Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

BÀN TAY NGUỒN CỘI - NGUYỄN THÁI KHOA

Đôi tay của họ vươn ra để ôm con trai và cháu gái trước khi từ biệt cũng chới với trong không trung khi cả chồng và con tôi đều lách người né tránh. Đôi mắt ngân ngấn nước của họ khi nhìn theo dáng chúng tôi đi xa dần cứ làm tôi trăn trở mãi.
Con gái tôi đi học ở trường quốc tế. Một ngày nọ, nó trở về nhà và than phiền rằng đôi bàn tay của nó quá thô thiển, không có ngón nào búp măng thể hiện sự quý phái như một số bạn của nó cả. Tôi xoa đầu con, dỗ dành nó khi chuẩn bị đi ngủ. Tôi nhắc lại rằng hình dáng bên ngoài mang yếu tố di truyền, bàn tay của con đã rất thon thả và đẹp hơn bàn tay của mẹ rất nhiều rồi đó. Con gái cầm tay của tôi lên nhìn ngắm. Nó nhăn mặt, rồi tặc lưỡi khi nhớ đến bàn tay sần sùi của mẹ tôi. “Mỗi khi bà ngoại vuốt má con là con rùng cả mình. Tay của ngoại nhăn nhúm hết rồi mẹ à…”.

Hình ảnh người mẹ già ở quê, mỗi ngày cầm chổi tre quét khoảnh vườn rộng, giặt đồ bằng tay, chẻ củi và cả gánh nước vì “quen rồi con ạ” làm lòng tôi chùng xuống. Tôi thở dài, nói với con như răn dạy “dù sao thì đó cũng là cội nguồn, để nhắc con nhớ nguồn gốc xuất thân của mình đó”. Không ngờ lời nói này lại là ngọn lửa châm ngòi cho cuộc chiến tư tưởng giữa tôi và chồng ngay sau đó. Anh bảo cái nguồn gốc xuất thân đó có gì đáng để mà tự hào? Cuộc sống bây giờ có được do sự nỗ lực từ hai bàn tay trắng của cả hai vợ chồng mình không đáng để kiêu hãnh với đời sao? Đẳng cấp mà con có như hiện nay cần được khuyến khích để con tự tin hơn nữa chứ đâu cần những gáo nước lạnh về xuất thân của tôi để con của anh trở nên tự ti và nhụt chí?

Người mẹ già của tôi và cả của anh vẫn quẩn quanh ở xóm quê với đôi tay ngày càng gầy guộc, nhăn nheo hơn nữa sau những mùa gió đông thổi. Họ chỉ nở nụ cười méo mó và xoa tay vào nhau sau khi con tôi né tránh cái xoa đầu nựng nịu, đầy yêu thương. Rồi cũng thật khéo léo khi họ chối từ lời mời lấy lệ của vợ chồng tôi về việc mong họ dọn về sống chung nhà với mình.

Đôi tay của họ vươn ra để ôm con trai và cháu gái trước khi từ biệt cũng chới với trong không trung khi cả chồng và con tôi đều lách người né tránh. Đôi mắt ngân ngấn nước của họ khi nhìn theo dáng chúng tôi đi xa dần cứ làm tôi trăn trở mãi. Nhưng ngày qua ngày, những bàn tay êm dịu của các cô massage xinh đẹp, các cô thợ gội đầu biết chiều khách, của các cô chăm sóc móng và cả da tay… đã giúp lấp đầy những trăn trở ám ảnh của cả ba chúng tôi về những bàn tay.

Chúng tôi tự vỗ về lương tâm bằng việc gửi tặng những thứ mỹ phẩm dưỡng da xa xỉ cho hai bà mẹ già vào mỗi dịp giỗ, Tết dù biết rằng các cụ chẳng bao giờ dùng. Thế rồi đùng một cái, kinh tế khủng hoảng, bão giá ập đến kéo chúng tôi về lại đúng cái vị trí trong cuộc đời thật của mình. Chúng tôi phải dọn ra sống trong một khu nhà trung bình, phải bán lỗ cái chung cư cao cấp đang trả góp tiền cho ngân hàng vì lãi suất bỗng tăng đột biến.

Người chồng của tôi phải nằm nhà suốt tháng không vì bất cứ căn bệnh nào nhưng anh không gượng dậy nổi sau cú mất việc và được những chỗ khác đề nghị mức lương “chỉ đủ mua rau muống ăn cơm”. Con tôi đã thôi không bức xúc vì sự thua thiệt bạn bè khi “chúng nó có ô sin và tài xế riêng lái xe hơi đi đón mỗi ngày mẹ à”. Nó đã hòa nhập rất nhanh trong một trường trung học bình thường và tỏ ra rất vui vẻ khi không phải cố gắng chứng minh đẳng cấp. Rồi hai người mẹ già của chúng tôi cũng quày quả đến ở chung để giúp chăm con vài tháng. Căn hộ giờ khá nhỏ nhưng có vẻ rất thích hợp cho mái ấm luôn đầy tiếng cười này.

Con gái nhỏ của tôi đã thôi tìm cách trốn khỏi đôi tay gầy guộc, nhăn nheo của các mẹ. Nó đã biết cách lưu ý “bà nhớ rửa tay sạch sau khi quét nhà nhé” rồi nhoài người đến hôn lên má của hai bà. Tôi đã đứng tần ngần rất lâu bên cửa phòng của chồng khi thấy anh kéo bàn tay của mẹ áp lên má của mình và rươm rướm nước mắt. Mẹ chồng tôi thì dùng bàn tay còn lại vuốt lên mái tóc đã bắt đầu bạc của anh. Cuộc sống của chúng tôi lại bừng lên như được tiếp đầy năng lượng từ những đôi bàn tay của hai người mẹ. Chúng tôi bắt đầu lập kế hoạch để phát triển sự nghiệp trở lại cũng bằng chính đôi bàn tay này và không quên dạy con của mình bài học về sự kỳ diệu của đôi tay.

Nguyễn Thái Khoa ( vnepress.net)

Không có nhận xét nào: