Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

CHẮP TAY DÒNG ĐỜI ( KỲ 8 ) - VÕ CHÂN CỬU

Rau tập tàng

Lần nào về quê, tôi cũng nhờ nấu một bữa canh rau tập tàng. Ở quán Bông Giấy vỉa hè, tưởng tôi nói nghĩa bóng, có nhà thơ nữ “tân hình thức” liền phản bác: thơ hiện đại là hiện đại. Chứ làm sao có chuyện “tập tàng” trong đó được.
Xưa hay nay cũng vậy, giới cầm quyền theo phong cách “toàn trị” vẫn muốn mọi sự phải theo khuôn mẫu; một là một, hai là hai ! Sống trong nền giáo dục đó, giới tập sự cầm bút cũng ảnh hưởng nếp suy nghĩ đó một cách vô thức. Một người bạn được phong là hàng ngũ chủ lực của nhóm “hâu hiện đại”, và là “hội viên Hội nhà văn thành phố” cũng nhiều lần mong muốn tôi phải “làm mới thơ”. Một người chuyên làm thơ từ trước hẹn sẽ lên Bảo Lộc thuyết giảng cho tôi nghe về lý thuyết phong cách sáng tác “hậu hiện đại” của phương Tây (thực ra thông tin về cao trào này đã về tới Việt Nam hơn 30 năm, tới nay đã cũ mèm).



Phá thể, Tự do
Nam Việt Nam những năm 1967-1975 đã bùng phát đội ngũ các nhà thơ trẻ. Họ không phủ nhận tính chất sáng tạo của thể thơ tự do mà nhóm Tạp chí Sáng Tạo (dẫn đầu là Thanh Tâm Tuyền-TTT) cổ vũ, cũng không tìm cách quay về với loại thơ phá thể của thời kỳ Thơ mới (1932-1945). Lớp thi sĩ này làm đủ các thể thơ, thể nghiệm cả những bài thơ dài mỗi câu 6 chữ, 5 hoặc 4 và cả những câu 2 chữ mà Nguyễn Vỹ đã thể nghiệm hồi mấy chục năm trước. Trong tập Tịnh Khẩu (1973), Nguyễn Đức Sơn còn thử nghiệm thêm cả thể thơ “một chữ”, như bài Không Đề:
“ Hột
Thì
Le”
Chữ Việt là ngôn ngữ đơn âm, khó lòng cạnh tranh về âm điệu với các ngôn ngữ đa âm ( tiếng Anh, Pháp, Đức…) thì có nhà thơ tím cách “điệp âm”. Hình thức bây giờ không quan trọng nữa. Miễn sao bài thơ diễn tả được tinh thần hư vô, hoang mang về số phận con người. Hai nền triết học Đông-Tây nay đã gặp nhau trong về sự bế tắt tư tưởng. Giới hoạt động tôn giáo chăn dắt linh hồn con người muốn hòa đồng sự biểu hiện : giáo đường thiết kế gần với kiến trúc đình chùa; các nhà sư tốt nghiệp học vị từ Nhật Bản về xấn tay cổ vũ mô hình “tân tăng” : thầy chùa có thể ngã mặn, có vợ .
Thi ca được xem là đỉnh cao của triết học. Các nhà thơ đã không từ chối sứ mạng hướng tâm hồn con người đến cõi vô vi. Tiếc là thời gian ngắn ngủi (do chiến tranh) và có thể vì “tu luyện” chưa tới nên nhiều cây bút đã lâm cảnh “tẩu hỏa nhập ma”. Người giả khùng giả điên, kẻ sa vào ngợi ca say sưa lãng quên đời qua chén rượu, hay gái giang hồ. Nguyễn Bắc Sơn qua Chiến tranh Việt Nam và tôi trở nên ngạo nghễ qua hình ảnh : Mai ta đụng trận ta còn sống, Về ghé Sông Mao phá phách chơi, Chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm, Đốt tiền mua vội một ngày vui. Vô duyên hơn cả có lẽ là Phạm Thiên Thư khi tự hào làm ra tác phẩm “Đoạn Trường Vô Thanh-ĐTVT” có số câu lục bát dài hơn cả “Đoạn Trường Tân Thanh” !
Về tác phẩm này, cuối 1974 một thi sĩ chân quê ở An Nhơn Bình Định là Nguyễn Câu Mục đã viết một bài phê bình khá dài gửi cho Nam Chữ và tôi để in trong mục Phê Bình của Tập san Thi Ca chuẩn bị ra đời. Đoạn cuối bài viết : “Như ta đã được biết, ý của tác giả là “Cho thơ hòa với mênh mang, Cho mênh mang đọng hạt tràng vô thanh”. Nhưng đi sâu vào tác phẩm thì không có những chứng cớ gì để giải được cái cuộc “đoạn trường” ra cả. Tác giả buộc dây thêm cho Kiều thì có!...Xét nội dung ĐTVT là một câu chuyện bịt mắt bắt bóng. Đem việc hóa thân ra để nói đó là một bất lực lớn của tác giả. Cho nên nó chỉ có giá trị ở những chương rời. Do đó, ta đồng ý với tác giả khi gọi đó là thi tập. Còn hình thức thì tưởng tượngtoàn tập với 3694 câu thơ, mà có trên dưới hai ngàn hình ảnh núi, non, chim, suối, hoa, cỏ, động, rừng, khói, sương,mây trăng, lệ, nước, đàn, hương…thì hỏi thơ làm sao không “ ước lệ”, thơ không “đẹp” được ! Tôi đã đọc ĐTVT kỹ càng, tôi đã tìm xét tỷ mỉ nên tôi nói: Phạm Thiên Thư chỉ mới là bước đầu của người tài hoa, nhưng vì quá lạm dụng tài hoa của mình nên thơ ĐTVT đã trở nên nhàm chán mau chóng. Do đó, ai nói ĐTVT là thứ thơ ở trong lòng tất cả mọi đời người, kẻ ấy thật đáng tội”.
“Ước lệ” là một trong những tính chất của thơ ca âm hưởng phong cách Đường Thi. Những trăng, hoa, tuyết, nguyệt khi đọc lên hiển hiện những hình ảnh, tình cảnh chuẩn mực. Trong nghệ thuật, khuôn mẫu sẽ trở thành sáo rỗng. Chính vì vậy nên hình bóng người kỷ nữ, gót phiêu du, đường phiêu lãng giang hồ…của thế hệ thơ mới đầu tiên qua tháng ngày cũng trở thành rỗng tuếch. Hàn Mạc Tử, Bích Khê mở cửa vào thế giới cuồng loạn của màu sắc và âm thanh. Tất cả rồi cũng bế tắc. Thế hệ thơ kế tiếp, nhóm Xuân Thu Nhã tập đi vào ngữ thanh, sử dụng điệp âm. Chữ nghĩa chỉ chuyển tải âm điệu những “đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà”.

Di cư vào Sài Gòn, năm 1955, Thanh Tâm Tuyền (TTT) mới tròn 21 tuổi dõng dạc tuyên bố: “Trong cái quá trình cấu thành nhạc điệu của” thơ mới” sau khi giải phóng khỏi sự câu thúc của thơ luật, người ta cũng cảm thấy sự nghèo nàn của điệu thơ lẩn quẩn trong bốn câu hay hai câu nối tiếp, nên đã dẫn đến sự sử dụng thể hỗn hợp của ca dao và thơ phá thể…Thơ phá thể chính là biểu hiện của thơ mới ở ngõ cụ, nhạc điệu của thơ phá thể là một thứ nhạc điệu nghèo nàn và giả tạo nhất… Bởi thế thơ hôm nay không dừng lại ở thơ phá thể, thơ hôm nay là thơ tự do”
Làm thế nào để nhận dạng “thơ tự do” ? TTT mạnh dạn giải thích ( về mặt hình thức): …vần điều của thơ tự do là nó không gieo vần theo lối đồng âm đồng thanh, vần của nó là vần ẩn giấu cách xa (có thể đi tới khác ẩm, nghịch thanh), nhịp điệu của nó là sự phối hợp của một toàn thể không khuôn trong một số câu nhất định khiến cho thơ tự do dễ kéo dài hơn các hơi thơ khác”.
Chỉ với hình thức, thì người ta sẽ không nhận ra sự có mặt tất yếu của thơ tự do thời kỳ mới của nghệ thuật. Chịu ảnh hưởng văn hóa phương Tây, TTT đã viện dẫn đến lập luận của triết gia Nietzsche để nói về sự cần thiết của dòng thơ ông đeo đuổi: “Khi nghiên cứu về bi kịch của Hy Lạp, Nietzsch đã phân biệt hai khuynh hướng đối chọi nhau trong nghệ thuật. Với quan niệm nghệ thuật Apollon, nghệ thuật phải đạt được những hình thức toànn vẹn, minh bạch vững vàng, một nghệ thuật của mơ mộng, một cáo Đẹp kết lại được ở hình thức có mẫu mực: nghệ thuật bắt nguồn từ một nhân sinh quan bình yên nhìn ngắm và chấp nhận đời sống. TTT đồng cảm với Nietzsche để cổ vũ cho hướng thứ hai: quan niệm nghệ thuật Dionysos: “nghệ thuật phá vỡ những hình thức sẵn có hỗn loạn trong những niềm cảm xúc, một nghệ thuật của say sưa, một vẻ đẹp hãi hùng mọi rợ, nghệ thuật bắt nguồn từ một nhân sinh quan bi hảm, đắm chìm trong khổ đau không bao giờ chịu chấp nhận. Cái khuynh hướng thứ hai này thường bị hất hủi coi thường, nhất là trong cái xã hội ngưng đọngmấy nghìn năm, ở đây người ta giương mắt thản nhiên nhìn ngắm những đau khổ.”
TTT xác nhận: “Chính từ sự phân biệt của Nietzsche, tôi dùng làm khởi điểm để mở cho người đọc không thấy được sự cách biệt giữa thơ hôm nay với họ mà họ phải vượt qua, không phải là sự cách biệt tầm thường ngoài hình thức mà là chia cách từ căn bản của nghệ thuật, của thơ”.

Chất liệu trần gian

Đi vào lý luận sẽ dễ rơi vào cố chấp. Sự khẳng định về thơ tự do của TTT giúp cho người đọc thấy được nhịp điệu của trí tuệ trong cảm xúc thơ. Nhưng trí tuệ vẫn luôn là…hữu hạn. Trước TTT , một số nhà thơ tài năng đã nhìn ra điều này để đi tìm cái đẹp vĩnh cửu của thơ. Năm 1944, Đinh Hùng cùng với Trần Dần, Vũ Hoàng Địch, Trần Mai Châu… chủ trương thực hiện giai phẩm Dạ Đài, tự nhận mình là thi sĩ tượng trưng và tuyên bố: "Chúng tôi sẽ nối lại nghiệp dĩ của Baudelaire, tâm sự của Nguyễn Du – sự nổi loạn và ra đi của Rimbaud – nỗi cô đơn của những nhà thơ lãng mạn. Chúng tôi sẽ vén cao bức màn nhân ảnh, viết lên quỹ đạo của trăng sao – đường về trên cõi chết... Thi sĩ tượng trưng chúng tôi sẽ nói lên và chỉ nói lên bằng hình tượng, thứ ngôn ngữ tân kỳ, ngôn ngữ của thế giới yêu ma, của những thế giới thần nhân mà cũng là thế giới âu sầu đây nữa. Bằng hình tượng, chúng tôi sẽ kể lại những câu chuyện xa xưa người ta kể cho chúng tôi nghe dưới ngọn đèn. Chúng tôi sẽ tìm hiểu linh hồn của những ca dao, tục ngữ. Chúng tôi sẽ tượng trưng hóa cái sức rung động của trẻ em trước chuyện cổ tích hoang đường và sức rung động của gã nông phu trước những bản đồng dao thuần phác..."
Thi sĩ Đinh Hùng (1920-1967) đã thử nghiệm diễn tả cảm xúc bằng sự pha trộn nhiều thể loại trong một bài thơ. Đến năm 1954 ông mới tập hợp những bài thơ làm theo xu hướng đã tuyên ngôn để xuất bản thành tập Mê Hồn Ca. Những câu trong bài “Gửi người dưới mộ” là một nổ lực đổi mới hình thức thơ phá thể:
… “Cười lên em !
Khóc lên em !
Đâu trăng tình sử
Nép áo trần duyên ?

Gót sen tố nữ
Xôn xao đêm huyền
Ta đi lạc xứ thần tiên
Hồn trùng dương hiện bóng huyền U Minh

Ta gửi bài thơ anh linh
Hỏi người trong mộ có rùng mình ?
Nắm xương khô lạnh còn ân ái ?
Bộ ngực bi thương vẫn rợn tình ?
……..

Đừng cố chấp với hai chữ “tượng trưng”, sẽ dễ nhận ra rằng hình thức thể hiện của một bài thơ không là quyết định. Cái đẹp đích thực chính là bề sâu tâm hồn mà nó mang tới.
Thơ ca Miền Nam trong giai đoạn cuối (1967-1975) tự do trình diện nhiều món. Cả những cây bút hàng đầu của nhóm Sáng Tạo, như Tô Thùy Yên, và cả Thanh Tâm Tuyền sau 1975, khi đi “học tập cải tạo” về, đã không ngần ngại sử dụng lối thơ phá thể. Nhưng trong sự ràng buộc của cách gieo vần, vẫn thể hiện được nghệ thuật theo “quan niệm Dionysos”. Phải chăng trong một bát canh rau tập tàng, người nấu khéo, thấu hiểu tính năng của từng loại rau cỏ, có thể thêm thắt nhiều loại, và lại làm cho bát canh thêm thi vị. Ngoài đọt mướp, tàu bay, cải trời, có người cho thêm cả những đọt “hoa cứt lợn” tức cỏ hôi vào cho nồi canh thêm ý vị !
Tôi nhớ lời Tản Mạn của mình trên Tập san Thi Ca về vấn đề này :“Lời như nước chảy mây trôi, như bập bùng ma đuốc. Kẻ còn ở trong giới hạn tất nhiên của một kiếp người, có mấy khi tới được chốn của nước chảy mây trôi. Sao vẫn muôn đời đi tìm những quy định cho mây gió, mẫu mực của bao la ? Chỉ có tể là Thơ khi chất liệu của trần gian chảy qua máu xuống người thi sĩ, và trở lại là mây khói hư không. Giữa hai tầng trên dưới, Đẹp là chốn thăng bằng. Thơ đâu chỉ thuần cái Đẹp, đâu chỉ là Nhạc”. ( Bài “Tin sương luống những rày trông mai chờ”, ký bút hiệu Huyền Thạch)
Mấy câu thơ “truyền mạng” của Tô Thùy Yên qua bài lục bát “Hái rau” làm thú vị thêm về hai chữ “tập tàng”:
Chiều ra đồng hái rau hoang
Nghe buồn trong gió thổi tràn mặt da
Ơn trời ơn đất bao la
Hái đi này những xót xa kiếp người
Cổ kim chung một giải trời
Kinh thi cũng có bóng người hái rau
Lâu rồi nhật nguyệt tiêu tao
Tập tàng góp nhặt, trả hầu nợ thân
Cơ trời núi đổ, sông dâng
Miếu đường bay mái, thánh thần lạc thây…

( Còn nữa)

Không có nhận xét nào: