Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

CHẮP TAY DÒNG ĐỜI ( KỲ 15 ) - VÕ CHÂN CỬU

Gỗ và Đá
Dưới lòng suối những rễ cây vô tình ngoạm đá. Dâu biển tang thương, phá xong những cánh rừng, người ta moi đến gốc. Những rễ cây ôm đá qua các nhà sinh vật cảnh đã thành các món hàng vô giá.
Dòng chảy 21 năm VHMN có thể sẽ được đào xới lên theo nhiều kiểu cách. Một nhà khoa học sinh học chăm bẳm vào các đề tài nghiên cứu, khi nhìn thấy các món sinh vật cảnh này quả quyết qua tháng năm, nó tích tụ nhiều chất phóng xạ. Có loại đem chưng trong nhà sẽ rất độc hại. Cách nhìn duy vật thô sơ vẫn xem gỗ và đá là những loài vô cơ. Cách nhìn mới cho rằng trong đó sự sống vẫn dịch chuyển. Có khi nó chứa đựng cả phần hồn ! Thật vậy chăng ?

Linh cảm
Trong lĩnh vực văn chương, có người vẫn tin hoặc muốn tạo ra những tác phẩm “phi thời gian”. Điều ấy rõ ràng là không thể, nhưng vẫn có nhiều ngụy biện. Dù bắt nguồn từ khuynh hướng hay trường phái nào, tác phẩm văn chương, nhất là thơ ca cũng phải từ cảm xúc của con người. “Khi cảm xúc bị tác động thì trong lòng phát ra lời với âm hưởng và tiết tấu. Đó được gọi là Thơ. Như vậy, Thơ dùng biểu lộ tình cảm và tư tưởng con người”. Định nghĩa mang tính nhập môn ấy hình như được công nhận trên toàn thế giới. Nhưng có một ngày những người cầm quyền lại phủ nhận, bắt thơ phải phục vụ cho điều này, điều nọ…Từ đó cho rằng những vần thơ không xuất phát từ cảm xúc hiện thực không phải là thơ. Họ quên mất khả năng “linh cảm” của thơ…
Trước và sau biến cố 1975, các nhà thơ Miền Nam cảm nhận ra sao ? Đâu phải ai cũng phải miêu tả bằng những tiếng súng đạn, sự rên rỉ…Trong khi tôi cảm nhận với những “Tiếng chà xát của mây trong khí / Gió sang mùa mộng mị sang canh”… thì ở Bình Thuận, Lê Nguyên Ngữ, một thi sĩ mặc áo lính nghe được những cơn “gió bấc” vào cuối 1974 :

TRỞ BẤC
Có phải bấc đã xoay chiều
Vào những cửa nhà không cánh của quê ta ?
Gió thổi sắt se trên cánh đồng như lùng tìm mùa lúa mới
Hương cốm cũ theo về phảng phất
Trên bàn thờ khói lạnh hương tàn
Con cháu nào đã bỏ tổ tiên
Xa chạy cao bay

Có phải gió bấc đang nôn nao nỗi khát thèm
Viền đường bay áo mới
Ngọn cỏ vàng đong đưa vô tình
Rung nỗi bơ vơ lên khung trời xám nhạt bao la
Dưới cầu ao xưa
Lũ bèo cũng đang khát thèm
Âm khua rỗ rá

Có phải gió bấc bây giờ
Đang ruổi rong bằng vó ngựa bất kham
Và rượt đuổi mùa đông
Khắp ngõ hẻm hang cùng
Ôi quê ta, quê ta
Kỷ niệm nào đang run trong mùa đông rét ngọt
Bên hàng cây ngọn rẫy rất vô tình

Cơn bấc nào đã lì lợm tìm về
Trên quê ta, quê ta
Bằng đôi cánh tuyệt vời
Đang trùm khắp mùa đông binh lửa
Bằng ngõ đến tuyệt vời
Bấc làm người lạ mặt giữa quê ta
(Tạp chí Thời Tập)

Trong những năm cuối của cuộc chiến tranh tệ hại, có khá nhiều bài thơ được phổ nhạc. Có những bản đưa bài thơ được phổ nhạc trở nên nổi tiếng. Từ đó lại có những tranh cãi rằng “Thơ có trước hay Nhạc có trước ” –mà quên mất rằng “ngôn ngữ thơ” luôn “đượm tính âm nhạc”. Hóa giải cho sự tranh cãi này, có thể là các ví von của dân gian : “Thơ với nhạc như hoa với bướm”. Hoặc cách đổ thừa cho rằng mỗi tác phẩm nghệ thuật ra đời đều có số phận riêng của nó, có thể được nhiều người thích hoặc không thích ! Ngay cả với Trịnh Công Sơn, một nhạc sĩ luôn có lời nhạc đượm chất thơ, cũng có những bản nhạc không được cho là hay; nhưng nếu đọc lời, bài thơ lại rất ý vị ((Bài hát cùng tựa đề) :
KHÓI TRỜI MÊNH MÔNG
Ta về nơi đây phố xưa dấu đạn
Con đường bên sông cỏ lá buồn tênh
Ta về nơi đây tháng năm quá rộng
Ðường xưa em lại thấp thoáng bàn chân

Ta về nơi đây thoáng nghe gió lạnh
Hết mùa thu sang đã đến ngày đông
Những hàng cây xanh đón em áo lộng
Bây giờ ta nhìn khói trời mênh mông

Ta về nơi đây bỗng im tiếng động
Ðã về trên sông những cánh bèo xanh
Có còn trong em những đêm gió lộng
Ngồi bên hiên nhìn bến nước đầy dâng

Có còn trong em những cây nến hồng
Những cầu qua sông những chút tình duyên
Gió trời lênh đênh nhớ con phố hẹn
Ta nhìn ta về giữa trời hư không...

Có một thi sĩ khá cực đoan, không bao giờ muốn thơ mình được phổ nhạc: Nguyễn Đức Sơn. Nỗi ước mơ hòa bình của anh được diễn tả đượm màu tiêu dao:

MAI KIA
Mai kia tan biến hận thù
Giữa đêm sao chiếu mịt mù phương đông
Cha về ôm cả biển sông
Duỗi chân duỗi cẳng nằm không một đời
Cho con cha hứa một lời
Đuổi mây thiên cổ rong chơi tối ngày
Thu nào tóc bạc òa bay
Có con chỉ trỏ mới hay tuổi già
Cúi hôn trời đất đậm đà
Cha tan theo bóng trăng tà vạn niên.

Câu đá, câu mây
Ước mơ đơn giản ấy không dễ gì có được. Nhiều tình huống phải tan hoang sau biến cố “có triệu người vui nhưng cũng có triệu người buồn” – như cách nói của một nhà chính trị !

Sau sự kiện “long trời lở đất”, các thi sĩ không theo yêu cầu “thơ phải thế này, thế nọ” sinh sống và cảm xúc ra sao ? Ai cũng có một khoảng trời, một thiên đường mơ ước. Mỗi người chọn môt chốn ẩn giấu, làm nơi dung thân mình. Vẫn chất giọng không thay đổi, Nguyễn Bắc Sơn “Xin bái biệt những người tin rằng thi sĩ chết”:

Bỏ xứ
Mười năm nhỉ, mười năm khuất nhục
Ngồi khua ly trong quán cô hồn
Cô độc quá người thanh niên khí phách
Trời đất bao la mà không chỗ dung thân.

Kỳ lạ nhỉ, giờ đây ta bỏ xứ
Theo trái phong du níu gió lên trời
Xin bái biệt cổ thành với nhà ga hoang không thiết lộ
Khói của chòi rơm, bãi cát trăng soi.

Xin bái biệt những người tin rằng thi sĩ chết
Và hi hô tát cạn dòng sông
Khi giã từ, ta tặng cho các ngươi cái búa
Ðể đốn đời thánh hạnh của cây thông.

Ở Ðà Lạt, ngoài khung cửa kính
Giàn su xanh thở ấm má em hồng
Và tôi, kẻ mười năm không áo lạnh
Biết đời mình đủ ấm hay không?

Ở Ðà Lạt ta tha hồ cuốc đất
Và tha hồ ẩn hiện giữa ngàn cây
Sẽ đi tìm cây cần trúc nhỏ
Ra hồ ngồi, câu đá câu mây.

Ở Ðà Lạt, lạc đàn dăm bảy đứa
Còng lưng ra mà cõng ba-lô
Những hào sĩ đứng bên bờ nhật nguyệt
Vỗ tay cười khinh lớp sóng lô nhô.

Thư:
Từ gợi ý của một số bạn hữu thân thiết, Tản mạn văn học Chắp Tay Dòng Đời đã trải qua 15 kỳ. Một phần góc khuất trong 21 năm Thơ ca Miền Nam được khơi dòng từ một người thuộc lớp sau cùng của VHMN. Các tản mạn đa phần có tính hồi ký, nên có một số chi tiết đã được góp ý nên chỉnh lại cho chuẩn xác, và thú vị hơn.
Người viết xin tạm ngưng truyền mạng 5 kỳ còn lại, và hy vọng Võ Chân Cửu - Chắp Tay Dòng Đời có thể sẽ được in thành sách vào cuối năm 2012.

Võ Chân Cửu

Không có nhận xét nào: