Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2012

CAO HUY KHANH - VN HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2011 ( KỲ 98)



NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

981 - Lưu Thị Tính
“NHÀ NGƯỜI ĐIÊN”
Lao động nghèo sinh 1948 tại Thanh Hóa. Sống ở Hà Nội (2011).

Năm 18 tuổi tình nguyện đi thanh niên xung phong vào Quảng Trị phục vụ tiền tuyến.

Năm 1969 trúng đạn bị thương nên sau khi điều trị được chuyển về vào đội bảo vệ nhà máy trong tỉnh.

Năm 1972 nhà máy bị bom Mỹ đánh trúng, bản thân lại dính bom bị chấn thương đầu làm tổn thương não. Vì vậy qua năm 1973 được cho về trong tình trạng đau ốm kéo dài, thần kinh không ổn định hay bị rối loạn tâm thần gây hoang tưởng.

Dù thế vẫn lấy chồng làm công nhân cơ khí ở Hà Nội, vợ làm thuê làm mướn kiếm sống qua ngày.

Đã vậy còn sinh đến 7 con (6 gái). Và không biết có phải do ảnh hưởng bệnh của mẹ hay không mà các con hễ đến tuổi học lớp 2 – lớp 3 là bắt đầu có dấu hiệu khùng khùng khiến hàng xóm phải gọi cả gia đình là “nhà người điên”. Con cái bệnh triền miên song không có tiền chữa trị thuốc thang đàng hoàng nên cứ để mặc chịu đựng được tới đâu hay đó.

Trong đó trầm trọng hơn cả là con gái thứ hai năm lên 15 tuổi phát bệnh điên dại nặng cứ đi phá phách hàng xóm láng giềng ai cũng kêu trời. Năm 1993 khi chồng bị tai biết qua đời, người mẹ chịu không nổi đành phải nhốt con vào phòng riêng như giam tù luôn!

Mấy đứa con còn lại dẫn dần cũng tìm đường đi kiếm kếù sinh nhai nơi khác, để lại một mình người mẹ lo cho đứa con điên loạn nhốt trong nhà dù mẹ mắt đã mờ, mổ giác mạc rồi cũng như không.

982 - Hà Thanh Hải
“HẢI ĐIÊN”
Doanh nhân sinh 1955 tại Tây Ninh. Sống ở Bình Dương (2007).

Gia đình làm nghề đốn củi nên từ nhỏ đã sống trong rừng, lớn lên trong rừng nhờ đó rất giỏi nghề nuôi heo rừng (heo “mọi”).

Môi trường rừng là địa bàn hoạt động chủ lực của cộng sản nên tự nhiên đi theo tiếng gọi cách mạng chống Mỹ từ năm 1968, lớn lên làm lính thông tin ở trong chiến khu nằm giữa rừng Tây Ninh. Đặc biệt phát triển kinh nghiệm cũ trở thành nổi tiếng là có tay nuôi heo rừng giúp cải thiện bữa ăn cho du kích, bộ đội.

Sau chiến tranh được cho đi học ngành bưu chính viễn thông ra làm nhân viên bưu điện TPHCM. Đến năm 1985 chuyển ra ngoài lập công ty ngành này làm ăn phát đạt.

Thế mà bỗng nhiên năm 1992 bỏ hết toàn bộ cơ đồ sự nghiệp đang lên chỉ vì vì nỗi “nhớ rừng”, nhớ rừng ngày xưa và heo rừng một thời đã gắn bó để quay về với rừng: Chọn rừng Lai Uyên ở Bình Dương để vào đó mở trang trại… nuôi heo rừng! Người thân, bạn bè hết biết can không nổi phải gọi là “Hải điên”!

Nhưng nuôi heo rừng bây giờ không đơn giản như thời trước bởi nay chúng bị săn bắt giết thịt khá nhiều, còn lại ít thì phân tán đi khắp nơi. Cho nên phải khổ công lên tận Tây Nguyên mua giống về gầy dựng lại bầy đàn.

Quả là không hổ danh nuôi heo mọi là nghề ruột từ thời thơ ấu nên kết quả dần dà nuôi thành công bắt đầu lập được một đàn heo rừng trên 800 con. Còn dự định tiếp tục triển khai mô hình thêm một trang trại tương tự ở Bình Phước.
Xứng danh là “Vua heo rừng” nhất nước.

983 - Nguyễn Thanh Tùng
NGHỆ SĨ MÙ ĐÀN BẦU VANG DANH
Nghệ sĩ nhạc dân tộc sinh 1979 tại Hà Nội. Sống ở Hà Nội (2011).

Bố từng là lính trinh sát pháo binh trên chiến trường Quảng Trị bảo vệ thành cổ trong mùa hè đỏ lửa 1972.

Sau ngày hòa bình, bố trở về Hà Nội làm công nhân, lấy vợ cũng công nhân ngành may.

Sinh được con gái đầu thì ngay mới lọt lòng mẹ đã mắc bệnh trầm kha liệt toàn thân, động kinh, vừa mùa vừa câm vừa điếc. Chạy chữa đủ cách vẫn vô ích mà lúc đó chưa biết do hậu quả CĐDC bố bị nhiễm thời chiến tranh.

Đến mình là con trai thứ hai có đỡ hơn song vẫn bị mù một mắt, mắt còn lại rất yếu đến năm lên lớp 5 thì mù luôn. Bấy giờ mới biết là di chứng CĐDC.

Dù vậy cả 2 vợ chồng vẫn cố gắng lo cho 2 con, mẹ ở nhà săn sóc con gái đầu vẫn nằm liệt một chỗ vừa làm thêm kiếm chút tiền cơm cháo, bố về hưu xoay qua làm nghề chụp ảnh dạo ở công viên.

Bản thân vào học trường mù Nguyễn Đình Chiểu và ngay từ nhỏ đã tỏ ra có năng khiếu âm nhạc, nhất là mê âm nhạc dân tộc nghe qua đài. Thấy vậy ông nội mới tự “chế” cho một cây đàn bầu bằng đoạn cây nứa chẻ đôi ghép vào với ống bơ, dây đàn lấy từ dây phanh xe đạp. Rồi đưa cháu đi học nhạc, sợ một mình cháu học cô không biết cách chỉ vẽ nên ông nội cũng xin… học ké để kèm cặp cháu!

Năm lên 7 tuổi lần đầu tiên biểu diễn đàn bầu trên sân khấu. Sau đó thi đậu vào nhạc viện Hà Nội, lần lượt học lên cấp đại học. Quá trình học tất nhiên hết sức gian nan, vất vả, phải nhờ bạn đọc, xướng âm hoặc hát các bản nhạc nhiều lần nghe qua rồi mới viết lại ký âm trên chữ nổi… Vậy nhưng cuối cùng trở thành học viên khuyết tật duy nhất tốt nghiệp thủ khoa cả 3 cấp và tốt nghiệp 2 ngành âm nhạc dân tộc lẫn sáng tác – chỉ huy dàn nhạc (còn học thêm đàn dương cầm nữa).

Từ đó biểu diễn thành công ở trong nước lẫn nước ngoài, vừa dạy nhạc vừa tiếp tục sáng tác, nghiên cứu. Không chỉ nhạc dân tộc mà còn chuyển thể - và trình diễn – cả nhạc cổ điển từ Beethoven, Mozart đến Brahms, Schubert… Với nước ngoài, được xem là một “Đại sứ âm nhạc VN”.

Cuộc đời và sự nghiệp đã được làm thành phim tài liệu “Vượt qua định mệnh” năm 2008.

Vượt qua được một phần nhờ thấu hiểu, ghi nhớ tấm gương của người cha luôn nhắc nhở con: “Chúng tôi là những người lính đã dành cả thời trai trẻ để chiến đấu cho hòa bình, thống nhất đất nước. Vì thế khi trở về đời thường, tôi vẫn gắng giữ phẩm chất, không phẫn uất, không chán chường để vợ con tôi và những người quanh tôi tin vẫn còn nhiều lý do đáng để sống.”

984 - Nguyễn Thị Để
NUÔI VỢ CON CỦA CHỒNG
Cán bộ về hưu sinh tại Tiền Giang. Sống ở TPHCM (2011).


Thời trẻ hoạt động cộng sản ở Mỹ Tho làm công tác phụ nữ.

Năm 1954 lấy chồng cán bộ quân báo mới được 17 ngày thì chồng lên đường tập kết miền Bắc, mình nhận nhiệm vụ ở lại nằm vùng.

Hẹn 2 năm nữa vợ chồng sum họp không ngờ đất nước chia cắt kéo dài rồi chiến tranh tái diễn, chỉ nhận được 4 lá thư của chồng đến năm 1964 thì đôi bên mất liên lạc luôn.

Năm 1968 bị bắt, từ đó có tin đã bị địch thủ tiêu. Tin này đến với người chồng ở Hà Nội đưa đẩy đến cảnh cô đơn buồn rầu cần an ủi nên chấp nhận lấy một người vợ sau dân Bắc.

Trong lúc đó thực tế người vợ đầu vẫn còn sống, bị đày ra Côn Đảo. Đến năm 1973 được trao trả tù binh 2 bên chiến tuyến.

Sau ngày thống nhất, vợ tiếp tục làm công tác Hội Phụ nữ ở TPHCM vui mừng được gặp lại chồng sau 21 năm biền biệt tin tức. Nào ngờ người chồng bấy giờ mới thú nhận mình đã… có vợ mới và 3 con rồi! Cả hai chỉ còn biết cay đắng ngậm ngùi rằng “Hậu quả chiến tranh rơi đúng vào 3 chúng ta”.

Dù vậy người vợ cũ vẫn rộng lòng tha thứ, an ủi: “Em rất thông cảm với nỗi khổ đau của anh… Nếu chúng ta không còn nghĩa vợ chồng thì coi như tình đồng chí chiến đấu với nhau vậy. Anh đừng cho chị ấy biết em còn sống. Em biết chị ấy cũng như em đã đau khổ 20 năm nay rồi nên em không muốn cho ai đau khổ nữa…”

Từ đó vẫn thường xuyên gửi thư, quà ra miền Bắc cho vợ con chồng cũ.

Nhưng người chồng vẫn rơi vào cảnh lúng túng không biết giải quyết thế nào, nửa không muốn về Bắc lại sợ làm buồn lòng vợ cũ mà nửa cũng không thể bỏ rơi vợ con ngoài kia. Thấy vậy, cuối cùng người vợ cũ có một quyết định quá táo bạo là thuyết phục chồng cho cả 4 mẹ con đời vợ sau cùng vào TPHCM sống chung với mình!

Thế rồi tuy phải sống trong cảnh 1 ông 2 bà oái oăm “tình già” mà vẫn cố giữ được không khí gia đình hòa thuận. Tận tình lo cho cả 4 mẹ con “đời sau” thực sự như người thân không có chút gì phân biệt.

Sau khi chồng mất, đã làm sẵn kim tĩnh bên cạnh mộ chồng dành cho mình tưởng là sẽ theo chân chồng ra đi trước, nào ngờ khi thấy chính người vợ sau lại sắp mất trước nên đã “nhường” chỗ kim tĩnh chờ sẵn đó bên cạnh chồng. Tuy nhiên bà sau tự trọng không dám nhận, chỉ xin được “nằm dưới chân anh chị” để trên bia mộ đề dòng chữ tình nghĩa ít thấy “Chị và các con đồng lập mộ”.

Còn lại một mẹ nuôi lo cho 3 con đời sau không khác gì con ruột ăn học trưởng thành đàng hoàng.

985 - Nguyễn Thị Niêm
BÁN NƯỚC CHÈ NUÔI 4 CON GHẺ
Lao động nghèo sinh 1947 tại Quảng Trị. Sống ở Quảng Trị (2007).


Năm 16 tuổi làm du kích xã chống Mỹ.

Năm 1968 bị địch phục kích, đồng đội chết hết còn mình bị bắt giam từ Quảng Trị chuyển vào Quy Nhơn. Đến 1973 được trao trả tù binh sau hơn 5 năm rưỡi ở tù.

Sau ngày chấm dứt chiến tranh đi học bổ túc văn hóa gặp thầy là một bộ đội từ miền Nam trở về xuất ngũ dạy học trong làng đã có vợ và 4 con nhưng vợ không may cuốc đất làm vườn trúng bom bi phát nổ chết sớm. Thương cảm thầy nên năm 1985 tình nguyện làm vợ sau và là bà mẹ kế nuôi 4 con chồng đời trước.

Tuy là con ghẻ song thương như con ruột, một mình nuôi 6 con nhỏ (sau có thêm 2 con ruột nữa) mà mình không có trình độ, nghề nghiệp nên chọn nghề bán nước chè xanh kiếm tiền lo cho cuộc sống cả nhà. Sáng gánh nước chè xanh đi bán ở chợ và ga tàu lửa, chiều thì vào rừng chặt củi đưa ra chợ bán.

Cứ thế đều đặn kéo dài 22 năm, có những lúc còn phải lo nuôi chồng bệnh tai biến năm 1997.

Vậy mà một tay o du kích miền cát trắng gió Lào khô hạn ngày nào đã nuôi 6 con đều vào đại học tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ. Dù vậy ngày ngày o vẫn tiếp tục quảy gánh “Ai nước chè xanh đây…”

986 - Nguyễn Thị Phong
HAI CHÂN THAY HAI TAY
Thương binh sinh 1945 tại Nghệ An. Sống ở Nghệ An (2010).
Năm 1963 tình nguyện đi thanh niên xung phong chống Mỹ.

Nhưng chẳng bao lâu đã gặp một trận bom Mỹ vùi giập bị thương nặng buộc bác sĩ phải cắt bỏ cả hai tay lúc mới tròn 20 tuổi. Với thương tật xác địch mức 1/4 được đưa về Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng Bắc Ninh.

Từ đó để sống còn phải tập làm mọi việc bằng đôi chân từ ăn uống, tắm giặt, sinh hoạt… Được một anh thương binh khác quê Hải Dương ở cùng trung tâm giúp đỡ rồi nảy sinh tình yêu đôi lứa quyết định làm lễ cưới tại trung tâm.

Đôi vợ chồng thương binh đưa nhau về quê sống nương tựa vào nhau, sinh được 3 con.

Nhưng 13 năm sau thì chồng tái phát vết thương cũ qua đời để lại một mình nuôi con nhỏ dại.

Bấy giờ không còn chồng phụ giúp đỡ đần, công việc của đôi chân làm thay tay càng vất vả hơn với nhiệm vụ vừa thay chồng kiếm sống nuôi gia đình vừa làm mẹ chăm sóc con cái. Làm việc kiếm sống thì đôi chân phải… bán rau, băm bèo nấu cám nuôi heo; nuôi còn thì đôi chân phải… vá quần đơm cúc áo cho con…

Tất cả đều làm được hết với đôi chân đa năng làm đủ mọi việc tất tần tật giống như làm xiếc vậy.

987 - Nguyễn Thị Sơn
TRẢ NGHĨA ĐỜI MỒ CÔI
Lương y sinh 1958 tại Phú Yên. Sống ở Buôn Ma Thuột (2007).

Cả cha mẹ đều hoạt động cộng sản, mình chưa đầy 1 tuổi thì cha bộ đội chiến đấu miền Nam bị địch bắt tra tấn đến chết. Lên 3 tuổi đến lượt mẹ hoạt động binh vận cũng bị bắt rồi hy sinh trong nhà tù chế độ cũ.

Từ đó được nuôi trong trại thương binh chiến khu. Năm 10 tuổi được đưa ra Bắc để có điều kiện học hành theo chế độ con em miền Nam. Học tốt nghiệp phổ thông rồi học làm y tá ra chăm sóc thương bệnh binh ở Hà Nội.

Năm 1984 lấy chồng bộ đội thương binh trở về từ chiến trường Lào.

Sống ở Hà Nội thời hậu chiến cuộc sống quá khó khăn lại mới sinh con nên vợ chồng quyết định vào Tây Nguyên tìm đường sống thoát khỏi cảnh đói nghèo dai dẳng.

Trên vùng đất mới cao nguyên, bên cạnh việc làm vườn khai khẩn đất hoang còn tận dụng kiến thức y khoa có sẵn thời làm y tá để khám chữa bệnh, bốc thuốc cho đồng bào dân tộc. Hiệu quả công việc được địa phương ghi nhận mới tạo điều kiện cho về TPHCM năm 1990 đi học ĐH Y khoa chuyên ngành y học cổ truyền.

Sau 6 năm theo học, tốt nghiệp quay về Đắc Lắc mở phòng chẩn trị y học cổ truyền ngay tại nhà để tiếp tục theo đuổi sự nghiệp lương y như từ mẫu.

Dù đã có 4 con song vẫn nhận về cưu mang 10 đứa con nuôi mồ côi gặp cảnh đời bất hạnh khốn khó trong đó có cả con liệt sĩ mất cả cha lẫn mẹ như mình ngày xưa. Có cháu lớn lên cũng xin học theo nghề mẹ nuôi đi đến tận những vùng sâu vùng xa thăm bệnh phát thuốc cho trẻ em nghèo, khuyết tật…

988 - Nguyễn Thị Tâm
TỰ HỌC VỀ CHẤT ĐỘC DA CAM
Giáo viên sinh khoảng 1953 tại thái Bình. Sống ở Thái Bình (2006).

Năm 17 tuổi vào bộ đội đi chiến trường B trong đó có 3 năm bám trụ đường Trường Sơn.

Hòa bình lập lại xin xuất ngũ về quê thương binh hạng 4/4, đi học ra làm giáo viên trường mầm non ở tỉnh. Lấy chồng sinh con, vừa dạy học vừa chăn nuôi thêm để nuôi con.

Đời sống gia đình tương đối ổn định nhưng gặp gỡ thăm viếng đồng đội cũ mới thấy có nhiều chị em mắc di chứng CĐDC trầm trọng đưa tới bao cảnh đời bi thương. Có người bệnh tật không dám lập gia đình, có người lập gia đình rồi không sinh con được, mà nếu sinh được cũng thành con dị dạng quái thai, cả mẹ lẫn con đều mắc bệnh nan y. Tất cả không ít thì nhiều đều do hậu quả CĐDC họ gánh chịu từ thời chiến tranh.

Từ đó thôi thúc bản thân tìm tài liệu, sách báo tìm hiểu về CĐDC – lúc đó thông tin còn ít phổ biến -- để tìm cách hướng dẫn đồng đội cũ cách thức chạy chữa. Rồi tự tìm lập danh sách các nạn nhân CĐDC trong tỉnh để tìm cách xin chế độ, giúp đỡ mọi mặt.

Sau đó tiến tới lập Ban Liên lạc nữ bộ đội Trường Sơn tỉnh Thái Bình làm nơi tập trung đóng góp, hoạt động chăm lo cho bạn chiến đấu một thời tuổi trẻ nay là nạn nhân CĐDC đồng thời kêu gọi các nơi – cả phía Mỹ -- có hành động hỗ trợ.

Tất cả là để trả lời cho câu hỏi ray rứt nhiều đêm làm mất ngủ đặt ra cho mọi người trước thảm trạng CĐDC: “Như thế làm sao tôi có thể sống yên vui được?”

989 - Nguyễn Thị Thu
BÀ “HAI NHÓT”
Nông dân sinh tại Bến Tre. Sống ở Bến Tre (2009).

Trong chiến tranh bị một mảnh pháo – không biết của bên nào – trúng vào chân song ở quê nghèo trong cảnh bom đạn tứ phía thiếu thốn đủ thứ nên chỉ được chữa trị đại khái bên ngoài chứ không lấy mảnh bom ra. Vì thế đi đứng khó khăn bên chân đau chỉ đi được nhón gót đầu 5 ngón chân để khỏi bị thốn, từ đó chết tên bà “Hai Nhót”.

Cũng do vậy không lấy chồng được. Mãi đến năm 36 tuổi tha thiết muốn có một đứa con an ủi lúc xế chiều nên “xin” một người đàn ông đã có gia đình trong làng “cho” một mụn con gái, sinh ra thì thôi 2 bên xem như không quen biết gì nhau!

Từ đó làm quần quật để nuôi con, từ xuống sông giăng lưới mò tôm bắt cá đến nuôi heo gà, chăm sóc vườn dừa nhỏ trên mảnh đất được mẹ chia cho. Đầu tắt mặt tối tới mức ngườøi đen đúa gầy quắt cân nặng chỉ 35kg.

Đã vậy, mảnh bom cũ còn nằm trong chân phát tác vết thương chỉ chạy chữa quanh quẩn ở quê không kết quả, phải đưa lên bệnh viện tỉnh nhưng không cho con đi theo bắt ở nhà lo học chuẩn bị thi cuối cấp lớp 12. Lên tỉnh lúc đó mới biết chân đã bị hoại tử buộc phải cắt cụt đến tận đầu gối! Đã “Hai Nhót” rồi bây giờ còn thêm chống nạng, đi chân giả!

Tuy nhiên đau đớn mấy cũng cắn răng chịu đựng, chỉ dặn người thân đừng cho con biết lo con phân tâm không học được vì “đời mình đã khổ quen rồi” không có gì phải buồn mà chỉ sợ con tủi thân bỏ học bỏ thi.

990 - Nguyễn Thị Tròn
“KỶ VẬT” CHIẾN TRANH
Thợ may sinh 1956 tại Tây Ninh. Sống ở Tây Ninh (2010).


Năm 1968 lúc 12 tuổi đi hái rau ở quê thì bị máy bay trực thăng Mỹ bắn trúng chân đưa vào bệnh viện phải cưa cụt chân đó.

Phóng viên ảnh người Anh Larry Burrows lúc đó làm cho tạp chí Life bám trụ săn tin cuộc chiến VN biết được chuyện này mới đi tìm chụp ảnh em đang tập đi chân giả lên bìa báo với tựa đề “Cô gái tên Tron” kèm bài phóng sự “Bên rìa hòa bình” thêm nhiều hình của em minh họa. Bài và ảnh đã gây xúc động cho công chúng Mỹ, nhiều người gửi quà và thư đến an ủi em.

Phần nhà báo Anh, ông đã nhiều lần chịu khó đưa em từ Tây Ninh lên Sài Gòn đến bệnh viện khám làm chân giả rồi tập đi ở đây. Sau đó khi em đã đi được bình thường về quê lại, ông còn mua tặng em một chiếc máy may (trị giá hồi đó là cả một gia tài) và cho tiền đi học nghề may đàng hoàng để sau này làm nghề sinh sống.

Đến năm 1972 cô gái có dịp lên Sài Gòn tìm thăm ân nhân thì mới hay ông vừa tử nạn máy bay trực thăng trong một chuyến bay qua Lào tiếp tục làm phóng sự chiến tranh VN lúc mới 44 tuổi (năm 2008 thân nhân mới tìm thấy hài cốt trong vùng rừng núi Lào). Từ đó cô chỉ còn nhớ đến ông qua món quà chiếc máy may bù cho mất một chân vì chiến tranh vẫn gìn giữ đến tận ngày nay: “Nó là nghề mưu sinh mà ông tặng cho đời tôi. Tôi không bao giờ từ bỏ nó.”

Nhưng con trai của L. Burrows không quên vì trước kia cha vẫn thường kể chuyện về em bé VN mà ông giúp đỡ cho cả gia đình nghe, xem như đó là một đứa con nuôi. Bởi vậy năm 2000 anh đã cùng con gái đến VN đi tìm cô với trong tay những hình ảnh bé gái tập đi chân giả trên báo Life nhưng vẫn được những người bạn VN giúp đỡ đưa lên Tây Ninh tìm được.

Rồi năm 2010 cả 2 vợ chồng cùng 2 con một lần nữa hội ngộ cùng cô “Tron” theo họ phát âm trọ trẹ, dưới mái lá căn nhà tranh mà cách đây hơn 40 năm người cha người ông của họ từng ghé chân ở lại ngồi nhìn cô bé tập tễnh đi chân giả.

Cả 2 lần đó họ đều thấy cô – nay đã là bà -- vẫn cắm cúi gò lưng trên chiếc máy may năm nào, chiếc máy may và người phụ nữ một đời gắn bó với nó mà như cháu gái nhà báo Anh kể lại “Khi tôi ôm bà và nhìn chiếc máy may, tôi thấy như mình được kết nối với ông nội. Khi tôi chụp hình, tôi cảm thấy mình gần gũi ông biết bao nhiêu.”

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào: