Thứ Hai, 19 tháng 3, 2012

CHẮP TAY DÒNG ĐỜI ( KỲ 7 ) - VÕ CHÂN CỬU

Hoa Lưỡi Cọp

Vào đêm, lối đi trước cửa bỗng ngân lan thoảng một mùi hương thanh khiết. Tìm kỹ, mới hay nó từ mấy chuỗi hoa lưỡi cọp.
Nhiều nơi chỉ biết trồng nó vô chậu nhỏ, đặt trên kệ đầu giường vì ban đêm lá tuôn thêm dưỡng khí. Cánh hoa bé, không đẹp, mùi hương âm thầm chỉ dành cho bạn tri âm. Cõi thơ ca hình như cũng vậy.
Mỗi người làm nghệ thuật thường diễn tả theo cách sử dụng ngôn ngữ riêng. Không như vậy thì những gì vẽ hoặc nói, viết ra chưa thể là tác phẩm. Ngôn ngữ riêng ấy không thể tự nhiên mà có. “Thấy người ta ăn khoai, mình vác mai đi đào” sẽ làm nên những gì vô nghĩa.

Mưa vẫn mưa bay…
“Diễm xưa” tương truyền là một trong những bài hát đầu tiên được Trịnh Công Sơn viết ngày còn học trường Sư phạm Quy Nhơn. Khi bản nhạc được nhiều người hát, và tên tuổi nhạc sĩ họ Trịnh ngày một vang dội, thì người ta phân tích nhiều những lời hát như thơ của ông. Đất Quy Nhơn với Thành Đồ Bàn từng là mộ trong các kinh đô của người Chăm. Bài hát tưởng như được gợi cảm từ những toà tháp cổ. Nhưng có người khi đó đã nói rằng không phải vậy. Tại Miền Nam, thời điểm giữa những năm `60, quân đội viễn chinh xuất hiện ngày càng đông, kéo theo phim ảnh, sách vở cùng những luồng văn hóa ngoại lai. Phụ nữ thành thị lúc này lại có mode bới tóc theo hình con nhím (khởi đầu trước đó từ Trần Lệ Xuân, và từng bước được cách tân). Tầng tháp cổ chính là một cách diễn tả về mái tóc trên cổ của cô gái vai trần. Thật thú vị về cách sử dụng ngôn ngữ của nhạc sĩ họ Trịnh. “Còn hai con mắt khóc người một con”, nguyên văn từ một câu thơ của Bùi Giáng được nhạc sĩ dùng ở một bài khác để nói về “gái một con” chứ không phải khó hiểu là “khóc một con mắt”, có người cũng bình tán phong phú thêm như vậy.
Chiến tranh và những nhiễu loạn xã hội lúc này làm bùng phát nhiều dòng sáng tác đa dạng. Các luồng triết học từ Heideger đến Jean Paul Sartre với các chủ nghĩa hiện sinh, hư vô xâm nhập bừa bãi vào đầu óc một số người trẻ. Thiền học được xiển dương như một sự cứu rỗi. Sự hỗn loạn trong tâm thức khiến một số lớn người trẻ bị sách vở mê hoặc. Không ít người làm được dăm bài thơ đã tưởng mình là “thiên tài” đã vội vàng bỏ học vì “khinh bỉ học đường. Trường phái “tiểu thuyết mới” và những “cách tân thơ ca theo hướng hiện đại” đã nẩy sinh nhiều nhà văn nhà thơ dù học hành chưa đến đâu, chưa viết nổi câu văn ra cau đã vội vàng đưa ra những cách thể hiện mới. Thảng hoặc có những sáng tác ghi dấu ấn thì có những bài thơ không nhịp điệu. Những hình ảnh thô tục, câu thơ lạc điệu với những tương phản được biện minh là những “công án”, một cách “Phùng Phật, Sát Phật”, hay “chối từ thượng đế” của các cây bút hiện đại. Từ ngàn đời nay, thiên hạ đã phân định chỉ có hai loại “thơ hay” hoặc “thơ dở”, thì lĩnh vực thơ hôm nay sự phân loại hình thức thêm rắc rối bỡi những gán ghép nào là “thơ tư tưởng”, “thơ thiền”,”thơ văn xuôi”.v.v.

Điên !
Tôi cũng nhiều lần phải chìm đắm bởi những khúc hòa âm vạn vật. Chiều xuống, vũng nước đầu hè vang lên tiếng chẫu chàng. Góc cuối, âm vang động vật đáp lại. Rồi tất cả mọi côn trùng:những con ong về tổ; ve ran dưới lùm cây. Tất cả cùng ngân nga. Mỗi sinh vật trên đời đều muốn chứng minh sự hiện hữu; đây là khoảng trởi riêng của mình. Vuông giống trời lấm tấm những vì sao.
Con người sau những lo toan vật chất cũng đều muốn tự khẳng định mình. Nhà thơ có cách thể hiện riêng. Do nhiều nguyên cớ nên giai đoạn 1968-1975 lại có những thi sĩ lại muốn giới thiệu mình trong vóc dáng “điên”.
-“…đang ở ẩn. Ai cần gặp xin liên lạc theo địa chỉ…” Người ta bắt đầu đọc được trên tạp chí Văn những dòng nhắn tin cậy đăng như vậy (phải là tác giả đã có nhiều bài được in thì tòa soạn mới nể nang cho cậy đăng). Đã ẩn tu mà vẫn nhắn tin cho mọi người biết ! Một số nhà thờ bắt đầu “điên” đã tự quảng bá mình như vậy !
“Điên” lúc này như một cách biểu hiện cá tính của nhiều lớp người, từ trí thức nghiên cứu, giáo sư giảng dạy. Nhiều nhất là các văn nghệ sĩ. “Điên” có xu hướng là một mốt thời thượng. Theo cách hiểu của người đời, “điên” là có những hành động, cử chỉ, thậm chí cả trong suy nghĩ khác với bình thường. Mỗi con người sống, thường chỉ xoay quanh những lo toan về vợ (chồng) con, gia đình, cơm áo…Văn nghệ sĩ thì hay mơ mộng, tưởng tượng ra những điều không thực nên có thể có những sinh hoạt khác thường. Họ dễ bị người đời gán ghép là…điên.
Y học có cụm từ “tâm thần phân liệt” để miêu tả trạng thái bất bình thường trong hệ thống thần kinh của con người. Tùy theo mức độ nặng nhẹ của sự phân liệt thần kinh để kết luận dấu hiệu tâm thần. Mỗi người qua nhiều sự cố hưng phấn quá độ hay ức chế đều dễ bị phán là bị “phân liệt”. Như vậy hiểu theo rộng thì con người rất dễ bị “điên”; nếu đi khám bác sĩ ai cũng dễ bị sa vào cảnh tâm thần bị phân liệt. Con người rất dễ bị điên. Nhưng có những kiểu điên “đẹp” và…điên loạn. Theo cách hiểu thông thường, một người chỉ bị coi là điên khi liên tục nói xàm hoặc xé quần xé áo, ở truồng ra đường.
Văn nghệ sĩ điên…theo kiểu không giống ai. Có lẽ do bị ảnh hưởng từ các thi sĩ Pháp (Tôi nhớ Rimbeaux với Verlaine, Hai chàng thi sĩ chóng hơi men...)nên gần những năm `40 thế kỷ 20, nên nhiều nhà phê bình đã xếp Hàn Mặc Tử và Bích Khê vào trường thơ “điên loạn” khi các thi sĩ này gào lên : “ta cởi truồng ra, cởi truồng ra…”
Các thi sĩ Việt Nam lúc chiến tranh Việt Nam lên cao độ đã “điên” ra sao ? Mở đầu cho cao trào điên có lẽ là nhà thơ Nguiễn Ngu Í quê ở Bình Tuy, được tạp chí Bách Khoa “lăng xê” khá nhiều vào trước và sau những năm thập kỷ `60. Ông sinh năm 1921, năm 1941 có lần bị điên thật, vào nhà thương điên chữa bệnh, một năm sau hết điên, nhảy vào làng văn trận báo, sáng tác nhiều bài thơ yêu nước. Ông có lối “cách tân” kiểu xếp vần chữ quốc ngữ khi thay chữ “y” bằng chữ “i”, quê viết là “qê”(bỏ nguyên âm “u”). Lối xếp chữ ấy về sau có một số người dùng ( như Trần Huiền Ân…) nhưng ít có ai bị xem là…điên. Thì ra Nguiễn Ngu Í còn đưa ra nhiều luận thuyết về lịch sữ, xã hội, con người…Điên như Nguiễn Ngu Í được sách báo cho là điên…thông thái. Năm 1977 ông vào ở hẳn trong Dưỡng Trí Viện Biên Hòa, hai năm sau thì mất.
Tới hôm nay, ngồi nhớ lại, tôi nghiệm ra là khi chiến tranh cao điểm , không phải chỉ ở Miền Nam mà cả trên đất Bắc, nhiều người có học cũng…giả điên. Ngay sau 1975, tôi đã gặp một số người làm thơ từ đất Bắc vào, mắt họ lúc nào cũng xa vời, nhíu mày, miệng lẩm bẩm như đang nói thầm. Thì ra, để được an nhàn, ít bị dòn ngó, có người vẫn giữ thói quen đóng kịch. Rằng mình đang chịu khó tư duy công tác cấp trên giao…Thời thế vẫn làm đảo điên con người.
Nhưng ở Miền Nam, ly kỳ nhất trong các kiểu điên lại thuộc về thi sĩ Bùi Giáng. Khoảng năm 1965 các báo ở Sài Gìn đưa tin căn nhà trọ nơi thi sĩ Bùi Giáng ở trên đường Bà Hạt bị hỏa hoạn. Ngọn lửa thiêu hủy tất cả bản thảo, sách vở, tài liệu khiến Bùi Trung niên thi si” hỗn loạn tinh thần, mong rằng ông không…hóa điên.

Thần Tiên lâm nạn
Bùi Giáng sinh năm 1926 tại huyện Duy Xuyên, Quảng Nam.Theo một số người có họ hàng xa gần với Bùi thi sĩ, người thi sĩ tài hoa kỳ lạ này đã bị chấn động tinh thần kể từ khi người vợ yêu quý của ông bị chết trong trận lụt kinh hoàng năm Nhâm Thìn tại làng Vĩnh Trinh, Quảng Nam cách nay 60 năm. Hình ảnh trận lụt và bóng dáng người yêu dấu ấy được thể hiện rất nhiều bài thơ tả cảnh làng quê ông, kể cả trước trận lụt lịch sử , như Người con gái lội qua khe, Bàn chân với nước lạnh đè lên nhau… (nhiều nhất là trong tập trong tập Mưa Nguồn. Hoảng loạn tinh thần khiến tài năng càng phát tiết. Bùi Giáng càng làm nhiều thơ, dịch sách, khi vào sinh sống, dạy học ở Sài Gòn còn viết cả sách việt văn luyện thi trung học đệ nhất cấp ( các giảng luận về Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Chu Mạnh Trinh, Tôn Thọ Tường, Phan Văn Trị). Sau trận hỏa hoạn 1965, Bùi thi sĩ sa vào chơi chữ, kể cả khi dịch thuật. Các sách của Bùi Giáng như Đi vào cõi thơ, Thi ca Tư Tưởng, Mùa Thu trong Thi Ca…lúc này có sức thu hút lạ kỳ. Nhiều bạn trẻ làm văn nghệ theo sau đã …bắt chước điên. Viết về Bùi Giáng, sau đó có người viết để…không ai hiểu gì cả, chữ nghĩa lộn tùng phèo, mộng và thực, huyền thoại và điển tích…đè lên nhau. Chính các tạp chí có uy tín như Văn, Khởi Hành khi làm các số đặc biệt về Bùi Giáng cũng bị lầm lạc khi cho in những bài phê bình có giọng văn bất thành cú của một tác giả trẻ bắt chước sách Phạm Công Thiện bằng cách…bỏ học từ năm lớp 11. Các bài viết này tất nhiên vẫn trích dẫn rất nhiều câu tiếng Pháp, tiếng Đức, đôi khi thêm cả những âm tiếng Phạn để chứng tỏ mình thông thái. Nhiều người tỉnh táo nhận ra rằng các thi sĩ lớn cũng đều có tật xem cái danh rất lớn. Suốt cả các trang viết, kể cả khi tự nhận rằng mình điên, Bùi thi sĩ không hề khen một câu thơ nào của các nhà thơ Việt Nam cùng thời (trừ một lần duy nhất có nhắc đến tên thi sĩ Huy Tưởng trong “Đi vào cõi thơ”). Có lần Bùi Giáng và Nguyễn Đức Sơn tình cờ gặp nhau tại nhà tôi, cả 2 đều sững người nhìn nhau rồi…ngó lơ như không hề từng biết nhau !
May mắn sao, các nhà thơ…giả bộ điên chỉ để chứng tỏ mình tài năng, thông thái, không ai lâm vào cảnh “giả lâu thành thiệt”. Đến sau 1975, diễn đàn văn nghệ tự do chất dứt. Miếng cơm, manh áo trở thành nỗi lo thực tế. Xu thế bây giờ phải là…vô sản mới được coi trọng. Nhiều người liền…hết điên.
Riêng Bùi Giáng vẫn đắm chìm trong cõi phiêu bồng, tự xem mình là…đười ươi. Với ông, chữ nghĩa, âm điệu như là…trò chơi trong cõi ta bà. Hãy nghe Bùi Đười Ươi thi sĩ giải thích:
“Thần tiên có bao giờ lâm nạn hay không, quả nhiên không ai dám quyết đoán điều đó. Nhưng quả thật những chú thi sỹ thuộc nòi Nerval, Hoelderlin, Traki, Beaudelaire, đã từng gặp nguy nan suốt bình sinh sinh tử sinh liều giữa Trận Tiền Ngôn Ngữ. Và sau cuộc sinh tử còn mang nặng u buồn của Chín Suối ? Hoàng Truyền Tại Thể chẳng hề thấy họ ngậm cười hây hây ? Tình huống ấy có thể kéo dài dằng dặc lâu lăng lắc đằng đẳng bấy chầy cho tới những ba trăm năm…hoặc hai trăm rưỡi, hoặc một trăm rưỡi ba phần tư năm chẳng hạn. Tạm gọi đó là tình huống của thần tiên thiên tần lâm nạn kéo dài tình trạng dằng dặc cửu nguyên Hoàng Tuyền Tại thể ngất tạnh mù tăm…(Trích bài Thần tiên và Thi sỹ- Tập san Thi Ca,, tháng 3-1975).
(Còn nữa)

Không có nhận xét nào: