Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

CHẮP TAY DÒNG ĐỜI ( KỲ 12) - VÕ CHÂN CỬU

Nhịp sóng ngầm
Rừng xưa đã mất. Từ dọc triền núi cao ra tới biển, những nàng con gái ngày ngày đi lấy nước, Chiếc vò đội lên đầu, đôi gánh trên vai; em mảnh khảnh chiếc thùng đơn lẻ. “Nhịp hải hà”…
Từng có người nói rằng điệu thơ lục bát Việt Nam hình tượng từ bước đi của người phụ nữ. Thưở nhỏ, tôi chưa hiểu ra. Khi đã làm thơ, một hôm ngóng về bên kia bờ Cách Thử, nhớ làng. Mấy vần thơ chợt hiện lên, tôi mới tỏ tường:
…Bóng nàng kĩu kịt trên nương
Gánh giùm tôi trọn nỗi buồn nhân gian…
(Tân Thanh, Đại Mộng 1972)

Nhịp sinh thành
Có nhà nghiên cứu cũng sắp đặt Lục Bát là thể thơ “quốc hồn” của Việt Nam, tương tự như Thơ Đường của người Hán, hay HaiKu của Nhật Bản. Thơ Đường hay HaiKu giới hạn trong một số câu quy định. Riêng lục bái có thể là 2 câu mưỡu, nói lối, câu ca mở lời, đưa đẩy, hoặc kéo dài ra ra một truyện thơ khi chưa có văn xuôi…Nhưng so nó với dáng đi của người phụ nữ, nhất là những cô gái đẹp, liệu có cưỡng ép lắm không ? – Không đâu, người phụ nữ bước đi, đâu phải lúc nào cũng “một, hai…” như người lính. Một bên vai hoặc cánh tay thường, ôm, xách cái gì đó. Chiếc cặp đến trường, chiếc nón; cái giỏ đeo, túi xách hay một bông hoa…Và họ bước đi. Cánh tay còn lại đong đưa thành nhịp. Lục bát: nhịp sinh thành - nhịp song ngầm vạn thuở.
Đã có ghi nhận và tranh luận rằng người Thái, người Chăm từ xưa cũng đã làm “lục bát”. Nhà văn Võ Phiến từ cuối những năm ’60 của thế kỷ 20 trong một tạp luận đã ghi lại những dân ca Chăm mang âm vận này. Thơ là của nhân loại, không nên giành độc quyền. Đáng nói là câu thơ làm ra có hay hay không. Rõ ràng là Lục Bát đã đi những “nhịp hải hà”-mượn cách dùng từ của Nguyễn Xuân Sanh trong một bài thơ từ năm 1942. Lúc dìu dặt, lúc khoan thai, khi dồn dập…Có thể nói nhiều người làm thơ đã mở đầu với những câu lục bát, nhưng không ở mãi với người tình đầu. Có người, qua bao trăn trở đi tìm nhịp tự do (như Thanh Tâm Tuyền), hoặc gò câu trong niêm luật của Đường Thi (như Quách Tấn), nhưng cuối đời lại thôi thúc tìm về với cách gieo “lục bát”.
Nó là hơi thở, là bước chân của các cộng đồng cư dân ven biển ?

NHỮNG NGƯỜI THƯỢNG
Cái rừng, cái lá, cái chim
Cái cây, cái cội, cái tim con người
Cái ta đứng giữa cái trời
Cái da màu nắng ngậm lời cái đau
. (Blao, 1972)

Bài thơ của Hồ Ngạc Ngữ đăng trên Tập san Văn 1972 đã ngầm nói lên điều này. Giữa núi rừng cao nguyên, cách điểm sự vật theo cách dùng mạo từ của người dân miền sông nước cho thấy sự lắng tìm của “Những cây bút trẻ” trước những bế tắt của âm điệu trong thời đại chiến tranh. Trong thơ Lục bát Miền Nam lúc này, có những kiếm tìm, nổi bật cách sắp đặt hình tượng, âm điệu “Nghe trong viễn mộ đôi hàng ngựa ra như Viên Linh “Hóa Thân” 1966). Nhiều tác giả thấy cách sắp đặt cho những chữ tạo nên câu “sáu-tám” vẫn không theo kịp sự cuốn hút của cấu trúc truyền thống nên đã chuyển sang hướng lục bát “huyền ảo” mà trau chuốt, nổi cộm là Phạm Thiên Thư “Lên non tìm động hoa vàng ngủ say.”

Từ giữa những năm ’60, văn hóa Thiền xâm nhập nhiều ngõ ngách của cuộc sống, tâm hồn. Như một ước mơ giải thoát. Các nhà thơ khi đã no đủ với các ngõ ngách “Tự do”, có người lại quay về, đóng khung trong xu hướng cổ điển của những cổ phong, thơ Đường, hoặc tìm đến với trong dòng thơ ba câu của thể HaiKu nhưng mang tính “công án”… Tuệ Sỹ, một nhà sư làm thơ nhận ra rằng:“Một thế kỷ đảo điên, điệu lục bát bỗng nghe trong cung bậc lạc loài. Lời thơ thay đổi; điệu thơ thay đổi; một thế kỷ thi ca thay đổi. Nhưng những ai từng lớn lên trong tiếng Mẹ ru, làm sao quên được những câu thơ lục bát? Tôi biết mình không thể làm được một bài thơ lục bát; mà hồn thơ đã bị đẽo gọt qua những khúc quanh phố thị”. Tâm trạng ấy một ngày kia đã được đánh thức, như một lẽ tự nhiên: …“Phố thị với những khủng hoảng cơ giới. Rồi những đêm, theo dõi bóng trăng mờ, tìm về “cây đa bến cũ, con đò nằm xưa”, âm hưởng lục bát của Nguyễn Du chợt đầy tâm tư vào những bước đường phiêu lưu của lịch sử. Tình cờ, những câu thơ lục bát của Hoài Khanh chợt khuấy động. Nó ngân vang từ phương trời đồng vọng của Nguyễn Du, ngay giữa dòng lịch sử cuồn cuộn sóng, hay bên lề cuộc Lữ tồn sinh.” (Lời bạt tập thơ Lục bát của Hoài Khanh tái bản 2011).



Thi sĩ Hoài Khanh là ai ?
Thi sĩ “ẩn tu” ?
Giữa trung tâm Sài Gòn, ngày xưa các nhà sách đều có khu bày sách văn học, quầy trưng bày các tác phẩm mới nhất. Ở nhà sách Khai Trí trên đường Lê Lợi, khách có thể tự do lật vài trang xem thử. Việc kiểm tra được nhân viên bảo vệ thực hiện kín đáo và tế nhị. Nhà sách Xuân Thu trên đường Nguyễn Huệ chuyên nhập khẩu về bán các tác phẩm nước ngoài mới nhất. Tại góc đường Lê Lợi, Công Lý, phía trước Pharmacie Diệu Tâm có một Ki-ốt bày các sách mới nhất do các hang phát hành trực tiếp đưa đến. Tôi và nhiều tác giả mới lúc bấy giờ vẫn hay ra đây vì chị em hai cô Nga, Nguyệt, chủ Ki-ốt sách rất dễ chịu, thường cho khách quen ký nợ khi mua. Dăm ba bữa, tôi lại gặp một người đàn ông trung niên, tướng mặt đạo mạo, hiền lành đến theo dõi các sách mới mà nhà phát hành đã đem đến gửi. Có thể xem nơi này là “thước đo” tình hình tiêu thụ các sách văn học mới. Cô Nga giới thiệu đó là nhà thơ Hoài Khanh, chủ nhà xuất bản Ca Dao. Nhà thơ Hoài Khanh từng là người trông coi nội dung của tập san Giữ Thơm Quê Mẹ do một số nhà sư, trí thức chủ trì. Tạp chí mang tính “văn nghệ Phật giáo này tồn tại khoảng từ 1965-1969 cũng hiền lành như người phụ trách nội dung, nhưng đã giới thiệu được một số tác giả, tác phẩm độc đáo như Chinh Ba với truyện ngắn “Bài thơ trên chiếc xương cụt”. Nhà ở tận thành phố Biên Hòa, thi sĩ Hoài Khanh vẫn giữ thói quen hàng ngày tự đi xe Honda xuống Sài Gòn làm công chuyện rồi về. Trong một nền xuất bản tự do, các nhà văn, nhà thơ có tiếng tự đứng ra điều hành một nhà xuất bản là điều bình thường. Nhà xuất bản ca dao chuyên in các tác phẩm triết học, văn học có tinh thần “Hướng về Đông Phương” nên cũng sống được.
Thi sĩ Hoài Khanh sinh năm 1934 ở thành phố Phan Thiết, nơi mở cõi về Phương Nam cùng lúc với Sài Gòn (1698). Có lẽ nhờ vậy nên tâm hồn ông là nơi giao hòa giữa tính thần bí miền Trung và mênh mông sông nước châu thổ Nam bộ. Tính tình ông trầm lặng, ít nói về mình. Điều này cũng thể hiện khá rõ trong thơ ông. Trước 1975 Hoài Khanh đã xuất bản 4 tập thơ ( Dâng Rừng - 1957, Thân Phận -1962, Lục Bát - 1968, Gió Bấc, Trẻ Nhỏ, Đóa Hồng và Dế - 1970)Gần như những người có xu hướng nội tâm đều thuộc lòng ít nhiều những đoạn thơ của Hoài Khanh:

Rồi em lại ra đi như đã đến
Dòng sông kia vẫn chảy mãi xa mù
Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng
Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu
(Ngồi lại bên cầu, thi tập Thân Phận, 1962)

Thơ lục bát của ông mới thực sự thấm đượm, nằm sâu trong lòng người với những câu hỏi về than phận và sự mong mong của kiếp người:



Nhập định
Về đây trầm túy mặn nồng
Phiêu du từng chuyến thôi lòng lắng nghe
Về đây bụi khói tàu xe
Chân đi hồn lạc tiếng ve hạ tàn
Về đây nghìn cõi âm vang
Đêm sâu rừng ruộng vui tan cuộc nào
Về đây ngắm cõi gầy hao
Vuốt ve ôi tóc cũng sâu suối ngàn
Về đây tự hỏi dung nhan
Cõi kia cành lạnh đi tàn hoang vu
Ôi nghìn năm trắng sương mù
Một người úp mặt trả thù thiên cơ
(Làm tại Bạc Liêu, 1963- trích từ tập thơ Lục Bát, 1968)



Có khi ông tự hỏi:
Mưa về tự cõi hoang vu
Còn ta từ cõi nào thu mối sầu

( Mưa và Đất- Lục Bát, 1968)

Trong những năm thập niên đầu của Văn học Miền Nam, có thể nói: cùng với Bùi Giáng (với Mưa nguồn, Lá Hoa Cồn), thì Hoài Khanh chính là người giữ cho tâm hồn Lục Bát sống mãi với nhịp thời gian. Bùi Giáng sau biến cố cháy nhà (1965) đâm ra hoảng loạn ngôn ngữ, thơ lục bát phần nhiều chơi chữ, thì Hoài Khanh vẫn mang nặng một mối sầu thiên cổ, ít ai tỏ tường. Ngày nay, bạn bè nói ông sống gần như tách biệt (vẫn trong một khu vườn yên tĩnh ở Biên Hòa).

Nghe chim lạ hót trong vườn

Một hôm chim lạ ghé vườn
Hót lên cung bậc vô thường mong manh
Vườn con hoang vắng đã đành
Tiếng chim dựng lại những thành lũy xiêu
Những cơn biến động tiêu điều
Những tình bạn cũ dập dìu chia xa
Những tình yêu tưởng phôi pha
Chừng như sống lại đậm đà nhờ chim
Bao phen ký ức mong tìm
Giờ đây sống lại trong niềm ngất ngây
Cảm ơn chim , cảm ơn ngày
Giúp ta sống lại phút giây nhiệm mầu . . .

Tôi viết những dòng này để cảm ơn ông, nhà thơ “ẩn tu” nuôi dưỡng cho hồn Lục Bát. Rồi một ngày mai, tiếng chim lạ sẽ bay về đánh thức mỗi người tìm về tâm cảnh của mình

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào: