Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

CAO HUY KHANH - VN HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2012 ( KỲ 106 )


NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ
1061 - Chị Nga
GIA ĐÌNH “XƯƠNG THỦY TINH”
Lao động nghèo người khuyết tật sinh khoảng 1963 tại miền Nam. Sống ở TPHCM (2012).
Bản thân và anh trai cùng em gái song sinh từ khi sinh ra đã mắc chứng bệnh “xương thủy tinh” tức xương dễ gãy, vỡ không thể đứng thẳng người mà phải lết đi, thường xuyên phải nẹp những chỗ xương gãy. Nhưng gia đình nghèo không có phương tiện chạy chữa thuốc men cho đỡ hơn.

Đã vậy, gặp lúc chiến tranh khốc liệt cả 3 được cha mẹ bỏ vào quang thúng gánh mang chạy tránh bom đạn rồi thất lạc. Cuối cùng cả 3 được lính VNCH tìm thấy trong rừng cao su mới đem vào cho trại mồ côi Công giáo ở Thủ Đức (ngoại vi TPHCM bây giờ) nuôi.

Sống ở trại mồ côi đến năm 1988 em gái song sinh cũng do bị “xương thủy tinh” gãy làm trượt té chấn thương sọ não qua đời. Còn lại một mình đi học văn hóa (tốt nghiệp lớp 12) đồng thời lo chăm sóc cho anh trai vừa bị “xương thủy tinh” vừa thiểu trí năng không tự lo được cho bản thân.

Đầu những năm 1980 hai anh em được chuyển đến trại mồ côi Thị Nghè vẫn ở TPHCM. Tại đây gặp được người yêu cũng là trẻ mồ côi có cha mẹ bị trúng đạn chết trong một trận càn, riêng mình thì bị thương vào chân thành tật đi khập khiễng.

Từ đó cả hai cùng đưa ông anh thiểu trí năng rời khỏi trại mồ côi ra ngoài sống riêng rồi làm lễ cưới năm 1999. Sau đó gia đình nhỏ 3 người bắt đầu lao vào cuộc kiếm sống ngoài đời vất vả.

Ban đầu vợ làm nghề thêu may học được từ trại mồ côi, chồng đi bỏ hàng và phụ việc nhà cho vợ. Sau một thời gian mối hàng may ít, vợ phải ngồi xe lăn đi bán vé số (chồng phải bế lên xe lăn) ban ngày, tối về mới may vá hàng gia công.

Thế rồi có thai con đầu lòng định bỏ đi vì sợ lại mắc bệnh “xương thủy tinh” di truyền thành què quặt tội nghiệp nhưng may siêu âm thấy vẫn bình thường nên bác sĩ khuyên giữ lại. Quả thật vậy, đứa con trai lớn lên lành mạnh khỏe khoắn.

Đến cháu trai thứ hai cũng tưởng vậy ai ngờ cháu lên một tuổi mới phát hiện dính bệnh như mẹ và cậu phải đi bệnh viện nẹp tay hoặc nẹp chân thường xuyên mỗi khi xương bị vỡ, thời gian nằm bệnh viện còn nhiều hơn ở nhà! Tuy nhiên rồi thì cả 2 vợ chồng đều hầu như không còn ngạc nhiên gì mấy trước số phận đã quá quen rồi: “Trời cho thế nào mình phải nhận vậy thôi.”

Có khi cả 2 mẹ con cùng đi viện bó xương, còn ở nhà mỗi khi cần di chuyển thì con lết phía trước và mẹ lết phía sau để còn chăm con khỏi bị té ngã nữa!

1062 - Dương Kiền
MỘT THỜI “VĂN HỌC”
Nhà thơ, nhà viết kịch, luật sư Việt kiều Na Uy sinh 1939 tại Huế. Sống ở Na Uy (2012).
Năm 1962 còn là sinh viên Luật ở Sài Gòn tham gia trong phong trào sinh viên trí thức đấu tranh chống chế độ Ngô Đình Diệm đã cùng một số bạn bè cùng trang lứa sáng lập tạp chí Văn Học lo phụ trách phần nội dung (cùng Phan Kim Thịnh làm chủ nhiệm chịu trách nhiệm quản lý chung, sau chuyển dần thành bán nghiệp san).

Với tinh thần và lý tưởng tiến bộ của lực lượng sinh viên trí thức “dấn thân” thời này, đã xây dựng nội dung báo vừa có tính thời sự thiết thân đề cập đến các vấn đề chính trị – xã hội – văn hóa thực tế nóng bỏng vừa nâng cao trình độ kiến thức cả người viết lẫn người đọc. Tất cả đều nằm trong chủ trương xây dựng một xã hội miền Nam không Cộng sản mà vẫn hòa bình thịnh vượng, tự do dân chủ nhưng với Cộng sản chỉ đấu tranh ôn hòa thay vì bạo lực trong tinh thần “anh em một nhà”.

Điều này phản ánh qua một số đề tài thể hiện trên mặt báo như giới thiệu các tác giả bị miền Bắc bạc đãi như Hoàng Cầm, Hoàng Công Khanh, Vũ Anh Khanh, Quang Dũng, Hà Minh Tuynh, Nhất Linh; giới thiệu tác phẩm “Bác sĩ Jivago” của B. Pasternak đoạt giải Nobel nhưng bị chính quyền Liên Xô thời đó phủ nhận giá trị… Đồng thời vẫn kêu gọi, cổ vũ cho ngưng chiến hòa đàm…

Được sự hỗ trợ tích cực của lứa sinh viên cùng chí hướng cũng là những cây bút trẻ có tiềm lực và nhiệt huyết gồm Thế Uyên, Nguyễn Hữu Dung, Bùi Ngọc Dung, Trần Triệu Luật, Trần Quang Long, Nguyễn Trọng Văn, Luân Hoán… Dần dần cả những tác giả tiến bộ khác ngoài giới sinh viên cũng gia nhập đội ngũ như Hoàng Ngọc Biên, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Xuân Hoàng nên báo đạt chất lượng nâng tầm đáng kể - sâu sắc và tiến bộ - nhất thời này.

Bản thân nguyên là nhà thơ và viết kịch (có vở “Mắc lưới” được tặng giải thưởng quốc gia chế độ cũ năm 1966) cũng góp bài viết về các đề tài thời cuộc.

Tuy nhiên qua giai đoạn sinh viên lên ngôi trên chính trường miền Nam đến thời các “tướng trẻ” Thiệu – Kỳ nắm quyền và Mỹ can thiệp sâu thì tình hình miền Nam nhanh chóng đổi khác với chiều hướng chiến tranh dữ dội hơn. Từ đó quan điểm “đối thoại” hòa bình với miền Bắc phá sản nên nhóm Dương Kiền bắt buộc phải rút khỏi báo để tránh cho báo khỏi bị đóng cửa! (Để tồn tại, sau đó báo biến thể thành một loại tạp chí khảo cứu văn học tạp lục trình độ giáo khoa vô thưởng vô phạt do chủ nhiệm Phan Kim Thịnh từ nay quán xuyến hết mọi mặt).

Còn bản thân cũng hầu như rút lui khỏi các hoạt động VHNT, ra làm luật sư… Bạn bè cùng chí hướng một thời nay cũng phân tán mỗi người một ngã đường đời có khi còn theo hướng đối nghịch nhau như đi lính VNCH (Thế Uyên, Luân Hoán…) hoặc vào chiến khu theo Cộng sản luôn (Trần Quang Long, Trần Triệu Luật…)!

Sau 1954 qua định cư Na Uy. Cuối đời làm thơ Thiền như một cách đã “đạt đạo” như bài sau viết năm 2006 nhân chuyến quay về cố hương tìm thăm lại cảnh cũ người xưa:
VÒNG QUAY
“ Có một vòng quay cho đời ta,
Tinh mơ lấp lánh hạt sương sa,
Giữa trưa nắng đổ hai vai nặng,
Chiều vẳng chuông chùa mở lối ra.
Thế đấy, niềm vui chan nước mắt,
Ừ em, nỗi khổ cũng đơm hoa,
Em nhé cầm tay ta tĩnh lặng,
Yêu nhau Nam Mô A Di Đà.
(SaiGon, 19.02.2006)

1063 - Lê Nguyên Vỹ
SINH BẮC TỬ NAM HÀI CỐT QUY CỐ HƯƠNG
Chuẩn tướng VNCH sinh 1933 tại Sơn Tây – Mất 1975 ở Bình Dương (43 tuổi).
Năm 1954 cùng các em gái di cư vào Nam, mẹ còn ở lại miền Bắc.

Gia nhập quân lực VNCH. Nổi lên trong hàng ngũ tướng trẻ tài năng từ năm 1972 làm tư lệnh phó Sư đoàn 5 tử thủ An Lộc (thuộc Bình Phước hiện nay).

Cuối năm 1973 giữ chức tư lệnh cuối cùng sư đoàn này trong lúc người em gái đã đi theo Cộng sản! Được tiếng tướng trong sạch chống tham nhũng.

Đến trưa ngày 30.4.75 sau khi nhận lệnh Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng Việt Cộng đã ra lệnh giải tán sư đoàn, sau đó riêng mình đến đứng dưới cột cờ bộ tư lệnh (đặt tại Lai Khê, Bình Dương) rút súng ngắn tự sát tại chỗ: “Vì tôi là một tướng chỉ huy mặt trận, tôi không thể thi hành lệnh này được (đầu hàng). Tôi nghĩ thân làm tướng là phần nào đã hưởng vinh dự và ơn huệ của quốc gia hơn các anh em nên tôi phải chọn lấy con đường đi riêng cho tôi.”

Là một trong 5 vị tướng VNCH tự sát sau khi thi hành lệnh đầu hàng (còn Phạm Văn Phú, Nguyễn Khoa Nam, Trần Văn Hai, Lê Văn Hưng – có điều trùng hợp Lê Văn Hưng là tư lệnh Sư đoàn 5 khi mình là tư lệnh phó).

Vợ (gốc Hải Phòng di cư) ở nhà sau đó mới biết tin đành gạt lệ ôm 4 con nhỏ (từ 6-10 tuổi) vượt biên qua Mỹ làm thợ cắt tóc nuôi con. Nhưng vẫn giữ liên lạc với mẹ chồng ngoài Bắc, gửi tiền giúp đỡ bà.

Năm 1987 bà mẹ ngoài Bắc vào TPHCM gặp các con gái tìm mộ con trai chôn ở Gò Vấp đưa đi hỏa thiêu rồi đem về quê Sơn Tây thờ trong đình làng.

“Sinh Bắc tử Nam” là khẩu hiệu của cán binh, bộ đội sinh miền Bắc vào miền Nam chiến đấu, một số hy sinh sau 1975 được thân nhân vào đưa hài cốt về quê nhà miền Bắc. Trên đây là trường hợp quy cố huơng tương tự hiếm có thuộc về phía bên kia chiến tuyến cuối cùng cũng quay đầu về lại nơi chôn nhau cắt rốn mà trước kia mình từng dứt áo ra đi.

1064 - Nguyễn Đình Đầu
ĐIỂN HÌNH NGƯỜI TRÍ THỨC CÔNG GIÁO YÊU NƯỚC
Nhà nghiên cứu sử địa sinh 1920 tại Hà Nội. Sống ở TPHCM (2012).
Thời Pháp tốt nghiệp trường Bách nghệ Hà Nội, tham gia hoạt động trong những phong trào thanh niên tiến bộ thời đó như Hội Truyền bá Quốc ngữ, Hướng đạo và do mình có đạo nên cả tổ chức Thanh Lao Công (thanh niên lao động Công giáo) do giới Công giáo thành lập tạo điều kiện cho giới trẻ có đạo hoạt động xã hội. Ngay từ thời này đã bộc lộ năng khiếu và ý thích vẽ bản đồ đất nước.

Khi Cách mạng Tháng 8 thành công, được một huynh trưởng hướng đạo dẫn dắt đi theo con đường cách mạng, đưa vào chính phủ lâm thời làm phụ tá bộ trưởng bộ kinh tế quốc dân được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ đi mua gạo bị quân Lư Hán bắt suýt giết chết. Sau đó tiếp tục làm phụ tá ngoại giao trong cuộc đàm phán với Pháp, có mặt trong phái đoàn VN qua Pháp dự hội nghị Fontainebleau thất bại.

Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, không theo vào chiến khu (có lẽ do nghi ngại Cộng sản đã có dấu hiệu phân biệt đối xử với Công giáo) mà vẫn ở lại Hà Nội. Rồi được giúp đỡ qua Pháp theo học ĐH Công giáo ở Paris, tốt nghiệp cử nhân ngành khoa học xã hội năm 1953. Trong thời gian này vẫn tham gia các hoạt động Việt kiều ở Pháp ủng hộ kháng chiến chống Pháp.

Năm 1955 trở về Sài Gòn đi dạy học chuyên môn sử địa, soạn sách giáo khoa môn này. Nhân đó tìm lại thú vui vẽ bản đồ và say mê sưu tầm bản đồ cổ VN lên tới hơn 3.000 bản đồ. Song song đó góp phần khôi phục, chấn hưng phong trào Thanh Lao Công tuy thuộc Công giáo song lại có xu hướng tiến bộ ủng hộ Mặt trận Giải phóng miền Nam chống Mỹ.

Từ đó sau Hiệp định Paris ký kết 1972 đã ra mặt tham gia “Lực lượng thứ ba”, lực lượng chính trị tự cho “đứng giữa” không theo VNCH thân Mỹ cũng không theo Cộng sản với chủ trương đấu tranh tái lập hòa bình cho đất nước. Vì thế đã được Tổng thống Dương Văn Minh lên nắm quyền vài ngày trước 30.4.75 cử vào đoàn đại diện đến gặp phái đoàn Cộng sản (miền Nam) ở Trại Davis để thương thảo ngưng bắn không thành.

Sau ngày Giải phóng, “Lực lượng thứ ba” xem như dẹp tiệm nhường chỗ cho Cộng sản – chỉ còn duy nhất một lực lượng là Cộng sản! – nên đành lui về làm thường dân.

May nhờ hai nhà khoa học cộng sản uy tín Trần Văn Giàu và Trần Bạch Đằng biết được sở học và quá trình hoạt động yêu nước của một người trí thức Công giáo tiến bộ tiêu biểu nên giúp đỡ đưa trở lại con đường chuyên môn nghiên cứu sử địa, đặc biệt nghiêng về khảo cứu địa dư, địa bạ, bản đồ VN từ xưa đến nay. Từ đó liên tiếp có nhiều công trình, tác phẩm nghiên cứu khoa học đóng góp trong lĩnh vực này.

Năm 2005 được tặng Giải thưởng Trần Văn Giàu, năm 2008 là Giải thưởng Phan Châu Trinh cho toàn bộ sự nghiệp học giả đến khá muộn màng vào cuối đời.

1065 - Phạm Hồng Thắm
LỜI HỨA CỦA NGƯỜI LÍNH
Y sĩ sinh 1958 tại Hải Dương. Sống ở Gia Lai (2011).
Vào bộ đội quân y năm 1973 chiến đấu ở miền Nam.

Năm 1986 ra quân chuyển qua làm nhân viên nhà nghỉ ở Thái Nguyên.

Sau khi lấy vợ sinh con (4 con) thấy khó sống nổi với đồng lương công nhân nên năm 1993 quyết định đem vợ con lên vùng cao Chư Pah Trai ở Gia Lai từng là chiến trường xưa trồng cà phê và nuôi bò mong thoát cảnh nghèo.

Trên quê hương mới nhờ có tay nghề y sĩ cũ nên còn giúp đỡ săn sóc, chữa trị cho trẻ em người dân tộc (đa số dân tộc J’rai) bị khuyết tật hoặc mắc di chứng CĐDC. Không chỉ thế, còn tìm mọi cách cứu sống trẻ sơ sinh người dân tộc vì hủ tục suýt bị buôn làng chôn sống mang về nuôi dưỡng. Từ đó trở thành một người cha nuôi của cả trăm trẻ khuyết tật, mồ côi, nạn nhân CĐDC.

Khi Trung tâm Phục hồi chức năng Chư Pah được thành lập giao cho làm giám đốc, đã đưa số em khuyết tật vào đây tập vật lý trị liệu, ứng dụng thuật điện châm cho các em xem như tất cả đều là con nuôi, lớn lên các em được cho đi học nghề…

Tất cả vì một lời hứa với đồng đội trước đây nếu còn sống sẽ “nuôi hộ những đứa con của người lính”. Hoàn cảnh đưa đẩy bây giờ làm việc này hy vọng “Biết đâu nới chín suối bạn bè cũng sẽ mỉm cười vui vẻ với mình. Biết bao đứa con của người lính có thể cũng đang trong cảnh này, mình giúp trẻ con ở đây thì sẽ có nhiều người giúp chúng…”

1066 - Phạm Khôi
VỀ VỚI BIỂN QUÊ MÌNH
Kỹ sư địa chất Việt kiều Canada sinh 1972 tại Sài Gòn. Sống ở Vũng Tàu (2012).
Mới 3 tuổi đã cùng gia đình di tản qua Canada tháng 4.1975.

Lớn lên theo nghiệp cha vốn là một thuyền trưởng ở miền Nam, học và tốt nghiệp kỹ sư địa chất từ năm 1997 chuyên đi tàu khảo sát địa chấn biển ở Canada lên tới tận Bắc cực lẫn Nam cực.

Khi mình đã đạt trình độ và kinh nghiệm cao tay nghề, chính người cha đã khuyên nên về giúp VN làm công tác khảo sát địa chấn biển phục vụ tìm kiếm và khai thác dầu mỏ, một lĩnh vực ở VN còn hiếm chuyên gia trong nước.

Vì thế năm 2009 chấp nhận lời mời trở về làm đội trưởng đội khảo sát địa chấn trên tàu thăm dò dầu khí của VN dù lương thấp hơn làm với nước ngoài mà lại ở xa cha mẹ: “Chuyên môn khảo sát địa chất biển ở VN không cao, chính vì thế lại càng thôi thúc mình về. Mình tin rằng sẽ làm được gì đó dù rất nhỏ bé cho quê hương đã sinh ra mình.”

Đây chính là người đội trưởng có mặt trên tàu Bình Minh 02 đương đầu với tàu hải giám Trung Quốc gây hấn năm 2011, bảo vệ vùng biển quê hương, bảo vệ tàu và đồng đội an toàn.

1067 - Phạm Mạnh Cương
CẠN NGUỒN CẢM HỨNG
Nhạc sĩ Việt kiều Canada sinh 1933 tại Huế. Sống ở Canada (2012).

Trước 75 vừa mở trường tư ở Sài Gòn vừa viết nhạc tình ca lãng mạn nhẹ nhàng nổi tiếng với những bài “Mắt lệ cho người tình”, “Thương hoài ngàn năm”, “Thu ca”… Làm các chương trình ca nhạc truyền hình, thu băng đĩa thành công.

Cùng vợ làm MC cho các chương trình đó hợp thành một đôi uyên ương văn nghệ tài sắc vẹn toàn.

Sau 30.4.75 còn ở lại. Nhưng đến năm 1980 thấy khó lòng hòa nhập được với xã hội mới nên cùng 2 con vượt biên từ Cà Mau qua Thái Lan rồi được nhập cư Canada. Lập ban nhạc chơi cho các vũ trường ở Montreal.

Năm 1983 bảo lãnh vợ và 2 con gái qua theo. Tuy nhiên vài năm sau thì hai người… chia tay!

Năm 1998 in tuyển tập nhạc “Huế còn chút gì để nhớ” xem như món quà âm nhạc cuối cùng gửi quê nhà.

Bởi từ khi bôn ba lưu lạc xứ người chỉ sáng tác được 5 bài hát vì cuộc sống, con người nay đã đổi khác, tình cảm từ đó cũng khác rồi không còn đem lại cảm hứng dạt dào tươi mới như xưa nữa: “Người nghệ sĩ muốn sáng tác với sự rung động thật sự phải có nguồn cảm hứng thật. Mà muốn có nguồn cảm hứng thật thì tâm hồn phải thảnh thơi vượt qua cuộc sống hàng ngày…”

1068 - Phạm Mạnh Đạt
MỘT ĐỜI HẠ UY CẦM
Nhạc sĩ Việt kiều Mỹ sinh 1934 tại Hải Dương. Sống ở Mỹ (2012).

Là một trong những nhạc sĩ đầu tiên chơi đàn hạ uy cầm (đàn hawai) từ thời mới du nhập vào Hà Nội những năm 1940 cùng các đồng nghiệp Nguyễn Thiện Tơ, Tạ Tấn, Đoàn Chuẩn…

Năm 1954 cùng vợ di cư vào Nam. Bị động viên đi lính trường sĩ quan Thủ Đức nhưng sau bị thương nên cho giải ngũ sớm. Từ đó tiếp tục gắn bó với sự nghiệp đàn hạ uy cầm tuy ngày càng bị các loại nhạc cụ phổ biến hơn (guitar, piano…) lấn lướt. Bắt đầu viết ca khúc năm 1957.

Đến 30.4.75 cùng vợ và 5 con lên tàu di tản qua Mỹ.

Trên xứ người tạm gác đàn lại lo đi làm lao động nhà hàng (cả dọn dẹp vệ sinh) nuôi thân rồi quay qua mở cửa hàng tạp hóa.

Đầu nhưng năm 1990 khi cuộc sống đã ổn định, gia đình sung túc mới tìm lại niềm đam mê hawai thủa nào. Mở trung tâm dạy nhạc đồng thời bắt đầu thu đĩa nhiều ca khúc do mình tự đánh đàn hawai độc tấu hoặc có phụ họa gây được tiếng vang đáng kể.

Đã ra mắt 10 đĩa nhạc hawai như vậy, trở thành hầu như là nhạc sĩ VN đàn hawai nhà nghề duy nhất ở hải ngoại và có thể cả ở trong nước nữa.

Ngoài ra còn là người đầu tiên mở chương trình Radio tiếng Việt ở TP San Jose, California. Tuy nhiên không tiếp tục công việc kinh doanh đài nữa vì muốn để dành thời gian gắn bó với tiếng đàn hawai.

Năm 2002 lần đầu tiên quay về nước, về tận làng quê nơi sinh nhau cắt rốn ở Hải Dương tặng tiền xây 2 trường mầm non, vào TPHCM ủng hộ quỹ phát triển âm nhạc cho Nhạc viện TP.

1069 - Phạm Minh Thư
MỘT MÌNH THÁO GỠ 18.000 BOM MÌN
Thượng tá bộ đội sinh 1956 tại Quảng Ninh. Sống ở Hà Nội (2012).

Đi bộ đội năm 1974.

Sau chiến tranh, năm 1979 về tiểu đoàn bảo dưỡng kỹ thuật bay đóng tại sân bay Pleiku, dần dần lên chức tiểu đoàn trưởng hàm trung tá.

Do hoạt động trong sân bay nên tận mắt chứng kiến vô số tai nạn bom mình còn nằm sâu dưới lòng đất trên một diện tích rộng bao la bát ngát phát nổ làm nhiều người cả thường dân lẫn bộ đội chết và bị thương thảm khốc mà lúc đó bộ đội công binh chưa có điều kiện và phương tiện để rà soát thu gom. Bản thân thấy vậy không khỏi đau lòng mới suy nghĩ tìm cách làm sao xóa bỏ tai họa này.

Được một đồng đội bên công binh hướng dẫn về cách tháo gỡ bom mìn, thế là từ năm 1992 tự mình lặng lẽ bắt tay vào công việc nguy hiểm chết người này (sau đó có được một đồng đội phụ giúp một thời gian rồi thôi). Do không phải là nhiệm vụ được giao phó nên phải làm toàn ngoài giờ hành chính, vào rạng sáng hoặc chiều về hoặc ngày nghỉ ngày lễ.

Cứ thế đơn thương độc mã một mình cầm dụng cụ đi “chọc” lỗ tìm dấu hiệu bom mìn lấp dưới đất, dưới cỏ, trong bụi rậm… Tìm được dấu vết bom mìn rồi mới tiến hành thao tác tháo gỡ chúng, vô hiệu hóa đem giao cho bộ phận công binh xử lý.

Làm âm thầm lặng lẽ, thậm chí còn giữ “bí mật” với gia đình nữa sợ bị can ngăn! Năm 2003 vợ mới biết khóc lóc van xin đừng làm nữa song không chịu: “Làm người ai cũng muốn có một cuộc sống bình yên nhưng không lẽ mình cứ ngồi yên để nhìn người khác chết chóc bi thương sao. Anh sẽ làm cho bằng hết…”

Bản thân cũng chấp nhận cái giá có thể hy sinh bất cứ lúc nào nên trước mỗi lần đi ra bãi bom mìn đều gấp sổ sách giấy tờ trên bàn làm việc rất cẩn thận, thu dọn phòng làm việc ngăn nắp gọn gàng, viết các nội dung kế hoạch làm việc để lại trên bàn để nếu không may mà không trở về được thì mọi người còn biết công việc mà làm!

Dầm mưa dãi nắng chiến đấu với mối đe dọa tử thần từ năm này qua năm khác khiến cân nặng từ 70kg sụt xuống còn 50kg, người khô đét đen đúa đúng là giống dân buôn phế liệu! May mà sao nhờ trời phù hộ không phụ lòng người có tâm lớn nên đã không ít lần thoát chết trong đường tơ kẽ tóc.

Kết quả sau 13 năm (đến 2005) tính đủ đã tháo gỡ được khoảng gần 18.000 quả bom mìn giết người. Từ vùng đất hoang hóa đã được làm sạch đó mới vận động đồng đội trồng hơn 100 hecta bạch đàn trước khi được điều qua làm Phó giám đốc Bảo tàng Quân chủng Phòng không – Không quân.

1070 - Phạm Ngọc Sang
“CÓ TỘI VỚI ĐỒNG BÀO”
Chuẩn tướng không quân VNCH sinh 1931 tại Gia Định – Mất 2002 ở Mỹ (72 tuổi).
Trong trận quân VNCH lập chiến tuyến tử thủ Phan Rang tháng 4.1975, là tư lệnh không quân vùng Tây Nguyên có quyền chỉ huy trên máy bay (khi cần dễ bay trốn thoát) nhưng vẫn tình nguyện xuống căn cứ dưới mặt đất để chỉ huy không quân hợp đồng tác chiến với bộ binh. Vì vậy cuối cùng bị bắt làm tù binh.

Đi cải tạo 17 năm ngoài miền Bắc, đến 1992 do bị bệnh nặng mới được cho về. Một năm sau cùng vợ con đi Mỹ nhờ con trai vượt biên trước đó bảo lãnh.

Nhưng không sống được lâu do di chứng bệnh tật thời đi cải tạo kéo dài.

Trước khi mất còn kịp viết hồi ký về trận Phan Rang với tâm sự u uẩn: “ Tôi cảm nhận rất có tội với đồng bào vì làm tướng mà không giữ được thành.”

Và trăng trối hai điều: Tất cả tiền phúng điếu gửi về giúp thương phế binh VNCH còn ở lại VN, với những đồng đội lưu vong thì nhắn nhủ “Mọi người hãy thương yêu nhau”.

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào: