Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2012
CAO HUY KHANH - VN HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2011 (KỲ 99)
NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ
991 - Nguyễn Hiên Dỹ “TRẠM ÔNG DỸ” Cán bộ y tế sinh tại Hải Dương. Sống ở Hải Dương (2007).
Bộ đội cụt một chân trên chiến trường miền Nam.
Sau chiến tranh, là thương binh 61% trở về quê nhà làm ruộng.
Lấy vợ một cô thôn nữ trong làng, bấy giờ thấy mình tàn tật làm nông không nuôi nổi vợ con nên xin đi học làm cán bộ y tế cơ sở. Ra trường được đưa về làm ở trạm y tế xã Tân Hưng cùng quê.
Làm việc rất tích cực vừa làm tốt công tác lại còn kiêm luôn nhiệm vụ “xe đạp ôm… một chân” chở bà con đi cấp cứu! Từ đó năm 1990 được cử làm trạm trưởng.
Ngày đêm ra sức xây dựng nơi đây thành trạm y tế xã được mọi người tin cậy, tiếng thơm “Trạm ông Dỹ” lan ra toàn huyện, lên tới tỉnh. Năm 2004 được công nhận trạm y tế chuẩn quốc gia, mỗi năm tiếp nhận săn sóc cho khoảng 16.000 bệnh nhân ở địa phương.
Giữa năm 2005 trên đường đi công tác gặp tai nạn xe máy… gãy nốt chân còn lại! May mà chưa gãy lìa nên nằm viện 3 tháng xong lại chống gậy đi tập tễnh đến “Trạm ông Dỹ”.
992 - Nguyễn Tấn Bình 2 LẦN MÙ MẮT Lao động nghèo sinh 1968 tại Đà Nẵng. Sống ở Đà Nẵng (2011).
Năm 14 tuổi cuốc đất trồng cây trúng mìn nổ làm mùa mắt phải, may mà mắt trái còn thấy được lờ mờ.
Hòa bình rồi, mắt trái ngày càng giảm thị lực nên đi bệnh viện mổ hy vọng đỡ hơn nào ngờ mổ xong… mù luôn! Hai mắt mù qua 2 thời chiến tranh và hòa bình, cái giá quá cay đắng.
Dù vậy vẫn gắng gượng đứng dậy chống gậy mà sống, xin vào học ở trung tâm hướng nghiệp của Hội Người mù tỉnh tìm nghề sinh sống tạm bợ. Tại đây gặp một cô gái đồng cảnh ngộ mù mắt bẩm sinh đem lòng yêu thương tình nguyện “dẫn đường cho cả đời” nhờ “kinh nghiệm” được nhìn thấy đường đi nước bước cuộc đời thế nào trước khi mất hết ánh sáng đôi mắt.
Vợ chồng ra nghề làm tăm tre rồi vay vốn sắm chiếc xe đẩy đi bán tăm kèm hàng gia dụng khắp nơi, vợ kéo xe phía trước còn chồng gồng mình đẩy xe phía sau.
Rồi cũng sinh được một con mắt sáng bình thường làm nguồn an ủi làm động lực để làm ăn bươn chải mà tồn tại với hy vọng vươn lên qua khỏi cảnh đời tối tăm tủi phận.
993 - Nguyễn Thị Tự GIA ĐÌNH CÁCH MẠNG BỊ TỐ NGỤY QUÂN NGỤY QUYỀN Lao động sinh 1932 tại Sài Gòn. Sống ở TPHCM (2010).
Cha mẹ hoạt động cộng sản từ rất sớm thời Nam Bộ kháng chiến, nhà ở Hóc Môn từng được dùng làm địa điểm họp đảng bí mật của cán bộ lãnh đạo cao cấp Võ Văn Tần, Lê Duẩn... Bản thân từng được Nguyễn Thị Minh Khai xem như cháu đặt tên theo tên mình là Minh Tự, có lần còn bị bắt chung với mẹ phải vào ở tù cùng mẹ luôn.
Sau đó cha bị địch bắt mất tích, mẹ cũng bị bắt chịu tra tấn sinh bệnh mất sớm. Từ đó mất liên lạc với cộng sản.
Lớn lên đi dạy học rồi lấy chồng cùng nghề. Rồi chồng bị bắt lính ra sĩ quan do xuất thân nghề giáo nên được chuyển về dạy trường Võ bị Đà Lạt chuyên đào tạo sĩ quan chuyên nghiệp cho chế độ Sài Gòn. Nhưng chỉ được một thời gian thì chồng tử nạn máy bay để lại vợ và 6 con nhỏ dại.
Sau 30.4.75 tiếp tục dạy học nhưng chưa xác minh được quá trình cha mẹ từng tham gia cách mạng nên khi dám lên tiếng đấu tranh chống tiêu cực ở trường liền bị chụp mũ đơn giản là thuộc thành phần gia đình ngụy quân ngụy quyền phản động. Thế là bị cách chức hiệu trưởng, hạ tầng công tác xuống làm nhân viên thư viện, giám thị và cuối cùng… cho nghỉ việc luôn!
Đành chấp nhận đi bán vé số, bán chè, nuôi heo để lo cho cả đàn con, không oán trách than thở bởi nhớ đến tấm gương hy sinh của cha mẹ mà chẳng nhận được đền bù gì: “Cho dù cả thế hệ tôi khi mất đi mà giấc mơ của má vẫn chưa thành hiện thực thì niềm tin hướng về một cuộc sống tốt đẹp vẫn là điều phải phấn đấu…”
994 - Nguyễn Thị Vân Toàn THƯƠNG BINH THỜI CHIẾN, TAI NẠN THỜI BÌNH Nông dân sinh tại 1954 Quảng Trị. Sống ở Quảng Trị (2008).
Mới 14 tuổi đã làm giao liên cho cộng sản. Chỉ một thời gian ngắn bị thương bị bắt phải cưa cụt cánh tay phải. Đến 1973 mới được trao trả tù binh sau 5 năm tù đày.
Được được ra Thanh Hóa nghỉ dưỡng thương. Tại đây gặp và kết hôn với một cựu tù Phú Quốc.
Sau ngày hòa bình, 2 vợ chồng về quê Quảng Trị làm ruộng sinh sống, sinh được 4con. Bản thân mỗi ngày gửi con cho bà ngoại rồi còn một cánh tay vẫn đạp xe hàng chục cây số ra chợ Đông Hà bán rau quả, tối về nhà nuôi heo chẳt bóp từng đồng nuôi con.
Năm 2003 cả 2 vợ chồng được cho theo đoàn cựu tù đi một chuyến ra Bắc tham quan đây đó không ngờ trên đường đi xe đò bị tàu hỏa đâm lăn xuống ruộng làm chết 13 người. May mà 2 vợ chồng sống sót nhưng chồng bị thương nặng 81%, phần mình may chỉ bị chấn thương mặt và vai. Chồng phải nằm viện điều trị chấn thương sọ não, phẫu thuật cắt lá lách và gan.
Ra viện chồng nằm liệt gần 2 năm, một mình vợ phải vừa lo săn sóc chồng vừa chạy vạy tứ tung kiếm tiền nuôi con tránh cảnh phải bỏ học.
Vậy mà cả 4 con đều ăn học đàng hoàng, 3 con đầu đã tốt nghiệp đại học và cao đẳng ra đi làm, con gái út sắp tốt nghiệp phổ thông: “Con chính là liều thuốc tinh thần hiệu nghiệm nhất giúp tôi vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.”
995 - Nguyễn Thu Vân NỮ VÕ SƯ SỐ 1 Cán bộ về hưu sinh 1945 tại Hà Nội. Sống ở TPHCM (2011).
Được bố dạy tập võ từ năm 13 tuổi. Năm 1959 vào học trường ca kịch dân tộc Hà Nội gặp được sư phụ Tám Danh (Nguyễn Phương Danh) dạy thêm cả nghề võ lẫn cải lương.
Ra trường về đoàn Cải lương Nam Bộ làm diễn viên, lấy chồng bộ đội đặc công.
Sau 1975 ở lại TPHCM tiếp tục hoạt động trong cả 2 lĩnh vực võ thuật và sân khấu. Thụ giáo thêm với nhiều thầy võ VN tên tuổi khác, từ đó tổng hợp tinh hoa các phái võ dân tộc 3 miền thành phái võ riêng mình gọi là “Thu Vân quốc tế võ đạo”.
Đồng thời bắt đầu nghiên cứu kết hợp đưa võ thuật vào nghệ thuật sân khấu thông qua vũ đạo gọi là “Võ nghệ thuật” dạy ở trường Nghệ thuật Sân khấu. Còn mở lớp dạy võ thuật riêng, vừa biểu diễn vừa viết sách phổ biến võ thuật, tham gia lập CLB Cascadeur (diễn viên đóng thế những pha nguy hiểm trong phim) đóng phim.
Năm 1988 được Liên đoàn Võ cổ truyền VN phong là nữ võ sư duy nhất đạt bạch đai 18/18. Từ năm 1992 được nhiều lần mời qua Pháp biểu diễn và huấn luyện võ cổ truyền VN.
Năm 2005 được phát hiện ung thư vú phải nằm viện điều trị, vừa đỡ đôi chút liền lên đường đi dạy võ trở lại thì gặp tai nạn xe máy chấn thương sọ não vào viện tiếp. Vậy nhưng vẫn không từ bỏ các hoạt động võ thuật – sân khấu, vẫn gắng gượng đi dạy võ miễn phí cho trẻ em khuyết tật, soạn sách võ học…
Bản thân bệnh tật mà chồng và con trai đầu cũng mắc bệnh kinh niên nên phải bán nhà, vay nợ để vừa lo gia đình vừa có tiền in sách, lập cả trang web về võ thuật nhằm mục đích phổ biến rộng rãi.
Tất cả nhằm “trả ơn đời” với ước nguyện xây dựng môn võ cổ truyền VN thành “quốc võ” xứng đáng được đưa vào dạy ở trường học giúp hun đúc thêm tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ.
996 - Nguyễn Tiến Văn ĐEM GIA TÀI SÁCH CHO NHÀ NƯỚC Dịch giả Việt kiều Canada sinh 1940 tại Hà Nội. Sống ở TPHCM (2011).
Người trong nuớc hiến sách cho Nhà nước cũng có nhưng nhiều nhất chỉ khoảng 10.000 cuốn, còn đây là Việt kiều từng vượt biên bây giờ lại mang sách mua từ nước ngoài về tặng cho thư viện Nhà nuớc đến 18.200 cuốn sách chất đầy trong một kho rộng 46m2.
Bản thân là dân mê sách từ hồi 15 tuổi. Lớn lên tuy không tốt nghiệp đại học song cũng từng cùng bạn bè mở một nhà xuất bản tư nhân chuyên in sách dịch ở Sài Gòn trước 1975.
Năm 1985 cùng gia đình xuất cảnh qua Canada để lại 6.000 cuốn sách cho bạn bè. Rồi đến xứ người lại tiếp tục đam mê sách, không đi làm mà chỉ ở nhà đọc sách và chăm lo tủ sách bắt đầu gầy dựng lại. Tiếp tục mua sách nhờ vợ (cô giáo dạy văn) chi tiền, nhắm mua các dịp sách giảm giá đủ loại để mua được nhiều, từ đó gầy dựng lại được cả một kho sách đồ sộ.
Không chỉ mua sách ngoại mà cả sách Việt bán ở nước ngoài nữa vì vẫn nặng lòng với nền văn hóa dân tộc. Vì vậy từng ra tờ nguyệt san “Trăm con” chuyên đề về văn hóa dân tộc VN tồn tại được 3 năm từ 1994 – 1996.
Cũng với niềm hoài hương văn hóa đó mà năm 2007 bất ngờ đóng thùng container một phần gia tài sách của mình (nặng tổng cộng 7,5 tấn) gửi tàu biển về TPHCM đem tặng cho thư viện Viện Khoa học Xã hội – Nhân văn TPHCM. Toàn bộ sách trị giá trên 500.000 USD đa số bằng tiếng Anh chủ yếu về mảng đề tài khoa học xã hội và nhân văn (thể loại từ điển hơn 1.000 cuốn trong đó có bộ từ điển bách khoa quý “Encyclopaedia Britannica” 32 tập khổ lớn tổng cộng dày 32.000 trang trị giá 2.000 USD).
Sau đó ở lại luôn TPHCM, thuê căn nhà nhỏ trong hẻm làm nơi tá túc, sống đạm bạc như một “ông đạo” râu dài tóc dài chỉ lo công việc nghiên cứu văn hóa VN và dịch thuật (đã dịch tập thơ Trang Thế Hy ra tiếng Anh).
Vợ con về yêu cầu qua lại Canada ở với gia đình nhưng từ chối tuy ở bên đó còn lưu giữ khoảng 20.000 cuốn sách ngoại cùng 15.000 cuốn sách Việt: “Tôi đã làm xong trách nhiệm của tôi với gia đình, bây giờ tôi phải được sống cho chính tôi.” Cũng còn lý do “Ở hải ngoại tôi thấy mình rất cô đơn vì không tìm được những người cùng ý hướng mà lại còn bị ngộ nhận nữa.”
997 - Nguyễn Trung KHÔNG BAO GIỜ BỎ ĐI NÊN KHÔNG BAO GIỜ TRỞ LẠI Họa sĩ sinh 1940 tại Sóc Trăng. Sống ở TPHCM (2011).
Được xem là một thiên tài vẽ tranh sơn dầu đầy tính sáng tạo tinh tế giàu chất suy tưởng song cũng rất ngang bướng kiểu “không giống ai” (nên trước đây từng bị đuổi học trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định!).
Trước 1975 là chủ tịch Hội Họa sĩ Trẻ Sài Gòn gây một không khí sáng tạo hội họa mới, đoạt nhiều giải thưởng. Đã có tác phẩm vẽ cuộc thảm sát Mỹ Lai do quân đội Mỹ gây nên năm 1968.
Đến 30.4.1975 không theo nhà vợ (gốc Bắc có người thân bị cộng sản sát hại) đi di tản, sau đó bạn bè tổ chức vượt biên cho đi ké vẫn từ chối vì: “Thời thế không ăn nhậu gì đến tao. Tao khoái cởi trần đi ra đi vô ở Sài Gòn, khổ cực mấy cũng chịu!”.
Năm 1989 được cho đi Pháp ngao du một chuyến rồi cũng về thôi.
Tiếp tục vẽ tuy làm việc âm thầm ít xuất hiện, giữ vững uy tín trở thành một trong những họa sĩ lớn thời hậu chiến cả 2 miền. Vì vậy hiếm khi có triển lãm mới được ca ngợi là một cuộc “trở lại”, lập tức đốp chát ngay “Tôi có bao giờ bỏ đi đâu mà nói rằng trở lại?”
Đúng vậy, không hề bỏ đi đâu hết cả nghiệp vẽ lẫn quê hương.
998 - Nguyễn Trường Cư THỢ HỚT TÓC 1 TAY Lao động nghèo sinh 1948 tại Nghệ An. Sống ở Nghệ An (2010).
Bố làm nghề hớt tóc nên năm 16 tuổi cũng theo nghề bố hớt tóc vỉa hè.
Năm 1965 từ giã nghề hớt tóc để nhập ngũ làm bộ đội bảo vệ TP Vinh chống máy bay Mỹ ném bom. Năm 1969 không may trúng bom Mỹ phải giải phẫu cưa mất tay trái lên sát vai. Sau một năm nằm viện được cho về.
Trở về là thương binh không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình nên mới tìm cách rèn lại tay nghề hớt tóc cũ để kiếm sống. Nhưng còn 1 tay nên hớt tóc không phải dễ, chạy tông-đơ xén tóc thì được chứ màn cạo râu cho khách thật gian nan khó khăn biết bao, thậm chí còn nguy hiểm nữa lỡ… cắt đứt da mặt người ta!
Nhờ quyết tâm cao, lại có sẵn kinh nghiệm cũ nên dần dần tập luyện bền bỉ cũng làm được. Lại đông khách nữa một phần vì mọi người tò mò rồi ủng hộ giúp đỡ thương binh, phần khác tay nghề ngày càng điêu luyện cộng thêm tính tình hài hước vui vẻ gầy chuyện thú vị với khách ngồi cắt tóc. Tới mức có lúc bị thợ hớt tóc khác ganh ghét đòi kiện tội phá giá cạnh tranh bất hợp pháp!
Chẳng những nuôi được 5 con trưởng thành mà trong đó 4 con trai cũng kế thừa… mở tiệm hớt tóc bây giờ còn ngon lành hơn cả bố!
999 - Nguyễn Tử Dương “CHIẾN SĨ BARIE” Lao động nghèo sinh tại Nghệ An. Sống ở Nghệ An (2008).
Nhập ngũ năm 1974 vào Nam chiến đấu ở Tây Nguyên, đến sau 1975 còn được điều lên bảo vệ biên giới Tây Nam chống quân Pol Pot.
Năm 1981 xuất ngũ thương binh về quê. Lập gia đình, chồng làm nông vợ buôn bán nhỏ, dựng căn nhà nhỏ gần Quốc lộ 1 nằm cạnh tuyến đường sắt Bắc – Nam chạy qua.
Vì nhà nằm sát tuyến đường sắt ở điểm không có trạm gác tàu nên tận mắt chứng kiến nhiều tai nạn thương tâm xảy ra cho bà con trong vùng do bất cẩn băng ngang đường tàu bị tàu đâm chết thê thảm. Rất bứt xúc song không biết làm cách nào giúp ngăn ngừa tai nạn trong khi cả địa phương lẫn ngành đường sắt hầu như không quan tâm.
Cuối cùng sau nhiều đêm trăn trở mất ngủ mới nghĩ ra một ý táo bạo: Chính mình tình nguyện đứng ra làm người “gác cổng” đường sắt – trong ngành gọi là gác “barie” tức gác rào chắn theo tiếng Pháp – để báo hiệu mỗi khi tàu sắp chạy qua đoạn này.
Thế là thuyết phục vợ bằng lòng cho mình làm chuyện “vác tù và” không lương như vậy bằng cách ra ngay điểm hay xảy ra tai nạn dựng một căn lều tạm bợ cách đường ray 20m để ứng trực tại đó suốt ngày đêm chờ hễ tàu sắp tới là cầm cờ hiệu chạy ra đứng bên cạnh đường ray làm dấu báo cho khách qua đường biết mà tránh.
Hiệu quả thấy rõ tức thì không còn tai nạn tàu lửa xảy ra nơi đây nữa.
Cứ thế làm việc không công không quản nắng mưa vất vả đối với một thương binh bởi “So với gian khổ thời chiến tranh ngày trước có đáng gì?”.
1000 - Nguyễn Văn Bé ÔNG “BA ĐẤT PHÈN” Dược sĩ sinh 1949 tại Bến Tre. Sống ở Long An (2011).
Gốc nông dân nghèo rớt mồng tơi phải đi chăn trâu và ở đợ. Năm 16 tuổi vào mật khu Đồng Tháp Mười theo cộng sản đánh Mỹ, nhiều năm lăn lộn ở vùng Mộc Hóa – Long An. Trong thời gian này học được nghề thuốc Nam chữa bệnh cho đồng đội, dân chiến khu.
Sau 1975 được cho đi học ngành dược ĐH Y TPHCM. Tốt nghiệp ra dạy ĐH Dược TPHCM, lấy vợ sinh con sống thoải mái.
Bỗng nhiên vào khoảng năm 1982 bỏ tất cả sự nghiệp, gia đình một thân một mình quay về vùng chiến khu Mộc Hóa ngày xưa tổ chức… khai hoang, lập cơ sở làm thuốc Nam! Tất cả một phần vì lòng hoài niệm “hổ nhớ rừng” đối với vùng đất chiến đấu gắn bó ngày xưa, phần khác do kinh nghiệm, kiến thức về ngành dược thấy nơi vùng đất phèn chua ngập mặn này có vô số thảo dược quý có thể lấy làm nguyên liệu sản xuất dược phẩm vừa rẻ tiền mà lại hiệu nghiệm.
Từ đó ngày đêm huy động nguồn lực - nhân công nghèo thất ngiệp ở địa phương có công ăn việc làm, vốn liếng vay mượn thân nhân, bạn bè, đồng đội cũ… - để tiến hành khai khẩn cả ngàn hecta, chiều dài cả trăm cây số đất bỏ hoang lâu nay ngay trung tâm Đồng Tháp Mười. Biến nơi đây thành Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn – phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười.
Tại đây vừa khai thác các loại dược liệu phong phú như cây tràm, cây tỏi, cây nhàu, củ gừng, hà thủ ô, các loại rau (vườn rau vào hàng lớn nhất nước)… chiết xuất thành sản phẩm thuốc chữa bá bệnh. Trồng thêm cả các loại thảo dược nước ngoài đem về để nghiên cứu rồi đưa vào dây chuyền sản xuất. Có cả phòng thí nghiệm, mạng Internet hiện đại.
Bên cạnh đó còn xây dựng trường học, trạm y tế, nhà ở cho cả hơn 400 hộ gia đình làm việc cho trung tâm. Dự định còn xây cả khách sạn để mời khách quốc tế đến “du lịch sinh thái chữa bệnh” tại chỗ.
Dù đã trở thành “đại gia” (doanh thu công ty đã lên tới trên 6 tỉ đồng/năm) song vẫn sống đời bình dị ham đi chân đất đội mũ vải bèo nhèo, tính tình phóng khoáng bộc trực chêm tật hài hước nên được bà con phong tặng cho biệt danh ông “Ba đất phèn” (từ tên gọi Nam Bộ dành cho con trai thứ hai trong gia đình).
Vợ con vẫn ở TPHCM lâu lâu mới lên thăm, có khi còn đem đứa con trai ham chơi bỏ học xuống bắt “cải tạo lao động” 2 năm biết hối lỗi rồi mới trả về cho vợ nuôi đi học! Còn bản thân mình thì đã thề “Về hưu hay chết thì cũng ở vùng này thôi”!
(Còn tiếp)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét