh Hòa.
Năm 1989 về hưu đã 60 tuổi mà vẫn còn tràn trề sức sống hăm hở muốn hoạt động tiếp tục nữa. Nhưng bây giờ một lần nữa muốn chuyển qua một lĩnh vực và môi trường khác nên tự vay tiền bạn bè để mua vé qua Pháp tìm hướng làm việc.
Nhờ từng là thông dịch tiếng Pháp và quen biết nhiều bạn Pháp nên nhanh chóng được nhận vào làm khâu chuyển ngữ cho hãng phim Pháp, đặc biệt làm quen tạo được mối thân tình với giới họa sĩ Pháp. Từ đó học thêm nghề về hội họa.
Năm 1990 quay về TPHCM mở phòng tranh Lotus (Bông sen) triển lãm tranh ảnh của các nghệ sĩ VN. Đồng thời thông qua mối quan hệ rộng rãi với bạn bè quốc tế đã đứng ra làm nhịp cầu đưa các tác phẩm đó ra giới thiệu ở nước ngoài, hơn cả chục nước từ Pháp, Mỹ, Anh, Đức, Ý, Hà Lan, Phần Lan, Thụy Sĩ, Hong Kong, Malaysia…
Bên cạnh đó còn tham gia làm phim, dịch sách Pháp – Việt lẫn Việt – Pháp, tổ chức hội thảo, gặp gỡ hai giới họa sĩ Việt – Pháp nhằm phát triển mối giao lưu văn hóa, lịch sử giữa hai nước.
Từ đó gần cuối năm 2011 Chính phủ Pháp đã tổ chức lễ trao tặng cho bà Huân chương Bắc đẩu Bội tinh cao quý ghi nhận những cống hiến đó.
Đã 83 tuổi nhưng người phụ nữ đa năng xông xáo như một lão tướng này vẫn còn làm việc 12 giờ mỗi ngày cả ở trong nước lẫn ra nước ngoài vì “Ai cũng chỉ có sống có một lần thôi. Làm sao để hơn 80 năm cuộc đời mà không phải hối tiếc chuyện gì.”

1040 - Nguyễn Xuân Quang
TÌNH YÊU TÁO BẠO
Thương binh sinh 1941 tại Phú Yên. Sống ở Phú Yên (2007).
Năm 1969 đi du kích xã bị trúng mảnh đạn cối vào thái dương làm mất 2 mắt.
Được đưa ra Bắc chữa trị nhưng mảnh đạn nằm trong đầu không gắp ra được nên gặp trái gió trở trời thường xuyên làm nhức đầu như búa bổ.
Sau chiến tranh được đưa về lại quê nhà vào trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh.
Tại đây gặp một nữ điều dưỡng góa chồng (2 con) nhỏ hơn 18 tuổi sinh lòng yêu thương mới quyết tâm tỏ tình muốn lấy làm vợ, hoàn toàn không một chút mặc cảm thương binh nặng bất chấp lời khuyên can của mọi người chuyện bản thân mình đui mù, bệnh tật lại đã lớn tuổi mà vợ tuổi nhỏ như con mình. Mặc kệ, đây là mối tình đầu tiên cũng là cuối cùng phải lấy thôi: “Yêu nhau thì sợ gì?”
Thế là hôn lễ vẫn cử hành năm 1998 với chú rể 57 tuổi cô dâu 39 tuổi. Và một năm sau đã có được bé gái con đầu lòng như ai!
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào: