Thứ Hai, 5 tháng 3, 2012

CHẮP TAY DÒNG ĐỜI ( KỲ 4 ) - VÕ CHÂN CỬU



Lá Vú sữa

Có được mảnh vườn, việc đầu tiên của tôi là trồng ngay trước nhà một cây vú sữa. Nó không có hình tháp đẹp như Sầu riêng. Cũng không phải đợi cây có trái để “bóp rồi mới ăn”. Mà bởi hai mặt lá nó mang hai màu khác biệt.
Cà phê Tùng Đà Lạt vẫn cung cách bày biện, tiếp khách như xưa. Chợ Đà Lạt và hội trường Hòa Bình còn giữ nguyên kiến trúc. Hai tối thứ 7 và chủ nhật, khu vực biến thành phố đi bộ. Những cô gái từ sài Gòn lên khoe chân đùi, giày không tấc; đông khuôn mặt các nghệ sĩ, nhà thơ. Nhưng ngoài khuôn cửa kính, tất cả đều khác xưa. Ngày đó các quanh khu vực có khá nhiều nhà sách lớn nhỏ. Những tập thơ dày mỏng, của cả các tập thơ đầu tay của nhiều cây bút mới trình làng đều được các chủ hiệu sách trưng bày trang trọng, mời khách cứ lật xem thử.
Cũ và mới
Năm 1967, thơ của nhóm tác giả “Bộ Lạc Mới” Sài Gòn gồm những Trần Hồng Nhan (Nguyễn Tôn Nhan), Triệu Cung Tinh Trung cũng được các hãng phát hành đưa lên gửi bán tại đây.
Sau những gợi mở của các nhóm chủ trương Sáng Tạo, Văn Nghệ…, các cây bút thuộc thế hệ mới này bắt đầu muốn phá cách. Không nhất thiết phải là thơ tự do, 7 chữ hay lục bát… Mà tất cả đều có thể pha trộn. Thơ kiểu Haiku cũng bắt đầu xuất hiện (để 20 năm sau biến thành thơ “ba câu” ? Có điều lớp tác giả trẻ lúc này tất cả đều viết ra từ cảm xúc, kể cả sự cố tình phá cách. Chứ không phải khổ nhọc tìm từ như các “phu chữ”, các “lực điền tên cánh đồng thơ” mà các “nhà phê bình” đã tôn xưng cho các “thần thơ” hôm nay. Có đọc và tiêm nhiễm chút ít các nhà thơ thuộc trường phái “đa đa”, siêu thực, nhưng người làm thơ Sài Gòn lúc này không đến nỗi phải quá mặc cảm mỗi khi so sánh mình với thơ thế giới !
Thật tội nghiệp cho các nhà “hậu hiện đại” hôm nay, chữ nghĩa cố tình như trò chơi què cụt, để chứng tỏ mình mới, để không ai hiểu mình muốn diễn tả gì. Nhưng họ sẵn sang cãi nhau để giành một “vé” cho một chuyến “trại sáng tác”, hay tuyển tập do Nhà nước cho tiền in. Một người bạn thi sĩ luôn tự hào mình”cách tân” như Nguyễn Đạt cũng không ngại ngùng nhiều lần đưa ra kết luận: Thơ kiểu các tác giả như Võ Chân Cửu sẽ không đủ “trình ca” để đăng trên Web T.V (ở Australia) ! Có cây bút “thời danh” thuộc thế hệ 8 X đã lớn tiếng đòi vứt hết thơ các tác giả thuộc các thế trước vào sọt rác !
Ở Việt Nam người làm thơ thời nào cũng đông. Chủ trương thu “quản lý phí” hiện tại khiến tất cả đều có thể được cấp giấy phép in thơ. Có cây bút đưa lên Web chê trách các tập thơ “làng, xã”. Tôi nói rằng như vậy càng vui, chứ sao ? Điều đáng buồn là sách thơ hôm nay rất ít người mua. Người lướt Web cũng rất chọn lọc , chỉ dừng lại ở một số tác giả. Nhiều người tin rằng người đọc thơ hôm nay có thể biết con ruồi bay ngang là ruồi đực hay cái ! Thế hệ 10 năm trước `75 đã có cách nói khác biệt, như “tôi làm thơ vì không biết làm gì khác” ! Thật ra là: “trời đã sinh, người làm thơ thì cứ làm thơ”. Biết làm sao hơn !
“Văn” và “người”
Những trang đầu tay thường ló ra chiều hướng suốt hành trình bút pháp. Phong cách mỗi ngòi bút từ đó hình thành. Các cây bút bản lãnh thường không lệ thuộc lắm vào thể loại. Người bạn lâu ngày là Nguyễn Thanh Châu từ Mỹ về cũng đồng ý thế. Như hai mặt của chiếc lá vú sữa, một xanh lục, một già nâu. Như vậy bạn đọc nhiều lay động với những thơ tình ngọt ngào của Nguyên Sa sẽ không phản cảm khi ông sau này thốt lên những câu như:
Bốn mươi, con vạc ăn sương
Có giường nệm trắng, có em cởi truồng…
(Nhớ Tú Xương)
Hiểu vậy thì người đọc vẫn thấy Thanh Tâm Tuyền là Thanh Tâm Tuyền trong sự ràng buộc niêm luật của thể thơ tứ tuyệt, cổ phong hoặc lục bát mà ông làm khá nhiều trong giai đoạn trong tù sau 1975. Như:
…Vắng trong tiếng gió bấc
Suối chảy siết bồi hồi
Luồn trong nỗi giá buốt
Thoáng rung rợn xa xôi
(Đêm Đông ở K2 Tân Lập)
Hoặc:
Cúi trông cố lý mây vô xứ
Ngâu trắng u mông táp mạn thuyền
Ngút ngọn triều dâng vách sụt lở
Bọt xóa thiên thanh dấp sóng quên
(Vượt biên)
Lên Đà Lạt, Nguyễn Thanh Châu, người say mê sưu tập, tuyển chọn những bài thơ cho các tuyển tập Thơ Miền Nam in ở nước ngoài cũng thành thật nói với các bạn ngồi thơ mới quen : Ngay cả ở Mỹ, thơ in ra cũng rất khó bán. Đa phần là cho. Tôi kể thêm chuyện: ở quán 81 Sài Gòn (Hội văn nghệ sĩ), từ lâu đã có thông lệ: ai muốn đọc thơ, thường phải mua nộp 5 chai để trả tiền “tra tấn” lỗ tai những người trong bàn. Vậy nhưng thơ vẫn cứ ào ào tuôn như bia. Nhưng lắm nhà thơ vẫn rắp ranh tính toán: Làm thơ sao kiếm được đĩa mồi !
Giải thích cho ra lẽ điều này thật khó. Giỏi làm thơ không còn là một lợi thế để thăng tiến trên đường hoạn lộ, khoa cử. Nhưng trong cuộc đời thực chất nhiều nhà thơ vẫn là các “nhà dùng thơ”. Hiền thì nhằm “thi hóa” kinh kệ, chuyện lịch sử; tính toán một chút là xưng tụng, ngợi ca để lấy lòng cấp trên; tệ hại nhất là để cổ vũ cho một chính sách, chủ thuyết. Tôi kể cho anh nghe những chuyện nực cười diễn ra ở Sài Gòn sau ngày hòa bình (khi đó anh đã “được” đi học tập cải tạo). Tại khóa học đầu tiên dành cho văn nghệ sĩ Sài Gòn, có một chiều nhà thơ nổi tiếng với các công trình thi hóa đã rủ tôi về nhà để “tâm sự”. Anh khoe đã viết được đoạn bản trường ca mới, với những câu thơ thi hóa cuộc đời như: “…đến xứ Công Gô, Ngắm nhìn ngọn song nhấp nhô cuối trời”…Và âu lo không biết chế độ mới sẽ có “tin” mình không. Sự khủng hoảng cũng dễ thông cảm. Nhưng việc thần thánh hóa lãnh tụ thì anh làm sao có thể qua mặt các cây bút “lão luyện”.
Có người nói rằng nhà thơ cũng như người đời, đều có 2 mặt. Nhà thơ thì giàu ngôn ngữ, nhiều tưởng tượng, có quyền viết những điều mình không sống. Như có người không hề hút thuốc hay uống rượu, nhưng nhưng nào cũng nói mình say. Có người đối xử tệ bạc với bạn hữu, người than ruột rà nhưng lại ngụy biện đó là thực hành theo công án “phùng Phật sát Phật”. Tốt hơn cả là “đừng nghe những gì nhà thơ nói”…
Những lá vú sữa trên tàn cây đã nói với tôi rằng hai màu lá đối nghịch vì lẽ tự nhiên do trời sinh, nó hợp thành một chiếc lá. Nhưng con người, có thể khi trẻ, khi già. Nhưng chữ nghĩa trước sau cũng sẽ khẳng định : văn là người !

Không có nhận xét nào: